Có một điểm chung giữa các thiền sinh tìm đến với khoá thiền Tứ Niệm Xứ của Gosinga mà tôi nhận thấy đó là sự KHỔ ĐAU. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng ai cũng đã, đang trải qua những KHỔ ĐAU và đau đáu tìm cho mình con đường thoát khổ. Tôi cũng là một trong số ấy.
Vốn là con gái Hà Thành, lớn lên trong một gia đình gia giáo, tốt nghiệp thủ khoa Đại học với tấm bằng xuất sắc, sau đó làm việc tại công ty nước ngoài, và lấy chồng – người đàn ông trí thức mà tôi thực lòng yêu thương, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những tháng ngày khổ đau lại có thể ập đến với mình.
Sự đau khổ của tôi bắt đầu từ năm 2015, sau khi tôi sinh bé thứ hai, trong tình trạng sức khoẻ bản thân yếu và mâu thuẫn giữa mẹ đẻ và chồng tôi (chồng tôi ở rể) lên đến đỉnh điểm. Do mâu thuẫn với mẹ vợ nên chồng tôi chán nản, mặc kệ tất cả, với góc nhìn của tôi khi ấy thì chồng tôi sẵn sàng bỏ mặc cả tôi và 2 con nhỏ, nên trong tâm trạng nhạy cảm hơn mức bình thường của một người phụ nữ sau sinh, tôi đã trải qua những ngày tháng đau khổ, thất vọng về chồng với rất nhiều tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần.
Và cũng chính trong những ngày tháng đau khổ ấy, tôi đã bắt đầu tìm đến với Phật pháp, tôi nghe những tác phẩm như: “Hiểu về trái tim”, “Làm như chơi” (Sư Minh Niệm), “An lạc từng bước chân”, “Phép lạ của sự tỉnh thức” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) và tìm lại được chút ít những an lạc trong tâm hồn. Khi ấy, tôi cứ nghĩ rằng những tham – sân của mình đã được loại bỏ tận gốc, nhưng đến giờ, tôi mới hiểu rằng đó chỉ là “liều thuốc giảm đau tạm thời”, gốc rễ của tham – sân – si vẫn còn nguyên, nó chỉ bị dồn nén lại, bị che phủ đi tạm thời, và sẽ tiếp tục bùng phát lại, thậm chí còn ghê gớm hơn sau này khi những điều kiện tương tự lại xảy đến với mình.
Từ năm 2016, để tránh mâu thuẫn giữa chồng và mẹ đẻ, tôi quyết định cùng chồng con thuê nhà ở riêng, và do 2 con còn nhỏ nên tôi phải nhờ bố mẹ chồng đến ở cùng để giúp đỡ việc trông hai con cho đến khi cả hai đều đủ tuổi để đi học mẫu giáo.
“Chỉ đổi cảnh chứ không đổi tâm thì không thể nào thoát khổ” – đây là chân lý mà tôi thực sự trải nghiệm và thấm thía.
Khi chuyển nhà, đương nhiên là tôi đã hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng sự thật là “chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác” mà thôi. Bố mẹ chồng tôi mặc dù là người tốt và thật thà, nhưng xuất thân ở quê nên cách thức sinh hoạt không phù hợp với tôi. Và điều cực kỳ quan trọng là khi ở cùng bố mẹ chồng thì áp lực tiền bạc của tôi càng ngày càng lớn.
Trong gia đình, tôi là trụ cột kinh tế (chồng tôi là công chức nhà nước nên thu nhập chỉ đủ nuôi sống bản thân), tôi phải lo nuôi bản thân mình, nuôi 2 con, trả tiền thuê nhà, lo trả nợ tiền mua đất và chuẩn bị tiền xây nhà (thời điểm đó tôi đã mua đất và có kế hoạch xây nhà trong vài năm sau đó), giờ lại phải nuôi thêm bố mẹ chồng nên thực sự tôi rất kẹt về kinh tế. Chồng tôi thì từ khi lấy vợ chẳng bao giờ phải lo về kinh tế nên rất vô tâm, chẳng hay biết gì. Giờ lại được sống cùng bố mẹ đẻ nên càng ỷ lại, lười biếng việc nhà. Những thất vọng về chồng trong tôi tích tụ dần và càng ngày càng lớn, nhưng do sống cùng bố mẹ chồng nên tôi không thể hiện gì.
Và rồi cũng đến ngày cả 2 con của tôi đi học mẫu giáo, bố mẹ chồng về quê, những tưởng cuộc sống của tôi sẽ hết khổ, nhưng không, vẫn là chân lý ấy: “chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác” mà thôi. Công việc tại công ty đòi hỏi sự tập trung cao độ và khá bận, tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình, vậy nhưng về nhà thì mọi công việc nhà và chăm sóc con, dạy dỗ con cũng đều là tôi. Sự bất mãn trong tôi lên đến đỉnh điểm, những ấm ức dồn nén từ bao lâu nay giờ bùng phát dữ dội hơn bao giờ hết. Tôi tự hỏi tôi độc lập đến như vậy thì chồng tôi tồn tại trong cuộc đời tôi có ý nghĩa gì đâu? Chi bằng ly hôn có khi mình sống với 2 con thoải mái hơn. Tôi muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này, nhưng 2 con còn nhỏ quá khiến tôi đau đớn, dằn vặt trong nhiều ngày để tìm hướng đi tốt nhất cho mình và 2 con. Cuối cùng, lý trí mách bảo tôi rằng mặc dù tôi không cần đến chồng nhưng 2 con mình vẫn cần bố, chỉ khi nào bố nó có ảnh hưởng tiêu cực đến con thì khi đó mới nên ly hôn.
Vậy là tôi tiếp tục chịu đựng, đồng thời tiếp tục tìm đến những tác phẩm, những pháp thoại của các Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam và thế giới như: Thích Thanh Từ, Thích Nhất Hạnh, Hoà Thượng Hư Vân, Hoà Thượng Tuyên Hoá, Darshani Deane, Ajahn Chah, Joseph Goldstein, Mahasi Sayadaw, SN Goenka. Không thể phủ nhận rằng việc học hỏi từ các vị Thiền sư này đã khai mở giúp tôi rất nhiều, giúp tôi biết chấp nhận thực tại và dần dần tìm cách sửa mình, thay vì hy vọng chồng tôi thay đổi.
Về mặt lý trí, tôi biết rằng phải sửa mình, phải thay đổi TÂM, nhưng cụ thể phải làm như thế nào để thay đổi được TÂM, để loại bỏ tận gốc rễ các bất thiện trong tâm thì tôi vẫn thấy mù mờ quá, tự nhìn lại tâm mình, tôi thấy tham – sân – si vẫn còn nguyên, chỉ là đang được dồn nén lại mà thôi, bởi vậy, hàng ngày, những khi không nghe pháp thoại thì tôi vẫn cảm nhận rõ nét sự đau khổ mà mình đang nhẫn nhịn.
Tôi muốn thực hành, muốn học thiền, nhưng có quá nhiều trường phái như tu thiền ZEN (của Nhật), tu thiền công án, thực hành Vipassana… và quan trọng là tôi cần một bậc chân sư hướng dẫn. Tôi cũng từng nghĩ đến việc sẽ quy y tam bảo, trở thành Phật tử tại gia, hoặc đi đến một số chùa nổi tiếng của Việt Nam, biết đâu có duyên sẽ tìm được bậc chân sư.
Nhưng sau đó, tôi suy nghĩ lại cho chín chắn và nhận thấy rằng: các bậc chân sư thì họ sẽ đi hoằng hoá khắp nơi, đâu còn ở chùa nữa; và việc quy y tam bảo cũng chỉ mang tính hình thức, mình không làm lễ quy y nhưng tự giữ giới và tự tu tâm còn hơn là quy y nhưng không giữ giới, không tu tập. Vậy là tôi quyết định tự thực hành Vipassana theo phương pháp thiền sư Goenka hướng dẫn – một phương pháp mà tôi đánh giá thấy rất khoa học, không tông phái, đồng thời vẫn chờ đợi duyên để gặp được vị chân sư trong đời mình.
Phải nói thêm rằng, mặc dù nghe Pháp thoại hàng ngày và có thêm nhiều an lạc hơn trong tâm hồn, nhưng rất nhiều câu hỏi trong tôi vẫn không được giải đáp: “Phật tính không sinh không diệt là gì, nó có khác gì so với linh hồn – thứ mà Đức Phật đã nói là không hề tồn tại?”, hay cách giải thích về VÔ NGÃ và TÁNH KHÔNG của Phật giáo Đại thừa (duyên hợp, giả có nên không thật) vẫn khiến tôi chưa thấy thuyết phục và còn nhiều mơ hồ trong lòng. Đặc biệt, NIẾT BÀN là gì, nếu đó là nơi CỰC LẠC như Phật giáo Đại Thừa mô tả thì nó khác gì với cảnh giới Chư Thiên? Bởi vậy, đến đây, Phật pháp với tôi vẫn như một ma trận, hết sức mù mờ, tôi vẫn chưa thấy được ĐÍCH ĐẾN cũng như CON ĐƯỜNG mà mình sẽ đi là như thế nào.
Vào một ngày tháng 4/2021, trong group nuôi dạy con của thầy Trần Việt Quân, có một thành viên đặt câu hỏi về việc có thể tham gia khoá thiền Vipassana ở đâu, và một thành viên khác gửi đường link khoá thiền Tứ Niệm Xứ của Gosinga, tôi thấy mừng như bắt được vàng và ngay lập tức click vào link này. Là người khá cẩn thận và thường cân nhắc kỹ trước khi làm, trước khi đăng ký học khoá online 13 ngày tháng 4/2021, tôi tìm hiểu thêm về tổ chức Gosinga qua internet. Thấy các tôn chỉ của tổ chức phù hợp với triết lý của Đức Phật mà không mang tính tín ngưỡng, tôn giáo, tôi đăng ký học khoá online 13 ngày. Lúc đăng ký học, tôi vẫn nghĩ thiền Tứ Niệm Xứ được học ở đây sẽ giống với thiền Vipassana do Thiền sư SN Goenka hướng dẫn.
Cũng giống như bao thiền sinh mới khác, tôi cũng háo hức chờ đợi từng ngày cho tới buổi học đầu tiên. Và rồi buổi học đầu tiên cũng đến, Sư Nguyên Tuệ thuyết pháp với một phong thái thong dong, đĩnh đạc và khúc triết, tôi vô cùng ngạc nhiên rằng một vị sư không hề nổi tiếng lại có phong thái của một bậc đại trí như vậy. Tôi tìm hiểu thêm thông tin về Sư Nguyên Tuệ trên mạng internet nhưng thông tin cũng rất ít, chỉ tìm được 2 bài: “Vị hoà thượng và chiếc phong bì” và “Vụ truy sát bằng dao ở chùa Bửu Quang”. Mặc dù thông tin quá ít ỏi nhưng tôi cũng có niềm tin vào đạo đức của vị Sư này.
Và từng ngày học trôi qua, phần thuyết pháp của Sư đã khai mở giúp tôi nhiều vấn đề trong đạo Phật mà trước đây tôi thấy còn mơ hồ, đó là hiểu biết về VÔ NGÃ, TÁNH KHÔNG và LUÂN HỒI SINH TỬ. Đặc biệt là con đường 2 ngả: Bát tà đạo và Bát Chánh Đạo, một sơ đồ lộ trình tâm mà tôi chưa từng thấy 1 vị Thiền sư nổi tiếng thế giới nào đúc kết ra một cách rõ ràng và khúc triết như vậy.
Rồi một ngày đầu tháng 6, khi thấy link audio 5 cuốn sách của Sư Nguyên Tuệ trên room chung, tôi đã mở ra nghe ngay và sau khi nghe hết, tất cả những điều trước đây còn hơi mơ hồ thì đến đây tôi đều sáng tỏ. Về mặt tư duy, tôi hiểu rõ vì sao vạn pháp là VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, câu hỏi “Ai là người giữ Chánh niệm?” vẫn tồn tại trong đầu tôi bấy lâu nay đã được tôi tự mình giải đáp. Tôi thấy sáng tỏ hơn bao giờ hết và từ đây tự hứa sẽ kiên định với con đường thực hành mà Sư đã chỉ bày.
Phải nói thêm rằng trong khoá online tháng 4/2021, mặc dù phần Pháp học của Sư thực sự thuyết phục được tôi, nhưng phần hướng dẫn thực hành của Sư hoàn toàn khác với phương pháp Vipassana mà tôi đang thực hành, trong khi vào thời điểm đó tôi chưa tự mình lý giải được vì sao Sư lại hướng dẫn cách thực hành như vậy nên tôi không thực hành theo. Tôi là người trước khi làm gì cũng tìm hiểu kỹ càng, nên điều này vừa là ưu điểm cũng vừa là nhược điểm.
Chỉ đến đầu tháng 6, sau khi nghe các cuốn sách của Sư, đặc biệt đến đoạn kể về Sư thời điểm trước khi xuất gia cũng từng tham gia 1 khoá Vipassana 9 ngày, nhưng Sư đã không thực sự thấy được lợi lạc từ đó, mà khoá học đó là duyên để Sư tìm ra cách thức thực hành như bây giờ, trong tôi bắt đầu khởi lên việc mình nên từ bỏ Vipassana để chuyên nhất vào cách thức thực hành như Sư đang hướng dẫn hay không? Và rồi, sau khi nghe hết 5 cuốn sách của Sư, mọi điều trong tôi sáng tỏ, tôi tự lý giải được vì sao Sư lại hướng dẫn thực hành theo cách như vậy và thấy được sự thù thắng trong cách thực hành này. Và từ đây, tại khoá online 23 ngày tháng 6/2021, tôi mới thực sự trở thành 1 thiền sinh mới, thực sự bắt đầu thực hành theo cách thức mà Sư hướng dẫn.
Kết thúc khoá online 23 ngày, tôi vẫn chưa vào được Định, tôi thấy mình chậm tiến hơn các bạn Thiền sinh khác, nhưng tôi không nản lòng bởi tôi hiểu rằng, viết lên một tờ giấy trắng sẽ dễ hơn viết lên một cuốn sổ có chữ, bởi tôi vẫn đang bị ảnh hưởng bởi cách thức thực hành Vipassana, tôi cần thời gian để buông hoàn toàn cách thức thực hành ấy.
Sau khoá học, tôi vẫn tiếp tục thực hành hoàn toàn theo cách thức mà Sư chỉ dẫn, đôi khi vẫn bị ảnh hưởng bởi Vipassana nhưng tôi kịp nhận ra và buông ngay. Và khi đã thực hành thuần thục hơn, ít ngày sau khi kết thúc khoá online 23 ngày, tôi đã vào được Sơ thiền, lần đầu tiên nếm được hỷ lạc của Chánh Định. Khi ấy, tôi thân chứng được rằng những tư duy về giáo pháp khởi lên lúc đó trở nên hết sức rõ ràng và sâu sắc, hơn hẳn so với khi tôi tư duy về giáo pháp trong trạng thái tâm không có định.
Chồng tôi vẫn thế, thậm chí còn lười nhác hơn xưa và những vai trò của người bố đối với 2 con càng ngày càng mờ nhạt, nhưng trong tôi không còn cảm giác ấm ức dồn nén như xưa nữa. Do mới chập chững bước đi những bước đầu tiên trên con đường Bát Chánh Đạo và chưa giữ được chánh niệm liên tục nên đôi khi, tôi vẫn thấy mình khởi lên tâm SÂN, nhưng rõ ràng là tần suất cũng như mức độ của tâm SÂN giảm đi rất nhiều. Gần như là tôi buông được ngay khi vừa khởi lên tâm ấy. Tôi hiểu rằng chồng tôi cũng đang có những đau khổ mà chưa tìm ra lối thoát, tôi muốn lan toả khoá học của Gosinga đến với chồng tôi nhưng tiếc là chồng tôi chưa đủ duyên. “Khẩu giáo không bằng thân giáo”, bởi vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục tinh tấn trên con đường này để thay đổi lập trình tâm của mình trước đã.
Tôi thực hành Tứ Niệm Xứ trong tất cả các hoạt động trong ngày, khi làm việc nhà, khi ăn uống, khi di chuyển trên đường, khi làm việc ở công ty. Tôi nói ít hơn, ngủ ít hơn nhưng tỉnh táo và khoẻ hơn trước. Tôi vẫn làm việc nhà nhiều như trước nhưng thấy hoàn toàn thoải mái, không khó chịu. Ở công ty, trước khi diễn ra những cuộc họp quan trọng, tôi ngồi yên lặng siết chặt răng lưỡi, chú tâm ghi nhận cảm giác nổi trội, và khi cuộc họp diễn ra, tôi không còn cảm giác hồi hộp, lo lắng như trước và cuộc họp diễn ra hết sức bình thường, suôn sẻ. Tôi nhận thức rõ ràng mình làm việc nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Hiểu về lý thuyết và thực hành được lý thuyết ấy quả là không hề dễ dàng. Mặc dù về mặt tư duy, tôi hiểu rõ VÔ NGÃ và cũng có thể giảng giải lại cho người khác một cách rõ ràng, minh bạch về vô ngã, nhưng trong thâm tâm, tôi nhận thấy rằng THÂN KIẾN, NGÃ KIẾN của mình còn nặng nề. Bởi mặc dù với người ngoài khó làm tôi nổi sân, nhưng với 2 con của mình thì tôi vẫn bị tâm sân chi phối. Quả đúng như Sư Nguyên Tuệ đã nói, với những người đã có gia đình thì sự ràng buộc với con cái là ràng buộc lớn nhất, và mình phải tinh tấn tu tập sao cho thoát ly khỏi sự ràng buộc này. Hiểu được điều ấy, tôi vẫn tiếp tục uốn nắn các con khi các con thiếu tập trung, thiếu nghị lực, nhưng tôi không bị ràng buộc vào kết quả nữa. Nhắc nhở 2, 3 lần không được thì tôi BUÔNG, và đến khi khác, gặp hoàn cảnh tương tự lại nhắc nhở các con tiếp.
Có một điều thú vị là, thời gian này, do ảnh hưởng bởi Covid nên thời gian tôi nghỉ ở nhà nhiều, 2 con cũng nghỉ học ở nhà nên chúng được nghe pháp thoại cùng tôi. Tôi không bao giờ ép con nghe, nhưng các con tự có hứng thú và hỏi tôi về các khái niệm THAM, SÂN, SI và VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ. Tôi giải thích cho con bằng các ví dụ của trẻ con và cả hai con đều hiểu được, chúng còn biết tự áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi nhận ra mình vừa có hành động THAM, SÂN, SI, các con liền nói với mẹ và sửa chữa ngay lập tức. Thấy các con hiểu được, tôi hướng dẫn thêm con việc thường xuyên “siết chặt răng lưỡi và ghi nhận cảm giác toàn thân”.
Đến thời điểm hiện tại, con đường Bát chánh đạo trước mắt tôi đã hiện ra rất rõ ràng, và các con tôi cũng có duyên được gặp và sống trong Chánh pháp hàng ngày. Tôi vô cùng tri ân công đức của Thiền sư Nguyên Tuệ và Gosinga, những con người thầm lặng ngày đêm lan toả Chánh pháp tới thế gian này! 🙏🙏🙏
Thiền sinh Phan Thủy Quyên
Quý vị có thể đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm