Thực hành Tứ Niệm Xứ là thực hành Chánh Niệm với 4 đề mục:
- Chánh Niệm về Thân
- Chánh Niệm về Thọ
- Chánh Niệm về Tâm
- Chánh Niệm về Pháp
Bài viết này giới thiệu đề mục thứ 2 là Chánh Niệm về THỌ còn gọi là Niệm THỌ hay Quán Thọ nơi Thọ.
Niệm Thọ (Quán Thọ nơi Thọ)
GIỚI THIỆU CHUNG
Thực hành Niệm thọ, hay Quán Thọ nơi Thọ là rèn luyện trí nhớ Chánh về Thọ. Cụ thể là: Nhớ đến tích cực chú tâm quán cảm giác theo nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc. Thực hành để quán sát cảm giác khi nó đang xảy ra trong giây phút hiện tại (nên gọi là quán thọ nơi thọ).
Thực hành Niệm Thọ tức rèn luyện hiểu biết đúng sự thật về đối tượng thực tại là cảm giác sẽ đưa đến an trú Tỉnh giác và Chánh kiến về Thọ, kinh nghiệm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khi thực hành Niệm Thọ:
Có thể thực hành Niệm thọ trong nhiều tư thế: thiền tọa, thiền đứng, thiền hành, thiền nằm và trong các sinh hoạt đời sống.
CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH & TUỆ TRI
Thực hành Niệm Thọ là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thọ nơi Thọ, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó.
Cụ thể:
- Tuệ tri thực tại là Cảm Thọ (Cảm giác) gồm: Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần.
- Tuệ tri duyên khởi các loại cảm giác đó do Căn Trần nào tiếp xúc phát sinh.
- Tuệ tri Cảm giác vô thường.
- Tuệ Tri Cảm giác vô chủ, vô sở hữu.
- Tuệ tri Vô ngã khi niệm Thọ.
- Tuệ tri Khổ diệt, Niết bàn, Tuệ giải thoát (Vô tướng giải thoát).
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH
TỌA THIỀN
Thực hành theo đề mục:
Đề mục 1 – Tuệ tri thực tại là cảm giác
- Nên thực hành tuần tự theo 2 giai đoạn: mở mắt rồi mới nhắm mắt.
- Đầu tiên và luôn luôn: nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi. Khi hết cảm giác thở ra (hết nhịp thở), bắt gặp đối tượng nào nổi trội (cảm giác trên thân, cảm giác hình ảnh/ âm thanh/ pháp trần…) thì khởi lên biết đó là ”CẢM GIÁC, CẢM GIÁC”. Có thể tác ý hướng đến một loại đối tượng cụ thể (ví dụ: cảm giác hình ảnh hay cảm giác âm thanh) rồi quán đó là “cảm giác”; hoặc cứ để tự nhiên, hễ bắt gặp đối tượng nào nổi trội nào thì quán là “cảm giác”.
- Kinh nghiệm: Khi có ý thức Chánh kiến khởi lên biết các đối tượng ghi nhận là cảm giác thì TÂM không có diễn tiến gì nữa; không có Thích/ Ghét, Tham Sân Si, Khổ/Vui với các đối tượng đó.
- TUỆ TRI: Thực tại này là cảm giác. Đối tượng được nhìn thấy là cảm giác hình ảnh chứ không phải sắc trần, đối tượng được nghe là cảm giác âm thanh chứ không phải thanh trần, đối tượng được cảm nhận trên thân là cảm giác xúc chạm chứ không phải xúc trần… Thỉnh thoảng khởi lên nhận xét tổng quát hóa: TẤT CẢ THỰC TẠI NÀY ĐỀU LÀ CẢM GIÁC, NÓ LÀ TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI THẾ GIỚI VẬT CHẤT.
Đề mục 2 – Tuệ tri các loại cảm giác và duyên khởi các cảm giác đó
- Quán cảm giác theo nhịp thở. Luôn luôn nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và duy trì chú tâm răng lưỡi.
- Khi thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng thì biết đối tượng đó là CẢM GIÁC.
- Với những cảm giác đặc biệt, nổi trội thì phân biệt, gọi tên loại cảm giác đó: là cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác xúc chạm hay cảm giác pháp trần…
- Tuệ tri duyên khởi các loại cảm giác: do căn trần tiếp xúc mà phát sinh. Ví dụ: cảm giác hình ảnh do mắt tiếp xúc với sắc trần mà phát sinh.
Đề mục 3 – Tuệ tri tính chất vô thường, vô chủ sở hữu của các cảm giác
- Khởi đầu: Quán cảm giác theo nhịp thở. Luôn luôn nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và duy trì chú tâm răng lưỡi. Nên thực hành theo 2 giai đoạn: mở mắt rồi mới nhắm mắt.
- Thỉnh thoảng dừng lại nhận xét, tuệ tri về tính chất Vô thường và Vô chủ sở hữu của các cảm giác:
– VÔ THƯỜNG: Các CẢM GIÁC sinh lên rồi diệt đi liền, không có cảm giác nào tồn tại lâu dài cả.
– VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU: Không thể nào làm chủ, điều khiển, nắm giữ, xua đuổi được các cảm giác. Chỉ có thể quan sát được nó thôi.
Đề mục 4 – Tuệ tri vô ngã khi quán cảm giác
- Khởi đầu: Quán cảm giác theo nhịp thở. Luôn luôn nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và duy trì chú tâm răng lưỡi.
- Thỉnh thoảng khởi lên TUỆ TRI VÔ NGÃ: thân chứng được khi quán cảm giác theo nhịp thở thì chỉ khởi lên duy nhất một ý nghĩ/ tư tưởng Chánh kiến: các đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận là cảm giác. Không hề khởi lên ý nghĩ/ tư tưởng cảm giác đó là TA, CỦA TA – tức không có cái TA, TÔI nào là chủ nhân, chủ sở hữu các đối tượng thực tại.
Đề mục 5 – Tuệ tri tuệ giải thoát khi quán cảm giác
- Khởi đầu: Quán cảm giác theo nhịp thở.
- Thỉnh thoảng khởi lên Tuệ tri tuệ giải thoát: Khi Chánh kiến về Thọ khởi lên như vậy thì cũng kinh nghiệm được: không yêu thích, không chán ghét, độc lập, không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy với bất kỳ đối tượng nào. Giải thoát này là do trí tuệ hiểu biết đúng sự thật về thực tại cảm giác, còn gọi là vô tướng giải thoát.
Đề mục 6 – Tuệ tri tổng hợp các đề mục quán cảm giác
- Khởi đầu: Thực hành quán cảm giác theo nhịp thở.
- Khi quán cảm giác theo nhịp thở đã tự nhiên như nhiên, thoải mái vững chắc thì có thể khởi lên tuệ tri các đề mục:
- Tuệ tri Thực tại này là cảm giác
- Phân biệt được các loại cảm giác và duyên khởi: cảm giác này do căn trần nào tiếp xúc mà phát sinh.
- Tuệ tri Cảm giác này vô thường, vô chủ vô sở hữu.
- Tuệ tri Vô ngã, không khởi lên tư tưởng chấp ngã.
- Tuệ tri Tuệ giải thoát.
- Có thể tuệ tri một vài đề mục hoặc đầy đủ các đề mục theo thứ tự như trên.
Đề mục 7 – Quán cảm giác pháp trần
- Theo nhịp thở, hướng đến đối tượng là cảm giác pháp trần (CGPT) và quán là ”PHÁP TRẦN, PHÁP TRẦN” (gọi tắt cho dễ quán).
- Tuệ tri một vài đề mục, hoặc tất cả các đề mục:
- Tuệ tri thực tại lúc đó là CGPT, là tâm, là ”cảnh ảo” chứ không có thế giới vật chất nào ở đây cả.
- Tuệ tri duyên khởi CGPT: do ý tiếp xúc thông tin pháp trần mà phát sinh.
- Tuệ tri tính chất vô thường, vô chủ sở hữu.
- Tuệ tri Vô ngã: không có cái TA nào quan sát cả mà chỉ có tâm biết Chánh kiến biết các đối tượng đó là CGPT.
- Tuệ tri tuệ giải thoát: khi biết bản chất CGPT là cảnh ảo, là tâm, vô thường, vô chủ sở hữu thì kinh nghiệm được tuệ giải thoát: không yêu thích không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy đối với các CGPT đó.
THIỀN ĐỨNG
- Thực hành quán cảm giác theo nhịp thở trong tư thế đứng, tương tự như khi tọa thiền:
- Nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi, duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi rồi để tự nhiên như nhiên.
- Khi hết cảm giác thở ra, bắt gặp đối tượng nổi trội nào thì khởi lên biết đó là ”CẢM GIÁC, CẢM GIÁC”.
- Thỉnh thoảng khởi lên tuệ tri các đề mục:
- Thực tại là cảm giác, là tâm chứ không phải là thế giới vật chất.
- Phân biệt các đối tượng cảm giác ghi nhận được, rồi quán duyên khởi (do căn trần nào tiếp xúc mà phát sinh).
- Tuệ tri các đối tượng cảm giác là vô thường, vô chủ vô sở hữu.
- Tuệ tri tuệ giải thoát.
THIỀN HÀNH
- Nhớ đến nắm chặt 2 ngón cái, ngậm chặt răng lưỡi, duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi, đi tự nhiên như nhiên. Lúc đầu theo nhịp bước chân nhắc thầm ”CẢM GIÁC, CẢM GIÁC”. Bắt gặp đối tượng nào nổi trội thì Chánh kiến khởi lên biết đó là CẢM GIÁC.
- Với những đối tượng nổi bật: tuệ tri loại cảm giác và duyên khởi cảm giác đó. Ví dụ: khi khởi lên biết đối tượng ghi nhận là cảm giác hình ảnh thì cũng khởi lên: do mắt tiếp xúc với sắc trần mà phát sinh.
- Có thể khởi lên tuệ tri tính chất vô thường, vô chủ vô sở hữu của các cảm giác; tuệ tri tuệ giải thoát.
THIỀN NẰM
- Tư thế: tương tự như khi Niệm thân.
- Khởi đầu: nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi. Thực hành tuần tự từ mở mắt rồi đến nhắm mắt. Hết nhịp thở ra, bắt gặp đối tượng nào thì ý thức khởi lên biết là ”CẢM GIÁC, CẢM GIÁC”.
- Thỉnh thoảng khởi lên tư duy tổng quát hóa: Những gì được thấy/ nghe/ cảm nhận là cảm giác – là tâm chứ không phải thế giới vật chất.
- Thỉnh thoảng khởi lên tuệ tri các đề mục như: vô thường, vô ngã và tuệ giải thoát.
TRONG ĐỜI SỐNG
Thực hành liên tục quán cảm giác theo nhịp thở, nhịp bước, nhịp làm việc, trong mọi tư thế để trở thành một lối sống: lối sống thường xuyên quán cảm giác. Thực hành thành tựu là khi: Hễ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng thực tại thì Chánh kiến – những hiểu biết đúng sự thật về cảm giác tự động khởi lên. Khi đó sẽ kinh nghiệm được: Không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy với mọi đối tượng → kinh nghiệm TUỆ GIẢI THOÁT; cũng đồng nghĩa với không có Tham, Sân, Si → kinh nghiệm KHỔ DIỆT, NIẾT BÀN.
TỔNG KẾT CÁC ĐỀ MỤC NIỆM THỌ
Thực hành Niệm Thọ là nhớ đến tích cực chú tâm Quán Thọ nơi Thọ, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó.
Xem thêm các bài viết liên quan về Tứ Niệm Xứ:
- Những lợi ích và Lưu ý khi thực hành Tứ niệm xứ
- Những câu hỏi thường gặp về Tứ niệm xứ
- Phân biệt Tứ niệm xứ với các phương pháp Thiền khác
- Hướng dẫn Thực hành Tứ Niệm Xứ
Đinh Hương tổng hợp và biên tập từ các bài giảng của Thiền Sư Nguyên Tuệ