BỘC LƯU

BỘC LƯU
Trong Tương Ưng Bộ Kinh, chương một : Tương Ưng Chư Thiên có đề cập tới Bộc Lưu như sau :
Bộc Lưu (S.I,1)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
– Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
-Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
– Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
Bộc lưu là dòng thác lũ nhấn chìm và cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó. Bộc Lưu nói đến trong đoạn kinh này là dòng thác lũ Tham Sân Si đang nhận chìm và cuốn trôi kẽ Phàm phu. Đương nhiên đang bị nhận chìm, đang bị cuốn trôi, đang bị đuối nước như vậy thì kẻ Phàm phu vô cùng đau khổ và muốn thoát ra khỏi Bộc Lưu, muốn lên bờ để được an toàn, để hết khổ. Trước khi thành đạo, Thái tử Tất Đạt Đa cũng bị nhấn chìm và cuốn trôi trong bộc lưu Tham Sân Si đó, nhưng rồi Ngài đã vượt khỏi bộc lưu. Đức Phật đã vượt khỏi Bộc Lưu và đã qua được bờ bên kia bằng cách nào ? Bằng cách : Không đứng lại, Không bước tới. Nhưng tại sao Không đứng lại, Không bước tới mà lại vượt khỏi bộc lưu ? Đức Phật đã giải thích : Đứng lại thời chìm xuống, Bước tới thời trôi giạt. Nhưng đứng lại thời chìm xuống, bước tới thời bị trôi giạt ám chỉ điều gì ?
Đứng lại thời chìm xuống là ám chỉ cho Tham và Sân trong thực tại thế gian. Nghĩa là Phàm phu khi đối diện đối tượng Dễ chịu thì thích thú ( Tham ), đối tượng Khó chịu thì chán ghét ( Sân ), do Tham Sân mà bị cuốn hút vào các đối tượng đó. Đó gọi là đắm chìm trong hiên tại, là bị chìm xuống bộc lưu. Khi đối diện đối tượng Trung tính ( không dễ chịu không khó chịu ) thì không thích không ghét mà phát sinh hành vi tìm kiếm đối tượng Dễ chịu để thay thế đối tượng Trung tính gọi là Si. Si sẽ tác ý phát sinh lộ trình tâm truy tìm trong quá khứ hoặc ước vọng ở tương lai để tìm kiếm đối tượng Dễ chịu trong quá khứ hoặc tương lai nhằm thay thế đối tượng Trung tính trong hiện tại nên bị cuốn trôi vào quá khứ hoặc tương lai. Đó gọi là bị trôi dạt theo bộc lưu.
Đức Phật đã đoạn tận Tham và Sân nên không còn đắm chìm trong hiện tại, không còn chìm xuống bộc lưu nên gọi là Không đứng lại. Ngài đã đoạn tận Si nên không còn truy tìm quá khứ, không còn ước vọng tương lai, không bị bộc lưu cuốn trôi nên gọi là Không bước tới. Đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si thì Bộc Lưu đã CẠN KIỆT và ngay tại đó là THẬT ĐỊA, ngay tại đó là bờ đâu còn phải bước tới hay đứng lại. Chính vì thế mà Ngài tuyên bố : Không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
Chính vì vậy : Giải Thoát, Khổ Diệt hay Niết Bàn mà Đức Thế Tôn khéo giảng là NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY chứ không phải là một cảnh giới, một tương lai nào khác. Tại nơi nào mà Tham Sân Si được đoạn tận thì ngay tại đó lập tức Tuệ Tri Niết Bàn chứ không mất một khoảng thời gian để qua bờ bên kia nào nữa.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận