1. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo vô thường, vô ngã thì làm sao để duy trì liên tục?
HỎI
Dạ con có một câu hỏi xin sư khai thị. Bát chánh đạo cũng là một pháp duyên khởi, vậy cũng vô thường, vô ngã thì làm sao để duy trì liên tục được ạ !? Con cảm ơn sư!
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Khi có Căn Trần tiếp xúc nhau thì lộ trình tâm khởi lên rồi diệt đi. Thời gian tồn tại một lộ trình tâm rất ngắn ngủi cỡ phần trăm, phần ngàn giây thôi. Đây là tính chất vô thường, sinh diệt của tâm. Lộ trình tâm đó diệt đi thì lộ trình tâm khác lại khởi lên rồi diệt đi. Và các lộ trình tâm đó cứ sinh lên rồi diệt đi nối tiếp nhau không ngừng nghỉ cho đến khi Căn Trần không tiếp xúc thì không có lộ trình tâm nữa (ngủ say không mộng mị, ngất đi trong một tai nạn, gây mê sâu khi mổ).
Các lộ trình tâm khởi lên liên tục nối tiếp nhau do DUYÊN XÚC là một quy luật không ai làm chủ, không có tôi ta, bản ngã, không có cái gì điều khiển quy luật đó cả. Các lộ trình tâm xuất hiện liên tục, nối tiếp nhau đó có thể có hai lộ trình Bát tà đạo hoặc Bát chánh đạo.
Duyên với Tà niệm thì lộ trình Bát tà đạo khởi lên có Vô minh, tham sân si, khổ đau. Duyên với Chánh niệm thì Bát chánh đạo khởi lên có minh, có khổ diệt, giải thoát.
Vậy để lộ trình tâm Bát chánh đạo khởi lên nối tiếp nhau liên tục thì phải có Chánh niệm khởi lên liên tục nối tiếp nhau, phải thực hành Tứ niệm xứ, rèn luyện 4 loại Chánh niệm hay 4 loại trí nhớ chánh: Nhớ đến Tích cực Chú tâm quán sát Thân nơi thân, Thọ nơi thọ, Tâm nơi tâm, Pháp nơi pháp.
2. Đã tư duy về Duyên khởi, về Vô ngã nhưng vẫn bị tâm sân chi phối
HỎI
Rất mong Sư và quý đạo hữu chỉ cách tháo gỡ nỗi khổ của con hiện tại.
Chuyện là, khi con đối diện với người “đục nước béo cò”, lợi dụng và trục lợi cá nhân. Trước khi học bát Chánh đạo: tức tối, phản ứng quyết liệt, nói không với hạng người đó.
Sau khi học bát Chánh đạo: không phản ứng quyết liệt như trước mà tư duy khởi lên biết rõ không có ai đang lợi dụng mà đó là các lộ trình tâm bát tà đạo với hiểu biết vô minh tà kiến đang “xúc-sinh” và “xúc-diệt” liên tục. Không thích không ghét nhưng sẽ không tiếp tay cho hành vi trục lợi của người đó.
Nhưng con không hiểu tại sao, khi con tư duy được như vậy rồi mà con vẫn có cảm giác không bình tĩnh, không thấy bình thản.
Ví dụ như có người thấy con làm việc chăm chỉ liền nhờ con làm hộ, trong khi đó họ đang ngồi trà chanh chém gió. Còn con thì cặm cụi làm giúp họ với tâm thế ban đầu là giúp đỡ vô tư nhiệt tình. Sau đó khi biết họ lợi dụng sự nhiệt tình của mình để làm lợi cá nhân thì con phải suy nghĩ rất nhiều, bát tà đạo khởi và con cảm nhận khổ. Con nói với bản thân sẽ không giúp họ kiểu đó nữa. Và cố tư duy về những điều được học về vô ngã, về lý duyên khởi, nhưng con vẫn không sao thoát được cảm giác khó chịu bất an do tâm Sân gây ra.
Con phải tư duy như thế nào và thực hành ra sao để không còn gặp tình trạng như trên nữa?
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Tuy khi Tư duy như vậy đưa đến Chánh kiến như vậy nhưng khi sự việc xẩy ra lại KHÔNG NHỚ được như vậy (không Chánh niệm) vì tuy đó là Tuệ nhưng là Tư Tuệ chứ chưa phải TU TUỆ. Khi nào đối diện với sự việc NHỚ ĐƯỢC điều đã tư duy đó (TƯ TUỆ) thì lúc đó TU TUỆ sẽ có mặt và sẽ an nhiên tự tại, sẽ có Tuệ giải thoát, sẽ không còn khổ vì việc đó nữa. Nếu kinh nghiệm được TU TUỆ một vài lần thì TU TUỆ sẽ được lưu vào bộ nhớ và khi đối diện sự việc tương tự thì TU TUỆ sẽ tự động khởi lên không cần phải làm gì nữa. Cho nên lộ trình phải là: VĂN TUỆ – TƯ TUỆ – TU TUỆ và TU TUỆ xảy ra trong cuộc sống, kinh nghiệm trong cuộc sống là cái mạnh nhất đưa đến hoàn thiện Bát chánh đạo.
Chánh kiến thuộc về TU TUỆ khởi lên sẽ QUYẾT ĐỊNH (Như lý tác ý) làm hay không làm. Làm hay không, giúp hay không do Chánh kiến quyết định sẽ là VÔ TÁC GIẢI THOÁT không còn khổ vì làm hay không làm.
Tuy vậy TƯ TUỆ là bước chuẩn bị rất quan trọng. Khi sự việc đó đã qua thì phải Chánh tư duy để TƯ TUỆ lưu vào kho chứa về sự việc. Chánh tư duy để thấy được Khổ đế và Tập đế trên Bát tà đạo của sự việc đó và Bát chánh đạo để hiểu rõ cách giải quyết vấn đề. Nếu TƯ TUỆ xẩy ra một vài lần như vậy thì chắc chắn đến lần thứ 3 tương tự thì TU TUỆ sẽ tự động khởi lên.
3. Tính chất Vô ngã của khổ, của lười nhác
HỎI
Thưa Sư con có câu hỏi như sau: giờ con không làm gì cả (do lười) nên không có thu nhập, không có thức ăn, nhà ở,….vv. Câu hỏi của con là:
1/ Ví dụ này của con có hợp với nội dung bài pháp này không? nếu không thì nó sai chỗ nào?
(Link bài Pháp: https://www.facebook.com/groups/thientuniemxu/permalink/1279188856264256/)
2/ Thực tại không nhà, không thức ăn có dẫn đến khổ không?
3/ Thực tại ấy nếu không phải do người, không phải do con thì do ai hay cái gì?
Xin Sư từ bi, hoan hỉ giải đáp cho con. Con thành kính tri ân Sư ạ.
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Câu trả lời đã có trong nội dung của đáp án trên rồi. Đáp án nhấn mạnh đến tính chất Vô chủ vô sở hữu của các pháp đặc biệt là tính chất vô chủ vô sở hữu của khổ.
1- Nếu thấu suốt Duyên Khởi sẽ thấu suốt tính chất Vô chủ vô sở hữu, đồng nghĩa với Vô ngã, nghĩa là không có ai là chủ nhân chủ sở hữu. Những trường hợp đã nêu trên khẳng định rằng: Có khổ, có lười nhác, có siêng năng, có lời nói, có hành động… nhưng tất cả cái đó đều do Duyên Khởi, đều vô chủ vô sở hữu, nghĩa là không có ai là chủ nhân làm ra khổ, không có ai chủ nhân làm ra lười nhác, không có Tôi khổ, không có Tôi lười nhác
2- Nghĩ rằng Tôi lười, Tôi khổ là thấy có Tôi chủ nhân khổ, Tôi chủ nhân của lười… là cái thấy CHẤP NGÃ trái với sự thật Duyên khởi, trái với sự thật Vô chủ vô sở hữu hay Vô ngã.
