GIẢI MÃ KINH A DI ĐÀ
Bản KINH A DI ĐÀ là giáo lý của tông Tịnh Độ, một tông phái của Phật giáo Bắc tông. Sự xiển dương và hành trì của tông Tịnh độ trong quá khứ cũng như hiện nay chứng tỏ những vị Tổ sư của tông phái này chưa bao giờ đọc kỹ kinh A di đà, nên đã không hiểu được nội dung cũng như ẩn ý của kinh A di đà, vì vậy xiển đương và hành trì sai lạc với nội dung và chủ đích của Kinh A Di Đà. Họ chủ trương niệm Phật A Di Đà với mục đích được vãng sinh về Tây phương cực lạc và khi được vãng sinh là xong, công việc tu hành chấm dứt tại đó. Chủ trương như vậy là đổi Cảnh ( Ta bà thành Cực lạc ) chứ không đổi Tâm ( Bát Tà Đạo thành Bát Chánh Đạo ). Điều này đi ngược lại Giáo Pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ và thuyết giảng, là muốn chấm dứt khổ thì phải thay đổi tâm từ tâm Bát Tà Đạo sang tâm Bát Chánh Đạo chứ không cần thay đổi Cảnh. Nếu chỉ thay đổi Cảnh mà không thay đổi Tâm thì với tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu, nếu được vãnh sanh Tây phương cực lạc, thì chỉ cần một thời gian ngắn Cực lạc sẽ biến thành Cực khổ và như vậy, Niệm Phật để được vãng sanh sẽ thành công cốc. Hãy quan sát sự thật tâm của nhân loại thì biết rõ điều đó. Ví như có một món ăn cao lương mỹ vị, ăn vào mê ly sung sướng tuyệt vời nhưng với món ăn ngon tuyệt vời đó mà phải ăn liên tục từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác thì sẽ là một cực hình, món ăn càng ngon bao nhiêu thì cực hình càng khốc liệt bấy nhiêu. Chuyên xưa ( chuyện Từ Thức được đề cập trong bài hát Thiên Thai ) kể rằng, hai chàng Lưu Nguyễn lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh và ngày ngày được các nàng tiên nữ hầu hạ với rượi tiên, hoa quả tiên, âm nhạc tiên, sắc đẹp tiên, tình dục tiên … Thời gian đầu hai chàng say mê hưởng thụ lạc thú tiên cảnh đó, nhưng rồi ngày nào cũng như ngày nào chỉ có lạc thú tiên đó, nên khi nó kéo dài thì đến một lúc nào đó, nó lại trở thành không thể nào chịu đựng nổi. Và vì không còn chịu đựng được cực lạc của bồng lai tiên cảnh ấy, hai năm sau hai chàng mới tìm được cách trốn thoát, để trở về với thế gian cực khổ vô thường. Vậy muốn chấm dứt khổ thì phải thay đổi Tâm chứ không phải thay đổi Cảnh, bởi Khổ Tập Diệt Đạo theo sự chứng ngộ và thuyết giảng của Đức Phật là thuộc về Nội Tâm chứ không thuộc về thế giới Ngoại Cảnh. Vì vậy, bản kinh A Di Đà không được hiểu theo nghĩa đen mà phải hiểu theo nghĩa ẩn dụ, nghĩa là phải tu tập Bát Chánh Đạo để thay đổi Tâm chứ không phải thay đổi Cảnh. Hãy đọc kỹ và “so sánh câu với câu, chữ với chữ” để hiểu biết về nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ của Kinh A Di Đà, chứ đừng lấy tư tưởng vô minh của mình để áp đặt nghĩa lý cho bản kinh một cách sai lạc.
A – Một nội dung quan trọng nhất mà người đọc kinh thường bỏ qua, đó là phong cảnh sinh hoạt và đời sống ở Tây phương cực lạc :
1 – Phong cảnh của Tây phương cực lạc được mô tả rất hoành tráng với vàng bạc, hổ phách, xà cừ, mã não… nhưng điểm nhấn của phong cảnh này là những loài chim quý như Bach hạc, Khổng tước, Anh võ, Xá lợi, Ca lăng tần già …ngày đêm sáu thời , tiếng hót hoà nhã phát ra Pháp Âm : NGŨ CĂN, NGŨ LỰC, THẤT BỒ ĐỀ PHẦN, BÁT CHÁNH ĐẠO PHẦN. Và những hàng cây báu những lưới ngọc giăng, phát ra những âm thanh vi diệu, khiến cho những ai nghe được thì đều sinh lòng Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng.
Qua sự mô tả này, phải hiểu Tây phương cực lạc là môi trường lý tưởng cho người nào muốn tìm hiểu và tu tập Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng về Tứ Thánh Đế, về Bát Chánh Đạo. Tại sao vậy ? Tại vì, ở đây có đầy đủ điều kiện để nghe Pháp, ẩn dụ qua hình ảnh các loài chim quý ngày đêm sáu thời diễn nói Pháp Âm như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề phần, Bát Chánh Đạo phần. Đây là điều kiện lý tưởng để có được Văn Tuệ, là Trí Tuê do Đức Phật Thích Ca thuyết giảng về Tứ Thánh Đế, về Bát Chánh Đạo. Những hàng cây báu, những lưới ngọc giăng phát ra những âm thanh vi diệu liên tục, có tác dụng làm cho Chánh Niệm : Nhớ đến Phật, Nhớ đến Pháp, Nhớ đến Tăng liên tục khởi lên và nhờ vậy các Niệm và Tư duy thế tục( tức Tà Niệm ) được đoạn trừ. Nhờ có Chánh Niệm về Phật, về Pháp, về Tăng như vậy mà sẽ có Chánh Tư duy về những điều đã được nghe và do đó mà có được sự hiểu biết sâu rộng hơn về Phật, Pháp, Tăng, tức có Tư Tuệ. Không những Chánh Niệm về Phật, Pháp, Tăng phát sinh Tư Tuệ mà Chánh Niệm sẽ khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, đưa đến thấy biết như thật gọi là Tu Tuệ, chính là Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Như vậy, Tây phương cực lạc là hình ảnh ẩn dụ cho một môi trường lý tưởng để có được Văn Tuệ, Tư Tuệ và Tu Tuệ về Tứ Thánh Đế, về Bát Chánh Đạo.
2 – Đời sống sinh hoạt của cư dân Tây phương cực lạc:
Hãy đọc và suy ngầm kỷ để thấy, khi được sinh ra tại Tây phương cực lạc là bắt đầu một đời sống mới, một đời sống tu tập Bát Chánh Đạo liên tục không ngừng nghỉ chứ không phải như chủ trương của tông Tịnh độ, được vãng sinh về Tây phương cực lạc là xong, không còn phải tu hành gì nữa. Bản văn mô tả, chúng sanh trong cõi đó, thường vào lúc sáng sớm đều lấy đãy đựng các hoa tốt, đem cúng dường mười muôn ức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền về bổn quốc, cơm nước xong liền đi kinh hành. Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, khổng tước, Anh võ, Xá lợi, Ca lăng tần già, Cọng mạng, những giống chim đó ngày đêm sáu thời tiếng hót hoà nhã, tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần…v v. Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong, thảy đều sinh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Xá lợi Phất, trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu, và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, ví như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng một lúc hoà chung. Người nào nghe tiếng đó đều sinh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Đoạn trích từ Kinh A di đà trên cho thấy đời sống và sinh hoạt của cư dân nơi cõi nước Cực lạc diễn ra như sau:
a – Sáng sớm thức dậy lễ bái cúng dường chư Phật mười phương, sau đó cơm nước xong liền đi kinh hành. Ẩn ý của câu văn này là cư dân Tịnh độ ăn ngày một bữa , ăn xong thì lập tức tu hành.
b – Những loài chim quý ngày đêm sáu thời diễn nói Pháp Âm của Phật, những âm thanh do các hàng cây báu, những lưới báu phát ra làm cho cư dân Tịnh độ sinh lòng niệm Phật ,niệm Pháp, niệm Tăng ẩn ý nói rằng ở đây tu hành liên tục không dừng nghỉ, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng không dừng nghỉ. Và thế nào là Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng?
– Niệm Phật là nhớ đến: Phật là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Không những nhớ đến mười danh hiệu tức mười phẩm tánh của một Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà còn tư duy tìm hiểu, thấu rõ mười phẩm tánh của một Đức Phật. Nhờ thực hành Niệm Phật như vậy mà tâm tư được lắng trong, các ô nhiễm và lậu hoặc được nhiếp phục và người ấy đạt được an lạc không có khó khăn. Pháp Niệm Phật như vậy là pháp Niệm Phật được tất cả các tông phái Phật Giáo chấp nhận, được thực hành ở Tây phương cực lạc, được Kinh điển mọi tông phái đề cập đến. Còn niệm Nam mô A di đà Phật cũng là niệm Phật nhưng chỉ là pháp niệm Phật của tông Tịnh độ chủ trương, nhưng lại không được nhắc đến, không được thực hành tại Tây phương cực lạc.
– Niệm Pháp là nhớ đến và thực hành Pháp bao gồm:
Nhớ đến Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng có tính chất: Thiết thực hiện tại, Đến để mà thấy, Không bị chi phối bởi thời gian, Có tính hướng thượng, Cho người trí tự mình giác ngộ.
Nhớ đến Lý Duyên Khởi, nhớ đến các pháp Vô thường, Vô ngã, nhớ đến để Thấy Biết như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo tức nhớ đến Tứ Thánh Đế.
Nhớ đến sự thực hành : Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo.
– Niệm Tăng là nhớ đến: Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn,Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là có bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Nhờ Niệm Tăng như vậy, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não được nhiếp phục.
B – Định nghĩa khái niệm cực lạc:
Vì chúng sanh trong cõi đó không có những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui nên cõi nước đó tên là Cực Lạc.
Theo sự mô tả về đời sống sinh hoạt của cư dân Tịnh độ, họ chỉ học tập về Tứ Thánh Đế và tu tập Bát Chánh Đạo. Tuy Tứ Thánh Đế không được nhắc đến, chỉ đề cập Bát Chánh Đạo, nhưng sự tu tập Bát Chánh Đạo không thể tách biệt Tứ Thánh Đế, vì rằng Bát Chánh Đạo là một Đế trong bốn Đế. Tuy kinh đề cập tới ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần nhưng hàm ý là ba mươi bảy chi phần thuộc Đạo Đế và thực chất là cách thức đề cập các khía cạnh khác nhau của Bát Chánh Đạo hiệp thế và siêu thế.
Do sự thực hành liên tục như vậy mà lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên, lộ trình tâm Bát Tà Đạo của phàm phu được nhiếp phục, không khởi lên. Do vậy, vị ấy chứng ngộ được trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, vắng mặt Vô minh, vắng mặt Tham Sân Si, vắng mặt sầu bi khổ ưu não, nghĩa là chứng ngộ được Khổ Diệt hay thuật ngữ Phật học gọi là Niết Bàn. Vị ấy cũng chứng ngộ được Bát Chánh Đạo là con đường Chấm dứt Khổ và đây là chứng ngộ Diệt Đế và Đạo Đế. Cư dân nơi Cực Lạc không có những sự khổ là do thực hành Bát Chánh Đạo như vậy
Cư dân ở đó chỉ hưởng những điều vui là như thế nào? Khi Bát Chánh Đạo khởi lên có ba pháp là cái trục chính của Bát Chánh Đạo gồm Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến mà nói tắt là Niệm – Định – Tuệ. Trong đó Chánh Định có thể là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền hoặc Tứ thiền. Nếu là Sơ thiền thì sẽ có hỷ lạc do ly dục sanh, nếu Nhị thiền sẽ có hỷ lạc do định sanh, nếu Tam thiền sẽ có lạc do xã sanh, nếu Tứ thiền sẽ có xả niệm thanh tịnh. Cư dân Tịnh độ chỉ hưởng những điều vui, đó là cái vui nội tâm do các mức độ định của Chánh Định mà có. Đây gọi là vui hay kinh gọi là lạc, một thứ lạc vô hại, không nguy hiểm như Dục Lạc thế gian vui ít ,khổ nhiều ,não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Kẻ phàm phu vì tham đắm và khát khao Dục Lạc, phải lao tâm khổ trí tìm cầu Dục Lạc nên sầu bi khổ ưu não khởi lên. Vì Dục Lạc mà cha con tranh đoạt nhau, vợ chồng tranh đoạt nhau, người ta đâm chém giành giật nhau, người ta tạt a xít vào mặt nhau, người ta chế tạo và buôn bán ma tuý, người ta chế tạo bom đạn kể cả bom hạt nhân để tàn sát tàn hại lẫn nhau. Vì Lạc ấy mà có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi. Vì lạc ấy mà có biết bao lừa đảo, phá sản, biết bao tội ác và khổ đau trên thế gian này. Vì lạc ấy mà các cô hoa hậu bán dâm, vì lạc ấy mà có con trai giao cấu với cả mẹ đẻ của mình, có ông bố hiếp dâm đứa con đẻ sáu tuổi… Lạc đó của Dục Lạc thế gian gọi là phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc.Lạc đó đáng sợ hãi và cần xa lánh. Trái với Dục Lạc thế gian ,lạc của các bậc thiền Chánh Định là vô hại, lạc đó đưa đến xa lánh Dục Lạc, viễn ly, đoạn trừ, đoạn tận tham ái Dục Lạc nên nó là Thánh lạc, chánh giác lạc, an ổn lạc, viễn ly lạc.
Như vậy khái niệm Cực Lạc ở đây khác với các khái niệm Thiên đường cực lạc của các tôn giáo khác, khác với quan niệm của phàm phu về cực lạc. Đối với các tôn giáo và phàm phu thì Thế giới cực lạc là nơi chỉ có sắc đep, tiếng hay, hương thơm ,vị ngon, xúc chạm êm ái… muốn tận hưởng bao nhiêu cũng có, không bao giờ thiếu, muốn gì được nấy. Thế giới cực lạc như vậy là do tâm tham ái Dục lạc của Phàm phu mơ ước suy diển rồi tưởng tượng ra.
Như vậy, cư dân ở Tây phương cực lạc không có những sự khổ chỉ hưởng toàn vui là do họ có được môi trường lý tưởng để học tập Tứ Thánh Đế, tu tập Bát Chánh đạo. Nhờ môi trường lý tưởng nên sự tu tập của họ xẩy ra liên tục không gián đoạn, vì vậy họ chứng ngộ và an trú Khổ Diệt ( Niết Ban ) .Sự an trú Khổ Diệt, Niết Bàn của các cư dân Tịnh độ không phải do THA LỰC của đức Phật A di đà mang đến mà do mỗi người TỰ LỰC thực hành Bát Chánh Đạo liên tục mà đạt được.
C – Mâu thuần về vãng sanh và ẩn ý của bản kinh A Di Đà :
Trong bản kinh này có một tình tiết phi lý, tiền hậu bất nhất mà từ trước tới nay những người tu tịnh độ không ai phát hiện ra. Đó chính là cái nút thắt, và nếu cởi được nút thắt đó thì sẽ hiểu được ẩn ý của bản kinh muốn nói gì. Tình tiết phi lý đó là, mở đầu bản kinh nói rằng, ai niệm Phật A Di Đà cho đến 10 niệm, nhất tâm bất loạn, khi chết tâm không điên đảo thì được vãng sanh về Tây phương cực lạc, nghĩa là VÃNG SANH SAU KHI CHẾT, nhưng cuối kinh lại khẳng định, ai đã niệm Phật thì đã sanh, ai đang niệm Phật thì đang sanh, ai sẽ niệm Phật thì sẽ sanh, nghĩa là VÃNG SANH NGAY KHI CÒN SỐNG. Cả văn và nghĩa của đoạn văn này là mâu thuẩn, tiền hậu bất nhất vì trước nói chết xong mới vảng sanh, nhưng đoạn cuối lại khẳng định là hể niệm Phật A Di Đà là vãng sanh ngay lúc đó, lúc còn sống chứ không phải chết mới vãng sanh. Tác giả của bản kinh này là một người thông thái, hiểu nhiều biết rộng, không thể là loại người nói trước quyên sau, để có thể phạm một lỗi ngớ ngẩn như vậy, mà cái “tiền hậu bất nhất” này là do tác giả “cố tình trưng ra” để người đọc có trí sẽ hiểu được ẩn ý của bản kinh. Và cái ẩn ý đó là : bản kinh này phải hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ chứ không được hiểu theo nghĩa đen mà ngôn từ đã mô tả. Nghĩa ẩn dụ ở đây là, cho dù ở bất kỳ thế giới nào, cho dù đó là thế giới Tây phương cực lạc đi nữa, con người muốn chấm dứt khổ thì chỉ có MỘT CÁCH DUY NHẤT LÀ HỌC TẬP TỨ THÁNH ĐẾ VÀ THỰC HÀNH BÁT CHÁNH ĐẠO. Vậy thì hãy NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY, học tập Tứ Thánh Đế và tu tập Bát Chánh Đạo thì sẽ chứng ngộ NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY là Tây phương cực lạc, đâu phải chờ đến sau khi chết. Khẳng định về sau của bản kinh : Ai đã niệm Phật thì đã sanh, ai đang niệm Phật thì đang sanh, ai sẽ niệm Phật thì sẽ sanh, nhấn mạnh là đã vãng sanh ngay bây giờ và tại đây rồi thì đừng chờ đợi đến lúc chết mà ngay bây giờ và tại đây, hãy tu tập Bát Chánh Đạo liên tục ngày đêm sáu thời không dừng nghỉ. Lúc đó sẽ như Pháp, ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY, sẽ thân chứng được thực tại Tây phương cực lạc là gì, chứ không phải ĐẾN ĐỂ MÀ TIN như các tín đồ tông tịnh độ hiện nay.
Đại Đức Nguyên Tuệ