Khi người tu hành nói đến yêu thương, chủ trương yêu thương, khuyến khích yêu thương, ca tụng yêu thương thì được đa số tín đồ ca ngợi tán thán. Vì sao vậy? Vì cái kiến thức đó, hiểu biết đó phù hợp với nhận thức của họ. Rằng yêu thương là hạnh phúc, yêu thương là vị ngọt và họ gán cho Phật yêu thương đến tột đỉnh, yêu thương tất cả muôn vật muôn loài không trừ một ai thì được gọi là từ bi. Và họ cho rằng, khi đạt đến yêu thương tất cả muôn vật muôn loài gọi là từ bi như vậy thì lúc đó cuộc đời chỉ toàn là hạnh phúc, toàn là vị ngọt, khổ đau không còn nữa.
Chính do hiểu biết về vị ngọt của yêu thương như vậy chi phối, ngăn che nên họ dù có nghe nhưng sẽ không hề để ý, không hề suy tư, không hề ghi nhớ lời dạy của Phật được in đậm trong kinh điển là phải: “TUỆ TRI VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM, SỰ XUẤT LY”.
Họ chỉ tuệ tri được vị ngọt khi yêu thương nhưng không hề TUỆ TRI NGUY HIỂM. Đó là tham ái vị ngọt (yêu thương) là nguy hiểm vì nó sẽ phát sinh khổ. Bản chất của Yêu thương chính là tham ái, là luyến ái cho dù với bất kỳ đối tượng nào. Tham ái thì sẽ đưa đến nắm giữ ràng buộc, muốn làm chủ, muốn sở hữu, muốn điều khiển đối tượng, muốn đối tượng là của mình mãi mãi. Vì hiểu biết sai đối tượng yêu thương là thế giới vật chất, có thể làm chủ, sở hữu, điều khiển được nó để nó tồn tại mãi mãi, của mình mãi nên không thể tuệ tri được sự nguy hiểm. Do không tuệ tri các đối tượng được con người yêu thương là Cảm giác do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó là Tâm chứ không phải Vật, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu, nghĩa là không thể làm chủ, không thể sở hữu, không thể điều khiển để nó là của mình mãi mãi hay trong giây lát nên không thể tuệ tri: nếu tham ái, nắm giữ, ràng buộc, muốn nó là của mình mãi mãi thì khi nó vô thường, mất đi sầu bi khổ não sẽ khởi lên.
Tuệ tri sự nguy hiểm cũng chính là tuệ tri Nguyên nhân Khổ. Vì vậy, tuệ tri sự nguy hiểm là Pháp sâu kín, khó thấy khó chứng, tịch tịnh mỹ diệu vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị chỉ người trí mới có khả năng lĩnh hội. Con quần chúng này đam mê ái dục, yêu thích ái dục, bị ái dục chi phối nên rất khó lãnh hội Pháp này.
Vì chỉ tuệ tri vị ngọt theo kiểu hiểu biết một chiều như vậy mà không tuệ tri sự nguy hiểm nên họ không thể tuệ tri sự xuất ly, không tuệ tri được trạng thái tâm KHÔNG YÊU THƯƠNG KHÔNG GHÉT BỎ bất kỳ đối tượng nào. Họ không thể thân chứng, không thể tuệ tri SỰ XUẤT LY là trạng thái Không yêu thương, Không ghét bỏ nghĩa tiếng Việt là Khổ diệt mà thuật ngữ Phật học tiếng Hán là Diệt đế hay Niết bàn.
Những ai đang thuyết giảng, tán thán, ca ngợi, cỗ vũ cho yêu thương thì như kinh điển đã nói, là đang tán thán, ca ngợi, cổ vũ cho việc liếm mật trên một lưỡi dao sắc bén như lưỡi dao cạo. Tuy nếm được vị ngọt nhưng sẽ bị lưỡi dao bén cắt đứt lưỡi chảy máu đau đớn vô cùng. Càng ham hố yêu thương, càng ham hố vị ngọt thì vết cắt sâu hoắm do dao cắt nơi lưỡi càng nhiều, càng sâu, càng đau đớn. Hãy cảnh giác lời dạy yêu thương, hãy suy ngẫm kỹ càng, hãy so sánh đối chiếu yêu thương với lời dạy của Phật, yêu thương chính là tham ái, nó là nguy hiểm vì nó là nguyên nhân phát sinh khổ.
Khi đọc những điều này nhiều người sẽ phản đối, sẽ cho rằng cuộc sống mà không có yêu thương sẽ nhạt nhẽo, vô vị, con người sẽ lạnh nhạt, lãnh cảm như gỗ đá. Tại sao lại như vậy? Tại vì họ đã mặc định rằng chỉ có yêu thương mới có hạnh phúc, mới chấm dứt được khổ cho ta, cho người. Và cũng tại vì họ chỉ kinh nghiệm được duy nhất một thực tại thế gian với yêu thương ghét bỏ, họ chưa từng bao giờ kinh nghiệm được một thực tại khác, thực tại xuất thế gian của bậc thánh, không có yêu thương cũng không có ghét bỏ. Cuộc sống đó như thế nào, có nhạt nhẽo, vô vị, có lạnh nhạt, lãnh cảm với con người hay không thì chỉ những người hiểu đúng Tứ thánh đế, tu tập đúng Bát chánh đạo, an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát mới đủ thẩm quyền trả lời những điều này.
Thiền Sư Nguyên Tuệ (1.9.2021)