Thực hành Tứ Niệm Xứ là thực hành Chánh Niệm với 4 đề mục:
- Chánh Niệm về Thân
- Chánh Niệm về Thọ
- Chánh Niệm về Tâm
- Chánh Niệm về Pháp
Bài viết này giới thiệu đề mục thứ nhất là Chánh Niệm về Thân còn gọi là Niệm Thân hay Quán thân nơi thân.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NIỆM THÂN
Trong kinh điển: Chánh Niệm về Thân có nội dung là ”Quán thân nơi thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời”, diễn dịch ra ngôn ngữ thuần tiếng Việt là: Chánh niệm về thân, hay quán thân nơi thân là ”Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát cảm giác toàn thân”, hay là “Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân”, hay “Nhớ đến tích cực chú tâm thấy cảm giác toàn thân”. (Các từ “quán sát”, “ghi nhận” hay “thấy” trong ngữ cảnh này là đồng nghĩa.)
Chữ “Thân” được lặp lại 2 lần trong “Quán Thân nơi Thân” nghĩa là khi thực hành thì người tu quán sát trực tiếp các cảm giác trên thân khi nó đang xảy ra, đang hiện hữu, đưa đến cái biết như thật về Thân.
Phân tích lộ trình tâm khi thực hành Niệm Thân đề mục thứ nhất trong Tứ Niệm Xứ:
Chánh Niệm về Thân làm phát sinh Chánh định và Tỉnh giác. Tỉnh giác ở đây là cái biết trực tiếp giác quan bao gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và tưởng thức với sự có mặt của Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định. Khi an trú Tỉnh giác thì sẽ kinh nghiệm được Khổ diệt: không có Vô minh, Tham Sân Si, không có phiền não.
Có thể thực hành Chánh niệm về Thân trong nhiều tư thế: thiền tọa, thiền đứng, thiền hành, thiền nằm, trong các sinh hoạt đời sống.
CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH & TUỆ TRI
Thực hành Niệm Thân là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thân nơi Thân, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó:
- Tuệ tri Chú tâm liên tục phát sinh Định.
- Tuệ tri 2 loại chú tâm: có tầm có tứ và không tầm không tứ.
- Tuệ tri các tầng Định: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
- Tuệ tri tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái (hỷ lạc) của Định.
- Tuệ tri cái Thấy thuần túy (Tỉnh giác), tính chất vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt.
- Tuệ tri tính chất vô chủ, vô sở hữu, hay là vô ngã.
- Tuệ tri Khổ diệt (Niết Bàn), Tâm giải thoát, Không tánh giải thoát.
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH
TỌA THIỀN
Tư thế: chọn tư thế ngồi thoải mái, giữ cho cổ thẳng, lưng thẳng một cách tự nhiên, răng lưỡi ngậm chặt.
Cách thực hành
Sự thực hành Niệm Thân trong tư thế ngồi là rèn luyện trí nhớ chánh, nhớ đến chú tâm liên tục cảm giác toàn thân theo nhịp thở. Tốt nhất là thực hành tuần tự theo hai giai đoạn: đầu tiên là thực hành trong tư thế mở mắt; khi thực hành đã đạt được sự tự nhiên, không phân tâm nữa thì mới chuyển sang tư thế nhắm mắt.
Cụ thể việc thực hành chỉ là: nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi, rồi khởi lên “thấy, thấy”. Có thể khởi lên ”thấy” khi bắt đầu cảm giác thở ra, hoặc khi hết cảm giác thở ra. Chữ ”thấy” kéo dài trên các đối tượng được thấy. Có thể kết hợp với nhớ đến thở ra từ từ, nhè nhẹ một cách tự nhiên.
Người tu chỉ thực hành đúng như vậy rồi để tâm tự nhiên trải nghiệm những gì xảy ra chứ không làm thêm gì nữa.
Lưu ý:
- Chữ “thấy” ở đây đồng nghĩa với “quán sát”, “ghi nhận”, dùng chung cho cụm từ “thấy, nghe, cảm nhận đối tượng”. Ví dụ như: thấy hình ảnh, thấy âm thanh, ngửi thấy mùi, nếm thấy vị…
- Khi mở mắt thì hướng đến một đối tượng hình ảnh nào đó rồi khởi lên “thấy, thấy”. Khi nhắm mắt, thấy đối tượng trước mặt là đen đen, chấm chấm, một màu gì hoặc một hình ảnh nào đó thì đó là hình ảnh pháp trần.
Kết quả của sự thực hành
Thực hành thành công là khi kinh nghiệm thấy cảm giác răng lưỡi đan xen với những cái thấy khác, lúc này là Nhất tâm, là đạt định, không còn nhớ nghĩ đến chuyện gì khác trên đời. (Nhất tâm nghĩa là không phân tâm, Chánh niệm khởi lên liên tục không gián đoạn, không có tà niệm xen vào).
Khi thực hành Chánh niệm về Thân, tức rèn luyện trí nhớ Chánh, nhớ đến tích cực chú tâm thấy cảm giác toàn thân, thì người tu có thể kinh nghiệm (còn gọi là thân chứng) và có hiểu biết đúng sự thật (còn gọi là tuệ tri) về kết quả của sự thực hành đó. Cụ thể:
1. Kinh nghiệm cái Thấy thuần túy Tỉnh giác
- Cái thấy khởi lên tự động, liên tiếp từ đối tượng này sang đối tượng khác: thấy cảm giác răng lưỡi đan xen với thấy cảm giác thở vô thở ra thấy cảm giác chuyển động trên thân thấy các cảm giác âm thanh thấy các cảm giác hình ảnh (khi mở mắt) hoặc hình ảnh pháp trần (khi nhắm mắt).
- Chỉ thấy thôi, cái thấy thuần túy tách biệt khỏi cái biết trí óc, không khởi lên suy nghĩ, tìm hiểu, nhận xét, đánh giá đối tượng được thấy. Cái thấy thuần túy này còn gọi là Tỉnh giác, còn gọi là tâm biết trực tiếp giác quan (trực giác, tâm ghi nhận, Tưởng thức).
2. Kinh nghiệm sự chú tâm liên tục với 2 loại chú tâm
- Có sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân, từ đối tượng cảm giác này sang đối tượng cảm giác khác. Sự chú tâm liên tục này không tập trung vào đối tượng nhất định nào cả.
- Kinh nghiệm có 2 loại chú tâm:
- Chú tâm có hướng đến đối tượng là hình ảnh (khi mở mắt) hay hình ảnh pháp trần (khi nhắm mắt) và duy trì sự chú tâm trên đối tượng đó.
- Chú tâm không tầm không tứ: là chú tâm không hướng đến, không duy trì chú tâm vào đối tượng nào cả. Cụ thể khi Niệm Thân thì chú tâm không tầm không tứ là chú tâm tự động xảy ra với cảm giác thở vô, cảm giác thở ra, cảm giác răng lưỡi đan xen với các cảm giác khác trên thân.
Có những lúc có cả 2 loại chú tâm là có tầm có tứ và không tầm không tứ, cũng có lúc kinh nghiệm chỉ có duy nhất một loại chú tâm là chú tâm không tầm không tứ.
3. Tuệ tri tâm trạng Tích cực, Vui, Thoải mái
Khi thực hành đạt đến nhất tâm, kinh nghiệm được cái Thấy liên tiếp từ đối tượng này sang đối tượng khác: thấy cảm giác răng lưỡi đan xen với thấy các cảm giác khác trên thân thì cũng kinh nghiệm, quan sát được tâm trạng Tích cực, Vui, Thoải mái.
- Tích cực: kinh nghiệm không có uể oải, nhác nhớn, chán nản, lười biếng, hôn trầm, buồn ngủ. Trạng thái này gần giống như tâm trạng phấn khởi.
- Vui: kinh nghiệm có cái vui nhè nhẹ thỉnh thoảng khởi lên khi có chú tâm liên tục cảm giác toàn thân (thuật ngữ Phật học gọi là hỷ).
- Thoải mái: kinh nghiệm có thoải mái trên thân khi có chú tâm liên tục cảm giác toàn thân (thuật ngữ Phật học gọi là lạc).
Tâm trạng Tích cực, Vui, Thoải mái này phát sinh do sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân, chứ không phải do các đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận bên ngoài mang đến.
4. Tuệ tri cái Thấy thuần túy Tỉnh giác là vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt
Khi thực hành Niệm thân, kinh nghiệm được cái thấy thuần túy Tỉnh giác, là sự ghi nhận thuần túy các đối tượng thực tại mà không có tâm biết ý thức (cái biết trí óc) xen vào, nên không khởi lên khái niệm, ngôn từ để diễn tả các khái niệm, không có sự phân biệt giữa đối tượng này và đối tượng kia. Đó là tính chất vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt của Tỉnh giác.
5. Tuệ tri Chánh định với các mức độ: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền
Khi thực hành nhớ đến tích cực chú tâm thấy rõ cảm giác toàn thân thì kinh nghiệm có sự chú tâm liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác; có lúc gồm cả 2 loại chú tâm là chú tâm có tầm có tứ và không tầm không tứ, cũng có lúc chỉ hoàn toàn là chú tâm không tầm không tứ. Sự chú tâm đó làm phát sinh Chánh định với 4 mức độ: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.
6. Tuệ tri Tâm giải thoát, hay Khổ diệt, Niết Bàn, Không giải thoát
- Khi thực hành Niệm Thân, an trú Chánh định, an trú Tỉnh giác thì lúc đó thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảm nhận chỉ là cảm nhận. Không có Tham Sân Si với đối tượng, không có thích ghét nên không có khổ vui với đối tượng. Đó chính là tuệ tri Khổ diệt (còn gọi là tuệ tri Diệt đế, Niết Bàn).
- Đồng nghĩa với tuệ tri Giải thoát: không yêu thích không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy với các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận đó. Giải thoát này do 3 chi phần Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định mà khởi lên, nên đặt tên là Tâm giải thoát, còn gọi là Không tánh giải thoát, Không giải thoát.
THIỀN ĐỨNG
Cách thực hành
Rèn luyện trí nhớ Chánh về thân trong tư thế đứng: nhớ đến tích cực chú tâm thấy cảm giác toàn thân theo nhịp thở. Cụ thể: mở mắt, nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi, rồi khởi lên ”thấy, thấy”. Có thể tự do, tự nhiên nhìn chỗ này chỗ kia, xoay người sang bên này bên kia, nhưng vẫn luôn khởi lên ”thấy, thấy” (chỉ nhớ đến, nghĩ đến ”thấy, thấy”). Thỉnh thoảng có thể khởi lên ”thấy thật tự nhiên như nhiên”.
Kinh nghiệm và tuệ tri kết quả
Tương tự khi tọa thiền:
- Kinh nghiệm cái thấy thuần túy Tỉnh giác
- Kinh nghiệm sự chú tâm liên tục không tập trung
- Kinh nghiệm Thấy mà không có suy nghĩ, đầu óc trống rỗng, trống không, bình an, thoải mái.
THIỀN HÀNH
Cách thực hành
Rèn luyện trí nhớ Chánh về thân trong tư thế đi: nhớ đến tích cực chú tâm thấy cảm giác toàn thân theo nhịp đi. Cụ thể: Nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi, nhớ đến nắm chặt 2 ngón tay cái, đi một cách tự nhiên như nhiên. Lúc đầu, theo nhịp bước khởi lên “thấy, thấy” (mục đích là để nhớ đến thấy liên tục cảm giác toàn thân đan xen với thấy cảm giác răng lưỡi).
Kinh nghiệm và tuệ tri kết quả
- Kinh nghiệm, tuệ tri cái Thấy thuần túy: thấy liên tiếp từ đối tượng này sang đối tượng khác, không tập trung vào một đối tượng nhất định nào. Thấy cảm giác răng lưỡi đan xen với thấy các đối tượng khác: thấy cảm giác chân trái chân phải chạm đất, thấy cảm giác chuyển động của vai trái vai phải, thấy hình ảnh đường đi.
- Kinh nghiệm trạng thái nhất tâm, định (sơ thiền); thấy mà không suy nghĩ, đầu óc trống rỗng trống không; có tâm trạng tích cực, vui, thoải mái.
- Kinh nghiệm, tuệ tri sự chú tâm liên tục không tập trung đi liền với cái thấy, và có 2 loại chú tâm:
- Chú tâm có tầm có tứ: có hướng đến và duy trì chú tâm vào hình ảnh đường đi, hay một số các đối tượng hình ảnh khác.
- Chú tâm không tầm không tứ: chú tâm tự động xảy ra nơi thân, cảm giác răng lưỡi, cảm giác chạm đất của chân trái chân phải, cảm giác chuyển động của vai trái vai phải…
- Tuệ tri tính chất của cái Thấy thuần túy (Tỉnh giác) là vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt.
- Tuệ tri Tâm giải thoát: khi an trú cái thấy thuần túy thì kinh nghiệm không có thích/ ghét, khổ/ vui với các đối tượng được thấy. Đó là kinh nghiệm Giải thoát, kinh nghiệm Khổ diệt, Niết Bàn.
THIỀN NẰM
Cách thực hành
- Rèn luyện trí nhớ Chánh về thân trong tư thế nằm: nhớ đến tích cực chú tâm thấy cảm giác toàn thân theo nhịp thở.
- Trên đầu nên kê một cái gối để đầu cao hơn thân. Có thể nằm ngửa, nằm nghiêng bên trái hoặc bên phải. Có thể thay đổi tư thế một chút chứ không bắt buộc nằm yên một chỗ.
- Thực hành: Nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi, nhớ đến khởi lên “thấy, thấy”. Có thể khởi lên ”thấy” khi bắt đầu cảm giác thở ra, hoặc khi hết cảm giác thở ra. Chữ ”thấy” kéo dài trên các đối tượng được thấy.
- Có thể tăng cường cảm giác răng lưỡi bằng cách tìm tư thế đặt lưỡi chạm vào răng, vòm họng sao cho tạo được cảm giác nổi bật nhất. Nếu thực hành thấy khó: thì khi hết cảm giác thở ra, hướng cái thấy vào cảm giác răng lưỡi.
Kinh nghiệm và tuệ tri kết quả
- Kinh nghiệm cái thấy thuần túy như khi tọa thiền.
- Kinh nghiệm trạng thái Nhất tâm, không bị phân tâm, đầu óc trống rỗng, trống không, không suy nghĩ về bất kỳ chuyện gì trên đời.
- Ứng dụng Thiền nằm trước khi đi ngủ: kinh nghiệm dễ đi vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc.
THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG
Trong mọi tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, trong các sinh hoạt đời sống và trong mọi công việc thì luôn luôn nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi, khởi lên “thấy, thấy” theo nhịp: nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc.
Thực hành liên tục để sống với cái thấy: thấy nghe cảm nhận cái gì cũng đều đan xen với thấy cảm giác răng lưỡi. Lúc này cái biết ý thức, cái biết trí óc khởi lên ít ỏi, vừa đủ để làm các việc cần thiết. Chỉ thấy là chủ yếu thôi nên đầu óc trống rỗng, trống không, bình an thoải mái.
TỔNG KẾT CÁC ĐỀ MỤC NIỆM THÂN
Thực hành Niệm Thân là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thân nơi Thân, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó.
Cụ thể:
Xem thêm các bài viết liên quan về Tứ Niệm Xứ:
- Những lợi ích và Lưu ý khi thực hành Tứ niệm xứ
- Những câu hỏi thường gặp về Tứ niệm xứ
- Phân biệt Tứ niệm xứ với các phương pháp Thiền khác
- Hướng dẫn Thực hành Tứ Niệm Xứ
Đinh Hương tổng hợp và biên tập từ các bài giảng của Thiền Sư Nguyên Tuệ