Đây là một khái niệm rất mới mẻ xuất hiện trên các trang mạng nói về các khoá học “Chữa lành đứa trẻ bên trong”. Đương nhiên là khoá học dành cho người lớn chứ không phải trẻ con và các từ này cũng bao hàm một ý nghĩa là trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ bị tổn thương nên cần phải được chữa lành. Vậy tại sao mỗi một người lớn lại có một đứa trẻ bên trong, tại sao nó lại bị tổn thương, chữa lành nó để làm gì và phải chữa lành nó bằng cách nào?
Đa phần mọi người đều kinh nghiệm được cuộc sống lúc còn trẻ thơ từ nhỏ cho đến sáu bảy tuổi sao mà vui vẻ hồn nhiên, vô tư, thoải mái đến vậy, kể cả giận dỗi cũng chỉ xẩy ra trong chốc lát rồi biến mất ngay không như bây giờ trưởng thành rồi, biết rất nhiều, có đủ thứ rồi mà không hề được vui vẻ, thoả mãn như thuở ấu thơ. Vì vậy, nhiều người mơ ước một cái vé về lại tuổi thơ, trở về lúc sáu tuổi… Tuy vậy, ít ai định nghĩa được một cách rõ ràng, chính xác, đứa trẻ bên trong là cái gì, vì vậy không lý giải được vì sao nó bị tổn thương và phải chữa lành nó bằng cách nào.
Hãy khảo sát sự thật. Con người sống bởi hai loại tâm biết :
– Một là loại tâm biết trực tiếp giác quan gồm nhãn thức, nhỉ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức có phận sự nhận biết, hay ghi nhận đối tượng nghĩa là chỉ thấy nghe, cảm nhận đối tượng nhưng không biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Loại tâm biết trực tiếp này sinh ra nơi 6 giác quan khi các giác quan này tiếp xúc hay tương tác với các sự vật bên ngoài. Loại tâm biết này sinh ra là có liền và trẻ con người lớn đều giống nhau, đều không khái niệm, không ngôn từ, không phân biệt. Hãy hình dung ra cái tâm biết trực tiếp giác quan này khi quan sát hành vi thấy nghe, cảm nhận của một đứa bé vừa được sinh ra. Loại tâm biết trực tiếp giác quan gọi tắt là trực giác này không làm phát sinh tham sân si, không làm phát sinh phiền não.
– Hai là tâm biết ý thức, biết đối tượng mà tâm biết trực giác thấy nghe hay cảm nhận đó là cái gì, tính chất ra sao. Tâm biết ý thức phải do học hỏi, phải do tư duy ( suy nghĩ ) mới có được, nên đứa bé khi lớn lên phải học hỏi các tri thức, khái niệm lúc đó ý thức mới khởi lên. Khi lớn lên con người sống bởi hai loại tâm biết gồm tâm biết trực tiếp giác quan ( nhận thức cảm tính đối tượng ) và tâm biết ý thức ( nhận thức lý tính đối tượng ). Tâm biết ý thức còn được chia làm hai loại Chánh kiến của bậc Thánh và Tà kiến của Phàm phu. Tâm biết ý thức tà kiến của Phàm phu hiểu biết không đúng sự thật, là vô minh, chấp ngã, nó là nguyên nhân làm phát sinh tham sân si, phát sinh phiền não.
Con người sống bởi hai loại tâm biết với hai phận sự, hai tính chất khác nhau và theo nghĩa bóng tâm biết ý thức là người lớn và tâm biết trực giác là đứa trẻ bên trong. Vậy tại sao đứa trẻ bên trong bị tổn thương ? Đó là, vốn tâm biết trực giác (đứa trẻ bên trong) ghi nhận trung thực đối tượng, đối tượng như thế nào thì nó ghi nhận như thế đó nhưng tâm biết ý thức tà kiến của Phàm phu là vô minh chấp ngã nên đã xuyên tạc, làm méo mó, sai lạc đối tượng mà tâm biết trực giác đã ghi nhận. Đây gọi là đứa trẻ bên trong bị tổn thương.
Lúc còn bé con người sống chủ yếu với tâm biết trực tiếp giác quan, sống với đứa trẻ bên trong, tâm biết ý thức do học hỏi, do tư duy chưa nhiều nên tham sân si ít, phiền não ít, vì vậy sống với tâm hồn nhiên trong sáng, vui vẻ vô tư. Con người càng lớn lên thì những tri thức kinh nghiệm học hỏi được càng nhiều nên hiểu biết càng nhiều, làm được nhiều việc, có được nhiều thứ nhưng vì đó là tâm biết ý thức tà kiến, hiểu biết đó là vô minh chấp ngã nên càng nhiều tham sân si, càng nhiều phiền não. Nhiều người đã thấy ra một phần sự thật này và vì mệt mỏi, căng thẳng, phiền não trong cuộc sống hiện tại nên họ mơ một vé về tuổi thơ, như cách nhiều người hiểu là chữa lành đứa trẻ bên trong. Nhưng cho dù họ có luyến tiếc, họ có mơ ước trở về cuộc sống hồn nhiên của tuổi ấu thơ nhưng không ai làm được điều đó. Vì sao vậy ? Vì đó là vận hành của lộ trình tâm Bát tà đạo, lộ trình tâm có tâm biết ý thức vô minh, tà kiến, tính chất của nó là vô chủ vô sở hữu, không ai có thể điều khiển được, không ai làm chủ được nó.
Vậy để “chữa lành đứa trẻ bên trong” để trở về với cuộc sống tuổi thơ tuy ngây thơ khờ dại nhưng lại hồn nhiên trong sáng vô tư phải làm thế nào ?
Đó là thực hành Tứ niệm xứ để thay đổi lộ trình tâm từ Bát tà đạo sang Bát chánh đạo.
Khi thực hành Chánh niệm về thân là Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân, có khoảng 80 đến 85% lộ trình tâm dừng lại tâm biết trực tiếp giác quan, không có tâm biết ý thức khởi lên, lúc đó tâm biết trực tiếp giác quan có tên gọi theo Phật học là Tỉnh giác sẽ ghi nhận đối tượng đúng như thực, không còn bị tri thức khái niệm vô minh của tâm biết ý thức xuyên tạc bóp méo nữa. Tâm biết ý thức chỉ còn tối đa là 15 đến 20% đủ để tác ý làm những việc cần thiết phải làm, nên 80 đến 85% tư duy, suy nghĩ linh tinh, vô bổ vô ích đưa đến căng thẳng, giận hờn phiền não được chấm dứt. Lúc đó chính là đứa trẻ bên trong được chữa lành, lúc đó là quay về sống với đứa trẻ bên trong là tâm biết Tỉnh giác, sống với tâm trong sáng hồn nhiên, vui vẻ vô tư còn hơn cả hồi còn trẻ thơ.
Khi thực hành Chánh niệm về thọ, về tâm, về pháp là Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thọ nơi thọ, quán sát tâm nơi tâm, quán sát pháp nơi pháp, tâm biết ý thức Chánh tri kiến khởi lên, biết đúng sự thật về đối tượng, chấm dứt tâm biết ý thức tà kiến vô minh chấp ngã. Với tâm biết ý thức Chánh tri kiến sẽ không có tham sân si, không có dính mắc ràng buộc, không có phiền não. Đây gọi là sự chữa lành bệnh khổ của người lớn.
Vậy thì sự thực hành Tứ niệm xứ không những làm cho chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm biết trực tiếp giác quan gọi là Tỉnh giác là sự chữa lành “đứa trẻ bên trong” mà còn làm chứng ngộ, chứng đạt, an trú tâm biết ý thức Chánh tri kiến, tức là chữa lành bệnh khổ của người lớn, chữa lành “đứa lớn bên ngoài”.
Thiền sư Nguyên Tuệ (11.6.2021)
Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC