1. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo vô thường, vô ngã thì làm sao để duy trì liên tục?
HỎI
Dạ con có một câu hỏi xin sư khai thị. Bát chánh đạo cũng là một pháp duyên khởi, vậy cũng vô thường, vô ngã thì làm sao để duy trì liên tục được ạ !? Con cảm ơn sư!
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Khi có Căn Trần tiếp xúc nhau thì lộ trình tâm khởi lên rồi diệt đi. Thời gian tồn tại một lộ trình tâm rất ngắn ngủi cỡ phần trăm, phần ngàn giây thôi. Đây là tính chất vô thường, sinh diệt của tâm. Lộ trình tâm đó diệt đi thì lộ trình tâm khác lại khởi lên rồi diệt đi. Và các lộ trình tâm đó cứ sinh lên rồi diệt đi nối tiếp nhau không ngừng nghỉ cho đến khi Căn Trần không tiếp xúc thì không có lộ trình tâm nữa (ngủ say không mộng mị, ngất đi trong một tai nạn, gây mê sâu khi mổ).
Các lộ trình tâm khởi lên liên tục nối tiếp nhau do DUYÊN XÚC là một quy luật không ai làm chủ, không có tôi ta, bản ngã, không có cái gì điều khiển quy luật đó cả. Các lộ trình tâm xuất hiện liên tục, nối tiếp nhau đó có thể có hai lộ trình Bát tà đạo hoặc Bát chánh đạo.
Duyên với Tà niệm thì lộ trình Bát tà đạo khởi lên có Vô minh, tham sân si, khổ đau. Duyên với Chánh niệm thì Bát chánh đạo khởi lên có minh, có khổ diệt, giải thoát.
Vậy để lộ trình tâm Bát chánh đạo khởi lên nối tiếp nhau liên tục thì phải có Chánh niệm khởi lên liên tục nối tiếp nhau, phải thực hành Tứ niệm xứ, rèn luyện 4 loại Chánh niệm hay 4 loại trí nhớ chánh: Nhớ đến Tích cực Chú tâm quán sát Thân nơi thân, Thọ nơi thọ, Tâm nơi tâm, Pháp nơi pháp.
2. Tương tác nguy hiểm của hóa sanh có mâu thuẫn với tính chất vô thường, vô ngã?
HỎI
Dạ thưa Sư! Hôm nay con nghe trả lời câu hỏi về hóa sanh, cụ thể là trong một câu hỏi về sự tương tác của hóa sanh thì Sư trả lời là không thể điều khiển được sự tương tác này mà nó tuân theo quy luật, kể cả hóa sanh. Nhưng khi nghe bài giảng về sự tương tác nguy hiểm thì Sư lại ví dụ có hóa sanh luôn đi theo và làm tình với người. Và vì ghen tuông, hóa sinh tác động cho người đó cắt cả cơ quan sinh dục của mình. Như vậy có mâu thuẫn không ạ? Con thưa Sư khai thị!
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Khi tuệ tri Tự tánh duyên khởi thì sẽ tuệ tri Tự tánh vô thường, Tự tánh vô chủ vô sở hữu và hiểu rằng tất cả là do Tương tác và để xẩy ra Tương tác thì Lượng thông tin HAI NHÂN đó phải TƯƠNG HỢP. Khi Lượng thông tin HAI NHÂN tương hợp thì xẩy ra TƯƠNG TÁC mang tính quy luật, mang tính máy móc, không có BẤT CỨ CÁI GÌ ĐIỀU KHIỂN TƯƠNG TÁC, đồng nghĩa với Vô chủ vô sở hữu.
Quan sát lộ trình tâm Bát tà đạo hay Bát chánh đạo thì Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là một chuỗi các quá trình TƯƠNG TÁC NỐI TIẾP NHAU theo định thức: Hai nhân tương tác nhau rồi cùng diệt mà phát sinh một hay nhiều quả. Đây là một tiến trình sinh diệt nối tiếp nhau MỘT CÁCH MÁY MÓC không có cái gì làm chủ, điều khiển nó, không có Tôi, Ta nào là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển lộ trình tâm, điều khiển tiến trình Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Có tâm thấy, nghe, hiểu biết, có lời nói hành động, có khổ vui nhưng không có ai, không có ông A, bà B, không có Tôi, Ta là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển, làm ra thấy, biết, làm ra lời nói hành động, khổ vui. Không có cái Tôi, cái Ta chủ nhân chủ sở hữu đó gọi là VÔ NGÃ.
Vô minh, Tà kiến thì cho rằng: Tôi thấy, Tôi nghe, Tôi đói, Tôi no, Tôi nói, Tôi làm, Tôi đau khổ, Tôi hạnh phúc… với nội dung cái Tôi, cái Ta là chủ nhân, chủ sở hữu, là tác giả làm ra các pháp đó.
Chánh kiến vẫn sử dụng các từ Tôi, Ta nhưng với ý nghĩa để truyền thông, để phân biệt Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này với Sắc Thọ Tưởng Hành Thức kia hay Năm uẩn này với Năm uẩn kia thôi chứ không phải là chủ nhân chủ sở hữu Năm uẩn như hiểu biết Phàm phu.
Hoá sanh đó tương tác được với người này mà không tương tác được với người kia là do định luật TƯƠNG HỢP THÔNG TIN, không ai, không gì điều khiển được. Tương tác giữa Hoá sanh và Người đó chính là lộ trình tâm Bát tà đạo và cũng hoàn toàn tuân theo định luật một cách máy móc, hoàn toàn vô chủ vô sở hữu, không có gì điều khiển. Với Vô minh tà kiến cho rằng HOÁ SANH là một thực thể, là chủ nhân chủ sở hữu, làm ra và điều khiển các hành động cho nên thấy Hoá sanh làm các việc đó. Chánh kiến thì hiểu rằng từ HOÁ SANH là chỉ cho lộ trình Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, để phân biệt với Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức gọi là CON NGƯỜI chứ không phải HOÁ SANH là chủ nhân của Năm uẩn, của thấy biết, hành động.
3. Phật giáo cũng sẽ vô thường?
HỎI
Trong bài giảng, Sư có dạy quy luật Vô thường cho rằng mọi sự vật, hiện tượng vật chất và tinh thần đều sinh rồi diệt, không thường hằng. Như vậy, có phải tất cả tôn giáo trên Trái đất này, trong đó bao gồm Phật giáo cũng sẽ vô thường, sinh rồi diệt phải không ạ?
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Tất cả tôn giáo KHÔNG PHẢI LÀ SẼ VÔ THƯỜNG mà ĐANG VÔ THƯỜNG, đang sinh lên rồi diệt đi ngay từng giây lát chứ không phải tương lai sẽ diệt, sẽ vô thường. Phải nghe và tư duy kỹ bài Lý duyên khởi mới có HIỂU BIẾT ĐÚNG VỀ VÔ THƯỜNG. Có 2 cách hiểu vô thường: Hiểu sai và Hiểu đúng.
HỎI
Nếu nói mọi việc đều là vô thường, thì Đạo Phật và lời dạy của Phật cũng vô thường đúng không ạ? Việc tu tập cũng sẽ tuỳ biến, hợp thời, hợp cảnh, tuỳ duyên để tư duy mà chiêm nghiệm. Con suy nghĩ như vậy có đúng không? Con thành kính tri ân thiền sư.
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Tất cả các sự vật hiện tượng, trong đó có Đạo Phật và lời nói của Phật đều là duyên khởi, đều vô thường, vô chủ vô sở hữu. Đây là đặc tính phổ quát của tất cả sự vật hiện tượng. Phật đã nhập diệt cách đây 2600 năm, lời nói của Phật cũng đã diệt rồi. Những thông tin này là người sau nghe, lưu vào bộ nhớ rồi ghi thành văn bản như thế này, trải qua rất nhiều lần duyên khởi, nó đâu phải là lời nói của Phật nữa. Đạo Phật cũng đang sinh diệt thường xuyên, có thể đến lúc nào đó sẽ diệt hẳn, đây là quy luật phổ quát.
“Việc tu tập cũng sẽ tuỳ biến, hợp thời, hợp cảnh, tuỳ duyên để tư duy mà chiêm nghiệm”: Cái này quý vị hiểu sai rồi. “Hợp thời, hợp cảnh, tùy duyên” là sống bị chi phối bởi hoàn cảnh, là lộ trình tâm Bát Tà Đạo. Còn khi tu tập Bát Chánh Đạo, quý vị kinh nghiệm thích nghi với mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, không có tùy cái gì nữa. Khi thực hành Bát Chánh Đạo, quý vị kinh nghiệm được 3 điều: thứ nhất là kỹ năng chú tâm liên tục không tập trung vào bất kỳ đối tượng nào, thứ hai là thích nghi với mọi đối tượng, thứ ba là chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây. Thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng nên không có lựa chọn hoàn cảnh này, hoàn cảnh kia mới tu được, mà tu ở tất cả mọi nơi, mọi lúc, thích nghi với mọi đối tượng nên không bị hoàn cảnh chi phối nữa.
4. Các pháp là “vô thường sinh diệt” hay “có đến có đi”/ “không đến không đi”?
HỎI
Thưa Sư, hiện nay có một quan điểm khá phổ biến về việc thực hành quán sát trong hiện tại là đơn thuần ghi nhận sự đến đi của các pháp. Trong bài này
https://www.facebook.com/thiensunguyentue/posts/673531477001498
Sư có viết “Các pháp CÓ ĐẾN CÓ ĐI hay KHÔNG ĐẾN KHÔNG ĐI thì đều ẩn tàng pháp đó không sinh không diệt, đều là Tà kiến, Chấp thường.” Nhân đây, mong Sư hoan hỉ giảng giải rõ hơn để giúp trạch pháp cách nói ‘các pháp vô thường sinh diệt’ và ‘các pháp đến đi’?
THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP
Các pháp “Có đến có đi” ám chỉ rằng trước khi xuất hiện tại đây và bây giờ, Pháp đó đã có ở một chỗ nào đó rồi mới đến đây, tức nó đã có trong quá khứ. “Có đi” ám chỉ là ở đây rồi nó sẽ đi, có đi đến chỗ khác. Như vậy pháp đó đã có trong quá khứ, đang có trong hiện tại và sẽ có trong tương lai. Vậy pháp đó không sinh không diệt, thường hằng.
Các pháp “không đến cũng không đi” là nó hiện hữu ngay bây giờ và tại đây, nó không đi đâu cả nghĩa là thường hằng thường trú.
“Có đến có đi” là một cực đoan, “Không đến không đi” cũng là một cực đoan của Thường kiến. Trung đạo là ly hai cực đoan: Các pháp sinh rồi diệt nhưng vì Duyên khởi nên Sinh không từ đâu tới, Diệt không đi về đâu.
Phan Thủy Quyên biên tập và tổng hợp từ các bài pháp của Thiền sư Nguyên Tuệ