Ngũ uẩn hay Năm uẩn là một thuật ngữ thông dụng trong Phật học để chỉ cho Năm nhóm: Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Chữ Uẩn được dùng trong Ngũ uẩn hay Năm uẩn đã được định nghĩa rõ ràng trongkinh Nikaya là nhóm, là tổ hợp. Ví như: Phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, thô hay tế, thắng hay liệt, nội hay ngoại, xa hay gần… đều là Sắc uẩn. Trong kinh điển Hán tạng dịch sang tiếng Việt chữ Uẩn trong Ngũ uẩn được dùng theo nghĩa “ngăn che” thực tánh, điều này đã “găm” vào đầu người học một hiểu biết sai lạc ngay từ đầu về Ngũ uẩn.
Hiểu biết về Ngũ uẩn có hai loại: Một là hiểu biết không đúng sự thật về Ngũ uẩn, hiểu biết đó gọi là Vô minh, là Vọng tưởng, là Không liễu tri Ngũ uẩn. Hai là hiểu biết đúng sự thật về Ngũ uẩn, hiểu biết đó được gọi là Minh, là Trí tuệ, là Liễu tri Ngũ uẩn.
1 – Vô Minh về Ngũ uẩn:
– Là hiểu biết của Phàm phu quan niệm Ngũ uẩn là Năm thành tố bao gồm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức đồng thời tồn tại, cấu hợp nên một chúng sanh, giống như các thành tố Cột Kèo Rui Mè Ngói đồng thời tồn tại cấu hợp nên ngôi nhà. Chúng sanh được sinh ra bao gồm Thân và Tâm tức Ngũ uẩn, cụ thể Thân là Sắc uẩn và Tâm là Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn. Năm uẩn đồng thời tồn tại, kết hợp với nhau gọi là một chúng sanh và khi chết Năm uẩn tan rã, chia lìa nhau. Sắc uẩn hay Thân trở về với Tứ Đại ( Đất Nước Gió Lửa ) còn Bốn uẩn còn lại là Tâm lại duyên với một Sắc uẩn khác nên cấu hợp trở lại thành một chúng sinh mới. Nói một cách đơn giản thì hiểu biết đó cho rằng khi một chúng sanh hiện hữu thì Tâm ở trong Thân, khi chết Thân này tan rã, Tâm sẽ thoát ra và đi đầu thai vào một Thân mới. Và như vậy Chết và Tái Sanh là sự di chuyển Tâm thức từ một thân xác này sang một thân xác khác, giống như thay một cái áo mới vậy. Với hiểu biết này thì Năm Uẩn luôn luôn có, thường xuyên tồn tại, chỉ trong thời gian chết không đủ duyên nên không cấu hợp thành chúng sanh, khi đủ duyên tái sanh thì cấu hợp trở lại thành một chúng sanh. Hiểu biết Năm Uẩn luôn luôn có, thường xuyên tồn tại như vậy gọi là Thường Kiến. Phàm phu cũng sống với hiểu biết Thân này là của Ta, là Ta, Tâm này là của Ta, là Ta, nghĩa là có một cái Ta là chủ nhân của Thân Tâm, chủ nhân của Năm Uẩn. Hiểu biết như vậy gọi là Ngã Kiến. Hiểu biết Năm Uẩn luôn luôn có, thường xuyên có được xếp vào một trong hai cực đoan của nhân loại gọi là Chấp Có, là Thường Kiến thuộc về Duy Vật.
– Một quan điểm khác được xếp vào cực đoan thứ hai của nhân loại, là Năm Uẩn không có thật, là giả có, Năm Uẩn do Tâm tạo ra. Tâm tạo ra Năm Uẩn được quan niệm là Chân Tâm Thường Trụ hay Thượng Đế Toàn Năng, đây là Chấp Không, là Đoạn Kiến thuộc về Duy Tâm.
– Có một số trường phái Phật Giáo tránh hai cực đoan Chấp Có và Chấp Không trên, đã tư duy, lập luận và đề ra học thuyết Nhị Đế. Họ lập luận và cho rằng Thế giới thực tại mà con người thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức là một thế giới ước lệ, tương đối, vận hành theo định luật nhân quả được gọi là Tục Đế. Đó là thế giới hiện tượng có hình tướng, có sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm, có sắc thọ tưởng hành thức, có mắt tai mũi lưỡi thân ý, có sắc thanh hương vị xúc pháp, có nhãn giới cho đến ý thức giới, có vô minh, có minh… Ngoài thế giới hiện tượng có tướng còn có một Thế giới thực tại bản thể tuyệt đối vô tướng gọi là Chân Đế. Trong cái Thế giới thực tại bản thể tuyệt đối vô tướng đó không có sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm, không có sắc thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến ý thức giới, không có vô minh cũng như minh… Hai thế giới thực tại bản thể tuyệt đối và thế giới thực tại hiện tượng tương đối không đối lập nhau mà thế giới thực tại bản thể tuyệt đối là nền tảng mà trên đó thế giới thực tại hiện tượng tương đối phát sinh. Thế giới thực tại hiện tượng là biểu hiện, là sự trình hiện của thế giới thực tại bản thể. Chính lập luận như vậy được hiểu là thế giới thực tại tuyệt đối còn được gọi là Chân Không là nền tảng mà từ đó phát sinh thế giới hiện tượng Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, và Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là sự trình hiện của Chân Không, là sự biểu hiện của Chân Không và vì vậy mà Sắc chẳng khác Chân Không, Chân Không chẳng khác với Sắc, Sắc chính là Chân Không, Chân Không chính là Sắc.Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều như vậy. Đây chính là lập luận Ngũ uẩn giai không. Lập luận này xuất phát từ sự hiểu biết thường ngày của nhân loại, ví như Đất là nền tảng mà trên đó Cây cối phát sinh. Cây cối từ Đất mà sinh ra, khi mất đi nó lại trở về với nền tảng là Đất. Chính vì vậy Cây cối là tương đối, là sự trình hiện của Đất, là sự biểu hiện của Đất, còn Đất là tuyệt đối là nền tảng, nên Đất chẳng khác Cây cối, Cây cối chẳng khác Đất, Đất chính là Cây cối, Cây cối chính là Đất.
Những lập luận cao siêu như vậy nhằm tránh hai cực đoan Chấp Có và Chấp Không nhưng nền tảng của lập luận ấy là Thường Kiến, Duy Vật vẫn ở trong cực đoan Chấp Có mà hình thành, nó là tư duy lý luận suông chứ không phải là sự thật. Cái Thế giới thực tại bản thể tuyệt đối vô tướng đó chỉ là Tư Tưởng do tư duy tác thành, không phải là sự thật bởi chính những người lập luận, tư duy ra nó cũng hết sức mơ hồ, trừu tượng về nó, không ai vạch ra được một con đường đi đến đó, không có một cách tu nào, cách thực hành cụ thể nào để thể nhập và an trú Thế giới thực tại tuyệt đối Chân Đế (Chân Không) Vô niệm, Vô ngôn, Vô phân biệt đó. Đức Phật không có giác ngộ một Thế giới thực tại bản thể tuyệt đối Chân Đế hay Chân Không nên không có giảng dạy, chỉ dẫn, phân tích bất kỳ một pháp tu nào để thể nhập và an trú Thế giới thực tại bản thể Chân đế hay Chân Không như vậy mà Ngài giác ngộ Cảm thọ. Đó là Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ cũng có nghĩa là Tuệ tri Tứ Thánh Đế. Sau khi đã tự mình chứng tri Ngài đã hiển thị, giảng giải, phân tích, chỉ dẫn rành mạch về Thực tại giải thoát, về Tứ Thánh Đế và đặc biệt Ngài đã hiển thị, giảng giải phân tích, chỉ dẫn rành mạch về con đường đi đến thể nhập và an trú Thực tại giải thoát. Đó chính là Bát Chánh Đạo, bao gồm: Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
2 – Minh về Ngũ Uẩn:
a – Năm Uẩn: Trong kinh Đại Kinh Mãn Nguyệt thuộc Trung Bộ Kinh đã trình bày tóm tắt về Duyên Khởi của năm nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Kinh đã chỉ rõ: Tứ đại là nhân, là duyên của Sắc uẩn, Căn Trần tiếp xúc là nhân, là duyên của Thọ uẩn, Căn Trần tiếp xúc là nhân, là duyên của Tưởng uẩn, Căn Trần tiếp xúc là nhân, là duyên của Hành uẩn, Xúc – Thọ – Tưởng – Tư (duy) khởi lên Thức uẩn. Nếu quán sát tỉ mỉ theo Duyên Khởi thì Năm Uẩn khởi lên theo một lộ trình sinh diệt. Đối với Phàm phu Năm uẩn khởi lên theo lộ trình Bát Tà Đạo như sau:
Xúc – Thọ – Tưởng – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Tri Kiến (Thức Uẩn) – Tham Sân Si – Tà Định – Dục – Tà Tinh Tấn – Phi Như Lý tác ý – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng – Sầu Bi Khổ Ưu Não Sinh Già Bệnh Chết.
Đây là tất cả pháp hay là Năm Uẩn hay Danh và Sắc.
– Sắc Uẩn hay nhóm Sắc bao gồm sáu Căn: Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý và năm Trần: Sắc Thanh Hương Vị Xúc.
– Thọ Uẩn hay nhóm Thọ bao gồm sáu Thọ hay sáu cảm giác do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh: Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần.
– Tưởng Uẩn hay nhóm Tưởng bao gồm sáu cái biết trực tiếp giác quan do sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh (có phận sự nhận biết sáu Cảm thọ) bao gồm: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức.
– Hành Uẩn hay nhóm hành bao gồm: Niệm, Tư Duy, Tham Sân Si, Định, Dục, Tinh Tấn, Tác Ý, Lời nói, Hành động, Ăn uống, Sầu Bi Khổ Ưu Não. Các tâm hành này cũng do Ý tiếp xúc Pháp trần mà phát sinh.
– Thức Uẩn hay nhóm Thức chính là Ý thức do lộ trình Xúc – Thọ – Tưởng – Tư (duy) phát sinh. Định nghĩa này trong kinh Đại Kinh Mãn Nguyệt đã chỉ rõ Thức Uẩn chỉ là Ý thức nên tránh được sự hiểu lầm Thức uẩn bao gồm sáu thức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức.
Năm uẩn hay Năm nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là Pháp Duyên khởi nên nó Vô thường, sinh lên rồi diệt không thường hằng, không thường trú bất kỳ chỗ nào. Năm uẩn cũng Vô Chủ nghĩa là không có bất kỳ một cái gì là chủ nhân, chủ sở hữu Năm uẩn, cũng đồng nghĩa không có một cái Ta nào là chủ nhân, chủ sở hữu năm uẩn. Đây gọi là Vô Ngã.
Năm Uẩn sinh diệt theo một tiến trình Nhân diệt Quả sanh. Nghĩa là Căn Trần tiếp xúc rồi cùng diệt thì Thọ – Tưởng sanh. Tiếp đến Thọ – Tưởng diệt thì Tà Niệm sanh. Tà Niệm diệt thì Tà Tư Duy sanh. Tà Tư Duy diệt thì Tà Tri Kiến (Thức Uẩn) sanh. Tà Tri Kiến diệt thì Tham hoặc Sân hoặc Si sanh. Tham hoặc Sân hoặc Si diệt thì Tà Định sanh. Tà Định diệt thì Dục sanh. Dục diệt thì Tà Tinh Tấn sanh. Tà Tinh Tấn diệt thì Tà ngữ hoặc Tà nghiệp hoặc Tà mạng sanh. Tà ngữ hoặc Tà nghiệp hoặc Tà mạng diệt thì Sầu Bi Khổ Ưu Não khởi lên. Sầu Bi Khổ Ưu Não diệt thì một lộ trình Năm uẩn sinh diệt tương tự lại tiếp tục khởi lên. Viết gọn lại:
Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Hành.
Căn Trần tiếp xúc rồi cùng diệt tức Sắc diệt,Thọ – Tưởng sanh nhưng cũng phát sinh Căn Trần khác cho sự tiếp xúc của lộ trình sau. Thọ – Tưởng diệt thì Hành sanh. Hành diệt thì Thức sanh. Thức diệt thì Hành sanh tiếp. Hành diệt thì một lộ trình tiếp theo sẽ khởi lên tương tự. Như vậy Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là một lộ trình sinh diệt, Sắc Thọ Tưởng Hành Thức không đồng thời tồn tại, không phải nương nhau mà hiện hữu, không phải là sự trình hiện, sự biểu hiện của một Thế giới thực tại bản thể tuyệt đối vô tướng. Năm nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức do duyên Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh nên nó là có thật và vì nó có thật nên Thánh hay Phàm đều thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức được nó tuy nó Vô Thường, Vô Ngã. Hiểu biết đúng như thật này cũng gọi là tuệ tri Lý Duyên khởi, cũng gọi là Trung Đạo và hiểu biết đúng như thật này xa lìa hai cực đoan Chấp Có (Duy Vật) và Chấp Không (Duy Tâm)
b – Năm Thủ Uẩn: kẻ Phàm phu với Ý thức Tà Tri Kiến không Tuệ tri sự sinh diệt của Năm uẩn, không tuệ tri Năm uẩn Vô thường, Vô ngã khởi lên chấp thủ một cái Ta là chủ nhân của Năm uẩn. Kẻ phàm phu khởi lên tư tưởng: Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là của Ta, là Ta, là tự ngã (bản ngã) của Ta. Đây chính là Năm Thủ Uẩn. Kẻ Phàm phu sống với Năm Thủ Uẩn: Ta thấy, ta nghe, Ta cảm nhận, Ta tư duy, Ta hiểu biết, Ta nói, Ta làm… Đức Phật đã khẳng định: Năm Thủ Uẩn là Khổ nên kẻ phàm phu sống với Khổ. Năm Thủ Uẩn là tư tưởng sai lạc, do Tà Tri Kiến, do cái biết Ý thức nhị nguyên Vô minh khởi lên nên không có thật, nó là lông rùa sừng thỏ, là hoa đốm giữa hư không do bệnh nhặm mắt tạo thành chứ không phải Ngũ Uẩn giai không. Năm Thủ Uẩn là khổ chứ không phải Năm Uẩn là khổ như các chú giải hiện hành. Chính sự chấp thủ là Vô Minh đã khởi lên Năm Thủ Uẩn là cái màn ngăn che, không cho thấy biết tự tánh Vô thường, Vô ngã của Năm Uẩn chứ không phải Năm Uẩn ngăn che tự tánh.
Các bậc A la hán sống với sự tuệ tri Năm Uẩn vô thường, vô ngã, đã đoạn diệt không có dư tàn Năm Thủ Uẩn nên đối với chư vị, Năm Thủ Uẩn giai không chứ không phải Năm Uẩn giai không. Trong bài kinh Sáu Thanh Tịnh thuộc Trung Bộ kinh Đức Phật đã đưa ra sáu câu hỏi và sáu câu trả lời đúng pháp đối với các vị đã tuyên bố chứng đắc A la hán. Một trong sáu câu hỏi và sáu câu trả lời như sau: Do thấy như thế nào, biết như thế nào về Năm Thủ Uẩn tức Sắc Thủ Uẩn, Thọ Thủ Uẩn, Tưởng Thủ Uẩn, Hành Thủ Uẩn và Thức Thủ Uẩn mà Tôn giả đã tuyên bố: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành… Nếu một vị tu hành đã thành mãn, hữu kiết sử đã đoạn diệt, những việc cần làm đã làm thì câu trả lời hợp pháp của vị đó sẽ như sau: đối với Năm Thủ Uẩn tức Sắc thủ uẩn, Thọ thủ uẩn, Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn, Thức thủ uẩn tôi đã đoạn diệt, đoạn trừ, đoạn ly, đoạn xả không còn dư tàn, đã làm cho không còn tái sinh trong tương lai. Do thấy như vậy, biết như vậy về Năm Thủ Uẩn mà tôi tuyên bố sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui đời này nữa.
Không những Đức Phật dạy Năm Thủ Uẩn giai không mà Ngài còn hiển thị, giảng giải, phân tích chỉ dẫn rành mạch về con đường, về phương pháp tu tập để đoạn diệt Năm Thủ Uẩn, để Năm Thủ Uẩn giai không.
– Năm Thủ Uẩn là sự chấp thủ một cái Ta (Bản ngã) là chủ nhân, chủ sở hữu Năm Uẩn. Chính vì sự chấp thủ Năm Uẩn nên Khổ uẩn khởi lên, nên nói Năm Thủ Uẩn là khổ.
– Sự tập khởi của Năm Thủ Uẩn là do Tà Niệm – Tà Tư Duy mà khởi lên Tà Tri Kiến, chấp thủ Năm Uẩn là của Ta, là Ta, là tự ngã (bản ngã) của Ta trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo.
– Sự đoạn diệt của Năm Thủ Uẩn là khi có mặt Chánh Niệm – Chánh Tư Duy sẽ khởi lên Chánh Tri Kiến là hiểu biết đúng như thật, không còn Ngã kiến, Ngã sở kiến, Ngã mạn tuỳ miên. Đây chính là đoạn diệt Năm Thủ Uẩn.
– Con đường chấm dứt Năm Thủ Uẩn (Chấm dứt Khổ) là Bát Chánh Đạo bao gồm: Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Năm Thủ Uẩn cũng được giảng dạy, phân tích theo công thức Tứ Thánh Đế. Đó là : Tuệ tri Năm Thủ Uẩn, Tuệ tri Năm Thủ Uẩn tập khởi, Tuệ tri Năm Thủ Uẩn đoạn diệt, Tuệ tri Con đường đoạn diệt Năm Thủ Uẩn.
(Tỷ kheo Nguyên Tuệ – Trích trong cuốn Minh và Minh, Nxb Hồng Đức, 2016, từ trang 93 đến 102)