Tôi cần khẳng định rõ vậy. Tôi phải khẳng định rõ, là bởi người lạ thì không nói, chứ nhiều người chơi thân mấy năm lận rồi vẫn cứ nghĩ tôi thích Phật pháp. Sự thực là tôi có đi chùa và thi thoảng ăn chay. Nhưng sự thực, bản chất là tôi thích sự tĩnh lặng nơi chùa chiền và đồ ăn chay người ta nấu rất ngon.
Phật pháp lần đầu chạy vào đầu tôi qua những lần hồi nhỏ theo mẹ đi đền. Quê tôi có một đền nhỏ mà thiêng lắm. Mọi người nói cầu gì cũng được. Tôi không rõ mẹ tôi cầu gì, chỉ biết đi theo và bị dẫm lên tàn hương rớt xuống sàn còn chưa nguội mà nóng cả chân. Tôi ngạc nhiên thấy những con người bình thường trong xóm chửi rủa điêu ngoa nhưng nay sao hiền hòa chỉ nhắm mắt lẩm bẩm khấn vái xin xỏ.
Phật pháp lại đến với cuộc đời tôi qua mấy bức tranh thư pháp của bà nội: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Bà có một xếp đĩa CD dày. Nào là chữ Hiếu, nào là Từ bi, nào là Ở hiền gặp lành… Bà nghe miết. Bà tôi hiền lành thương người. Tôi tự hào về điều đó. Trừ những lúc bà lấy đồ mà tôi đang thích đem đi cho nhà nghèo và bảo tôi nhiều thứ chơi nhiều thứ ăn rồi. Cả lúc Bà bảo “Con cái phải có Hiếu, phải nghe vâng lời cha mẹ dù cha mẹ có sai”. Lúc đó tôi thắc mắc, đúng là đúng sai là sai chứ nhỉ?
Lớn lên tôi đi học xa, tiếp xúc với nhiều thứ, nhiều nơi rộng lớn hơn cái xóm nhỏ của mình. Tôi thấy cô hàng cơm cạnh nhà bác mùng 1 với 15 ăn chay. Hồi đó tôi thấy lạ. Lạ hơn là cô cầm mấy con gà ra chợ để làm thịt, cô bảo cô không sát sinh. Sát sinh là gây nghiệp.
Hồi cấp 3, Linh bạn tôi nói nó đi chùa gì ở Hà Tĩnh, nghe sư giảng hay lắm, cảm động lắm. Tôi không thích, có ý chê, nói với Linh là “Tớ không thích tư tưởng của Phật pháp, ai cũng như các sư thì xã hội phát triển kiểu gì. Cứ kêu yêu thương nhau đi ở hiền gặp lành nhưng ghét nhau bực nhau vãi ra rồi yêu sao nổi. Các sư ở trong chùa có gặp mấy cảnh đó đâu mà biết”. Hôm nay tôi nên tự lòng xin lỗi các sư đó, vì đã thành kiến khi còn chưa biết các sư đã giảng gì. Các bạn biết không. Trước khi bác bỏ một điều gì thì phải hiểu nó là gì đã. Khi thấy một điều sai thì bạn phải biết thứ nào là đúng. Nay tôi đã biết cái đúng rồi. Sẽ kể sau. Đây là phần 1. Phim còn dài.
Bản thân tôi từ nhỏ là người sống khá thương người. Đi học có nhà bạn nào nghèo khổ là tôi thương lắm. Có đồ gì cũng chia cũng cho. Còn về kể với bà, bà lại cho tiền kêu cho bạn. Riết rồi quen, có lúc nào cần tiền tiêu vặt tôi nói mô típ “Bà ơi có bạn này khổ lắm…”, thế là bà rút tiền ra. Bà tôi không phải dư giả giàu có gì, nhưng bà thương người. Cái sự thương người đó tạo cơ hội làm hư tôi.
Lớn lên tôi vẫn thương người. Làm từ thiện và tình nguyện nhiều, nhưng chưa một lần nghĩ làm để được phước đức gì cả. Đi qua một người ăn xin là tôi áy náy nếu không cho họ tiền. Cho xong rồi còn ngồi trăn trở không biết ngày mai cuộc sống của họ sẽ lang bạt ra sao. Tôi xót xa khi nhìn mấy đứa trẻ lang thang ngoài đường phố và tự hỏi cũng là tuổi em trai mình nhưng tụi nhỏ khổ thế kia. Chúng nó không được đi học à? Có được ăn uống đầy đủ không?… Tôi suy nghĩ rồi trăn trở. Tôi thương người mà tôi khổ tâm thêm. Thế thành ra tôi không thương tôi à?
Đến bây giờ thì tôi chính thức được cứu vớt. Tôi phải tuyên bố vậy. Tôi cứu chính tôi khỏi những suy nghĩ dằn vặt trên. Khi hiểu như thế nào là Khổ, mới biết con đường thoát khổ và giúp người khác thoát khổ. Tôi hiểu điều đó qua khóa thiền Tứ niệm xứ của sư Nguyên Tuệ.
Tôi hiểu ra là mỗi người một thế giới. Tôi biết chúng ta – những người làm từ thiện đang lấy thước đo của chính mình để đo cho người khác và nghĩ họ khổ. À đương nhiên họ vẫn khổ nhưng không đến mức như mình nghĩ. Chúng ta ăn ngày 3 bữa thịt cá nên nghĩ họ thiếu ăn như vầy thì đói khổ ghê thương ghê. Nhưng thực tế so với cuộc sống của họ thì có khi cả ngày ăn một bánh mì là sung sướng rồi. Họ không thấy khổ như mình đang cảm thấy đâu. Không phải tôi nói họ không khổ đâu, đừng cho họ nhiều, mà là, hãy cho gì mình có khả năng cho được và muốn cho, rồi đừng nghĩ gì nữa cả. Đừng cho một bữa cơm mà mong mỏi họ có cuộc đời ấm no tươi đẹp. Đừng giúp một người mà mong mỏi tất cả người lang thang cơ nhỡ được cứu vớt. Đừng kéo mình vào sự ràng buộc phi lý đó. Có thể thứ họ thiếu hơn là một nơi để ở, một công việc chẳng hạn, hoặc cao hơn là một cái tư duy làm sao để sống khổ mà vẫn thấy thích nghi…
Tôi nhớ mãi một câu chuyện sư kể. Có chuyện người nọ nghĩ người kia nghèo khổ quá, chưa được ăn tô phở bò bao giờ, thương họ, nghĩ họ khổ, nên mua phở cho họ. Nhưng thực ra, họ ăn phở thấy ngon lúc đó, lúc sau còn khổ hơn. Vì hôm sau đi ngang qua quán phở thấy thơm phưng phức, thèm ăn mà không có mà ăn, cũng không ai mời như lần trước nữa. Lúc đó không khéo lại ước chi trước đó đừng ăn để bây giờ đỡ thèm. Thành thử, muốn giúp người ta, không ngờ lại tặng người ta thêm cái khổ nữa :))
Khóa thiền Tứ niệm xứ và Sư Nguyên Tuệ đã thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của tôi về Phật pháp. Giúp tôi nhận thức đúng về cái khổ, để giúp mình cũng như giúp người một cách có trí tuệ.
Chỉ với hiểu biết này, tôi mới thực hành đúng câu nói: Thương người như thể thương thân.
Thiền sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Quý vị có thể đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm