GIỚI KHÔNG SÁT SINH

Năm giới, Tám giới và Mười giới vốn đã có trong xã hội Ấn độ trước khi Đức Phật ra đời. Phật giáo ra đời đã tiếp thu những sự kiện đó của thời đại, nên trong Phật giáo có sự thực hành Năm giới, Tám giới, Mười giới. Tuy Đức Phật có tiếp thu, có chủ trương thực hành Năm giới, Tám giới, Mười giới nhưng mục đích và phương pháp thực hành các giới này lại khác xa, ngược lại với hiểu biết của các tôn giáo đương thời cũng như hiểu biết của nhân loại. Sự khác nhau về mục đích và phương pháp thực hành Năm giới, Tám giới, Mười giới của Đức Phật và ngoại đạo là ở chổ nào ? Bài viết này chỉ đề cập tới sự khác biệt về mục đích và phương pháp thực hành giới không sát sinh giữa chủ trương của Đức Phật và Ngoại đạo, người đọc có thể qua đây liên hệ với các giới khác tương tự.

1 – Mục đích và phương pháp thực hành giới Không sát sinh theo ngoại đạo: Hiểu biết của nhân loại, cũng như của tất cả các tôn giáo (ngoại trừ lời dạy của Phật) là Tâm biết Cảnh hay nhị nguyên Tâm Cảnh, nghĩa là Cái biết là Tâm và đối tượng được biết là Cảnh. Cụ thể Tâm biết thường trú nơi Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý và đối tượng được biết là Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần, nghĩa là những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là Thế giới ngoại cảnh. Đặc điểm của cái biết nhị nguyên này là Thường kiến, Ngã kiến và Hướng ngoại. Với cái biết nhị nguyên này thì Khổ, Nguyên nhân Khổ, Sự chấm dứt Khổ, Con đường chấm dứt Khổ (Khổ Tập Diệt Đạo) đều ở nơi Ngoại cảnh, nơi Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần. Cụ thể:

– Khổ tồn tại nơi những hoàn cảnh khó chịu và trung tính như nghèo thiếu, lạc hậu, thất học, bệnh tật, thiên tai, áp bức, bất công…
– Nguyên nhân Khổ là từ những hoàn cảnh khó chịu và trung tính trên mà đến với con người, nghĩa là Nguyên nhân Khổ nằm nơi ngoại cảnh.
– Sự chấm dứt Khổ xẩy ra khi có Hạnh phúc, mà Hạnh phúc tồn tại trong những hoàn cảnh tốt đẹp như giàu có, mạnh khoẻ, sống lâu, xinh đẹp, thành đạt… nghĩa là nơi ngoại cảnh.
– Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi hoàn cảnh khó chịu và trung tính bằng hoàn cảnh tốt đẹp.

Đây là hiểu biết về Khổ Tập Diệt Đạo của tất cả nhân loại, của tất cả các tôn giáo ngoại trừ hiểu biết của Đức Phật và Thánh đệ tử của Đức Phật. Hiểu biết về Khổ Tập Diệt Đạo theo kiểu Tâm biết Cảnh như vậy gọi là Vô Minh. Đời sống của nhân loại bao gồm rất nhiều lĩnh vực nhưng tất cả mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại, đều bị chi phối bởi hiểu biết Vô Minh về Khổ Tập Diệt Đạo này. Do hiểu biết Vô Minh chi phối nên nhân loại tham ái và tìm cầu Hạnh phúc trong những hoàn cảnh tốt đẹp. Đó là tham ái và tìm cầu Hạnh phúc trong Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái gọi là Dục ái. Đó là tham ái và tìm cầu Hạnh phúc trong sự sống, sự hiện hữu gọi là Hữu ái vì Vô minh cho rằng sống là Hạnh phúc, chết là đau khổ. Đó là tham ái và tìm cầu Hạnh phúc tuyệt đối ở các cảnh giới giải thoát khi không còn hiện hữu của thân xác gọi là Phi Hữu ái. Nói gọn lại, là do Vô Minh chi phối mà nhân loại có Dục ái, Hữu ái và Phi Hữu ái. Mọi lời nói, mọi hành động của nhân loại, của các tôn giáo là do tham ái Hạnh phúc ở Dục, ở Hữu, ở Phi Hữu với mục đích là tìm cầu để đạt được Hạnh phúc ở Dục, ở Hữu, ở Phi Hữu. Chính vì vậy mà mục đích thực hành giới Không Sát Sinh của ngoại đạo là do Tham ái. Họ thực hành giới không sát sinh để có được những quả báo là những hoàn cảnh tốt đẹp trong tương lai, để chấm dứt những hoàn cảnh tồi tệ, khổ đau của hiện tại. Cụ thể là Không sát sinh để có phước báu, để tương lai được mạnh khoẻ, không bệnh tật, sống lâu, trường thọ, được thân tướng tốt đẹp, không đui què, khiếm khuyết các căn… Do tham ái sự sống (Hữu ái), xem sự sống là cao quý, kỳ diệu, mầu nhiệm, sự sống đưa đến Hạnh phúc, chấm dứt sự sống là đau khổ nên họ thực hành Không sát sinh để bảo vệ sự sống của mình được trường tồn, để sự sống của muôn loài, của thế giới được trường tồn. Mục đích và phương pháp thực hành như vậy để tương lai có hạnh phúc trong những hoàn cảnh tốt đẹp và để bảo vệ sự sống của muôn loài là hướng ngoại, hướng đến thay đổi hoàn cảnh, là do Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái, nghĩa là do Tham Dục mà thực hành.

2 – Mục đích và phương pháp thực hành Không sát sinh theo chủ trương của Đức Phật: Hiểu biết đúng như thật mà Đức Phật thuyết giảng dựa trên sự giác ngộ của Ngài là do: “Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ”. Trong nội dung của sự giác ngộ này có một nội dung là, cái biết là Tâm mà những đối tượng được biết cũng thuộc phạm trù Tâm chứ không phải Cảnh. Do vậy Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về phạm trù Tâm chứ không phải Cảnh. Cụ thể:

– Khổ bao gồm Hoại khổ, Khổ khổ, Hành khổ phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu
– Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu.
– Sự chấm dứt Khổ là sự chấm dứt Tham Sân Si trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh.
– Con đường chấm dứt Khổ là Bát Chánh Đạo, nghĩa là thay đổi lộ trình tâm từ Bát Tà Đạo sang Bát Chánh Đạo.

Khổ Tập Diệt Đạo thuộc phàm trù Tâm chứ không phải thuộc về Cảnh nên muốn chấm dứt Khổ phải thay đổi Tâm để chấm dứt Tham Sân Si chứ không phải thay đổi Cảnh. Chính vì vậy mà mọi sự thực hành theo lời Phật dạy cho dù là Giới, là Định hay là Tuệ đều nhằm đoạn tận Tham Sân Si. Vì vậy mục đích thực hành Không sát sinh theo chủ trương của Đức Phật là để đoạn tận Tham Sân Si, để thanh lọc tâm, chứ không phải là để có phước báu, không phải để có hoàn cảnh tốt đẹp trong tương lai.

Kẻ Phàm phu sát sinh là do Tham, do Sân, do Si. Do tham ái tiền bạc, do tìm cầu tiền bạc mà làm nghề giết mổ… đó là sát sinh do Tham. Tức tối giận dữ khi bị muỗi cắn, khi bị chuột phá hoại mùa màng mà giết hại… đó là sát sinh do Sân. Ngày chủ nhật nghỉ không đi làm thì tổ chức nhau đi câu cá, bắn chim… đó là đi tìm niềm vui trong sự giết hại, là sát sinh do Si. Người Phật tử thực hành Không sát sinh là để đoạn trừ các Tham Sân Si đó. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, chương ba, phẩm ba pháp có nói: Thánh đệ tử suy tư đối với giới Không sát sinh như sau: Noi gương các bậc A La Hán, con từ bỏ sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, có tàm quý (xấu hổ, sợ hãi) đối với sát sinh… Các bậc A La Hán đã đoạn tận Tham Sân Si, các Ngài là tấm gương về đoạn tận Tham Sân Si, về Giải Thoát, các Ngài không còn Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái, các Ngài sống trong hiện tại với tâm vắng lặng không còn truy tìm quá khứ, không còn ước vọng tương lai. Noi gương các vị A La Hán, thực hành giới Không sát sinh để đoạn tận Tham Sân Si, để sống bình an trong hiện tại, để chấm dứt tìm cầu Hạnh phúc trong những hoàn cảnh tốt đẹp ở tương lai. Đối với các bậc giác ngộ, Hữu ái, tham ái sự sống, tham sống sợ chết, là Nguyên nhân của Khổ, nguyên nhân của luân hồi tái sinh đưa đến đời sau, đưa đến khổ của Sinh Già Bệnh Chết trong tương lai, là điều đáng sợ hãi. Vì vậy những ai đã giác ngộ thì đều không còn xem sự sống là linh thiêng, là quý báu, là mầu nhiệm mà ai cũng biết chắc chắn rằng: còn hiện hữu, còn sống là còn khổ, cho dù khổ còn dư sót (Niết bàn hữu dư) đối với vị A La Hán so với khổ đã đoạn diệt giống như đất trên móng tay so với đất trên quả đất. Đối với vị A La Hán khi vị đó cảm nhận một cảm giác hơi thở tận cùng, cảm nhận một cảm giác sinh mạng (sự sống) cuối cùng thì tất cả mới đều trở thành thanh lương. Chính vì các bậc giác ngộ không còn tham ái, không còn ràng buộc vào sự sống của mình, nên các Ngài cũng không tôn sùng, ca ngợi, bảo vệ sự sống, không có chủ trương thực hành giới Không sát sinh để bảo vệ sự sống. Trong kinh điển không có một chỗ nào Đức Phật chủ trương phóng sanh để bảo vệ sự sống. Đức Phật giảng dạy có kiếp sau, có con đường đi đến kiếp sau. Đó là thực tại Thế gian, là lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu trong đó Vô Minh và Hữu ái là cha mẹ sinh ra chúng sinh, là tác giả của kiếp sau. Đa phần người học không tiếp thu một cách đầy đủ, họ chỉ đi sâu vào có kiếp sau, vì điều này phù hợp với nhận thức Vô minh, sống bởi tương lai, nên họ tu hành để cho kiếp sau có được những hoàn cảnh tốt đẹp, đầy đủ phước báu, không bị đoạ vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đức Phật không có khuyến khích, không có cỗ vũ cho kiếp sau và con đường đi đến kiếp sau như các tôn giáo chủ trương để rồi tạo dựng, tích luỹ phước báu cho kiếp sau, mà Ngài cảnh báo đó là con đường đi đến sợ hãi và khổ đau. Cái quan trọng mà Ngài giảng dạy và khuyến khích đệ tử thực hành là gì? Đó là thực tại không có kiếp sau và con đường đi đến thực tại không có kiếp sau. Đó chính là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, nơi vắng mặt Tham Sân Si, vắng mặt Vô Minh và Hữu ái, vắng mặt tác giả kiếp sau, vắng mặt kiếp sau.

Trong ba tham ái, bao gồm Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái là Nguyên nhân Khổ, thì Dục ái là cấp độ thấp nhất, Hữu ái mãnh liệt hơn rất nhiều, chính nó đưa đến luân hồi sinh tử, đưa đến khổ của Sinh Già Bệnh Chết, nhưng lại vi tế khó thấy, khó biết hơn rất nhiều so với Dục ái. Bởi do Hữu ái chi phối mà đa phần cho rằng: Phật giáo tôn sùng sự sống, yêu thích sự sống, ca ngợi sự sống, bảo vệ sự sống. Các bậc giác ngộ không có quan điểm như vậy. Nếu đọc kỹ Tạng Luật sẽ thấy, nếu một vị Tỷ kheo phạm tội giết người thì tội đó là một trong bốn trọng tội, phải bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn, là cấp độ thứ nhất của tội. Cấp độ thứ hai là các tội Tăng tàn gồm mười ba tội, trong đó thí dụ như tội “khởi dục rồi xúc chạm vào người nữ”. Những tội này nghiêm trọng nên phải có hội đồng hai mươi mốt vị Tăng nghị tội, phán xử và sau khi vị đó thực hiện hình phạt xong thì hội đồng hai mươi mốt vị Tăng đó mới phục vị lại cho Tỷ kheo đó. Cấp độ thứ ba là Ưng xả đối trị, ví như tội tàng trữ y quá số lượng quy định, thì vị Tỷ kheo đó phải xả bỏ số y thừa rồi tìm một vị Tăng sám hối tội đã phạm. Cấp độ thứ tư là Ưng đối trị, nghĩa là những tội này chỉ cần tìm một vị Tăng sám hối tội đã phạm để ngăn ngừa trong tương lai. Trong những tội thuộc về Ưng đối trị có tội sát sinh các con vật không kể lớn bé. Bốn cấp độ tội như vậy nói lên trong giới luật của Tỷ kheo không đề cao bảo vệ sự sống. Kể cả tự sát, tự mình huỷ diệt sự sống, không phải bao giờ Đức Phật cũng phê phán, cũng cho là có tội, mà tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, có những trường hợp là có tội, có trường hợp Ngài nói không có tội. Trong Kinh Giáo Giới Channa, kinh số144 thuộc Trung Bộ Kinh có đề cập tới một vị Tỷ kheo Channa bệnh nặng được Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Maha Cunda thăm hỏi. Qua câu chuyện đối đáp giữa vị Tỷ kheo đó với Ngài Xá Lợi Phất và Maha Cunda, có thể biết được vị Tỷ kheo đã chứng đạo và vị đó bày tỏ ý định tự sát (đem lại con dao) vì không cần phải chịu đựng những cơn đau khốc liệt nữa. Tỷ kheo Channa đã tuyên bố: “Tỷ kheo Channa đem lại con dao không có phạm tội. Thưa Hiền giả Sariputta, hãy thọ trì như vậy”. Mặc cho sự can ngăn của hai Ngài, sau khi hai Ngài ra đi, vị Tỷ kheo Channa đã mang lại con dao. Ngài Xá Lợi Phất đã thưa hỏi Đức Phật và Đức Phật đã trả lời: Trước mặt hai người,Tỷ kheo đó đã khẳng định, vị đó đem lại con dao mà không phạm tội. Ngài còn khẳng định: “Này Sariputta, ai từ bỏ thân này và chấp thủ một thân khác, Ta nói rằng người đó có phạm tội. Tỷ kheo Channa không có chấp thủ như vậy. Tỷ kheo Channa đem lại con dao (cho mình) không có phạm tội”.

Có một vấn đề liên quan là, tại sao Đức Phật KHÔNG CHỦ TRƯƠNG ĂN CHAY HAY ĂN MẶN? Bởi cốt lõi của giáo lý Tứ Thánh Đế mà Đức Phật đã chứng tri và tuyên thuyết là Khổ phát sinh nơi nội tâm, Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si thuộc nội tâm chứ không ở ngoại cảnh nên sự chấm dứt khổ là chấm dứt Tham Sân Si ở nội tâm chứ không phải thay đổi ngoại cảnh. Vì vậy mặn hay chay là ngoại cảnh, không thể có giải thoát nơi thức ăn mặn hay chay. Giải thoát không phụ thuộc vào ĂN GÌ mà giải thoát hay ràng buộc là do ĂN NHƯ THẾ NÀO. Nếu ăn với Tà Niệm, với lộ trình tâm Bát Tà Đạo thì sẽ thích thú vị ngon, sẽ chán ghét vị dở, sẽ ràng buộc vào ngon dở, sẽ ràng buộc với thức ăn. Nếu ăn với Chánh Niệm, ăn với lộ trình tâm Bát Chánh Đạo thì sẽ không thích thú, không chán ghét với các cảm giác vị, không ràng buộc với cảm giác vị, không ràng buộc với bất kỳ một loại thức ăn nào, cho dù chay hay mặn. Nếu ăn được như vậy thì cao lương mỹ vị hay cơm không có muối, chay hay mặn, vị ấy vẫn thích nghi, vẫn ăn với tâm bình thản, không thích, không ghét (không tham, không sân) và đó là giải thoát, không ràng buộc với thức ăn. Một người khi chưa tu, thích thức ăn mặn, ghét thức ăn chay nhưng khi họ tu thì chuyển sang thích thức ăn chay, ghét thức ăn mặn. Đối với người đó, chỉ là thay đổi ngoại cảnh, thay đổi thức ăn từ mặn sang chay, còn tâm yêu ghét, tâm tham sân vẫn cứ y nguyên và vẫn ràng buộc với thức ăn, vẫn khổ trong ăn uống.

Có một vấn đề cần nhận thức thấu đáo để không đồng nhất ăn mặn với sát sinh. Khi một thức ăn dù là thịt cá hay rau củ đã được nấu chín thì trong nó không có sự sống, không phải là một sinh mạng, không phải là một hữu tình. Xét về sự sống, sinh mạng thì các thức ăn đã nấu chín như vậy cũng tương tự như các chất vô cơ, cũng giống như đường hay muối, không có sự sống, không có sinh mạng và ăn nó không phải là ăn “mạng” chúng sanh. Đang ăn thức ăn đã nấu chín như vậy mà nghĩ là đang ăn sinh mạng chúng sinh thì đó là Vọng Tưởng điên đảo, là suy diễn tưởng tượng ra cái không có thực, rồi bị nó ám ảnh. Đó cũng là một loại “hoang tưởng”. Nghe sự thật như vậy, nhiều người ấm ức thừa nhận, nhưng vì Kiến thủ, vì chấp thủ vào hiểu biết của mình họ đã quyết liệt đưa ra phản bác: “Tuy ăn mặn không trực tiếp sát sinh nhưng đang gián tiếp sát sinh”. Khi tuyệt đối hoá như vậy, họ đã không nhìn vào sự thật: như vậy những người ăn chay cũng đang gián tiếp sát sinh. Lúa gạo, rau củ có được đều là sản phẩm liên quan đến sát sinh sâu bọ, côn trùng… Một người cho dù không ăn bất kỳ một loại thức ăn nào, dù chay hay mặn thì cũng chưa phải là không trực tiếp và không gián tiếp sát sinh, là vì khi người đó uống nước, vì trong nước có vi trùng, có sinh mạng, nên nếu uống nước lã, hay đun sôi lên để uống thì họ đang trực tiếp sát sinh. Phản bác như vậy là đang tự mâu thuẫn với chính mình và như Kinh đã nói: họ đang tự chẻ đôi cái đầu mình ra, mà họ lại không biết. Một số người lại phản bác ăn chay mới phát sinh từ bi còn ăn mặn không thể có từ bi. Từ bi của các bậc giác ngộ không phải do thức ăn mà có, mà nó phát sinh do Trí Tuệ, do Minh, do thấu triệt Tứ Thánh Đế. Từ bi là sự thương cảm của các bậc giác ngộ đối với tất cả chúng sanh không kể hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo, ngu hay trí, đạo Phật hay không phải đạo Phật… vì rằng khi đã thấu triệt về Khổ và Nguyên nhân Khổ, thì thấy tất cả mọi hoàn cảnh, giàu hay nghèo, ngu hay trí, sang hay hèn đều đang khổ, và khổ đó là vì Vô minh và Tham ái trong nội tâm của mọi chúng sanh, chứ không phải vì hoàn cảnh. Từ bi là thương cảm cho con người bị Vô minh và Tham ái chi phối nên phải đắm chìm trong khổ, chứ không phải thương cảm hoàn cảnh khó khăn. Đa phần con người hiểu Từ bi là thương cảm cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn, không nơi nương tựa, tàn tật, nghèo đói… những hoàn cảnh không được may mắn như mình. Thương cảm đó không phải là xấu, nó đưa đến sự giúp đỡ người khác, nó có tính chất nhân văn, nhưng nó phát sinh trên hiểu biết Khổ và Nguyên nhân Khổ là hoàn cảnh khó khăn, tồi tệ, trên hiểu biết có “Ta hơn, Ta kém, Ta bằng”. Chỉ khi nào thấy họ kém hơn Ta, họ khổ hơn Ta mới thương cảm, còn họ sướng hơn ta, hoàn cảnh tốt hơn Ta thì không thương cảm mà ghen tỵ. Đó chính là hiểu biết nhị nguyên Tâm Cảnh, là Vô minh. Thương cảm theo hiểu biết như vậy cũng đưa đến sự giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, nhưng về bản chất, nó chỉ thay cái khổ này bằng một khổ khác mà không đoạn tận được khổ, giống như trong một vở bi kịch cổ điển đã nói: Trên những vết thương không thể nào chữa khỏi, tôi đã trải một lớp hương làm dịu nỗi đau. Thương cảm như vậy không phải là Từ Bi của bậc giác ngộ, Thương cảm của bậc giác ngộ đưa đến giúp đỡ để đoạn tận Vô minh và Tham ái, đoạn tận Khổ. Kể cả cái thương cảm do vô minh về Khổ Tập Diệt đạo như vậy, thương cảm những hoàn cảnh khó khăn như vậy cũng không phải do ăn chay mà có, ăn mặn không có. Có những người không ăn chay, không thuộc tôn giáo nào, họ vẫn hết lòng, hết sức thương cảm và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều người ăn chay trường trong đạo Phật cũng như các tôn giáo khác mà đâu có được thương cảm đó, điển hình như trùm phát xít Hitle, suốt đời ăn chay mà đâu có được thương cảm đó.

(Tỷ Kheo Nguyên Tuệ – Trích trong cuốn Minh và Vô Minh, Nxb Hồng Đức, 2016, từ trang 142 đến trang 152)

#tykheonguyentue #batchanhdao #khurungsungbo #tinhgiacvothuong

Trả lời