KINH PHẠM VỌNG VÀ SỰ GIÁC NGỘ CỦA ĐỨC PHẬT

Kinh Phạm võng là bản kinh đầu tiên thuộc Trường Bô kinh, một bộ kinh gồm những bản kinh dài mà như cố Hoà thượng Minh Châu đã nhận xét là dùng đối ngoại với Bà la môn giáo và các ngoại đạo khác. Đây là bản kinh được xếp số 1 của Trường Bộ, là bản kinh đặc biệt và quan trọng nhất của Trường Bộ ,giống như bản kinh Pháp Môn Căn Bản được xếp số 1 của Trung Bộ là bản kinh đặc biệt và quan trọng nhất của Trung Bộ kinh. Kinh Phạm võng có một cấu trúc đặc biệt nhằm làm sáng tỏ sự giác ngộ của Đức Phật, là bản tuyên ngôn về sự giác ngộ của Đức Phật. Có ba chủ đề được đề cập trong Kinh :
– Một là Đức Phật giác ngộ không phải là giác ngộ về Giới Luật
– Hai là Đức Phật giác ngộ không phải là giác ngộ về Bản Ngã và Thế Giới
– Ba là Đức Phật giác ngộ là giác ngộ về các Cảm thọ
1- Sự Giác ngộ của Đức Phật không phải là giác ngộ về giới luật : Phần đầu của bản kinh mô tả về Tiểu giới, Trung giới ,Đại giới mà Đức Phật đã thành tựu không ai có thể sánh bằng. Sau mỗi tiểu tiết thuộc Tiểu giới ,Trung giới, Đại giới Ngài đều nhắc đi ,nhắc lại rằng những ai tán thán Như Lai về những điều đó là kẻ phàm phu tán thán Như Lai. Và Ngài luôn luôn khẳng định : Này các Tỷ kheo, đấy là những vấn đề không quan trọng ,nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu dùng để tán thán Như Lai. Và Ngài nói tiếp: Này các Tỷ kheo, lại có những pháp khác, sâu kín, khó thấy ,khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu ,vượt ngoài tầm của lý luận suông, tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.
Như vậy chính tại phần đầu của bản kinh Đức Phật đã khẳng định sự giác ngộ không phải là giác ngộ Giới Luật. Đối với người trí thì giới luật là điều nhỏ nhặt không quan trọng mà quan trọng là Trí Tuệ ,bởi vậy hai mươi năm đầu của lịch sử Tăng đoàn không có một giới điều nào được chế định. Sau hai mươi năm khi Tăng đoàn đã phát triển thì trong số đó có nhiều người không phải là người trí nên có nhiều tệ nạn phát sinh và Đức Phật đã chế định giới luật để ngăn chặn. Bản thân sự thành tựu giới luật không thể đoạn tận Tham Sân Si mà sự thành tựu giới luật là duyên cho Chánh Niệm khởi lên, khi Chánh Niệm khởi lên thì Bát Chánh Đạo sẽ tự động khởi lên theo Lý Duyên khởi và chỉ có Bát Chánh Đạo mới đoạn tận Tham Sân Si.
2- Sự Giác Ngộ của Đức Phật không phải là sự giác ngộ về Bản Ngã và Thế Giới :
Kinh liệt kê có 62 loại lý luận ,tư tưởng chấp thủ về Bản Ngã và Thế Giới tức những nhận thức về một cái Ta là chủ nhân ,chủ thể của nhận thức,tức Bản Ngã và Thế giới được nhận thức bao gồm Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần. Sáu mươi hai lý luận chấp thủ đó đều xuất phát từ các quan điểm sau :
– Thường trú luận: Bản ngã và Thế giới là thường hằng ( không sinh ra cũng không mất đi mà chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác ,từ trạng thái này sang trạng thái khác )
– Vừa Thường trú luận vừa Vô thường luận: Bản ngã và Thế giới một số thường hằng một số khác thì vô thường. Ví như quan niệm Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân là vô thường còn Tâm, Ý ,Thức là thường hằng nên cho rằng khi chết Thân này tan rã ( vô thường ) còn Tâm ,Ý Thức thoát ra đầu thai vào thân thể khác. Tâm,Ý ,Thức đó luân chuyển từ thân xác này sang thân xác khác nhưng bản thân nó thì thường hằng ,không đổi khác.
– Hữu biên luận hoặc Vô biên luận : cho rằng Thế giới ( vũ trụ )hoặc hữu biên hoặc là vô biên không giới hạn.
– Nguỵ biện luận : Giải thích Bản ngã và Thế giới theo lối nguỵ biện trườn uốn như lươn ví như khi được hỏi về cây cam lại trả lời về con chó …
– Vô nhân luận : cho rằng Bản ngã và Thế giới vô nhân sanh.
– Hữu tưởng luận : cho rằng sau khi chết Bản ngã có Tưởng
– Vô tưởng luận : cho rằng Bản ngã sau khi chết không có Tưởng.
– Hữu biên và vô biên, Phi hữu biên và Phi Vô biên : cho rằng Bãn ngã sau khi chết là hữu biên, là vô biên ,là phi hữu biên ,là phi vô biên.
– Đoạn diệt luận : cho rằng sau khi chết Bản ngã đoạn diệt không có tái sinh.
– Niết bàn hiện tại luận : cho rằng Bản ngã đạt đến tối thượng khi được thọ hưởng đầy đủ ,sung mãn năm món dục lạc hoặc khi an trú Sơ thiền ,Nhị thiền ,Tam thiền hoặc Tứ thiền.
Sau mỗi một chủ trương, mỗi một lý luận được nêu ra Đức Phật thường xuyên lặp đi ,lặp lại khẳng định : Này các Tỷ kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy sẽ đưa đến các cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy “Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài tuệ tri hơn thế nữa và Ngài không chấp trước sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy ,nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi ,sự đoạn diệt của các Thọ ,vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ. Nhờ tuệ tri như vậy ,này các Tỷ Kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ. Như vậy Ngài khẳng định những tư tưởng về Bản ngã và Thế giới như vậy, những nhận thức như vậy là Tà Kiến ,nó sẽ đưa đến tái sinh, đưa đến khổ trong luân hồi sinh tử. Hơn thế nữa Ngài chỉ ra nguồn gốc của những hiểu biết sai lầm ấy là do không thấy ,không biết về Cảm thọ. “Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân ( không phải là sự thật phổ quát) là sự không thấy ,không biết các Cảm thọ của các Sa môn ,Bà la môn, là sự kích thích dao động, xuyên tạc ( sự thật ) của những vị bị tham ái chi phối” Ngài còn chỉ rõ những Chủ trương ấy khởi lên là do sự tiếp xúc giữa sáu Căn và Sáu Trần .Điều này được hiểu như sau : khi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh sáu Cảm thọ và sáu Tưởng đó là :
Nhãn xúc phát sinh Cảm giác hình ảnh và Nhãn thức
Nhĩ xúc phát sinh Cảm giác âm thanh và Nhĩ thức
Tỉ xúc phát sinh Cảm giác mùi và Tỉ thức 
Thiệt xúc phát sinh Cảm giác vị và Thiệt thức
Thân xúc phát sinh Cảm giác xúc chạm và Thân thức
Ý xúc phát sinh Cảm giác pháp trần và Tưởng thức 
Viết chung lại thành : Xúc – Thọ – Tưởng. Tưởng là sáu cái biết trực tiếp giác quan nhận biết đối tượng là các Cảm giác còn gọi là Nhận thức cảm tính và cái biết này được hình dung như một đứa trẻ vừa đẻ ra, khi Căn Trần tiếp xúc nó vẫn nhận biết đối tượng tức thấy ,nghe, cảm nhận đối tượng nhưng không biết đó là cái gì, tính chất ra sao. Sau Tưởng ,Niệm và Tư duy sẽ khởi lên để tìm hiểu đối tượng đó là cái gì ,tính chất ra sao. Do có Niệm và Tư duy mà phát sinh cái biết Ý thức hiểu biết về đối tượng được thấy, được nghe ,được nhận biết đó 
Lộ trình được diễn tả như sau : Xúc – Thọ – Tưởng – Niệm – Tư duy – Ý thức
Như vậy Niệm ,Tư duy và Ý thức là hiểu biết về các Cảm thọ chứ không phải hiểu biết về Thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần bên ngoài. Nhưng vì không thấy ,không biết các đối tượng được nhận biết và được nhận thức là các Cảm thọ ,loài người từ vô thuỷ đã nhận thức : Mắt thấy Sắc trần ,Tai nghe Thanh trần, Mũi ngửi Hương trần ,Lưỡi nếm Vị trần ,Thân biết Xúc trần ,Ý biết Pháp trần ( Tâm biết Cảnh ) và có các tư tưởng Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý là của Ta …nên những nhận thức ,những tư tưởng này được lưu giữ trong “kho chứa “.Khi Niệm khởi lên sẽ dò tìm và kích hoạt các thông tin ấy trong kho chứa và Tư duy khởi lên sẽ so sánh đối chiếu thông tin về đối tượng được Tưởng nhận biết với các thông tin trong kho chứa đã được Niệm kích hoạt. Niệm và Tư duy như vậy sẽ phát sinh cái biết Ý thức và nội dung cái biết Ý thức sẽ có: Ta thấy, Ta nghe ,Ta cảm nhận, Ta nhận thức …và đối tượng được thấy ,nghe, cảm nhận, nhận thức là Thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần. Trong cái biết Ý thức đã xuất hiện một cái Ta hay là một Bản ngã chủ nhân ,chủ sở hữu của cái biết và Ý thức có hai phần : Chủ thể nhận thức là Bản ngã ,phân biệt, đối đãi với đối tượng nhận thức là Thế giới. Loài người vì không thấy ,không biết về các Cảm thọ nên tin chắc vào Bản ngã và tin chắc vào mình đang nhận thức Thế giới nên hiểu biết của loài người xoay quanh Bản ngã và Thế giới. Chính vì tin chắc vào Bản ngã và Thế giới mà một số bộ phái Phật giáo cũng chủ trương Hữu Ngã như Độc tử bộ ,Hoá địa bộ, hoặc một số đông khác băn khoăn rằng không có Bản ngã thì cái gì luân hồi, cái gì tạo nghiệp ,cái gì thọ lãnh quả của nghiệp, cái gì thừa tự nghiệp…? Cũng nơi Ý thức nhị nguyên Hữu ngã này mà suy diển ra hai cách tu hành : 
– Một là trở về với Bản ngã không còn quan tâm, tìm hiểu ,dính mắc ,ràng buộc với Thế giới bởi Thế giới là vô thường ,huyễn hoá ,không thật. Bản ngã ấy được quan niệm là Chân Tâm thường trụ, được quan niệm là Phật tánh không sinh không diệt nơi mỗi người, được quan niệm là Tánh thấy,Tánh nghe không sinh không diệt, được quan niệm là Tánh Không, được quan niệm là Tự Tánh, là Tánh Giác … Các quan điểm đó tuy tên gọi có khác nhau nhưng nội dung đều giống nhau đều mang màu sắc của chủ nghĩa Duy tâm, đều tin tưởng một Năng Lực Tinh Thần tuyệt đối ,như một Thượng Đế Toàn Năng của tôn giáo Tây phương,một Đại Ngã của Bà la môn giáo. Những quan điểm này cũng đã được liệt kê trong kinh Phạm võng với luận chấp một phần Thường trú luận một phần Vô thường luận : Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân là Vô thường còn Tâm, Ý ,Thức là Thường hằng.
– Hai là hoà nhập Bản ngã với Thế giới để không còn Nhị nguyên, không còn phân biệt đối đãi như kiểu ” hoà quang đồng trần “nghĩa là hoà cùng ánh sáng đồng cùng bụi bậm của Lão giáo. Hay Ta là cây cỏ, cây cỏ này chính là Ta, Ta là con cóc đang bị con rắn nuốt ,con rắn đang nuốt con cóc cũng chính là Ta, Ta là vũ trụ này ,vũ trụ này cũng chính là Ta, hay chứng ngộ Tánh Không của vũ trụ vạn hữu dung chứa cả Bản ngã và Thế giới …Đây cũng là Đại Ngã . Hai cách tu hành này là nội dung của các tôn giáo dựa trên Ý thức nhị nguyên về Bản ngã và Thế giới cho nên thực chất các tôn giáo đều giống nhau ,chỉ khác nhau về tên gọi.
3- Sự Giác Ngộ của Đức Phật là giác ngộ về các Cảm thọ : Trong phần kết luận Đức Phật nêu lên : Những Sa môn ,Bà la môn luận bàn về quá khứ tối sơ,những Sa môn ,Bà la môn luận bàn về tương lai, chấp kiến quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Tất cả những vị này có những chủ trương trên do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ. Do duyên với các Cảm thọ mà Tham ái phát khởi, do duyên Tham ái mà Thủ phát khởi, do duyên Thủ mà Hữu phát khởi, do duyên Hữu mà Sinh phát khởi ,do duyên Sinh mà Già Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não phát khởi. Lộ trình này được diễn tả theo sơ đồ :
Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sinh – Già Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não.
Lộ trình này Đức Phật trình bày một cách tóm tắt nên làm nhiều người khó hiểu vì giữa Thọ và Ái còn có Niệm ,Tư duy và Ý thức nhị nguyên và chính Ý thức nhị nguyên này là Vô Minh, không tuệ tri Thọ nên mới là nhân duyên cho Ái phát khởi. Lộ trình đã được thuyết minh ở phần trước :
Xúc – Thọ – Tưởng – Niệm – Tư duy – Ý Thức
Ý thức này có nội dung là Bản ngã biết Thế giới nghĩa là đối tương được biết là Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần chứ không phải Thọ và đối tượng đó được xác định là Dễ chịu, Khó chịu hay Trung tính ( mà thực chất là Lạc thọ ,Khổ thọ hay Bất khổ bất lạc thọ ) .Trong hiểu biết này còn có nội dung : đối tượng dễ chịu chính là hạnh phúc,là sự chấm dứt Khổ ,đối tượng khó chịu chính là Khổ và nguyên nhân Khổ,đối tượng trung tính cũng là nguyên nhân Khổ nên sẽ phát sinh thích thú ( Tham ) đối với đối tượng dễ chịu, chán ghét ( Sân ) đối với đối tượng khó chịu và Tìm kiếm một đối tượng dễ chịu để thay thế đối tượng trung tính ( gọi là Si ) Lộ trình chi tiết sẽ là :
Xúc – Thọ – Tưởng – Niệm – Tư duy – Ý thức – Tham Sân Si – Thủ – Hữu – Sinh – Già Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não.
Rõ ràng vì cái biết Ý thức là Vô minh là Tà Tri kiến ,biết về Bản ngã và Thế giới, không đúng sự thật ,không tuệ tri Thọ và đó là nhân cho Tham ái ,cho sầu bi khổ ưu não khởi lên. Khi tuệ tri Thọ, tuệ tri sự sinh diệt của Thọ ,vị ngọt ,những nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ thì Tham ái không thể khởi lên và vì vậy Sầu bi khổ ưu não không thể khởi lên. Chính vì điều này nên Đức Phật tuyên bố : Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi ,sự đoạn diệt của Thọ, vị ngọt ,những nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ. Nhờ tuệ tri như vậy ,này các Tỷ kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ. Và tại sao khi tuệ tri sự sinh diệt của Thọ ,vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ lại được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ ? 
a- Tuệ tri sự tập khởi ( sinh ), sự đoạn diệt ( diệt ) của Thọ : Ví như có một cục nước đá và bàn tay xúc chạm với nhau thì Thánh hay Phàm đều cảm nhận được lạnh .Lạnh là một hiện tượng hay nói theo thuật ngữ Phât học là một pháp ,tuy rằng Thánh hay Phàm đều sống với thực tại này nhưng hiểu biết về lạnh thì Thánh và Phàm lại khác nhau. Phàm hiểu biết : Ta biết cục nước đá này lạnh. Đây là Ý thức nhị nguyên bao gồm : Ta biết là Bản ngã và cái được biết cục nước đá là Thế giới . Đương nhiên cái hiểu biết này cho rằng : lạnh là vật chất ,là sắc pháp ,lạnh thường trú ,thường hằng trong cục nước đá, cục nước đá này mất đi thì vẩn còn những cục nước đá khác ,khi một cục nước đá được nấu chảy thì nó biến đổi thành nước nóng ,và vì lạnh là vật chất nên nó chỉ biến đổi thành nóng chứ nó không hề mất đi ,nó không sinh không diệt mà chỉ biến đổi từ vật này thành vật khác ,từ trạng thái này sang trạng thái khác. Lạnh của cục nước đá nghĩa là cục nước đá là chủ nhân ,chủ sở hữu của lạnh .Như vậy Phàm phu với Ý thức nhị nguyên ( Tâm biết Cảnh ) biết về Bản ngã và Thế giới tin rằng: Lạnh là vật chất ,là thuộc tính vật chất, lạnh thường hằng ,thường trú, lạnh Hữu chủ. 
Bậc Thánh giác ngộ Lý Duyên khởi thấy rằng : Tay là một nhân tố ,Cục nước đá là nhân tố thứ hai. Có hai nhân này nhưng chưa có sự tiếp xúc thì chưa có cái lạnh nào cả. Khi có Xúc ( tay tiếp xúc cục nước đá ) thì lập tức phát sinh lạnh, đây mới là lạnh thực mà Phàm hay Thánh đều cảm nhận được. Ngoài xúc này không thể cảm nhận được lạnh ở bất kỳ đâu, và lạnh này là Cảm giác ( hay Cảm thọ ), nó là Tâm chứ không phải Cảnh. Xúc sinh Cảm thọ lạnh sinh ,Xúc diệt Cảm thọ lạnh diệt, Cảm thọ lạnh sinh lên rồi diệt đi, trước khi sinh nó chưa có nên nó không thường trú trong cục nước đá, khi diệt nó không có nữa nên không trở về đâu, nó không thường hằng, không thường trú đâu cả, nên nó Vô thường. Cảm giác lạnh cũng Vô chủ vì khi quán sát cũng biết ngay rằng : cục nước đá và bàn tay đều không phải là chủ nhân, chủ sở hữu Cảm giác lạnh, cũng có nghĩa Vô ngã ,nghĩa là không có Ta ( Bản ngã ) chủ nhân ,chủ sở hữu Cảm giác lạnh. Như vậy lạnh là Cảm thọ ,là Tâm chứ không phải Cảnh và nó Vô thường, Vô chủ ( hay Vô ngã ). Khi quán sát sự tiếp xúc giữa sáu Căn và sáu Trần với Lý Duyên khởi : Hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt và phát sinh hai quả đồng thời là Thọ ( Cảm giác ) và Tưởng ( cái biết trực tiếp nhận biết Cảm thọ ) thì sẽ có được hiểu biết: những gì được thấy , được nghe, được cảm nhận ,được nhận thức là các Cảm thọ, nó là Tâm ,nó Vô thường ,Vô chủ ( Vô ngã ) chứ không phải là Cảnh ,Thường hằng và Hữu chủ. Đây là hiểu biết đúng như thật về các pháp và gọi là liễu tri, là Minh hay Trí Tuệ. Đây là Tuệ tri sự tập khởi ,sự đoạn diệt của Thọ
Như vậy các pháp được thấy ,được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là do duyên sáu Căn và sáu Trần mà khởi lên ,nó Là Tâm ,nó Vô thường ,Vô ngã và nó có thật chứ không phải nó không có thật như nhiều người hiểu ,chỉ có cái hiểu biết không đúng như thật không liễu tri các pháp ,tin rằng các pháp đó là Cảnh ( Thế giới) ,Thường hằng ,Hữu chủ mới là không thật.
b- Tuệ tri vị ngọt : Thọ có sáu loại ,nhưng theo tính chất có ba : Lạc thọ ,khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. Lạc thọ chính là vị ngọt của Thọ. Ý chính về vị ngọt muốn đề cập là Hạnh phúc, nó có thật của Thế gian chứ không phải là không có thật. Vì nó có thật chúng sanh mới tham đắm Hạnh phúc. Nhưng tuệ tri vị ngọt là biết như thật Hạnh phúc là Cảm thọ ,nó là Tâm ,nó Vô thường, Vô chủ ( Vô ngã ) còn kẻ phàm phu thì tin rằng Hạnh phúc là những hoàn cảnh tốt đẹp như giàu có ,sắc đẹp,danh tiếng…thường trú ,thường hằng nơi hoàn cảnh tốt đẹp và Hữu chủ ( hạnh phúc của Ta )
c- Tuệ tri sự nguy hiểm : Lạc thọ vô thường và vô chủ ( nghĩa là không có một cái gì, một cái Ta nào sở hữu ,điều khiển được nó ) vì vậy nếu yêu thích ( Tham ) thì sẽ nắm giữ nó nên khi nó biến hoại ,biến diệt sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Nếu không yêu thích thì sẽ không nắm giữ ,do vậy khi nó biến hoại ,biến diệt sầu bi khổ ưu nảo không thể khởi lên. Đây chính là sự nguy hiểm . Kẻ phàm phu vì không tuệ tri sự nguy hiểm nên tham đắm Hạnh phúc (Lạc thọ ) nên mới nắm giữ và khao khát tìm cầu Hạnh phúc chổ này chổ kia như Dục ái ,Hữu ái, Phi hữu ái. Đây chính là Nguyê nhân Khổ.
d- Tuệ tri sự xuất ly của Thọ : khi thực hành Bát Chánh Đạo các chi phần sẽ tuần tự khởi lên theo Lý duyên khởi : 
Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tỉnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến 
Chánh Tri Kiến sẽ có nội dung : tuệ tri sự sinh diệt ,vị ngọt ,sự nguy hiểm của Thọ và do cái biết Ý thức là Chánh Tri Kiến như vậy mà Tham không khởi lên đối với Lạc thọ, Sân không có với Khổ thọ và Si không có với Bất khổ bất lạc thọ .Đây gọi là Tuệ tri sự xuất ly của Thọ. Tuệ tri sự xuất ly của Thọ là biết như thật không có Tham Sân Si đối với Thọ cũng có nghĩa là Tuệ tri Khổ diệt hay Niết bàn. Khi Tuệ tri Khổ diệt thì Chánh Tri kiến cũng tuệ tri Con đường đưa đến Khổ diệt là Bát Chánh Đạo. Như vậy Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ ,vị ngọt ,sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ cũng có nghĩa là Tuệ tri Khổ Tập Diệt Đạo.
Kết luận : sự giác ngộ của Đức Thế Tôn không phải là sự chứng ngộ về Bản ngã ,chứng ngộ một Chân Tâm hay một Tánh Giác không sinh không diệt nào đó ,cũng không phải giác ngộ Thế giới là như thế này hay như thế kia mà sự giác ngộ của Ngài là giác ngộ về Cảm Thọ, nghĩa là Tuệ tri sự tập khởi ,sự đoạn diệt của Thọ, vị ngọt ,sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ cũng đồng nghĩa giác ngộ Tứ Thánh Đế nghĩa là Tuệ tri Khổ Tập Diệt Đạo. Chính vì vậy để đoạn tận Khổ ,đoạn tận luân hồi sinh tử phải tu tập Bát Chánh Đạo .Đây là con đường độc nhất ,pháp môn độc nhất đoạn tận Tham Sân Si, không có một pháp môn thứ hai nào khác ,không thể đi tìm một Chân Tâm hay một Tánh Giác không sinh không diệt ,một Tánh Không của vũ trụ vạn hữu mà có thể đoạn trừ được Tham Sân Si vì nó là các Tà kiến mà kinh Phạm võng đã liệt kê. Trong Đại Kinh Khổ Uẩn thuộc Trung Bộ kinh Đức Phạt đã khẳng định : Này các Tỷ kheo, những Sa môn ,Bà la môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ sẽ không đặt người khác trong địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ ,sự kiện ấy không xẩy ra. Này các Tỷ kheo, những Sa môn ,Bà la môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy ,sự nguy hiểm là nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ có thể đặt người khác trong địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy có xẩy ra. Những ai muốn chấm dứt Khổ ,muốn giúp đỡ người khác hay muốn độ thoát chúng sanh hãy duy ngẩm và thuộc lòng những điều này.

Trả lời