Ẩn dụ về ba chữ Ngộ trong Tây Du Ký

MC : Thưa quý vị, trong tác phẩm Tây du ký ba đồ đệ chính của Đường Tăng là Tôn ngộ không, Trư bát giới và Sa tăng thì Trư bát giới và Sa tăng còn có tên là Trư Ngộ năng và Sa Ngộ tĩnh. Như vậy ba vị độ đệ đã đồng hành cùng Đường Tăng đi Tây trúc thỉnh kinh đều có chữ Ngộ. Vậy ba chữ ngộ này ẩn dụ cho cái gì trong PG. Tôi là … sẽ cùng quý vị thỉnh thiền sư Nguyên Tuệ giải mã ẩn dụ này.

* Hỏi : Thưa sư, trong Tây du ký nhân vật nổi bật nhất là Tôn ngộ không còn được gọi là Tôn hành giả, nhân vật thứ hai là Trư bát giới còn được gọi là Trư ngộ năng và nhân vật thứ ba là Sa tăng còn được gọi là Sa ngộ tĩnh.

Cả ba nhân vật đi thỉnh kinh này đều có chữ ngộ nhằm nói đến cái gì trong Phật Giáo ạ ?

* Đáp : Ba nhân vật này đều có chữ NGỘ là ám chỉ đến chử Ngộ trong thiền tông Trung hoa. Đó là thiền đốn ngộ, đó là lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu hay tu vạn kiếp ngộ nhất thời vv…

– Nhưng chữ ngộ mà tác giả dùng làm tên gọi cho ba vị độ đệ này còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Đó là ám chỉ mục đích của việc tu hành Phật Giáo là để giác ngộ. Vậy tu hành trong PG là để giác ngộ cái gì ?

– Một là giác ngộ tánh không thông qua tên gọi Tôn ngộ không.

– Hai là giác ngộ về Năng kiến tức là giác ngộ về Tâm biết tiếng Hán là Năng kiến chứ không phải là giác ngộ về Thế giới mà tiếng Hán gọi là Sở kiến thông qua tên gọi Trư Ngộ năng.

– Ba là giác ngộ Diệt đế là Khổ diệt hay Niết bàn, trạng thái tâm tịch tịnh không có vô minh, không tham sân si, không khổ vui thông qua tên gọi Sa ngộ tĩnh.

* Hỏi : Thưa sư, TÁNH KHÔNG là một từ rất thời thượng của Phật giáo, hấp dẩn rất nhiều người, một cái gì đó rất cao siêu, huyền nhiệm lôi cuốn mọi người nhưng cũng hết sức mơ hồ, trừu tượng khó mà hình dung ra được. Vậy mục đích tu hành là để giác ngộ ra tánh không là giác ngộ về cái gì ạ ?

* Đáp : Trước tiên phải hiểu từ GIÁC NGỘ là gì đã. Hiểu biết đối tượng thực tại tức những đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận đó là cái gì, tính chất ra sao là nội dung của tâm biết ý thức. Và có hai loại hiểu biết. Một là hiểu biết sai sự thật về đối tượng đó, hiểu biết đó gọi là vô minh, tà kiến, vọng tưởng, mê lầm. Hai là hiểu biết đúng sự thật đối tượng đó gọi là minh, chánh kiến, trí tuệ và còn được gọi là Giác Ngộ.

* Hỏi : Vậy thưa sư, theo chúng con hiểu, trong Phật giáo Giác ngộ là giác ngộ về Tứ thánh đế, giác ngộ về Bốn sự thật mà Đức Phật đã giác ngộ sao lại còn giác ngộ về Tánh Không nữa ạ ?

* Đáp : Đúng là Đức Phật giác ngộ là giác ngộ về Tứ Thánh đế và Ngài cũng chỉ truyền dạy điều mà ngài giác ngộ là Tứ Thánh đế.

Nhưng trong Tứ Thánh Đế gồm có Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Tánh Không thuộc về Đạo đế nên giác ngộ Đạo đế là giác ngộ về Tánh không.

* Hỏi : Xin sư giảng giải cho chúng con hiểu giác ngộ Đạo đế là giác ngộ về Tánh không là như thế nào ạ ?

* Đáp : Khi tu tập Bát chánh đạo không những phải kinh nghiệm, phải thân chứng mà còn phải hiểu biết đúng sự thật hay Tuệ tri lộ trình tâm Bát chánh đạo. Đó là : khi căn trần tiếp xúc phát sinh đồng thời thọ tưởng tiếp đến chánh niệm – chánh tinh tấn – chánh định khởi lên, lúc đó tâm biết trực tiếp giác quan sẽ ghi nhận đối tượng rõ ràng minh bạch, không thêm bớt nên gọi là Tỉnh giác. Tiếp đến chánh tư duy – chánh tri kiến khởi lên. Có những trường hợp sẽ có như lý tác ý làm phát sinh chánh ngữ, chánh nghiệp chánh mạng. Đó chính là lộ trình tâm bát chánh đạo. ( m.hoạ BCĐ ) XÚC- [Thọ – Tưởng]- Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – (Tỉnh giác )- Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Như lý tác ý – { Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng}

– Khi có Chánh niệm về thân cụ thể là NHỚ ĐẾN tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân lộ trình tâm dừng lại tâm biết Tỉnh giác chỉ ghi nhận đối tượng mà triết học và tâm lý học gọi là nhận thức cảm tính đối tượng. Lúc đó thân chứng và tuệ tri được tính chất của tâm biết Tỉnh giác không có khái niệm, không có ngôn từ, không có phân biệt mà nói theo tiếng Hán Việt là vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt. Đó gọi là thân chứng Không tánh hay Tánh không. An trú Không tánh là an trú Không giải thoát ( m.hoạ BCĐ đến tỉnh giác ). XÚC – [Thọ – Tưởng]- Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – ( Tỉnh giác ).

– Khi có Chánh niệm về thọ, về tâm, về pháp thì lộ trình tâm bát chánh đạo sẽ có thêm chánh tư duy, chánh tri kiến. An trú chánh tri kiến là an trú trí tuệ, an trú giải thoát. Giải thoát này gọi là Tuệ giải thoát ( m. hoạ BCĐ ). XÚC – [Thọ -Tưởng]- Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – (Tỉnh giác )- Chánh tư duy – Chánh tri kến.

Tâm biết ý thức Chánh tri kiến còn có tên gọi khác là tâm vô tướng. Nghĩa là như thế nào ? Nghĩa là tâm biết ý thức tà tri kiến trên Bát tà đạo cho rằng các đối tượng của thực tại là thế giới vật chất nên có tướng trạng to nhỏ, dài ngắn vuông tròn, đàn ông đàn bà … nên đó gọi là tâm hữu tướng. Còn tâm biết ý thức chánh tri kiến trên Bát chánh đạo, biết như thật các đối tượng đó là Cảm thọ, nó là tâm chứ không phải vật chất. Và đã là tâm thì không có tướng vuông tròn to nhỏ vv… nên đó gọi là tâm vô tướng. Đây gọi là thân chứng Không tướng hay Vô tướng. An trú tâm vô tướng là an trú vô tướng giải thoát.

– Khi lộ trình tâm Bát chánh đạo, có Chánh tri kiến thì có thể phát sinh như lý tác ý và do như lý tác ý sẽ phát sinh chánh ngữ chánh nghiệp chánh mạng. Chánh ngữ, chánh nghiệp chánh mạng trên Bát chánh đạo không còn tham sân si nên không phải là nhân tạo tác ra khổ vui, vì vậy được gọi là Không tác hay vô tác. An trú không tác hay vô tác là an trú vô tác giải thoát. XÚC – [Thọ – Tưởng]- Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – (Tỉnh giác )- Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Như lý tác ý -{Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng}

– Như vậy, thân chứng và tuệ tri Tánh không bao gồm ba cái không : KHÔNG TÁNH, KHÔNG TƯỚNG, KHÔNG TÁC nói tắt là KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TÁC và cũng là thân chứng và tuệ tri Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát.

* Hỏi : Thật là vi diệu, thưa sư. Tánh Không gồm Không, Vô tướng, Vô tác là tánh không của tâm Bát Chánh Đạo. Đây là điều đặc biệt phải ghi nhớ về tánh không. Nhưng đáng tiếc hiện nay, rất nhiều bộ phái Phật Giáo và đa số người học lại cho rằng tánh không là tánh không của vạn vật, của thế giới, của vũ trụ vạn hữu. Tại sao lại như vậy, thưa sư ?

* Dap : Tại vì, mọi người cho rằng thực tại là thế giới vật chất Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp nên họ gán cho tánh không là tánh không của thế giới vật chất đó. Vì để giải quyết vấn đề nguồn gốc thế giới vật chất, nên y theo học thuyết duy tâm họ chủ trương có thế giới bản thể và thế giới hiện tượng gọi là Chân đế và Tục đế. Thế giới bản thể hay Chân đế còn gọi là Chân Không, là Tánh không, là Chân tâm, là Bản tâm là Niết bàn, vô tướng không sanh không diệt. Và như vậy Tánh không là cái chân không diệu hữu của thế giới bản thể chân đế đó. Từ nền tảng chân đế đó phát sinh Thế giới hiện tượng vô thường sinh diệt ( Tinh thần có trước vật chất có sau, Tinh thần là thượng đế toàn năng sáng tạo ra thế giới vật chất ). Chân đế, thế giới bản thể không sinh không diệt và Tục đế thế giới hiện tượng vô thường sinh diệt là hai mặt của thế giới thực tại. Tục đế phát sinh từ Chân đế, khi diệt đi lại trở về Chân đế, Tục đế là biểu hiện của Chân đế trên mặt hiện tượng, Chân đế là nền tảng của Tục đế trên mặt bản thể. Tánh không họ hiểu là của thế giới bản thể chân đế là như vậy.

* Hỏi : Thì ra là vậy, vì hiểu biết sai lạc thực tại này vốn là TÂM LÀ CẢM THỌ lại cho rằng thực tại này là THẾ GIỚI VẬT CHẤT nên mới suy diễn lời dạy về Tánh không của Phật là Tánh không của vũ trụ. Thưa sư về Tôn ngộ không, con còn có một câu hỏi mong sư giải thích. Đó là tại sao không ai khác mà chính tổ sư Tu bồ đề đặt cái tên Tôn ngộ không cho con khỉ sinh ra từ tảng đá đó ? ( minh hoạ )

* Đáp : Việc này ám chỉ trong kinh điển có lưu truyền Tu bồ đề một vị đại đệ tử của Đức Phật là vị đệ nhất thuyết pháp về Tánh Không.

* Hỏi : Còn chữ ngộ thứ hai là Trư ngộ năng thuộc về Trư bát giới là giác ngộ về Năng kiến trong cái cặp Năng kiến- Sở kiến nội dung là như thế nào ạ ?

* Đáp : Trong cái tâm biết ý thức của nhân loại thường được gọi là nhị nguyên Tâm Vật nghĩa là cái biết là Tâm, đối tượng được biết là Vật, là thế giới vật chất. Ngoài từ nhị nguyên Tâm Vật còn có một cách nói khác. Đó là Tâm biết gọi là Năng kiến và đối tượng biết gọi là Sở kiến gọi tắt là Năng Sở. Đây là các thuật ngữ Phật học tiếng Hán.

– Đa phần nhân loại theo hiểu biết nhị nguyên Tâm Vật nên đã mặc định thực tại là thế giới, là Sở kiến nên họ gắn cho Đức Phật giác ngộ về thế giới, giác ngộ tánh không của thế giới vạn vật, tức giác ngộ về Sở kiến.

– Sự thật Đức Phật không giác ngộ về thế giới, về Sở kiến như các tư tưởng đương thời mà Ngài giác ngộ thực tại là Cảm thọ, là tâm chứ không phải vật chất. Trong bản kinh Phạm võng thuộc Trường bộ kinh lời tuyên bố về sự giác ngộ của Ngài được lặp đi lặp lại cả trăm lần . Này các Tỷ kheo, Như Lai biết rằng “Những SỞ KIẾN ấy, những chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa và Ngài không CHẤP SỞ TRI ấy. Nhờ không chấp sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sư tập khởi, sự đoạn diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ.

-. Giác ngộ Năng kiến chứ không phải giác ngộ về Sở kiến là giác ngộ Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về Tâm biết của người thấy, tức Năng kiến chứ Khổ Tập Diệt Đạo không có trong đối tượng được thấy tức Sở kiến là thế giới bên ngoài. Ví như người chồng cưới được người vợ xinh như hoa hậu lúc đó thấy vợ xinh anh ta thích thú yêu quý nên anh ta hạnh phúc. Một thời gian sau biết vợ đang ngoại tình nên thấy vợ liền giận ghét nên anh ta khổ. Cùng thấy một người đàn bà xinh đẹp nhưng lúc Hạnh phúc, lúc lại khổ đau. Cùng thấy một người đàn bà xinh đẹp, anh chồng thì khổ nhưng anh tình nhân lại hạnh phúc. Vì vậy Hạnh phúc khổ đau thuộc về tâm của người thấy tức thuộc Năng kiến chứ không có trong đối tượng được thấy tức Sở kiến.

– Tất cả các đối tượng thực tại, tức là các đối tượng ĐƯỢC THẤY, thuật ngữ Phật học tiếng Hán gọi là SỞ KIẾN không có chân hay vọng, thật hay giả, đẹp hay xấu, có hay không vv.. mà chân vọng, thật giả đẹp xấu, có không vv… phát sinh nơi tâm của NGƯỜI THẤY mà thuật ngữ Phật học gọi là NĂNG KIẾN. Đức Phật giác ngộ về Năng kiến là giác ngộ về Thấy và Biết, giác ngộ hai loại Thấy và Biết Minh của bậc Thánh và Vô minh của Phàm phu. Trí tuệ phân biệt rốt ráo Minh và Vô minh mà thuật ngữ Phật học gọi là Trạch pháp sẽ xoá bỏ Vô minh trong bộ nhớ và thời điểm đó là đột chuyển, là giác ngộ.

– Vậy Người học Phật là để giác ngộ về Năng kiến, giác ngộ về Tâm chứ không phải giác ngộ về Sở kiến, về Thế giới cho nên có chữ Ngộ Năng ám chỉ điều này.

* Hỏi : Vậy thưa sư, chữ ngộ thứ ba là Ngộ tĩnh là giác ngộ về Khổ diệt hay Niết bàn là giác ngộ như thế nào ạ?

* Đáp : Khi tu tập Bát chánh đạo lộ trình tâm Bát chánh đạo khởi lên, không những thân chứng, tuệ tri được Đạo đế là Bát chánh đạo với Tánh Không là Không , Vô tướng, Vô tác ( m.hoạ sơ đồ ) mà còn thân chứng, còn tuệ tri được Diệt đế hay tiếng việt là Khổ diệt mà thuật ngữ Phật học gọi là Niết bàn hay thân chứng, tuệ tri được giải thoát gồm Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát ( m.hoạ sơ đồ ).

– Khổ diệt hay Niết bàn là trạng thái tâm Bát chánh đạo không có vô minh, không có tham sân si, không có khổ vui với bất kỳ đối tượng nào. Trạng thái vắng lặng vô minh, vắng lặng tham sân si, vắng lặng khổ vui với mọi đối tượng được gọi là tịch tịnh hay là Niết bàn. Vì vậy tu học để giác ngộ tịch tịnh, giác ngộ khổ diệt hay Niết bàn là như vậy. Đó là ẩn dụ về Sa ngộ tĩnh.

MC : Chúng con tri ân những sự chỉ dạy của sư ạ.

Thiền sư Nguyên Tuệ (31.5.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời