KHÚC NHẠC DẠO ĐẦU.

KHÚC NHẠC DẠO ĐẦU.
Toàn thể nhân loại, cho dù ngu hay trí, dân tộc hay tôn giáo nào cũng đang từng giây phút một của hiện tại, nỗ lực cố gắng, chịu đựng mọi gian truân cay đắng để mong đạt được đích đến của cuộc đời tại một nơi chốn nào đó, một thời gian nào đó trong tương lai. Và ai cũng nghĩ rằng, khi nào đạt được đích đến ấy, thì đó là lúc kết thúc mọi lao tâm khổ trí, mọi khổ đau cay đắng của cuộc đời, và đó là lúc cuộc sống được an bài, là lúc vĩnh viễn chỉ còn tận hưởng mọi niềm vui, hạnh phúc đã đạt được. Những người không theo tôn giáo thì quan niệm đó là lúc đạt được sự giàu có, tình yêu, thành đạt, danh tiếng, quyền lực như đã mong ước. Những người theo các tôn giáo thì quan niệm sẽ đạt đến một đời sau hoàn mãn mà tận cùng là được hiện hữu trong một thiên đường cực lạc, một thế giới tâm linh kỳ diệu, mầu nhiệm và vĩnh hằng. Trong cái nhận thức về đích đến của cuộc đời như vậy đã thể hiện rõ rệt quan điểm, mục đích cuộc sống là tận hưởng niềm vui, hạnh phúc và cũng thể hiện rõ ràng quan điểm, chỉ khi nào có hạnh phúc viên mãn, đầy đủ không gián đoạn ấy thì lúc đó Khổ mới chấm dứt.
Với nhận thức và lối sống bị nhận thức như vậy chi phối, nhân loại trong từng giây phút một, chịu đựng mọi đau khổ để đạt được đích đến trong tương lai. Nhưng khi đạt được đích đến ấy thì sự sung sướng hãnh diện vì đích đến ấy lại chấm dứt nhanh chóng không tồn tại mãi mãi. Vì sao vậy ? Vì đích đến ấy không còn nữa, nó chấm dứt và xuất hiện một đích đến mới lớn lao hơn, vĩ đại hơn đích đến vừa đạt được. Ví như đứa trẻ đi học lớp 1 thì đích đến là học xong lớp 1 nhưng đến đích rồi thì đích mới là lớp 2, rồi trung học, rồi cử nhân, rồi thạc sĩ, tiến sĩ… Đến đích tiến sĩ lại phải tiếp tục phấn đấu vì còn có một cái đích phía trước còn cao cả hơn. Vợ chồng có đích là sinh ra đứa con xinh đẹp, khỏe mạnh nhưng đạt được nó rồi lại phát sinh cái đích mới, con học đại học, công việc làm tốt cho con, lấy vợ gả chồng cho con, phải có cháu, chăm sóc cháu cho nó khỏe mạnh học giỏi … Đích đến là danh mục tài sản 1 tỷ, nhưng sở hữu 1 tỷ rồi thì cái đích đến đó biến mất và xuất hiện đích đến 10 tỷ, rồi 100 tỷ, rồi ngàn tỷ, rồi 20 ngàn tỷ … Hễ mỗi lần đạt đến một đích đến đã xây dựng, mơ ước, kỳ vọng trong quá khứ thì nó lại biến mất và lại xuất hiện một đích đến mới hấp dẫn hơn và lại phải tiếp tục lao tâm khổ trí, chịu đựng mọi đắng cay để đạt cho bằng được cái đích mới ấy trong tương lai. Và nhân loại suốt đời chịu đựng khổ để đuổi bắt đích đến trong tương lai không dừng nghỉ, không bao giờ đạt được trạng thái an bài, đã làm xong mọi việc để tận hưởng niềm vui, hạnh phúc như mơ ước. Vì sao vậy ? Vì đích đến là niềm vui, hạnh phúc ấy không tồn tại vĩnh viễn vì nó là các CẢM GIÁC thuộc về phạm trù Tâm, nó xuất hiện rồi biến mất ngay chứ niềm vui, hạnh phúc ấy không có mặt, không thường hằng, không thường trú trong thế giới vật chất như hiểu lầm của nhân loại. Điều này giống như đứa trẻ đang đuổi bắt để nắm giữ các bong bóng xà phòng và hễ nó nắm bắt được cái bong bóng thì cái bong bóng ấy vở tan ngay trong tay nó. Vì con người đang đau khổ trong hiện tại lại đi tìm lối thoát khổ trong tương lai nên công việc đó không bao giờ hoàn thành, không bao giờ kết thúc. Vì vậy mới phải luân hồi tái sinh, nghĩa là chết, kết thúc đời này lại tái sinh, bắt đầu một đời mới để hoàn tất một mục đích không bao giờ hoàn tất được. Chính Liszt, một nhà soạn nhạc Hung ga ri đã nhận ra điều này khi ông viết bản giao hưởng “Khúc nhạc dạo đầu” với Chủ đề : “Cuộc đời từ những tiếng ru êm đềm của mẹ, những hương vị ngọt ngào của tình yêu đầu tiên, những niềm tin ngây thơ và dễ dãi vào tình yêu, hạnh phúc bị cuộc đời vùi dập, chà đạp và tan vở. Đến khi con người lao vào cuộc đấu tranh, tìm được hạnh phúc trong chiến thắng. Và cả bản hành khúc tang lễ cuối cùng. Tất cả, tất cả ĐỀU CHỈ LÀ KHÚC NHẠC DẠO ĐẦU”.
Rất nhiều vĩ nhân, nhiều nhà triết học, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ thiên tài đã nhận ra sự thật, tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc trong tương lai để thoát khỏi nổi khổ cuộc đời là phi lý, là ảo tưởng nhưng họ không có khả nặng tự mình tìm ra lối thoát cho cuộc đời đau khổ. Và họ cũng không có nhân duyên để bắt gặp giáo lý thậm thâm vi diệu mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ và thuyết giảng, nên nhiều người trong số họ đã tự sát. Nhân loại này từ cổ chí kim, độc nhất vô nhị chỉ có một con người duy nhất, không thầy chỉ dạy đã tự mình tìm ra, tự mình chứng ngộ và tuyên thuyết một lối thoát ra khỏi mọi đau khổ của cuộc đời NGAY TRONG HIỆN TẠI, ngay bây giờ và ở đây. Đó chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và những ai có may mắn gặp được Giáo Lý của Ngài, hiểu đúng, thực hành đúng thì ngay trong hiện tại, ngay bây giờ và tại đây sẽ đạt đến mục đích tối hậu của cuộc đời : “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm ( xong ), không còn trở lại thế gian này nữa”.

Đại đức Nguyên Tuệ

Trả lời