Lá thư số 78. Trước rèn mình – sau rèn con

Bản thân mình phải có lối sống Bát Chánh Đạo, mới có thể rèn con theo lối sống Bát Chánh Đạo

Bản thân mình phải có lối sống BÁT CHÁNH ĐẠO thì mới có thể rèn con theo lối sống BÁT CHÁNH ĐẠO.

Con xin thành kính tri ân Sư Nguyên Tuệ cùng BTC Gosinga đã đem đến một khoá học vô cùng tuyệt vời, đã giúp con hiểu đúng sự thật thực tại này là gì và phải sống ra sao. Từ nay đời con chuyển sang một trang mới hoàn toàn bình an và tĩnh lặng. Hôm nay con ngồi đây viết bức thư này với lòng biết ơn sâu sắc nhất xin gửi đến Sư Nguyên Tuệ cùng BTC Gosinga. Hiện tại không những bản thân con ổn định mà con còn ứng dụng được lối sống Bát Chánh Đạo vào nuôi dạy con trẻ. Sau đây, Con xin chia sẻ cách ứng dụng Bát Chánh Đạo vào việc nuôi dạy con với các đạo hữu gần xa biết đâu đó sẽ có ai cần ạ.

– Kính thưa quý đạo hữu mình hiện có một bé trai 6 tuổi và một bé gái 2 tuổi, chỉ một mình mình nuôi hai bé, hai bé lại thuộc thể trạng hiếu động và rất khoẻ mạnh… Nói đến đây chắc ít nhiều quý vị cũng hình dung phần nào nỗi vất vả của mình khi phải chăm sóc hai trẻ và phải tự học để phát triển bản thân khó nhọc đến nhường nào, nhiều lúc mình muốn buông xuôi tất cả để mặc mọi thứ trôi trong vô vọng, nhưng đâu đó nghị lực và lòng trắc ẩn không cho phép mình đầu hàng như thế. Mình đã từng bị trầm cảm sau sinh, tự mình đã cứu mình thoát khỏi cảnh ấy nên mình kinh nghiệm được chỉ có thể tự thân vận động chứ không thể dựa dẫm vào bất kỳ một ai trên vũ trụ này cả.

– Mình đã theo học nhiều khoá dạy con và đọc khoảng trên 30 đầu sách chuyên về giáo dục trẻ theo khoa học… Lúc đầu áp dụng cũng tạm được với những tình huống nhẹ, tuy nhiên các đối tượng khốc liệt thì mình chào thua, thậm chí mình đã đánh bé rất nhiều, con khóc và mẹ cũng khóc… cứ như thế mấy mẹ con trượt dài trong nước mắt. Nhiều lúc mình nhìn lại các khoá học ấy và mình sinh tâm oán hờn lẫn nghi ngờ rất lớn vì học không hiệu quả. Mình tự hỏi; “Phải làm sao mới có thể tìm ra phương pháp tối ưu để rèn con vào nề nếp???”.

Duyên may có một người chị đưa mình vào khoá thiền online do Gosinga tổ chức đã giúp đánh thức mình sau những tháng ngày chìm đắm trong dòng sông tham sân si chấp mê bất ngộ. Cái hay của lối sống Bát Chánh Đạo là mình có thể ứng phó được với những đối tượng khốc liệt bằng cách rèn luyện trí nhớ chánh và kỹ năng chú tâm liên tục (luyện não tập trung cao độ giúp học hành và làm việc cực kỳ hiệu quả). Mình kinh nghiệm được Khổ Diệt mỗi lúc một nhanh hơn. Lúc trước, có ai làm mình phật ý là mình giận họ cả mấy ngày, mấy tháng, thậm chí mình đã giận ba mình tận 28 năm, 28 năm trời mình sống trong sự oán hờn, vô vị, mệt mỏi và mất lòng tin vào tình thương… Bây giờ nhờ tu tập Bát Chánh Đạo mà mình nhận ra tất cả chỉ là cảm giác, mình bị các cảm giác dẫn dắt trong vô minh mà mình không biết. Đúng là hiểu biết như thế nào thì sống như thế ấy. Sau khi mình ổn định bản thân thì mình áp dụng rèn được trẻ.

– Mình sẽ đưa ra 2 tình huống cụ thể mà mình đã lồng ghép lối sống Bát Chánh đạo vào dạy con để các anh chị có thể tham khảo. Mình xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của bản thân mình thôi ạ, nếu anh chị thấy hay thì áp dụng hoặc bác bỏ tuỳ ý.

– Trước tiên, mình xin liệt kê ra 3 yếu tố tiên quyết cần phải có để rèn con lối sống thích nghi ngay bây giờ và tại đây như sau:

1/ Bạn phải có Văn – Tư – Tu Bát Chánh Đạo và đã kinh nghiệm được rõ ràng, rốt ráo Khổ Diệt thì mới có thể đồng hành cùng con theo lối sống Bát Chánh Đạo.

2/ Trẻ con chủ yếu sống với tâm tham là chính, vì vậy chúng ta nên tham khảo một số kiến thức khoa học về tính khí của trẻ và những tình huống diễn biến tâm lý trẻ để ta có phương án ứng phó kịp thời. Chúng ta phải uyển chuyển trong cách khen, mắng, thưởng và phạt con… rồi từ đó khéo léo lồng ghép Bát Chánh Đạo vào.

3/ Cố gắng hết khả năng nhưng không ràng buộc vào kết quả. Phải chấp nhận vạn vật là vô thường, độc lập, không dính mắc với bất kỳ đối tượng nào.

– Sau đây là 2 tình huống thực tế của mình:

1/ Bé trai nhà mình rất hiếu động, không bao giờ ngồi yên quá 5 phút, cháu hoặc nhảy nhót, phá phách đủ các kiểu… Mọi người ai cũng khiếp sợ thằng bé, thậm chí bà ngoại mình nói: “Mỗi lần thấy nó là tao không chịu nổi”. Có lần cháu quậy bị bà la nhưng cháu vẫn lì thế là hai bà cháu giằng co đến nỗi bà chịu đau vì bị thằng bé phản đòn. Mình tức giận nên đã đánh vào mông con sau đó mình bỏ đi (mục đích là để răn đe thằng bé và cũng để mình tự Chánh niệm). Thằng bé bị đánh đau nên oà khóc rất thảm. Sau khi mình ổn định tinh thần mình quay lại giải thích cho con

– Mẹ: Con có biết lúc nãy vì sao mẹ đánh con không? Vì con đã có những hành động sai với bà. Con là một đứa trẻ ngoan, được giáo dục tử tế… Con có nhớ ước mơ lớn lên làm cảnh sát để bảo vệ người dân? Hiện tại con đang đánh dân chứ không phải bảo vệ. Con nói với mẹ là con muốn sống trong hoà bình và yêu thương mà. Mẹ biết là hiện tại con đang rất khó chịu, đau vì bị đánh, không ai đồng cảm…. Con nói xem giờ con cảm thấy thế nào và con muốn gì?

– Bé: Con cảm thấy buồn, con muốn được mọi người yêu thương.

– Mẹ: Bây giờ mẹ cho con quyền lựa chọn nếu muốn được yêu thương và sống ở nhà thì phải nghe lời mẹ, mẹ sẽ cho ăn uống và học hành để trở thành cảnh sát. Bằng không ngay lập tức hai mẹ con ra đường ăn xin, không được đi học mà phải đi bán vé số kiếm sống qua ngày (mình đã dẫn bé đi xem một số người ngồi xin giữa trưa nắng chói chang, những đứa bé tầm 7-8 tuổi địu em nhỏ 4-5 tháng lang thang ngoài đường… (có điều kiện phù hợp là mình dắt theo bé trai 6 tuổi để dạy con quan sát thế giới xung quanh và phân tích cụ thể mỗi trường hợp với mục đích rèn con…). Con cứ quậy như vầy khiến mẹ rất mệt, mẹ không thể tập trung làm để kiếm tiền nuôi con được.

– Bé: Con nghe lời mẹ, con hứa sẽ ngoan.

– Mẹ: Con nhớ lại xem lúc nãy con đau, con khóc, con bị đánh, con nhìn thấy sự giận dữ của mẹ so với bây giờ thì con thích cảm giác nào hơn?

– Bé: Con thích cảm giác bây giờ hơn.

– Mẹ: Con nhớ nè: “Tất cả chỉ là cảm giác” dù là giận, đau, bình an thì cũng chỉ là cảm giác, các cảm giác cứ thay phiên nhau hoán đổi không ngừng. Bây giờ mẹ nói con chưa hiểu, mẹ hy vọng lớn lên con sẽ hiểu. Lúc nãy con đã hiểu được cảm giác đau, cảm giác bình an rồi đó, từ nay con phải biết cách chọn cho mình theo lối sống nào nhé.

– Bé: Dạ…

=> Qua tình huống này, mình muốn rút ra một kết luận: Trẻ con chúng cứ lập lại các trạng thái ham chơi, vô tư là chính… và việc của Cha Mẹ là phải hết sức kiên nhẫn,. Bản thân mình chỉ biết cố gắng gieo pháp cho con dù cháu có tiếp thu được hay không còn mình không hề dính mắc vào kết quả.

2/ HỌC ONLINE NHƯNG THI THẬT!

– Áp lực cho phụ huynh có con mới vào lớp 1 cực kỳ khó khăn về tâm lý. Mỗi buổi học chỉ có 2 tiếng với 4-5 môn, vừa rèn đọc, vừa viết chính tả,… thực tế rất phũ phàng với những phụ huynh không muốn con tiếp xúc màn hình máy tính nhiều, lại chỉ có phụ huynh (không có chuyên môn giáo viên) dạy là chính… với một đứa trẻ chưa biết cầm viết, chưa biết mặt chữ mà ngày nào Cô cũng bắt phải nộp chấm bài đầy đủ, thi đúng hạn, mặt chữ chưa rành mà bắt viết thêm chính tả… Phụ huynh vẫn phải đi làm và phải kiêm luôn cô giáo của con… Rất áp lực!!! Mình phải luôn Chánh niệm nhắc thầm: “Ghi nhận, Thọ, Nguy hiểm….” để có thể rèn con học được thành quả như hôm nay. Hiện tại bé đã có thể tự dậy sớm để ngồi vào bàn học, đôi lúc bé cũng rời ghế chạy lung tung… nhìn chung có tiến bộ mỗi ngày một chút. Trong buổi pháp đàm về hướng dẫn con kỹ năng Chú tâm liên tục vừa rồi Sư Nguyên Tuệ có hướng dẫn cách thở cho trẻ mình thấy rất hay. Mình có thêm kiến thức để dạy con tốt hơn.

=> Kinh nghiệm của mình là sau bất cứ những tình huống gì dù là nhỏ thì mình đều phải tư duy lại để kinh nghiệm tâm không dính mắc, kinh nghiệm khổ diệt, kinh nghiệm các cảm giác xảy ra trên thân và trong tâm. Mình không bỏ qua một cách hời hợt và mình luôn dùng những tình huống đó để trò chuyện với con. Ví dụ mình vừa la con xong một lúc, tâm an ổn mình sẽ suy xét lại là do tâm sân nên mới vậy, do Căn này với Trần này xúc nhau nên mới vậy, mình giải thích cho con như thế để trẻ ghi nhớ vào tiềm thức. Thằng bé thỉnh thoảng nhắc mẹ: “Ủa bữa mẹ nói vậy mà giờ mẹ quên?”…

Ngày 23/11/2021

Thiền sinh Tú Trinh

Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

Để lại một bình luận