Cố gắng hay không cố gắng là do cả một quá trình Duyên khởi nối tiếp nhau diễn ra theo quy luật, không có ai là chủ nhân điều khiển cả. Đây là điều sâu kín khó thấy, khó biết là định lý Duyên khởi, là sự thật vô ngã. Nhân loại thì cho rằng Ta (Bản ngã) cố gắng hay Ta lười nhác và MẶC ĐỊNH rằng hiểu biết đó là sự thật là chân lý nên khi nghe điều ngược lại: Có cố gắng, có lười nhác nhưng không có ai là Chủ Nhân cố gắng lười nhác thì không thể chấp nhận được.
4. Hạnh phúc trên Bát Chánh Đạo là hạnh phúc tự thân thì có phải vẫn trên cái tôi, cái ta, cái bản ngã không?
HỎI
Theo cả nhà, hạnh phúc khi tu học theo Tứ niệm xứ và Bát chánh đạo là hạnh phúc nội tâm chứ không cần tìm cầu hạnh phúc nơi ngoại cảnh. Vậy đó có thể coi là hạnh phúc tự thân, không phụ thuộc vào hoàn cảnh không ạ? Và nếu nó là hạnh phúc tự thân thì có phải vẫn còn trên cái tôi, cái ta, cái bản ngã không ạ?
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Hạnh phúc là tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái, là Cảm thọ (Cảm giác) được cảm nhận, nó là Tâm chứ không phải Vật (vật chất). Nhưng có 2 loại Hạnh phúc phát sinh trên 2 lộ trình tâm Bát tà đạo và Bát chánh đạo.
– Hạnh phúc phát sinh trên Bát tà đạo là do Tham ái sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm vị ngon, xúc chạm êm ái mà khởi lên. Muốn có thứ Hạnh phúc này thì phải lao tâm khổ trí, phấn đấu nỗ lực, chịu đựng gian khổ cay đắng mới có nên Hạnh phúc này đi kèm với khổ. Vốn Hạnh phúc này Vô thường, Vô chủ sở hữu (vô ngã) nhưng ý thức tà kiến với tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu (chấp ngã) cho rằng có một cái Tôi, Ta (bản ngã) là chủ nhân, chủ sở hữu, là tác giả làm ra, sở hữu, điều khiển Hạnh phúc đó. Với tư tưởng tà kiến đó cho nên sống với tư tưởng: Ta thấy, Ta nghe, Ta cảm nhận Hạnh phúc đó, Hạnh phúc đó là của Ta, Ta đã làm ra Hạnh phúc đó, Ta có chủ quyền, Ta phải bảo vệ Hạnh phúc đó.
– Hạnh phúc phát sinh trên Bát chánh đạo do Chánh định phát sinh ra, nó là tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái khi đạt sơ thiền, nhị thiền, tam thiền. Nó là Tâm chứ không phải vật, nó Vô thường, vô chủ sở hữu (vô ngã). Khi chú tâm liên tục Cảm giác toàn thân và đạt được Chánh định (sơ, nhị, tam thiền) thì chỉ có Tâm ghi nhận thuần tuý ghi nhận đối tượng không có tâm ý thức khởi lên và gọi tâm ghi nhận thuần tuý lúc đó là Tỉnh giác. Tuệ tri Tỉnh giác là KHÔNG TÁNH (không niệm, không ngôn từ, không phân biệt hay vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt) thì cũng là Tuệ tri không có TƯ TƯỞNG nào khởi lên, không có TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ, không hề có Tư Tưởng: Ta thấy, Ta nghe, Ta biết… Hạnh phúc. Tuệ tri rằng Có Hạnh phúc, Có Thấy, Nghe, Cảm nhận, Nhận thức Hạnh phúc nhưng KHÔNG CÓ TÔI, TA, BẢN NGÃ nào là CHỦ NHÂN, CHỦ SỞ HỮU của Hạnh phúc, của Thấy, Nghe, Cảm nhận, Nhận thức Hạnh phúc. Đấy chính là Tuệ Tri Vô Ngã.
Nói Hạnh phúc nội tâm do Chánh định khởi lên là thứ Hạnh phúc đi kèm với KHỔ DIỆT do chú tâm liên tục Cảm giác toàn thân mà có không phải tìm cầu nơi ngoại cảnh, không lao tâm khổ trí để phân biệt với thứ Hạnh phúc phải khổ sở tìm cầu nơi thế giới bên ngoài (tìm cầu sắc đẹp, tiếng hay..,) NHƯNG NÓ KHÔNG PHẢI LÀ HẠNH PHÚC TỰ THÂN bởi nó do Duyên khởi nên nó Vô thường, vô ngã. Gắn cho đây là Hạnh phúc TỰ THÂN là thứ Hạnh phúc TỰ CÓ, SẴN CÓ, LUÔN LUÔN CÓ, THƯỜNG HẰNG THƯỜNG TRÚ nơi một TỰ THÂN TỰ CÓ là tà kiến bao gồm cả Chấp Thường và Chấp Ngã.
Tư duy rồi cho rằng nó là Hạnh phúc tự thân là đang tư duy trên hệ quy chiếu Chấp thường, Chấp ngã thì đương nhiên sẽ đưa đến kết luận là Hạnh phúc vẫn còn cái tôi, cái ta, cái bản ngã. Phải tư duy trên hệ quy chiếu duyên khởi, vô thường, vô ngã thì thấy rằng mọi thứ Hạnh phúc cho dù trên Bát tà đạo hay Bát chánh đạo đều vô thường vô ngã. Nhưng chỉ khi tu tập Bát chánh đạo đạt Chánh định mới như thật tuệ tri Hạnh phúc là vô thường và vô ngã.
5. Tự ti, mặc cảm về ngoại hình thì phải làm sao?
HỎI
Kính thưa sư, con rất tự ti và mặc cảm về ngoại hình của mình. Hiện tại con rất đau khổ, gần như là trầm cảm vì con gặp ai họ cũng đều chê bai, đánh giá ngoại hình của con, bàn tán và cười đùa. Cũng vì thế mà con ngại tiếp xúc với xã hội, đi đâu làm gì cũng không được tự nhiên vì con có cảm giác như mọi người đang nhìn mình và đánh giá ngoại hình của mình. Con rất sợ khi phải bước chân ra đường, và lúc nói chuyện với người khác con không dám nhìn thẳng vào mắt họ vì người con lúc đó bắt đầu co lại và run lên vì sợ họ nhìn thấy những khuyết điểm trên gương mặt của mình.
Con mong sư giúp con làm cách nào để con thoát khỏi nỗi sợ hãi này, nó đi theo và ám ảnh con từ nhỏ đến lớn. Con xin tri ân sư.
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Đó là phản ứng tất nhiên khi tâm là Bát tà đạo. Bởi ý thức tà tri kiến cho rằng: Hình sắc này là CỦA TA, LÀ TA. Tư tưởng đó là tư tưởng CHẤP NGÃ và liền so sánh TA với người khác để khởi lên TA hơn, TA kém, TA bằng người đó. Chỉ khi so sánh với những người hình sắc quá xấu mới khởi lên TA đẹp hơn và thích thú điều đó còn đa phần khởi lên TA kém, TA xấu thì tự ti, mặc cảm, buồn khổ. Do thường xuyên như vậy nên thông tin đó nổi trội trong bộ nhớ, nó ám ảnh thành một nỗi sợ thường xuyên chi phối.
Khổ này do CHẤP NGÃ mà có nên nói “Năm thủ uẩn là khổ” nghĩa là vậy.
Muốn chấm dứt khổ này phải CHẤM DỨT TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ để sống với VÔ NGÃ.
Phải làm như thế nào?
Hãy thực hành thuần thục CHÚ TÂM CẢM GIÁC TOÀN THÂN LIÊN TỤC trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi, mọi công việc, mọi giao tiếp bằng cách: Liên tục NHỚ hoặc NGHĨ đến Chú tâm cảm giác răng lưỡi, chú tâm cảm giác toàn thân. Chỉ cần liên tục NHỚ hoặc NGHĨ đến chú tâm cảm giác toàn thân với răng xiết chặt thì CHÚ TÂM CẢM GIÁC TOÀN THÂN sẽ TỰ ĐỘNG LIÊN TỤC khởi lên, không cần phải làm gì cả.
Thực hành được Chú tâm liên tục cảm giác toàn thân cho trở thành một thói quen thì lúc nào cũng sống với tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái, một thứ Hạnh phúc nội tâm kỳ diệu và không còn phiền não nào chi phối.
Lại nữa, khi sống với chú tâm liên tục cảm giác toàn thân thì không những có được tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái mà còn CHẤM DỨT được 80% đến 90% những suy nghĩ linh tinh, vô bổ vô ích trong đó có suy nghĩ làm phát sinh TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ, tư tưởng TA hơn, TA kém, TA bằng. Khi không còn TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ thì không còn kích hoạt thông tin nổi trội ám ảnh, sợ hãi trong bộ nhớ, không còn nỗi sợ như trước đây. Lúc đó sống với Vô Ngã, không có cái TA nào cả để so sánh, để tự cao hay tự ti, sẽ “tự tin” trong mọi giao tiếp kể cả thuyết trình trước cả vạn người.
Muốn thành tựu thì phải tư duy đến kết quả này và thường xuyên, không ngừng nghỉ, liên tục NHỚ ĐẾN, NGHĨ ĐẾN xiết chặt răng lưỡi và chú tâm cảm giác toàn thân.
6. Vô ngã vị tha có đúng với giáo lý Phật không?
HỎI
Trong Phật giáo hiện nay có tư tưởng “vô ngã vị tha”. Điều này có đúng với giáo lý Phật không?
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Trong cái biết Chánh kiến hoàn toàn không có một cái Ngã, gọi là TA; còn cái biết Tà Kiến luôn có so sánh TA với đối tượng, để thấy Ta hơn, Ta kém, Ta bằng đối tượng. Đối tượng đó là “Tha”, còn chủ thể là “Ngã”, là TA.
Thuở xưa, khi chưa tu thì “Vị kỷ không vị tha”, tức là vì mình mà không vì người. Đây là lối sống của tâm Bát Tà Đạo, có so sánh TA với NGƯỜI; “vị kỷ không vị tha” tức là vì quyền lợi, vì niềm vui hạnh phúc của mình mà có thể tàn phá, hủy hoại người khác.
Còn “vô ngã vị tha” là lối sống ngược lại, vì người mà không vì mình, tức là vẫn trên quan điểm so sánh có TA, có NGƯỜI. Như vậy, đây vẫn là trên Bát Tà Đạo, chỉ là chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác thôi, chưa thoát ra khỏi tư tưởng chấp ngã.
Vô Ngã là không có cái Ta đó, như vậy làm gì có Ta để mà so sánh với Người, để mà “vô ngã vị tha”.
Vô Ngã là không có cái Ta (Ngã) là chủ nhân, chủ sở hữu của Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Một trường phái Phật giáo lớn khi dạy về Chánh trí tuệ, hướng dẫn quán: “Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của ta”. Cách quán đó vẫn là dựa trên một cái TA, cái TA đó không phải là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức thôi, nhưng vẫn còn tồn tại cái TA đó. Tư duy như vậy xuất phát từ cái TA chia đôi đối tượng làm 2 phần: 1 phần là ta, là của ta; 1 phần là không phải ta, không phải của ta, chưa thoát ra khỏi tư tưởng chấp ngã. Và như vậy sẽ tư duy, suy diễn để tìm kiếm một cái Ta ngoài Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, đi tìm một cái Ta chân thực không sinh không diệt, một Chân Tâm Thường Trụ, một Bản Tánh, một Bản Lai Diện Mục không sinh không diệt,v.v..
Trong bản kinh Giới Phân Biệt, kinh 143 thuộc Trung Bộ Kinh, Đức Phật đã giảng : Ta là, là một vọng tưởng. Ta không phải là, là một vọng tưởng. Chấm dứt (hai) vọng tưởng là một ẩn sĩ tịch tịnh. Lời giảng chính xác về Vô Ngã, không còn khe hở cho suy diễn tưởng tượng là đây, phủ nhận hoàn toàn cái Ta, Bản Ngã. Ta là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là vọng tưởng điên đảo. Ta không phải là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức cũng là vọng tưởng điên đảo. Chấm dứt cả hai tư tưởng điên đảo về cái Ta, vắng lặng tư tưởng về cái Ta là chứng đạt Vô Ngã.