ĐỔI TÂM HAY ĐỔI CẢNH?

ĐỔI TÂM HAY ĐỔI CẢNH

 

Thưa sư có thực sự là chỉ cần đổi tâm không đổi cảnh không ạ?

Vì con thấy trong cuộc sống này có rất nhiều tình huống mà bắt buộc phải đổi cảnh mới có thể sống yên ổn.
Ví dụ sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, nước, đất.
Môi trường làm việc không lành mạnh chỉ coi trọng tiền và chức vụ.
Hoặc môi trường học tập không phù hợp.

Nếu giả sử phải ở 1 trong những hoàn cảnh như trên con sẽ khởi lên tư duy như sau: do đã được học thực tại là cảm thọ, khi đối diện với tình huống như trên sẽ quán thọ (là cảm giác âm thanh do tai tiếp xúc với âm thanh), quán tâm (là nhĩ thức ghi nhận thọ), quán pháp (cảm thọ này vô thường, không điều khiển được vì không có ai làm chủ, cảm thọ này do duyên mà khởi). Tuy nhiên những tiếng ồn nếu không được xử lý sẽ gây ảnh hưởng không tốt chất lượng cuộc sống và sức khoẻ.

Tương tự như vậy với tình huống làm việc trong môi trường đấu đá kèn cựa, tham nhũng con sẽ quán tuần tự như trên và làm tốt việc của mình mặc kệ chuyện người. Nhưng có những lúc chính mình lại là một trong những mắt xích của cuộc đấu đá cạnh tranh đó.

Do biết như thật thực tại là cảm thọ nên con cũng không thích không ghét hoàn cảnh mình đang phải ở, vì biết những sự đấu đá đó đều trên bát tà đạo cả. Mình không ủng hộ, không làm theo nhưng cũng không khởi tâm ghét. Nói thì dễ nhưng làm được như vậy rất khó, con thiết nghĩ nếu được quyền lựa chọn, con sẽ chọn đổi sang môi trường làm việc mới lành mạnh hơn cho dù lương thấp.
Đôi khi đứng trước sự lựa chọn đổi tâm hay đổi cả tâm lẫn cảnh con lại bị mâu thuẫn.
Kính mong Sư giúp con sáng tỏ hơn về vấn đề này ạ.

 

Sư Nguyên Tuệ giải đáp:

Đổi tâm khi đang là hữu học chấm dứt được 90 đến 95% nỗi khổ tâm, còn lại 5 đến 10% khổ thân thì phải đổi cảnh (đối với vô học khổ thân chưa đến 1%). Đổi cảnh để thay đổi từ khổ thọ sang một lạc thọ nhưng với chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng để có lạc thọ hợp pháp chứ không phải đổi cảnh để có lạc thọ với tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng với tham sân si theo cách của Phàm phu. Hữu học và cả vô học có thể tránh né những hoàn cảnh sống, những đối tượng làm phát sinh khổ thọ khốc liệt với chánh kiến chứ không phải với tham sân si.

Tu Bát chánh đạo là sống, làm việc với Bát chánh đạo với chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng do chánh kiến không có tham sân si để duy trì cuộc sống, để giảm thiểu khổ thọ do môi trường sống chứ không phải là không làm gì cả. Người thực hành sống thích nghi cao, ít ràng buộc vào hoàn cảnh, ít bị vật chất chi phối thì việc đổi môi trường làm việc với áp lực cao, với nhiều tham sân si sang môi trường dễ thở hơn với lương thấp hơn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều người không tu tập.

Để lại một bình luận