Giác Ngộ, Giải Thoát là mục đích cuộc sống nhân loại và đó cũng là mục đích của Phạm Hạnh mà Đức Phật đã thuyết giảng trong 45 năm. Nhưng những người đã Giác Ngộ, đã Giải Thoát lại rất ít ỏi và hiếm hoi trong lịch sử nhân loại.
Vì sao vậy ? Thời Phật còn tại thế, Ngài đã tự thán và điều này được lưu dấu trong Kinh Điển. “Pháp mà Ta chứng được sâu kín, tịch tĩnh, mỹ diệu, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị, chỉ có người trí mới có khả năng giác hiểu. Còn quần chúng này thì đam mê Ái Dục, bị Ái Dục ràng buộc nên Lý Duyên Khởi là một điều rất khó lĩnh hội và Niết Bàn, sự từ bỏ mọi Tham ái, sự chấm đứt mọi Tham ái, sự đoạn tận mọi Tham Ái cũng là điều rất khó lĩnh hội”.
Đây chính là hai điều rất khó lĩnh hội của Phật pháp. Con người cho dù rất thông minh, họ có thể phát minh , sáng chế ra gần như tất cả những thứ họ muốn nhưng rất ít người có thể lĩnh hội được hai điều mà Đức Phật đã chứng ngộ và tuyên thuyết, đó là LÝ DUYÊN KHỞI và NIẾT BÀN.
Có phải nhân loại tuy thông minh như vậy nhưng không có khả năng học hỏi về Lý Duyên Khởi và Niết Bàn không ? Không phải như vậy, mà là do nhân loại đã có hiểu biết về Lý Duyên Khởi và Niết Bàn sai lạc và lại CHẤP THỦ vào hiểu biết sai lạc đó. Sự chấp thủ vào hiểu biết sai lạc gọi là Vô Minh đó, như một tấm màn che mắt, không cho nhân loại lĩnh hội được lời dạy của Đức Thế Tôn.
1- VỀ LÝ DUYÊN KHỞI :
Kẽ Phàm phu cũng nói đến các pháp phát sinh theo định luật Nhân Quả nhưng là “Một Nhân biến đổi thành Quả” hay có bổ sung thêm “Nhân Chính biến đổi thành Quả có các Nhân Phụ trợ giúp hoặc Nhân Chính biến đổi thành Quả có các Duyên trợ giúp”. Vì thế Nhân trong Quả, Quả trong Nhân, các pháp tương tức, tương nhập, lệ thuộc lẫn nhau theo quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu. Nội dung của hiểu biết này là Vô Minh, Thường kiến, Ngã kiến và từ hiểu biết Vô Minh này mà sẽ có hiểu biết Vô Minh về Khổ Tập Diệt Đạo.
Chính hiểu biết sai lạc, Vô Minh về Nhân Quả ngăn che không cho kẽ Phàm phu Quán Sát sự thật để Thấy Biết như thật về Định Luật Nhân Quả : HAI NHÂN BÌNH ĐẲNG TIẾP XÚC NHAU RỒI CÙNG DIỆT MỚI PHÁT SINH CÁC QUẢ. Do vậy tính chất các pháp là Vô Thường, Vô Ngã ( Vô chủ, Vô sở hữu ), nghĩa là các pháp sinh lên rồi diệt đi, các pháp độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. Với hiểu biết đúng như thật về Định Luật Nhân Quả như vậy, mới có thể hiểu biết đúng như thật các pháp, đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo.
2 – VỀ KHỔ DIỆT HAY NIẾT BÀN :
Hiểu biết sai, tức Vô Minh về Khổ Tập Diệt Đạo đã “Mặc Định” sự Chấm Dứt Khổ hay Khổ chỉ diệt đi khi có Hạnh Phúc thay thế. Chừng nào mà chưa sở hữu đầy đủ Hạnh phúc ( Vật chất và Tinh thần ) thì chừng ấy Khổ chưa chấm dứt. Chính vì Vô Minh hiểu biết về Khổ Diệt là như vậy nên kẽ Phàm phu Yêu thích Hạnh phúc, Chán ghét Đau khổ và vì vậy mới “Khát Ái tìm cầu Hạnh phúc ( Hỹ Lạc ) chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái” để Chấm Dứt Khổ.
Trong Thực Tại Thế Gian của Phàm phu tồn tại cả hai thứ HẠNH PHÚC và KHỔ ĐAU luôn đắp đổi cho nhau : Khi có Hạnh phúc thì lúc đó không có Khổ đau, khi có Khổ đau thì lúc đó không có Hạnh phúc. Vì hiểu biết Vô Minh, hiểu biết một chiều, hiểu biết thiển cận cái Sự Thật đó mà kẽ Phàm phu “Mặc Định” chỉ có Hạnh Phúc mới chấm dứt được Đau khổ.
Và như vậy, Niết Bàn phải là nơi có hạnh phúc tuyệt đối, vĩnh cửu, một nơi chốn phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn. Chính Vô Minh đã mặc định như vậy là tấm màn che mắt kẽ Phàm phu, làm cho không thấy biết được sự thật lời dạy của Phật về Khổ Diệt, Niết Bàn là vắng mặt Tham ái, đoạn tận Tham Ái chứ không phải là một trạng thái Hạnh phúc tuyệt đối.
Thực Tại thế gian của Phàm phu do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh ra Sáu Thọ và Sáu Tưởng và tiếp theo Tà Niệm, Tà Tư Duy, Tà Tri Kiến, Tà Định, Tà Tinh Tấn, Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng khởi lên, nên Thực Tại đó có Vô Minh, có Tham Sân Si, có Hạnh Phúc, có Khổ Đau ( có Khổ Vui ). Cuộc đời này, Thế gian này đồng thời tồn tại Niềm Vui và Nỗi Khổ. Hai mặt KHỔ VUI của thực tại là Sự Thật, là Chân Lý nhưng nó có tính chất Vô Thường và Vô Chủ.
Nghĩa là nó Sinh lên rồi Diệt đi và không có bất kỳ một cái gì, không có một cái Ta nào là chủ nhân, chủ sở hữu của Khổ Vui, vì thế không có ai có thể thể nắm giữ, không có ai có thể xua đuổi được Khổ Vui. Kẽ Phàm phu sống trong Vô Minh nên ảo tưởng sẽ làm chủ, sẽ sở hữu Hạnh Phúc và sẽ xua đuổi, sẽ chấm dứt được Khổ Đau.
Thực Tại có hai mặt KHỔ và VUI như hai mặt của một đồng tiền mà chỉ Chấp nhận một mặt và Không Chấp nhận mặt kia là ảo tưởng lớn nhất của nhân loại. Sống bởi Vô Minh, bởi ảo tưởng như vậy nên kẻ Phàm phu “Khát ái tìm cầu Hạnh phúc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái” tưởng rằng như vậy sẽ Chấm dứt được Khổ. Nhưng CHÍNH HÀNH VI KHÁT ÁI TÌM CẦU HẠNH PHÚC đó lại là Nguyên Nhân Phát Sinh Khổ.
Vì vậy lao tâm khổ trí, nỗ lực phấn đấu để có được Hạnh phúc, và nhờ Hạnh phúc đó mà chấm dứt được Khổ. Nhưng sự thật là có được Hạnh phúc chấm dứt được cái khổ cũ nhưng lại làm phát sinh một cái Khổ mới, thậm chí còn trầm trọng hơn. Và như vậy, thực chất thì chỉ đổi nỗi khổ này lấy một nỗi khổ khác mà thôi, chứ không chấm dứt được Khổ.
Thực Tại Xuất Thế Gian của bậc Thánh cũng do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh ra Sáu Thọ và Sáu Tưởng và tiếp theo Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định, Chánh Tư Duy, Chánh Tri Kiến, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng khởi lên và Thực Tại đó không có Vô Minh, không có Tham Sân Si, không có Hạnh Phúc và Khổ Đau ( không có Khổ Vui ).
Đối với bậc Thánh, khi có Lạc thọ, không yêu thích nên Hạnh Phúc không có mặt, khi có Khổ thọ hoặc Bất khổ bất lạc thọ, không chán ghét, không tìm kiếm Lạc thọ để thay thế nên Khổ Đau không có mặt. Trong Thực Tại Xuất Thế Gian của bậc Thánh ,VẮNG LẶNG CẢ KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC, đó gọi là KHỔ DIỆT hay NIẾT BÀN.
Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện khác nhau thuyết giảng chỉ nhắm đến một điều duy nhất là đoạn tận Tham ái, nhất hướng nhàm chán Ly Tham. Mà đoạn tận Tham ái cái gì, Ly Tham cái gì ? Đương nhiên là đoạn tận Tham ái HẠNH PHÚC, Ly tham HẠNH PHÚC. Sự đoạn tận Tham ái Hạnh Phúc, sự Ly tham Hạnh phúc xẩy ra thì “Khát ái tìm cầu Hạnh Phúc chổ này chổ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái” được đoạn tận, Nguyên Nhân Khổ được đoạn tận. Đó chính là Đoạn tận Khổ Đau, là sự vắng mặt cả Khổ Đau và Hạnh Phúc. Đây là con đường hoàn toàn khác, hoàn toàn ngược lại con đường ĐI TÌM HẠNH PHÚC của Thế gian.
Thực Tại Thế Gian CÓ HẠNH PHÚC và CÓ KHỔ ĐAU còn Thực Tại Xuất Thế Gian KHÔNG CÓ HẠNH PHÚC và KHÔNG CÓ KHỔ ĐAU nên Đức Phật dạy tu tập Bát Chánh Đạo là để Chấm dứt Tham Ái Hạnh Phúc, Chấm dứt Thực Tại Thế Gian, để an trú Thực Tại Xuất Thế Gian.
3 – TU HỌC ĐÚNG HƯỚNG :
Hai điều khó lĩnh hội trong lời dạy của Phật là Lý Duyên Khởi và Niết Bàn thì Kiến thức về Lý Duyên Khởi của nhân loại tuy sai lạc nhưng có thể thay đổi dễ dàng hơn Kiến thức sai lạc về Chấm Dứt Khổ. Đa phần nhân loại, hiểu biết về Lý Duyên Khởi đang rất nông cạn, thậm chí là chưa hiểu biết gì nhiều về Nhân Quả, chấp thủ kiến thức sai về Nhân Quả đang còn ít nên có thể tiếp thu một Kiến thức mới, đúng sự thật về Nhân Quả dễ dàng nếu được chỉ thẳng trên sự thật.
Còn Vô Minh về Khổ Tập Diệt Đạo mà đặc biệt là Vô minh về Chấm Dứt Khổ hay Khổ Diệt, Niết Bàn đã sâu dày quá mức, khó mà thay đổi. Từ hiểu biết Vô Minh về Khổ Tập Diệt Đạo, đặc biệt là Vô Minh về Chấm Dứt Khổ mà phát sinh hành vi Khao khát tìm cầu Hạnh Phúc chỗ này chỗ kia, nên cho dù có tu học theo Phật thì vẫn hướng đến TÌM CẦU HẠNH PHÚC mà chỉ là đổi chổ tìm cầu từ “chỗ kia” sang “chỗ này” mà thôi.
Vì thế khi chưa tu học thì tìm cầu Hạnh Phúc vật chất, Hạnh Phúc tinh thần trong mọi lĩnh vực của đời sống còn khi tu học thì thích thú trong phước báo để tương lai có Hạnh Phúc trong Sống lâu, Sắc đẹp, An vui, Sức mạnh trong Phật pháp, hoặc là muốn xa lánh Hạnh phúc vật chất để tìm kiếm Hành phúc tinh thần thanh cao nhờ Phật pháp. Họ thích thú với những kiến thức cao vời “siêu lý luận”, những kiến thức Phật học mà khoa học “không với tới được”, họ trang bị những thứ đó để làm đẹp cuộc đời, để cuộc đời nhiều màu mè, nhiều hạnh phúc hơn, nhiều người hành thiền để đạt năng lực siêu nhiên, để chứng ngộ một Hạnh phúc tinh thần tuyệt đối.
Nhiều người tu quan niệm rằng thế gian tuy VUI mà KHỔ còn tu hành tuy KHỔ mà VUI, và quan niệm đó vẫn là quan niệm của thế gian, vẫn chỉ quanh quẩn nơi Vui và Khổ. Đa phần người tu mở miệng là nói đến Hạnh Phúc, vì trong họ đầy ắp “Khao Khát Hạnh Phúc”, và tu học như vậy là để tìm cầu Hạnh phúc trong Phật pháp mà đỉnh cao là Hạnh Phúc Tuyệt Đối của Niết Bàn…
Sự tu học để tìm cầu Hạnh Phúc như vậy là KHÔNG ĐÚNG HƯỚNG vì chung quy thì vẫn là “Tham ái tìm cầu Hạnh Phúc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái”. Nếu có bỏ được Dục ái, Hữu ái thì lại đồn năng lực tìm cầu Hạnh Phúc ở Phi Hữu ái ( Dục Hỷ Niết Bàn ) và cũng chỉ quẩn quanh trong Thực Tại Thế Gian có Hạnh Phúc lẫn Đau Khổ mà thôi. Sự tu học ĐÚNG HƯỚNG LÀ ĐOẠN TẬN THAM ÁI HẠNH PHÚC để chứng ngộ và an trú Thực Tại Xuất Thế Gian không có cả Hạnh Phúc lẫn Khổ Đau gọi là Khổ Diệt hay Niết Bàn.
Nếu tu học không đúng hướng sẽ không có kết quả, chỉ sự tu học DÙ LÀ YẾU ỚT nhưng ĐÚNG HƯỚNG sẽ mang đến kết quả. Trong Tương Ưng Bộ Kinh đã ví như sợi râu lúa mỳ, nếu đặt đúng hướng sẽ đâm thủng ngón tay thì tu học đúng hướng sẽ đâm thủng Vô minh y như vậy.
Sự TU HỌC ĐÚNG HƯỚNG chỉ xẩy ra khi Hiểu Biết Sai, khi Vô Minh về Khổ Tập Diệt Đạo, đặc biệt Vô Minh về Chấm Dứt Khổ ( có Hạnh Phúc mới chấm dứt được Đau Khổ ) được thấy rõ, được Nhận Mặt, được Điểm Chỉ như Đức Phật đã Nhận Mặt, Điểm Chỉ Vô Minh khi Ngài thành đạo : Vô Minh, Ta đã thấy rõ ngươi rồi, từ nay ngươi sẽ không làm nhà cho Như Lai được nữa, tất cả sườn nhà đã gãy, cây đòn dông ngươi dựng cũng đã bị phá tan…
Chỉ và chỉ khi Vô Minh bị Nhận Mặt thì lời dạy về Chấm Dứt Khổ là “Đoạn tận Tham ái Hạnh Phúc” mới thấm được vào tim óc người tu, mới có sự tu học đúng hướng. Trong kinh Ví Dụ Tấm Vải thuộc Trung Bô Kinh đã chỉ rõ : một tấm vải đã ô nhiễm, không còn trắng sạch ví như đã có màu đen thì không thể ăn màu nhuộn để trở thành đỏ hay vàng được.
Chỉ khi nào tấm vải ô nhiễm được TẨY SẠCH, trở nên trắng sạch mới có thể ăn màu nhuộn đỏ hay vàng, mới có thể trở thành tấm vải đỏ hay vàng. Cũng y như vậy kho chứa tâm thức đã bị ô nhiễm bởi Vô Minh, đã đen kịt thì không thể nào ăn được màu nhuộn là Minh, chỉ khi Vô Minh được tẩy sạch thì kho chứa tâm thức mới nhuộm được Minh, chỉ có điều không giống như vải, tẩy xong mới nhuộn mà từng chút, từng chút một, Vô Minh được tẩy sạch đến đâu thì Minh sẽ thấm sâu đến đấy.
HÃY ĐỊNH HƯỚNG lại sự tu học từ YÊU THÍCH, NỖ LỰC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC HẠNH PHÚC sang NỖ LỰC CHẤM DỨT THAM ÁI HẠNH PHÚC.
Đại đức Nguyên Tuệ