Hiểu sai Khổ đế

Hiểu sai Khổ đế

Thực trạng hiện nay là gần như đa phần người tu học Phật giáo kể cả những nhân vật lừng lẫy, nổi tiếng nhất của Phật giáo từ trước tới nay đều hiểu sai khái niệm Khổ Đế mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng. Họ cho rằng Khổ đế là thấy cho được cuộc đời này là khổ, đời là biển khổ, bây giờ đang sống khổ sau khi chết lại tiếp tục khổ, khổ từ trong nhà ra ngoài ngõ, khổ muôn năm, khổ muôn đời muôn kiếp vv…

Vậy phải hiểu khái niệm Khổ Đế mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng là như thế nào, để hiểu đúng với chân nghĩa mà Đức Phật nói đến?

Để hiểu được điều này phải hiểu được quá trình nhận thức các sự vật hiện tượng của con người bao gồm hai giai đoạn: Nhận thức cảm tính đối tượng và Nhận thức lý tính đối tượng.

Nhận thức cảm tính là nhận biết đối tượng hay là ghi nhận đối tượng mà không biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Cụ thể đó là 6 loại tâm biết trực tiếp giác quan ghi nhận 6 loại đối tượng thực tại gồm : 1 – Nhẫn thức thấy đối tượng hình ảnh; 2 – Nhĩ thức nghe đối tượng âm thanh; 3 – Tỷ thức cảm nhận đối tượng mùi; 4 – Thiệt thức cảm nhận đối tượng vị; 5- Thân thức cảm nhận đối tượng xúc chạm; 6 – Tưởng thức ghi nhận đối tượng pháp trần. Sáu tâm biết trực tiếp giác quan này chỉ nhận biết hay ghi nhận đối tượng mà không biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên gọi là NHẬN THỨC CẢM TÍNH đối tượng. Hình dung như một đứa trẻ vừa đẻ ra nó vẫn thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng thực tại nhưng nó hoàn toàn không biết các đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên nó chỉ nhận thức cảm tính đối tượng.

Nhận thức lý tính đối tượng là sau khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng, thì tâm biết Ý thức khởi lên, có phận sự BIẾT đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao, nên giai đoạn này gọi là NHẬN THỨC LÝ TÍNH đối tượng. Đương nhiên giai đoạn này phải do học hỏi để lưu các tri thức kinh nghiệm vào bộ nhớ và Ý thức khởi lên theo lộ trình: Niệm – Tư duy – Ý thức. Nhưng tâm biết Ý thức lại được chia làm 2 loại : Tâm biết Ý thức BIẾT không đúng sự thật đối tượng thì gọi là Vô minh, Tà kiến và Tâm biết Ý thức BIẾT đúng sự thật đối tượng thì gọi là Minh, Chánh kiến.

Có một điều rất đáng tiếc là bộ môn Tâm lý học Phật giáo đã phát triển rất sớm và các tông phái Phật giáo mấy ngàn năm nay với hàng ngàn, hàng vạn bộ luận cũng chỉ xoay quanh bộ môn Tâm lý học (bàn luận về tâm) nhưng chưa ai đề cập, chưa ai phân biệt được, chưa ai hiểu được có hai loại nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính này, đặc biệt là hai loại nhận thức lý tính Vô minh, Tà kiến với nhận thức lý tính Minh, Chánh kiến. Điều này không phải là Đức Phật không nói đến mà phải khẳng định rằng những thế hệ nối tiếp sau này đã không lĩnh hội được nên không gìn giữ và truyền thụ được những kiến thức này.

Chính vì có hai giai đoạn nhận thức là Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính cho nên : Khi thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng thực tại thì Thánh Phàm đều như nhau, không sai khác đều ghi nhận hay nhận biết đối tượng với tâm biết trực tiếp giác quan vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt. Tiếp đến là Tâm biết Ý thức khởi lên và chia làm hai trường hợp:

*Tâm biết ý thức vô minh, tà kiến (của Phàm) thì cho rằng, mặc định rằng các đối tượng thực tại này là Thế giới vật chất ngoại cảnh. Và thế giới vật chất ngoại cảnh đó sẵn có, luôn luôn có, thường xuyên có và có thể nắm giữ, làm chủ, sở hữu, điều khiển được nó. Đặc biệt Hạnh phúc, Khổ đau sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú trong thế giới vật chất ngoại cảnh đó. Đây là VÔ MINH CĂN BẢN mà từ đó những vô minh, tà kiến khác khởi lên.

*Tâm biết ý thức minh, chánh kiến ( của Thánh ) thì biết rằng đối tượng thực tại đó là Cảm giác mà thuật ngữ Phật học gọi là Cảm thọ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó là TÂM chứ không phải thế giới vạt chất, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu, Phật học gọi là vô ngã. Đây là MINH CĂN BẢN mà từ đây mọi Minh, Chánh kiến khác khởi lên.

Chính vì vậy, khi thấy nghe, cảm nhận đối tượng thực tại KHỔ thì Thánh Phàm đều thấy nghe, cảm nhận khổ như nhau, đều ghi nhận nó chỗ này chỗ kia như nhau, đều là Nhận thức cảm tính đối tượng. Nhưng BIẾT đối tượng Khổ đó thì có 2 loại hiểu biết khác nhau. Đó là hiểu biết sai, Vô minh, tà kiến của Phàm về Khổ và hiểu biết đúng sự thật, Minh, chánh kiến của Thánh về Khổ.

*Hiểu biết sai sự thật, vô minh, tà kiến về Khổ : Do VÔ MINH CĂN BẢN cho rằng thực tại là thế giới vật chất nên Khổ thuộc về thế giới vật chất bên ngoài, từ thế giới bên ngoài, từ hoàn cảnh sống mà đến với con người. Vì vậy, khỗ sẵn có, luôn luôn có, thường xuyên có, thường hằng, thường trú trong thế giới vật chất ( chấp thường ), khổ chi phối Ta, Ta khổ, khổ đó là của Ta ( chấp ngã ). Và như vậy, Nguyên nhân Khổ cũng từ thế giới vật chất bên ngoài mà đến Ta, làm cho Ta khổ hoặc Nguyên nhân khổ là do thế giới vô thường làm mất đi Hạnh phúc mà Ta đang có.

*Hiểu biết đúng sự thật, minh, chánh kiến về Khổ : Do MINH CĂN BẢN hiểu biết thực tại là Cảm thọ, là Tâm chứ không phải thế giới vật chất, nên hiểu biết đúng như thật Khổ và Nguyên nhân Khổ thuộc về Tâm chứ không thuộc thế giới vật chất bên ngoài. Khổ là Cảm thọ phát sinh trên lộ trình tâm Bát tà đạo do Vô minh, do Tham sân si mà phát sinh, nó vô thường sinh lên rồi diệt đi liền, không thường hằng thường trú đâu cả, nó vô chủ vô sở hữu nghĩa là không làm chủ, không sở hữu , không điều khiển được nó, đồng nghĩa không có Ta hay Bản ngã là chủ nhân, chủ sở hữu, chịu đựng Khổ ( vô ngã ).

Sự thật khổ này có thể thấy rõ qua thí dụ, ví như có 2 người đàn ông cùng thấy một người đàn bà đẹp, người chồng căm ghét vì người đàn bà đó là vợ anh ta nhưng đang ngoại tình nên anh ta khổ, còn người đàn ông kia đang ngoại tình với người đàn bà đó thì vui vì yêu thích người đàn bà đó.

– Hiểu biết vô minh, tà kiến của 2 người đàn ông kia thì đều cho rằng, mặc định rằng KHỔ VUI CỦA TA là do người đàn bà kia mang đến tức Khổ Vui từ thế giới vật chất bên ngoài mang đến cho Ta.

– Nhưng hiểu biết đúng sự thật, minh, chánh kiến thì biết rằng Khổ Vui phát sinh nơi NỘI TÂM ( của )hai người đàn ông, do tâm Thích, do tâm Ghét mà phát sinh, chứ Khổ Vui không sẵn có, không luôn có, không thường hằng, không thường trú nơi người đàn bà vật chất bên ngoài.

KHỔ ĐẾ là hai từ ghép, trong đó Đế là tiếng Hán nghĩa tiếng Việt là chân lý, là sự thật nên KHỔ ĐẾ là sự thật về khổ hay chân lý về khổ. KHỔ ĐẾ trong Phật học còn đồng nghĩa với GIÁC NGỘ SỰ THẬT KHỔ hay HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT KHỔ bới Tâm biết Ý thức Chánh kiến.

Đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng Khổ đế là thuyết giảng về Hiểu biết đúng sự thật, Hiểu biết Minh, Chánh kiến về Khổ, mục đích là để chấm dứt Hiểu biết sai sự thật, Hiểu biết Vô minh, Tà kiến về Khổ. Nếu như không có hiểu biết đúng sự thật, không phân biệt được nội dung của hai loại hiểu biết Minh, chánh kiến và Vô minh, tà kiến về khổ thì chỉ loanh quanh nơi vô minh, tà kiến và chỉ loay hoay tìm cách chấm dứt khổ theo vô minh, tà kiến, loay hoay với Bát tà đạo mà thôi, không ra khỏi Bát tà đạo được.

Đa phần người học Phật xưa nay mới chỉ thấy, nghe, cảm nhận khổ bởi tâm biết trực giác, mới chỉ nhận thức cảm tính khổ và tiếp đó là Ý thức hiểu biết sai sự thật, hiểu biết vô minh, tà kiến về khổ bởi Bát tà đạo nhưng lại mặc định là ta đã hiểu biết đúng về khổ đế nên bàn luận, giải nói, thuyết giảng khổ đế theo vô minh, tà kiến đó. Kể cả kinh điển được người sau kết tập cũng lặp đi lặp lại: “Rõ biết đây là Khổ; Rõ biết đây là khổ tập; Rõ biết đây là khổ diệt; Rõ biết đây là con đường khổ diệt”. Từ rõ biết là biết rõ nhưng biết rõ theo kiểu nào vô minh, tà kiến hay minh, chánh kiến. Phàm phu cũng rõ biết đây là khổ chứ đâu không rõ biết đây là khổ mà Đức Phật phải dạy cho họ, nhưng rõ biết đó là rõ biết theo kiểu vô minh, tà kiến về khổ. Vì vậy, Đức Phật dạy rõ biết sự thật khổ, rõ biết theo kiểu minh, chánh kiến. Đối với hiểu biết minh, chánh kiến sẽ không nói “Rõ biết đây là khổ; Rõ biết đây khổ tập; Rõ biết đây là khổ diệt; Rõ biết đây là con đường khổ diệt” mà sẽ diễn đạt bằng : “Đây là sự thật khổ; Đây là sự thật khổ tập; Đây là sự thật khổ diệt; Đây là sự thật con đường khổ diệt”.

Thiền sư Nguyên Tuệ (08.8.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời