Có hai loại hiểu biết hay nhận thức về các sự vật hiện tượng (thuật ngữ Phật học gọi là các pháp).
*Loại hiểu biết thứ nhất: là hiểu biết hay nhận thức đúng cho người này không đúng cho người kia, đúng chỗ này không đúng cho chỗ kia, đúng cho thời gian này không đúng cho thời gian kia. Loại hiểu biết này không có tính phổ quát nên gọi là kinh nghiệm cá nhân.
*Loại hiểu biết thứ hai: là hiểu biết hay nhận thức đúng cho tất cả mọi người, đúng cho mọi lúc, đúng cho mọi nơi. Hiểu biết này có tính phổ quát, vượt ra khỏi kinh nghiệm cá nhân nên gọi là Chân Lý, gọi là Giác Ngộ.
Ví như Hạnh phúc và Khổ đau hay nôm na là Sướng và Khổ, mỗi một người sẽ có nhận thức, quan điểm khác nhau tuỳ lúc, tuỳ nơi. Lúc đại dịch cho rằng sức khoẻ tính mạng mới hạnh phúc, người mạnh khoẻ mà nghèo khó thì cho rằng giàu có mới hạnh phúc. Người thì cho rằng nổi tiếng mới hạnh phúc, người thì cho rằng chỉ yêu thương mới hạnh phúc, người thì cho rằng quyền lực mới hạnh phúc, người thì cho rằng phải phấn đấu cho lý tưởng cao cả mới hạnh phúc…. Cùng một sự việc người này cho là sướng, người kia cho là khổ như là cùng một mân cơm đạm bạc thì người nông dân nghèo khổ thiếu đói quanh năm rất sung sướng nhưng một vị tỷ phú lại rất khổ sở vì phải ăn mân cơm đó… Cùng một người, cùng một việc nhưng lúc cho là sướng, lúc lại cho là khổ như ngày đầu bị đói chỉ bắt gặp một củ khoai lang sống và phải nhai nuốt củ khoai lang sống đó thì cho là khổ nhưng sau hai ngày đói lả không có gì ăn thì khi bắt gặp được củ khoai lang sống sẽ nhai rất ngon lành sung sướng … Đây chính là kinh nghiệm cá nhân, là hiểu biết không mang tính phổ quát, đúng cho người này, không đúng cho người kia, đúng lúc này không đúng lúc kia, đúng chỗ này không đúng chỗ kia. Đó không phải là Chân lý, không phải là sự thật mang tính phổ quát.
Tuy vậy trong hiểu biết về Sướng Khổ của nhân loại (ngoại trừ bậc Thánh) có điểm chung, đúng cho tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi, có tính phổ quát. Đó là nhân loại nhận thức rằng : Hạnh phúc và Khổ đau thuộc về thế giới vật chất bên ngoài ( Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp ), nó sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú trong thế giới vật chất ngoại cảnh, có thể làm chủ nó, sở hữu nó, điều khiển được nó. Đây là Vô minh, Tà kiến là một sự thật thuộc về thế gian, thuộc về Phàm phu, nó có tính phổ quát, nên nó cũng là Chân lý, và gọi là Tục đế, Chân lý của đời sống thế tục.
Hiểu biết rằng Hạnh phúc và Khổ đau là các Cảm giác hay thuật ngữ Phật học là Cảm thọ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, thuộc phạm trù Tâm chứ không phải thế giới vật chất, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ) là sự thật mang tính phổ quát, đúng cho tất cả mọi người ( cho dù có người không nhận thức được nó ), đúng cho mọi lúc, mọi nơi nên đó là Chân Lý.
Tứ thánh đế là BỐN SỰ THẬT mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy mang tính phổ quát, đúng cho tất cả con người, đúng cho mọi lúc mọi nơi nên đó là BỐN CHÂN LÝ bao gồm : SỰ THẬT KHỔ, SỰ THẬT NGUYÊN NHÂN KHỔ, SỰ THẬT KHỔ DIỆT, SỰ THẬT CON ĐƯỜNG KHỔ DIỆT mà Phật học gọi là Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế.
Vì vậy, Đức Phật truyền dạy Chân Lý, là hiểu biết đúng sự thật mang tính phổ quát, ĐÚNG CHO NGÀI VÀ ĐÚNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI chứ không phải Ngài truyền dạy các kinh nghiệm cá nhân đúng cho người này, không đúng cho người kia, đúng lúc này không đúng lúc kia, đúng nơi này không đúng nơi kia.
Có những kiến giải sai lạc về điều này đang thịnh hành trong giới tu học Phật là Đức Phật tuỳ theo đối tượng căn cơ chúng sinh khác nhau mà Đức Phật thuyết giảng Giáo pháp khác nhau nghĩa là TUỲ BỆNH CHO THUỐC, hay tuỳ theo căn tánh của mỗi người mà có cách tu khác nhau, người nặng về tham tu khác, người nặng về sân tu khác …
Thiền Sư Nguyên Tuệ (18.8.2021)
Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC