Nguyên nghĩa từ ” Thiền” xuất phát từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, đó là 4 tầng thiền mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy. Vậy người học nên học Trí Tuệ mới học Thiền hay Học Thiền mới học Trí Tuệ. Câu trả lời ở Kinh Pháp Cú 372 như sau:
Không Trí tuệ không Thiền
Không Thiền không Trí Tuệ
Người có Thiền có Tuệ
Nhất định gần Niết bàn
Ba câu đầu của pháp cú này lặp đi lặp lại chữ Tuệ. Sự lặp lại ấy có ý nghĩa gì? Trí Tuệ là hiểu biết đúng như thật và có ba loại: Hiếu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo do Nghe mà đạt được gọi là Văn Tuệ. Hiểu biết đúng như thật do tư duy về Khổ Tập Diệt Đạo được gọi là Tư Tuệ. Hiểu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo do thực hành Bát Chánh Đạo mà đạt được gọi là Tu Tuệ.
Trí tuệ trong câu đầu được hiểu là Văn Tuệ và Tư Tuệ. Người có Văn Tuệ và Tư Tuệ hiểu rằng: Năm Thủ Uẩn là khổ nghĩa là Khổ phát sinh theo lộ trình Duyên Khởi. Do có Xúc mà có Thọ, do có Thọ mà có Ái, do có Ái mà có Thủ, do có Thủ mà có Hữu, do có Hữu mà có Sinh Già Bệnh Chết sầu bi khổ não không thể kể xiết…. Khổ phát sinh theo một lộ trình tâm Bát Tà Đạo. Khổ chính là Tâm chứ không phải là Cảnh, khổ không trú nơi cảnh, không từ nơi cảnh mà đến với con người. Nguyên nhân của Khổ là Khát Ái tìm cầu hỷ lạc (hạnh phúc) chỗ này chỗ kia như Dục Ái, Hữu Ái, Phi Hữu Ái. Nó cũng chính là Tâm chứ không phải là Cảnh, nó không trú nơi cảnh, không từ nơi cảnh đến với con người. Sự chấm dứt Khổ là sự chấm dứt khát ái ấy, nó không phải là Cảnh cũng không phải là Tâm, nó là sự vắng mặt cả Tâm lẫn Cảnh. Con đường chấm dứt Khổ là Bát Chánh Đạo cũng là Tâm, nghĩa là thay đổi Tâm chứ không thay đổi Cảnh. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo bao gồm:
Xúc –> Thọ–>Tưởng–>Chánh Niệm–>Chánh Tinh Tấn–> Chánh Định–> (Tỉnh Giác)
–>Chánh Tư duy–> Chánh Kiến–>Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Trục chính của lộ trình là : Chánh Niệm–>Chánh Định–>Chánh Kiến nói tắt là: Niệm–>Định–>Tuệ. Trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ không có mặt Tham Sân Si nhưng phải có mặt Chánh Định và Chánh Kiến vì thế phải Tu Thiền mới chất dứt được khổ.
Một người không có Văn Tuệ sẽ có hiểu biết Khổ và nguyên nhân của Khổ là ở nơi hoàn cảnh, từ nơi hoàn cảnh mà đến cụ thể đó là hoàn cảnh trung tính và khó chịu như nghèo khổ, bệnh tật, lạc hậu, thiếu thốn, thiên tai, thất bại, chiến tranh…Hạnh phúc là sự chấm dứt Khổ, mà hạnh phúc là những hoàn cảnh tốt đẹp như giàu có, sắc đẹp, thành đạt, đầy đủ tiện nghi… Hiểu Khổ , nguyên nhân của Khổ, sự chấm dứt Khổ ở nơi hoàn cảnh như vậy thì đương nhiên con đường chấm dứt Khổ là thay đổi hoàn cảnh sống. Hiểu biết như vậy về Khổ Tập Diệt Đạo gọi là Vô Minh. Một người với Vô Minh như vậy sẽ hướng ngoại đến thay đổi Cảnh chứ không Thiền để thay đổi Tâm, họ sẽ tìm cầu phước báo, họ sẽ tìm cầu một tha lực để thay đổi hoàn cảnh, họ sẽ tìm kiếm những năng lực kỳ diệu, những hiểu biết siêu việt, những cảnh giới kỳ diệu, một cái Ta chân thật không sinh không diệt… để an trú vào đó chứ không thể Thiền để thay đổi Tâm từ Bát Tà Đạo sang Bát Chánh Đạo.
Trí tuê ở câu thứ 2: “ Không Thiền không Trí Tuệ” là chỉ cho Tu Tuệ là hiểu biết (ý thức) đúng như thật do thực hành Bát Chánh Đạo mà có được. Tu Tuệ này còn được gọi là Minh hay còn gọi là Tuệ tri. Đây là Chánh Kiến trên lộ trình: Chánh Niệm–>Chánh Định–>Chánh Kiến với nội dung: Tuệ tri Duyên khởi, tuệ tri Vô Thường, tuệ tri Vô ngã, tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của Thọ, Vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của Thọ, tuệ tri Khổ Tập Diệt Đạo. Với Tu tuệ này mới chứng ngộ và an trú Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát. Với Tu Tuệ này mới thành tựu mục đích của Phạm Hạnh là chứng ngộ và an trú Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát. Một người có Văn Tuệ và Tư Tuệ nhưng nếu không thiền thì nó lại trở thành Sở Tri Chướng cho Ngã Mạn lớn thêm.
Câu thứ 3:” Người có Thiền có Tuệ” ám chỉ một người thực hành Bát Chánh Đạo sẽ vừa có Thiền ( tức có chánh định) vừa có Tuệ (tức có chánh kiến) cũng có nghĩa là vừa có Chỉ vừa có Quán. Nói một cách chi tiết thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo bao gồm:
Chánh Niệm–>Chánh Tinh Tấn–> Chánh Định–> (Tỉnh Giác)–>Chánh Tư duy–> Chánh Kiến….
Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định thuộc về Định còn Chánh Tư Duy, Chánh Kiến thuộc về Tuệ thì bao giờ trên một lộ trình tâm Bát Chánh Đạo cũng có Định và Tuệ hiện hữu song hành. Vì vậy sự thực hành là Chỉ Quán song hành chứ không có thực hành Thiền Định và Thiền Quán riêng biệt.
Câu thứ 4: ” Nhất định gần Niết Bàn” . Một người thực hành Bát Chánh Đạo có Chỉ Quán song hành an trú Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát mới chỉ nhiếp phục Vô Minh, nhiếp phục Tham Sân Si, nhiếp phụ Khổ chứ chưa phải Đoạn Tận cho nên nói là nhất định gần Niết bàn. Khi Tuệ được tu tập được làm cho viên mãn thì chính Tuệ ấy. Chính Minh ấy mới xóa bỏ được Vô Minh được cài đặt trong kho chứa tri thức hiểu biết, mới đoạn tận Vô Minh, đoạn tận Tham Sân Si, đoạn tận Khổ, Sự Đoạn Tận đó chính là Niết Bàn