BA TRỤ CỘT CỦA PHÁP HÀNH

Pháp hành phải được hiểu là pháp hành Bát Chánh Đạo, là thực hành để khởi lên tám chi phần của Bát Chánh Đạo bao gồm: Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Khi đã có Văn Tuệ và Tư Tuệ đầy đủ và chính xác (đó là chuẩn bị cho sự tu tập) thì khi tu tập lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ khởi lên và đây là lộ trình tâm của bậc Thánh hay Bát Chánh Đạo Siêu thế (gian). Lộ trình đó khởi lên theo thứ tự sau:

Xúc ➡ Thọ – Tưởng ➡ Chánh Niệm ➡ Chánh Tinh Tấn ➡ Chánh Định ➡ (Tỉnh Giác) ➡ Chánh Tư Duy ➡ Chánh Tri Kiến ➡ Như Lý Tác Ý ➡ Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Lộ trình Bát Chánh Đạo siêu thế có ba pháp căn bản, tạo thành cái trục chính, là ba trụ cột của lộ trình. Đó là: CHÁNH NIỆM – CHÁNH ĐỊNH – CHÁNH TRI KIẾN, gọi tắt là Niệm – Định – Tuệ. Thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế là để Tuệ tri (hiểu biết như thật hay hiểu biết với trí tuệ) tất cả các pháp trên lộ trình này, cũng có nghĩa là Tuệ tri Khổ Diệt (Niết Bàn) và Con đường đưa đến Khổ Diệt. Muốn đạt được mục đích đó, trước tiên phải Tuệ tri được ba trụ cột này. Đương nhiên để Tuệ tri ba trụ cột này phải đi theo lộ trình Văn – Tư – Tu mà Đức Phật đã thuyết giảng. Văn – Tư là nghe giảng và tư duy về điều được nghe giảng về ba trụ cột và Tu là thực hành để đạt được Chánh Tri Kiến, là hiểu biết như thật về ba trụ cột. Ba trụ cột đều gồm bốn pháp, cụ thể Chánh Niệm gồm bốn, đó là Tứ Niệm Xứ. Chánh Định gồm bốn pháp, đó là Tứ Thiền. Chánh Tri Kiến gồm bốn pháp, đó là Tứ Thánh Đế.

1 – CHÁNH NIỆM chính là Tứ Niệm Xứ bao gồm:

Niệm Thân là nhớ đến chú tâm quán sát thân nơi thân

Niệm Thọ là nhớ đến chú tâm quán sát thọ nơi thọ

Niệm Tâm là nhớ đến chú tâm quán sát tâm nơi tâm

Niệm Pháp là nhớ đến chú tâm quán sát pháp nơi pháp Chánh Niệm là “nhớ đến” chú tâm quán sát Thân Thọ Tâm Pháp chứ không phải là Ghi nhận hay Hay biết. “Ghi nhận” hay “Hay biết” là phận sự của Thức chứ không phải của Niệm, hành vi Niệm chỉ là “nhớ đến”. Cái Biết có phận sự “Hay biết” trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo bao gồm: Tỉnh Giác (cụ thể là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức) và Chánh Tri Kiến (ý thức).

2 – CHÁNH ĐỊNH là Tứ Thiền bao gồm:

Sơ Thiền là ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm, với tứ.

Nhị thiền là diệt tầm diệt tứ chứng và trú nhị thiền một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Tam thiền là ly hỷ trú xả, thân cảm lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú tam thiền

Tứ thiền là xả lạc xả khổ, diệt trừ hỷ ưu đã cảm thọ trước chứng và trú tứ thiền, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

3 – CHÁNH TRI KIẾN là Tứ Thánh Đế bao gồm:

Tuệ tri Khổ tức hiểu biết đúng sự thật về Khổ: Khổ phát sinh do duyên Căn Trần tiếp xúc theo lộ trình tâm Bát Tà Đạo hay nói tóm tắt là theo lộ trình: Xúc ➡ Thọ ➡ Ái ➡ Thủ ➡ Hữu ➡ Sinh Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não. Khổ thuộc phàm trù Tâm và nó Vô thường, Vô chủ (Vô ngã) chứ không phải là Cảnh, không thường hằng, thường trú nơi Hoàn Cảnh tồi tệ, không phải khổ của Ta.

Tuệ tri Nguyên nhân Khổ tức hiểu biết đúng như thật: Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si, nó là Tâm, thuộc lộ trình tâm Bát Tà Đạo, nó Vô thường, Vô ngã chứ không thường hằng, thường trú nơi hoàn cảnh khó chịu hay trung tính, cũng không có một cái Ta nào gây nên. Nguyên nhân khổ cũng không phải do thiếu phước.

Tuệ tri Khổ Diệt hay Niết bàn: là sự đoạn tận, đoạn trừ, đoạn ly, đoạn diệt không có dư tàn Tham Sân Si, cũng là sự vắng lặng, vắng mặt cả Khổ đau và Hạnh phúc, chứ không phải là đạt được Hạnh phúc tuyệt đối (Hạnh phúc Niết bàn) hay thay đổi Hoàn Cảnh thế gian đau khổ bằng một Cảnh giới có phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn.

Tuệ tri con đường chấm dứt Khổ: đó là Bát Chánh Đạo, nghĩa là thay đổi từ lộ trình tâm Bát Tà Đạo sang lộ trình tâm Bát Chánh Đạo.

Nội dung Tứ Thánh Đế cũng có nghĩa là: Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ.

Ba trụ cột này quan hệ với nhau như thế nào? Trong duyên khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế đã khảo sát thấy rõ: Bất kỳ một Cảm thọ nào khởi lên, nếu có Chánh Niệm thì toàn bộ lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ tự động tuần tự khởi lên theo định luật Duyên Khởi. Chính vì điều này mà sự thực hành chỉ gói gọn trong một câu là: “Ngồi kiết già lưng thẳng an trú Chánh Niệm trước mặt”. Khi thực hành Tứ Niệm Xứ sẽ kinh nghiệm, sẽ biết rõ rằng tuỳ theo nội dung của Chánh Niệm mà có thể kinh nghiệm được các nội dung của Chánh Định và Chánh Kiến. Ví như nếu Hành giả Niệm Thân tức nhớ đến chú tâm quán sát các cảm giác nơi thân (lưu ý là mọi cảm giác nơi thân trong đó có cảm giác hơi thở vô, ra chứ không phải chỉ chú tâm một mình cảm giác hơi thở vô ra), Hành giả sẽ kinh nghiệm được Sơ thiền, Nhị thiền. Khi đã an trú Nhị thiền vững chắc thì chuyển sang niệm “ly hỷ trú xả” là đặc trưng của Tam thiền thì Hành giả kinh nghiệm và an trú được Tam thiền. An trú Tam thiền vững chắc, chuyển sang niệm “xả niệm thanh tịnh” thì Hành giả kinh nghiệm và an trú được Tứ thiền. Với các Niệm này, Chánh Tri Kiến cũng tuệ tri được Cái biết Tỉnh Giác, tuệ tri được Tâm giải thoát hay Không Giải Thoát. Với Niệm Pháp là nhớ đến chú tâm quán sát đối tượng đó vô thường hay vô chủ hay ly tham thì không những Chánh Tri Kiến biết rõ đang ở mức Định nào mà còn tuệ tri đối tượng đó vô thường hay vô chủ hay ly tham. Với Niệm Pháp là nhớ đến Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ hay Tuệ tri Khổ Tập Diệt Đạo, Chánh Tri Kiến sẽ tuệ tri được Chánh Niệm, tuệ tri được Chánh Định, tuệ tri được Chánh Tư duy, tuệ tri được cả bản thân Chánh Tri Kiến. Vì mối quan hệ của ba trụ cột theo lộ trình Duyên Khởi như vậy nên pháp hành Bát Chánh Đạo chỉ là tạo nhân duyên cho Chánh Niệm khởi lên rồi an trú chứ không phải làm gì thêm nữa. Chính vì vậy có thể nói pháp hành là Tứ Niệm Xứ và Đức Phật đã tuyên bố trong kinh Niệm Xứ thuộc Trung Bộ Kinh: “Đây là con đường độc nhất giúp cho chúng sanh chấm dứt phiền não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn.”

Ba trụ cột của Bát Chánh Đạo siêu thế Niệm – Định – Tuệ có khác với Giới – Định – Tuệ không? Hai mươi năm đầu trong lịch sử Tăng đoàn, Đức Phật chưa chế định một giới điều nào nên chưa có quan niệm lộ trình Giới – Định – Tuệ. Trong ba mươi bảy đạo phẩm không có lộ trình Giới – Định – Tuệ mà có Ngũ Căn, Ngũ Lực nói đến Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ. Tín – Tấn do Văn Tuệ và Tư Tuệ mà có, nó thuộc về công việc chuẩn bị để tu tập và Niệm – Định – Tuệ là ba trụ cột của Bát Chánh Đạo siêu thế. Trên Bát Chánh Đạo siêu thế có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng nhưng nó không phải là Giới theo nghĩa “thọ trì và thực hành các học giới” mà đây là lời nói và hành động của bậc Thánh không có Tham Sân Si, không còn tạo tác, còn được gọi là Vô Tác Giải Thoát. Giới trong quan niệm Giới – Định – Tuệ được Thế Tôn chế định theo nghĩa để thọ trì và thực hành với mục đích tạo nhân duyên cho Chánh Niệm khởi lên. Cách hiểu Giới sinh Định là không đúng sự thật vì Chánh Định chỉ phát sinh do có Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn. Nhân duyên cho Chánh Niệm khởi lên là Văn Tuệ và Tư Tuệ và ở thời kỳ hai mươi năm đầu, đệ tử của Đức Thế Tôn đa phần là người có Trí, nên Văn Tuệ, Tư Tuệ của họ đầy đủ, chính xác, Tín – Tấn khởi lên mãnh liệt, tâm họ trong sạch nên Chánh Niệm khởi lên một cách dễ dàng. Đối với những người này Giới là những điều nhỏ nhặt, không quan trọng nên chưa có chế giới. Đối với những người chậm lụt về Trí tuệ, Văn Tuệ, Tư Tuệ không đầy đủ, không chính xác, Tín – Tấn của họ sẽ không cao, những người đó sẽ nhớ đến chuyện thế gian, nhớ đến Dục lạc, nhớ đến trăm ngàn thứ chuyện trên đời và trong “kho chứa thông tin” của họ, những loại thông tin này được kích hoạt liên tục và nó là nhân cho Tà Niệm khởi lên liên tục, vì vậy Chánh Niệm không khởi lên được. Chính vì vậy thọ trì và thực hành các học giới nghiêm túc, làm cho các thông tin là nhân cho Tà Niệm không được kích hoạt lên, do đó thông tin Minh đã được Văn Tuê, Tư Tuệ lưu vào được kích hoạt lên và đó là nhân duyên cho Chánh Niệm khởi lên. Giới cùng với Văn Tuệ và Tư Tuệ là sự chuẩn bị nhân duyên cho Chánh Niệm sinh khởi và khi Chánh Niệm khởi lên, ba trụ cột Niệm – Định – Tuệ sẽ tự động khởi lên. Vì vậy Văn Tuệ – Tư Tuệ – Giới cũng là ba trụ cột của Bát Chánh Đạo hiệp thế. Dĩ nhiên nếu không có Bát Chánh Đạo hiệp thế thì cũng không có Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên khi thực hành được.

(Tỷ Kheo Nguyên Tuệ – Vô minh và Minh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2016, trang 83 – 88)

Trả lời