Kỷ niệm 7 năm ngày chụp ảnh tốt nghiệp mà Facebook báo nhắc Định nhớ lại những trải nghiệm về khổ tâm không thể nào quên, mà nhờ đó có thêm nhân duyên đến được nơi cần đến, gặp được những người Thầy cần phải gặp để giải quyết vấn đề của riêng mình.
Ngay từ tuổi thơ của Định, bố mẹ đã luôn nhắc Định phải nhớ “Học Giỏi” là con đường duy nhất để không phải khổ như bố mẹ.
Hồi bé thì cũng không hiểu gì, vì bố mẹ là 2 Vị thầy đầu tiên cuộc đời mỗi đứa nhỏ mà. Bố mẹ dạy gì thì biết thế thôi.
Mình còn nhớ, hồi bé xíu, mẹ đạp xe chở mình đi trên đường. Thấy cảnh những cậu bé đang xách vữa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại là cho thân chứng lun: ” Đó, con thấy không, nếu không học hành tử tế thì sau này sẽ giống như cậu xách vữa kia”.
Thực tế mình nghe chứ cũng không hiểu lắm. Nhưng cái ám ảnh mình nhiều nhất là việc bố mẹ hay so sánh mình với các anh chị trong họ hàng, rồi với cả bạn bè cùng trang lứa.
Mà cũng kỳ, thế nào các Bác nhà mình cũng giỏi, đẻ được anh chị nào học cũng giỏi, năm nào cũng thấy học sinh giỏi. Mỗi lần về quê có đám giỗ ông bà thì lúc nào câu chuyện đầu tiên các Bác cũng hỏi là ” Thế có được học sinh giỏi không cháu?”. Hic, khỏi phải bàn, được học sinh giỏi thì cũng thấy anh chị giỏi không kém, còn không được thì mặt lúc nào cũng ngắn tũn lại, sợ phải biết mỗi lần về quê.
Có năm mình không được học sinh giỏi, chán không muốn về quê luôn. Nghĩ nó buồn gì đâu chứ! Cả một ngày về quê tâm chỉ xoay quanh cái khổ của việc không được giấy khen học sinh giỏi khi bị so sánh với anh chị…
Hồi năm lớp 1, sau khi tổng kết học kỳ I, mình thấy 2 bạn hàng xóm có giấy khen, còn mình không có, trong lòng đã thấy hơi tủi tủi thân, lững thững đi bộ về. Mấy đứa bạn khoe bố mẹ ầm cả lên. Mình lủi thủi đi bộ về, nhìn cái hình ảnh bố bê đồ đi làm nhìn mình, thấy nó mới chán trường làm sao! Hồi bé mà tâm đã cảm nhận được hình ảnh thất vọng của bố mà giờ còn nhớ…
Mẹ hay nói câu mà hồi đó nói câu nào là ám ảnh câu đó, là “Sao con không nhìn con nhà người ta, cũng ăn cùng học như con, mà sao con người ta học giỏi thế, mẹ chỉ cần con học được bằng con nhà người ta”. Học không bằng bạn không có phần thưởng nào , không được cô giáo khen trước lớp đã thấy tủi thân, về lại bị bố mẹ so sánh rồi bày tỏ sự thất vọng khổ tâm chồng khổ tâm, đến độ ám ảnh con người mình mãi.
Vì thế mà khi có những kết quả không tốt trên lớp, về nhà mình cũng không dám nói thành thật với bố mẹ mà tìm mọi đủ mọi cách giấu không cho bố mẹ biết, như xé vở rồi giấu bài kiểm tra điểm kém đủ cả…
Thế nên từ bé mình đi học chỉ vì không muốn thua kém bạn bè, anh chị, mặc dù nó có động lực nhưng động lực đó làm mình “khổ tâm” nhiều hơn là những kết quả sau này có được.
Sau này có lẽ những ám ảnh đó khắc ghi trong tâm thức nên mình cũng tự giác và học không cần để bố mẹ nhắc nhở. Mình không quên được những ngày tháng mà ngày 4 ca học thêm, tối vẫn thức đến 2 – 3 giờ sáng ngồi học. Đến độ mấy bác trong xóm đi bán hàng sớm nhìn ánh đèn phòng học của mình rồi lại đem so sánh với mấy đứa bạn cùng tuổi.
Suốt những năm tháng đi học, lúc nào cũng nhỏ bé nhất lớp, học vì sợ đến quắt cả người, lớp 12 mà có 46 kg. Mà bù lại thì kết quả cũng xứng đáng vì suốt những năm tháng từ cấp 2 trở đi mà năm nào cũng học sinh giỏi.
Nghĩ cũng buồn cười, sự ám ảnh, khổ tâm trong việc phải học giỏi nó lớn đến độ trước ngày mình lên đường lên Hà Nội thi đại học, các bác, cô chú sang uống nước chúc lên đường may mắn mà sang lúc 8 giờ tối đã thấy mình lên giường đi ngủ vì sợ mai không dậy đúng giờ để đi thi rồi. Mặc dù mình cứ nằm thấp thỏm lo lắng chứ đâu có ngủ được đâu.
Niềm tin bố mẹ ngày càng lớn, đến độ mà mình chưa có kết quả thi đại học bố mẹ đã tin mình chắc chắn sẽ đỗ, chuẩn bị cho nhập học cả rồi.
Rồi thì kết quả cũng đến và thỏa mong ước, đúng trường, mà lại có duyên thế nào vào đúng ngành Thị Trường Chứng Khoán dù trước đó mình cũng không hiểu thị trường chứng khoán là gì.
Nhưng… tất cả mới chỉ là khúc nhạc dạo đầu… Chứ đó không phải kết thúc viên mãn.
Nỗi khổ tâm ngày nào trong việc học để chấm dứt khổ, học để bằng bạn bằng bè, không thua kém anh chị em nào còn đó…
Cách học đại học khác với cách học của thời phổ thông trung học, hơn nữa mọi điều kiện môi trường đều lạ lẫm, thay đổi nên không thể vẫn áp dụng cách cũ mà có được kết quả như mình mong muốn.
Mỗi ngày qua đi thấy kết quả không bằng bạn bè, mình lại như muốn tự thu mình lại, tự xa lánh các bạn nhiều hơn. Vốn cũng là người hướng nội, suy nghĩ nội tâm nhiều mình còn thường trực thêm một nỗi lo lắng sẽ thế nào nếu bố mẹ thấy kết quả học tập thế này của mình, sẽ thế nào nếu sau này ra trường không bằng bạn bằng bè…
Rồi cái gì phải đến cũng đến, năm cuối các bạn gần như ra trường hết, nhiều bạn còn ra sớm 6 tháng. Mình còn nợ môn do học nhầm rồi học lại đủ cả. Đó là một “cú sốc” lớn, sốc vì từ bé chưa bao giờ có cảm giác phải học lại, phải nghĩ đến việc ra trường muộn. Lại còn sợ cả cái cảm giác khi bố mẹ mình biết được có nhìn mình với ánh mắt như hồi còn bé không, khi mà bố mẹ luôn nghĩ không bao giờ con bị rơi vào trạng thái đó.
Mình nghĩ lại: “Khổ tâm đúng là làm con người ta vật vã, mệt mỏi thế nào”. Hồi các bạn mình chụp ảnh tốt nghiệp với Thầy, mình chỉ mong ước được lên chụp với Thầy một tấm mà chỉ vì khổ tâm với suy nghĩ “Mình có được tốt nghiệp như các bạn đâu mà đòi chụp với Thầy” mà không dám.
Cả một năm thứ 4 mình sống trong sự dằn vặt, khổ tâm. Giờ nhìn lại mới thấy nó cỏn con chứ mình hồi đó sáng ngủ dậy chán không còn muốn đi học, không còn muốn ăn và làm gì nữa. Chỉ muốn ngủ để không phải đối mặt với những nỗi khổ tâm đó.
Rồi có những thời điểm cao trào của nỗi khổ tâm, mình định tìm đến cái chết để thoát khỏi nó. Cũng đã từng nghĩ đến việc lên tòa nhà 5 tầng của trường tự chấm dứt nỗi khổ nhưng cũng sợ quá lại không dám. Rồi mình nghĩ đến phương án về nhà dùng dao cứa tay chắc dễ hơn.
Đêm hôm đó về nhà, mình đã cầm con dao định tính đến cách đó rồi nhưng thú thật cảm giác lúc đó là vừa muốn chấm dứt nỗi khổ tâm này lại vừa sợ cảm giác nhìn một vũng máu và sợ cả đau nữa nên còn trần trừ chưa dám. Lúc chuẩn bị cầm dao cứa, tự nhiên có một hình ảnh mẹ của mình hiện lên. Mình thoáng nghĩ, việc này là do mình sao lại bắt mẹ chịu đựng nỗi đau này, sẽ thế nào nếu mẹ phải thấy cảnh này. Vì thế nên mình đã dừng lại và không làm chuyện dại dột ngay lúc đó.
Có trải nghiệm đó, nên mình rất đồng cảm với một anh ở quê mình có chơi với anh lúc nhỏ. Anh có lên Hà Nội ở nhờ nhà trọ mình mấy hôm vì có vấn đề khổ tâm gì đó mình cũng không biết. Để rồi sau đó anh chọn cho mình sự lựa chọn chấm dứt cuộc đời bằng cách tự sát. Thực sự sốc và đau lòng nhưng mình cũng có thể hiểu được phần nào trạng thái của anh lúc đó, vì mình cũng từng trải qua giai đoạn đó mà. Nhìn cảnh đau thương của gia đình mà mới thực sự hiểu cái cảm giác mà lúc cùng quẫn không ai hiểu được hậu quả là thế nào, lúc tự tử họ chỉ muốn chấm dứt khổ càng nhanh càng tốt thôi.
Rồi sau này, mọi chuyện cũng qua, cũng không có nỗi khổ nào ở đó mãi được. Mình cũng được mẹ và anh chị động viên để học và cũng ra trường đúng hạn, lấy bằng chậm có 3 tháng thôi.
Sau này, mãi đến năm 29 tuổi mới có duyên được tìm đến được đúng Pháp học nguyên thủy của Đức Phật từ Thiền Sư Nguyên Tuệ, mình mới thực sự hiểu được cách thức vận hành của lộ trình tâm lúc đó. Qua đó mới thực sự hiểu được rằng, mục đích của cuộc đời mỗi người là chấm dứt khổ và con người khổ vì tâm chứ không phải vì ngoại cảnh, nên muốn chấm dứt khổ phải tìm cách thay đổi tâm chứ không phải thay đổi hoàn cảnh.
Từ đó mà mình có những lựa chọn quyết định chuẩn xác hơn cho cuộc đời. Vì chúng ta hiểu biết thế nào sẽ sống thế đó mà, nên nếu không hiểu biết sự thật thì cả cuộc đời sẽ chỉ đi phấn đấu “Mò ánh trăng dưới mặt hồ” mà thôi.
À cũng tiện bài viết này, mình muốn cảnh tỉnh các bậc phụ huynh, nếu không hiểu biết sự thật về khổ tâm thì sẽ còn khổ tâm mình và cả con mình. Đừng chần chừ tiếc thời gian, công việc, hãy dành thời gian học Pháp sớm, biết sớm lúc nào thì bớt khổ tâm lúc đó vì đâu có ai biết cuộc đời ngày mai đến trước hay đời sau đến trước đâu.
Viết đến đây chắc cũng dài rồi, các bạn còn đọc chắc cũng có sự đồng điệu nào đó, có nhân duyên nào đó để đến với chánh pháp mà Đức Phật giác ngộ rồi.
Bạn nào gặp đúng vấn đề trên có thể tìm đến học các khóa thiền Tứ Niệm Xứ của Gosinga để tự giải quyết vấn đề và nỗi khổ tâm của mình nhé. 💌
Thiền sinh Nguyễn Văn Định
Quý vị có thể đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm