BẬC THÁNH A-LA-HÁN CÓ THẤT THÁNH TÀI KHÔNG?

Khi Trí Tuệ được tu tập được làm cho viên mãn, lúc đó các thông tin “Vô Minh, Ta, của Ta” trong kho chứa “tri thức hiểu biết” được lưu giữ từ vô thuỷ bị xoá bỏ hoàn toàn. Đây là sự đoạn diệt không còn dư tàn cái nhân của hiểu biết vô minh, điên đảo, của Thường Kiến, Ngã Kiến, đoạn tận không có dư tàn cái nhân của Tà Niệm, cái nhân của lộ trình tâm Bát Tà Đạo, cái nhân của Tham Sân Si, của sầu bi khổ ưu não, của luân hồi sinh tử. Đây là sự đột chuyển trong “thẳm sâu tâm thức”, đây cũng là sự thành đạt đạo quả A-la-hán. Khi đột chuyển xẩy ra ai cũng tự thấy, tự biết “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui cuộc đời này nữa”. Đây là Chánh Trí khởi lên nơi vị ấy. Đối với vị A-la-hán lộ trình tâm duy nhất là Bát Chánh Đạo:

Xúc ➡ Thọ (Cảm giác) – Tưởng ➡ Chánh Niệm ➡ Chánh Tinh Tấn ➡ Chánh Định ➡ (Tỉnh Giác) ➡ Chánh Tư Duy ➡ Chánh Tri Kiến ➡ Như lý tác ý ➡ Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng

Đối với vị A-la-hán như vậy bảy tài sản của bậc Thánh hữu học cũng được bỏ lại bờ bên này, thuộc về Thế gian.

1 – Tín:

Đối với vị A-la-hán không còn Đức tin, không còn Chánh tín về Phật, về Pháp, về Tăng nữa vì vị ấy đã đến đích, đã tự mình thấy Phật, thấy Pháp, thấy Tăng. Khi đang tin nghĩa là chưa thấy, khi thấy rồi thì không còn tin nữa. Ví như một người ở Hà nội chưa đến TP Hồ Chí Minh được người bạn giới thiệu về chùa Bửu Quang ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức và người đó tin có ngôi chùa Bửu Quang. Nay người đó đi vào TP Hồ Chí Minh và đến chùa Bửu Quang, nếu lúc này tại chùa Bửu Quang hỏi người đó: Anh tin có chùa Bửu Quang hay anh thấy chùa Bửu Quang? Chắc chắn người đó sẽ trả lời: Tôi thấy chùa Bửu Quang chứ không trả lời tôi tin có chùa Bửu Quang. Lúc còn ở Hà nội anh ta chưa thấy nên tin có chùa Bửu Quang, nay anh thấy chùa Bửu Quang thì niềm tin có chùa Bửu Quang không còn nữa.

2 – Giới:

Đối với bậc Thánh hữu học, thực hành giới để đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, nhưng vị A-la-hán đã đoạn tận Tham, đã đoạn tận Sân, đã đoạn tận Si nên vị ấy không còn phải thực hành các học giới và vì vậy giới không còn là tài sản của vị ấy. Nhưng trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của vị ấy có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng do Chánh Tri Kiến là Trí Tuệ khởi lên nên người ngoài thấy giới luật của vị ấy hoàn hảo.

3 – Tàm:

Đối với bậc Thánh A-la-hán không có bất kỳ một sự xấu hổ nào về lời nói, hành động hay ăn uống, không có xấu hổ khi đến gặp bất kỳ người nào, hội chúng nào bởi các vị không còn Ngã mạn (Ta hơn, Ta kém hay Ta bằng).

4 – Quý:

Bậc Thánh A-la-hán không còn sợ hãi bất kỳ một điều gì, Tham Sân Si đã đoạn tận không còn sợ bị nó chi phối nữa, không còn sợ hãi khổ đau, không còn sợ hãi luân hồi sinh tử, không còn sợ hãi sống chết…

5 – Văn:

A-la-hán là bậc Thánh vô học, nghĩa là không còn phải nghe giảng hay nghiên cứu bất kỳ một điều gì nữa. Vị ấy không cần biết thế giới là như thế này hay là như thế kia, hữu biên hay vô biên… Vị ấy đã đến đích, đã giải thoát nhờ “Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ“.

6 – Tinh Tấn:

Tinh tấn của bậc Thánh hữu học với mục đích đoạn diệt điều ác đã sinh khởi, ngăn chặn điều ác chưa sinh khởi, làm cho điều thiện chưa sinh khởi được khởi lên, điều thiện khởi lên được viên mãn. Đối với vị A-la-hán, điều ác phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo đã được đoạn tận, điều thiện phát sinh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên một cách tự nhiên không cần đến tinh tấn nữa. Tuy nhiên trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo vẫn có Chánh Tinh Tấn nhưng nó không phải là tài sản, nó thuộc vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi.

7 – Trí Tuệ:

Bậc Thánh A-la-hán không còn phải tu tập Văn Tuệ, không còn phải tu tập Tư Tuệ, không còn phải tu tập Tu Tuệ nhưng trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của vị ấy vẫn có Chánh Tri Kiến là Trí Tuệ nhưng giờ đây được gọi là Chánh Trí, nó không còn là đích đến như một vị hữu học. Đây cũng là ý nghĩa của câu: Đã đến bờ bên kia thì Chánh Pháp còn buông bỏ huống hồ là Phi Pháp. Tuy vị A-la-hán có Chánh Giải Thoát gồm: Không Giải Thoát, Vô Tướng Giải Thoát, Vô Tác Giải Thoát nhưng đây là pháp vô vi, là Niết Bàn không phải là pháp hữu vi nên không phải là tài sản của bậc A-la-hán. Thành đạt đạo quả A-la-hán cũng đồng nghĩa với buông xả tất cả tài sản vật chất cũng như tài sản tinh thần.

(Tỷ Kheo Nguyên Tuệ – Vô minh và Minh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2016, trang 132 – 135)

Trả lời