Lá thư số 61. Hệ quả của sự thay đổi bản thân khi hiểu biết đúng Sự Thật

Lá thư số 61. Hệ quả của sự thay đổi bản thân khi hiểu biết đúng Sự Thật
  1. Khi hiểu biết đúng sự thật thực tại này là tâm, cái đang biết là tâm, cái được biết cũng là tâm, mặc dù thế giới ngoại cảnh vẫn ở đó, ta mới nhận ra rằng, thế giới này 7 tỷ con người có 7 tỷ cái thực tại, không ai giống ai. Từ đó, ta không còn dính mắc vào việc tranh luận cái này cái kia đúng sai, tốt xấu nữa. Bớt khổ vì tranh luận. Mình đưa ra quan điểm, góp ý, người khác ghi nhận hay không cũng bình thản đón nhận. Người ta góp ý mình có đồng ý hay không cũng ghi nhận và bình thản xử lý.
  2. Khi hiểu biết đúng sự thật các sự vật hiện tượng này do duyên khởi, 2 nhân tiếp xúc với nhau tạo ra 1 hay nhiều quả. Ta không còn rơi vào trạng thái cực đoan, khi có vấn đề thì đổ lỗi cho người khác, hoặc nguy hiểm hơn với mình là trước đây hay cố tự nhận lỗi về mình, rồi dằn vặt, trách bản thân vì điều đó. Mình hiểu rằng, nếu có vấn đề phát sinh thì do 2 nhân từ người ta, từ mình, và do duyên tương tác mới phát sinh, chứ không bao giờ đến từ một phía cả.
  3. Khi hiểu biết đúng sự thật, nguyên nhân của khổ là Thích – Ghét – Chán các cảm giác. Khi có biến cố, tự bản thân sẽ không còn than thân trách phận, than trời than đất, đổ tại ngoại cảnh nữa, mình sẽ hiểu, nếu có khổ thì đó không phải do ngoại cảnh. Cũng từ đó mà cho dù người khác có than khổ, ta cũng bình thản không chịu sự tác động, bởi điều họ tin rằng cái khổ của họ đến từ ngoại cảnh. Từ đó, nếu giúp đỡ cũng biết cách giúp cho trí tuệ. Còn giúp được hay không cũng không ràng buộc đau khổ vì kết quả.
  4. Khi hiểu biết đúng về 4 Sự thật về Khổ, Do Đức Phật giác ngộ, ta cũng suy ra mọi vấn đề đều có cách giải quyết khi đi theo công thức, hiểu biết đúng sự thật, nguyên nhân, giải pháp, đích đến. Từ đó không còn hoảng loạn với những vấn đề gặp phải. Còn nếu điều gì không có cách giải quyết thì đó không còn là vấn đề, ta sẽ không xen vào việc thế giới, việc của người, tập trung làm tốt việc của mình.
  5. Khi hiểu về sự thật Vô Ngã, không có một cái ta, tôi nào làm chủ thân tâm này, vì vậy bản thân cũng nhận ra không thể điều khiển, làm chủ, sở hữu người khác, đồ vật, hiện tượng, gia đình, xã hội, hoàn cảnh… Từ đó bớt khổ do mâu thuẫn vì cố làm những điều trái với sự thật.
  6. Khi hiểu đúng sự thật về Vô Thường, mọi sự vật hiện tượng đều do duyên khởi và sinh diệt liên tục, nên bản thân bớt dính mắc vì hiểu rằng hạnh phúc, cảm giác dễ chịu, vị ngọt không tồn tại mãi mãi nên không có khổ khi nó mất đi. Từ đó khi mọi thứ đến và đi cũng bình thản đón nhận.
  7. Khi hiểu biết đúng sự thật về Bản Ngã, bản thân sẽ không khởi lên tư tưởng ta hơn, ta kém, ta bằng. Sẽ không khổ để cố làm cái ta hơn người khác, sẽ không khổ vì khép nép khi nghĩ ta kém người khác, sẽ không khổ để cố tìm cách cho được bằng người khác.
  8. Khi hiểu biết đúng sự thật về Thân Kiến, bản thân cũng sẽ không còn tin vào việc có một linh hồn không sinh không diệt tồn tại điều khiển thể xác này, cũng xa lìa 2 cực đoan của cả Duy Tâm và Duy Vật, không mâu thuẫn và khổ vì mâu thuẫn và niềm tin tôn giáo.
  9. Khi hiểu biết đúng sự thật về Chánh Pháp, bản thân sẽ nhất hướng đi theo, sẽ chấm dứt Nghi, để không còn khổ vì việc do Nghi nên cứ tìm hết thầy này thầy nọ để học đạo, để rồi trói buộc bản thân với tư tưởng tà kiến của những vị thầy nổi tiếng.
  10. Khi hiểu biết đúng sự thật về Giới cấm thủ, rằng Đức Phật đã nhập diệt, không còn hiện hữu ở bất kỳ hình thức nào, và không ai phù hộ điều khiển được ai, nên không còn khổ vì nghi lễ cúng bái, cầu nguyện, khấn, đình chùa, cầu siêu…
  11. Khi hiểu biết đúng sự thật về Tỉnh Giác, bản thân sẽ thân chứng được trạng thái vắng mặt khổ đau, ngay bây giờ, và tại đây, chứ không phải chịu đựng khổ để mong một ngày mai hết khổ. Bản thân cũng thân chứng được cách để có trạng thái này kéo dài và lặp lại, chứ không phải khổ vì những liều thuốc giảm đau với tác dụng phụ… Từ đó, mà đặt mình xuống trong trạng thái thiền nằm là có thể ngủ mà không khổ vì trằn trọc mất ngủ trước đây.
  12. Khi hiểu biết đúng sự thật Khổ và nguyên nhân Khổ là tại tâm, ta có làm thiện nguyện cũng không còn cố giúp người khác thay đổi điều kiện hoàn cảnh, môi trường. Nếu giúp cải thiện được hoàn cảnh thì giúp nhưng cần hiểu sự giúp đỡ tốt nhất là giúp đỡ họ thay đổi tâm và giúp nhưng không dính mắc vào sự biết ơn, có kết quả nên không khổ mình, khổ người.
  13. Khi hiểu biết đúng sự thật về Khổ là do tâm, và thân chứng trạng thái khổ tâm để tìm đến cái chết, ta sẽ nhận ra mỗi người đều có nỗi khổ tâm riêng, không ai giống ai, kể cả giàu nghèo, sang hèn, lớn bé đều bình đẳng về khổ. Nên từ đó thẳm sâu trong tâm thức có lòng trắc ẩn, cảm thông với nỗi khổ do Vô minh từ những con người xung quanh mình…
  14. Khi hiểu biết đúng con đường Trung Đạo, xa lìa 2 cực đoan thích ghét, thì bản thân sẽ không còn dính mắc vào bất kỳ một chủ nghĩa nào, từ tiêu cực đến tích cực, đặc biệt các khóa học phát triển bản thân luôn đề cao chủ nghĩa tích cực. Nhưng khi đã dính mắc vào sự tích cực làm sao thoát được sự tiêu cực vì đó là 2 mặt của 1 đồng xu. Tìm đến sự tích cực để né tránh tiêu cực, rồi tiêu cực sẽ lại trồi lên mà thôi.
  15. Khi hiểu biết về chánh pháp Đức Phật thuyết giảng, bản thân sẽ thân chứng và nhận ra rằng, kiến thức có thể đem lại sự giàu có, tiện nghi, hiện đại, mến mộ, nhưng trí tuệ mới đem lại sự bình an nội tâm, thứ mà con người ai cũng cần nhưng không nhận ra mà thôi…
  16. Khi biết đến Chánh Pháp, tâm thức trước kia sự việc có 1 lo 10, hay bồn trồn lo lắng trước những sự việc trong đại sắp đến… thì giờ đây, khi cần hành động vẫn âm thầm chuẩn bị, vẫn lên kế hoạch mục tiêu, nhưng không ràng buộc vào kết quả, không thích nếu đạt được kết quả, không ghét nếu vì một lý do nào đó mà kết quả không như ý muốn… Đây là điều thực sự đáng ghi nhận.
  17. Khi hiểu biết đúng sự thật, các sự vật hiện tượng vô chủ, vô sở hữu, chính bản thân cũng không cố để làm hài lòng người khác, hiểu biết đúng thì nói và hành động, còn người khác có đồng tình hay phản đối cũng không khổ tâm…
  18. Khi hiểu biết 5 tính chất để tìm thấy đúng giáo Pháp mà Đức thế tôn thuyết giảng, thì bản thân khi đối mặt với một thông tin cũng sẽ không vội tin ngay, cũng khôi vội bác bỏ, cần có sự kiểm tra, kiểm chứng bởi chính bản thân. Tin là còn chưa thấy, đã thấy thì không cần tin.

Thiền sinh Nguyễn Văn Định

Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

Trả lời