Có hai khái niệm khác nhau nhưng đa số người học Phật nhầm lẩn, đồng hoá chúng, không phân biệt chúng rõ ràng, đó là GIỚI và LUẬT.
* GIỚI là những lời nói, hành động, ăn uống nuôi mạng có tính chất “trong sạch”, đó là những lời nói, hành động không có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi ( và các chất gây say sưa, nghiện ngập ). Trong Bát Chánh Đạo, gồm ba nhóm ( ba uẩn ) Giới – Định – Tuệ thì Giới chính là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Đây là lời nói, hành động xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo do Chánh kiến làm nhân mà phát sinh. Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng được gọi là Giới vì nó không do Tham Sân Si khởi lên, không còn là tác nhân phát sinh Khổ. Vì vậy, Giới ( Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng ) không còn TẠO TÁC RA KHỔ nên gọi là VÔ TÁC GIẢI THOÁT, là một trong ba giải thoát ( Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát ). Giới phát sinh do Định ( Chánh định ) và Tuệ ( Chánh kiến ) trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo theo tuần tự :
XÚC – < Thọ – Tưởng ) – Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – [ Tĩnh giác ] – Chánh tư duy – Chánh kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Mô tả thuần tuý tiếng Việt sẽ là :
XÚC – < Cảm giác – Ghi nhận > – Trí nhớ Chánh – Tích cực Chánh – Chú tâm Chánh – [ Trực giác ] – Tư duy Chánh – Hiểu biết Chánh – Quyết định ( chánh ) – Lời nói Chánh, Hành động Chánh, Nuôi mạng Chánh.
– [ ] * LUẬT là những điều học, những quy định mà Đức Phật chế định ra, những điều cấm kỵ bắt buộc người học phải tuân thủ như cấm sát sanh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm…. nhằm đưa đến lời nói hành động được “trong sạch”, để có Giới. Luật của Phật tử tại gia có 5 điều cấm hoặc 8 điều cấm, luật của Tỷ kheo có 227 điều cấm, Tỷ kheo ny có trên 300 điều cấm … Luật còn gọi là Giới bổn hay tiếng Pali gọi là Patimokha. Nguyên do Đức Phật chế định Giới bổn Patimokha, gồm các điều luật, những điều cấm kỵ, những điều không được làm là do một số Tỷ kheo không tu tập Bát Chánh Đạo, không có Chánh Định ( Định ), không có Chánh Kiến ( Tuệ ) nên không có Giới ( Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng ). Lời nói, hành động của họ do không tu tập Bát Chánh Đạo, không có Giới mà nó phát sinh từ Bát Tà Đạo, nên nó là Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng do Tham Sân Si khởi lên. Những lời nói, hành động đó làm phát sinh một số tệ nạn trong đời sống Tăng đoàn, làm xáo động đời sống của các Tỷ kheo hiền thiện, làm cho quần chúng chưa có lòng tin không có được lòng tin, làm cho ai có lòng tin nơi Chánh pháp bị sụt giảm. Những điều luật, những điều cấm kỵ mà Đức Phật chế định nhằm chế ngự hạng người không có Giới này, chứ không phải là giữ trọn những điều cấm kỵ ( Luật ) sẽ phát sinh Định, Định sẽ phát sinh Tuệ ( Giới Luật sinh Định, Định sinh Tuệ ) như các chú giải, luận giải sau này.
– [ ] GIỚI và LUẬT là hai khái niệm khác nhau mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng gồm Pháp và Luật, trong đó GIỚI thuộc về Pháp, còn LUẬT hiểu đúng là Luật lệ được quy định trong đời sống Tăng đoàn thuộc về Luật. Vì GIỚI thuộc về Pháp, thuộc Tạng Kinh, nên có tính chất là “không bị chi phối bởi thời gian, không gian” nên bất kỳ vị Phật nào thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai thuyết giảng lộ trình tâm Bát Chánh Đạo đều thuyết giảng về Định, Tuệ, Giới, bất cứ ai, nơi nào, thời gian nào mà Bát Chánh Đạo khởi lên thì đều có GIỚI, đều có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng như nhau không sai khác. LUẬT thuộc về Tạng Luật, là luật lệ được đặt ra nên nó thay đổi theo thời gian và không gian, tuỳ theo thời gian và địa điểm mà nó được chế ra, được áp dụng. Có những điều luật chỉ áp dụng cho chỗ này mà không áp dụng cho chỗ kia, cho thời gian này mà không cho thời gian kia. Vì vậy, trong 20 năm đầu của lịch sử Tăng đoàn chưa có một điều luật nào được chế định, và trước khi nhập diệt Đức Phật đã căn dặn : Sau khi Như Lai nhập diệt, chư Tăng có thể bỏ đi một số điều luật ( học giới ) nhỏ nhặt ( không quan trọng ). Trong Tạng Luật cũng đã nói rõ, trong sáu vị Phật quá khứ ( xuất hiện trước Đức Phật Gotama ) thì chỉ có 3 vị có chế định các điều luật, 3 vị còn lại không chế định, không lưu hành một điều luật, một cấm kỵ nào.
– [ ] Giới cấm thủ và Giới trong Bát Chánh Đạo : lấy một Giới cụ thể là hành vi không sát sanh để hiểu về tất cả Giới :
– [ ] – Giới cấm thủ : Những người chưa học hỏi về Đạo Phật, chưa tiếp xúc với Đạo Phật, chưa nghe nói đến cấm kỵ sát sanh thì họ có thể có hành vi sát sanh. Hành vi sát sanh của họ hoặc do Tham, hoặc do Sân, hoặc do Si. Sát sanh do Tham như thích thịt ngon của con vật, thích nhiều tiền nên làm nghề đồ tể …, sát sanh do Sân như bị con muỗi đốt nên tức giận đập chết con muỗi …, sát sanh do Si là tìm kiếm niềm vui trong việc sát sanh như ngày chủ nhật rãnh rỗi đi tìm thú vui trong câu cá, bắn chim… Những người được nghe giảng : sát sanh sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tương lai sẽ bị bệnh tật, kiếp sau sinh ra sẽ bị đui què mẻ sứt, sẽ sống trong nghèo khổ, tật bệnh …. Không sát sanh thì kiếp sau sẽ được làm người tốt đẹp, khỏe mạnh giàu có. Do nghe, hiểu và tin như vậy nên những điều đã học được lưu giữ vào bộ nhớ tâm thức. Khi những người này đối diện với tình huống tương tự thì do Trí nhớ, nhớ lại những điều đã học trên mà sẽ khởi lên Hiểu biết : nếu sát sanh sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ …, nếu không sát sanh thì tương lai sẽ hạnh phúc … Do Hiểu biết như vậy mà sẽ phát sinh hành vi Thích thú ( tham ) hạnh phúc do không sát sanh, Sợ hãi ( sân ) nỗi khổ của sát sinh. Và do Thích, do Ghét ( Tham Sân ) như vậy mà những người đó sẽ không sát sanh, họ thành tựu Giới không sát sinh. Nhưng Giới thành tựu như vậy do Tham, do Sân mà khởi lên nên gọi là Giới Cấm Thủ. Mọi Giới khác thành tựu nhưng do Tham, do Sân, do Si thì đều thuộc Giới Cấm Thủ, không phải là Giới trong Giới Luật bậc Thánh.
– [ ] – Giới thành tựu trong Bát Chánh Đạo : Những người đã nghe giảng về Tứ Thánh Đế có được Hiểu biết đúng sự thật Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si, Chấm dứt Tham Sân Si là Chấm dứt Khổ. Sát sanh là do Tham Sân Si, sẽ đưa đến khổ, không sát sanh sẽ nhiếp phục rồi đoạn tận tham sân si, sẽ chấm dứt khổ. Khi đối diện tình huống tương tự nếu họ Nhớ được điều đã học trên ( Chánh niệm ) thì họ sẽ có Hiểu biết đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo ( Chánh kiến ) và do Hiểu biết đó mà họ sẽ không sát sanh, thành tựu được Giới không sát sanh. Giới được thành tựu như vậy không do Tham Sân Si mà do Chánh niệm ( Trí nhớ chánh ), do Chánh kiến ( Hiểu biết chánh ) trên Bát Chánh Đạo mà thành tựu nên đó chính là Giới trong Giới Luật bậc Thánh.
– [ ] Chỉ khi nào tu tập Bát Chánh Đạo, an trú lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế với BA TRỤ CỘT là Chánh Niệm ( Trí nhớ Chánh ) – Chánh Định ( Chú tâm Chánh ) – Chánh Kiến ( Hiểu biết Chánh ) gọi tắt là Niệm – Định – Tuệ thì lúc đó GIỚI mới được thành tựu. Giới được thành tựu do Chánh Niệm – Chánh Đinh – Chánh Kiến ( Niệm – Định – Tuệ ) mới là Giới trong Giới Luật bậc Thánh. Khi không tu tập Bát Chánh Đạo, không có Niệm – Định – Tuệ thì lộ trình tâm đó là Bát Tà Đạo với Tà Niệm – Tà Định – Tà Kiến, với Tham Sân Si, Phiền não và nếu thành tựu Giới thì Giới đó là Giới Cấm Thủ. Muốn hiểu đúng và tu đúng theo Chánh Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng, mức đầu tiên là bậc Thánh Nhập lưu thì phải Chấm Dứt Giới Cấm Thủ.
Đại Đức Nguyên Tuệ, 03/10/2019