LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA KHỔ CẢNH CỦA HÓA SANH?

Lúc còn trẻ, mỗi người đều nỗ lực cố gắng để tích trữ tiền của, nuôi dạy con cái… để khi về già có thể thoát được cái khổ của nghèo đói, bệnh tật, cô đơn không nơi nương tựa, nhưng không ai có thể thấy có thể biết sự thật về khổ cảnh của Hóa sanh sau khi chết. Nỗi khổ này thực sự kinh hoàng, ghê gớm hơn tất cả mọi nỗi khổ trên đời mà con người biết đến.

Nguyên nhân của những nỗi thống khổ này chính là các thông tin pháp trần trong “kho chứa” mà nền tảng là nhận thức sai lầm (Vô minh), nhận thức rằng mục đích của cuộc sống là tận hưởng niềm vui, hạnh phúc, lạc thú (Dục), rồi từ đó mà phát sinh sự say đắm, ràng buộc và niềm vui hạnh phúc lạc thú. Đây là nguyên nhân của khổ mà Đức Phật đã diễn tả là: “Khát ái tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái.” Các thông tin này, các nhận thức sai lầm, vô minh này chỉ có thể được xóa đi nếu quán sát lời dạy của Đức Phật: “Các Dục (niềm vui, hạnh phúc, lạc thú) vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn.”Ngài đã dùng rất nhiều phương tiện để nói điều này và cũng là một đề mục quan trọng nhất xuyên suốt kinh điển: Dục như khúc xương không, Dục như miếng thịt sống, Dục như cây sai trái, Dục như hố than hừng, Dục như đầu rắn hổ mang, Dục như mũi tên nhọn, v.v…

các dục vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn

Phải quán sát sự thật này nơi cuộc sống hàng ngày của mình và của người khác để rồi kinh nghiệm được, tự thấy tự biết được các Dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn. Thấy biết như thật này phải được thực hành ngay bây giờ với lộ trình Văn (nghe giảng), Tư (tư duy) và Tu (thực hành Tứ Niệm Xứ), kinh nghiệm được Khổ diệt, kinh nghiệm được chỉ cần Hết Khổ chứ không cần bất cứ Niềm vui, Hạnh phúc nào, mới có thể xóa được Tà kiến ấy trong “kho chứa”.

Cũng có lý luận cho rằng: khi tổ chức cầu nguyện và thuyết giảng cho các hương linh (hóa sanh) thì họ nhờ tha tâm thông mà có thể biết được điều này và xóa được các Tà kiến ấy. Sự kiện này không thể xảy ra, bởi vì với một người khỏe mạnh, có chánh tín, có tư duy sắc sảo, có Văn tuệ và Tư tuệ về các “Dục vui ít, khổ nhiều v.v…” nhưng không có thực hành, không có Tu tuệ thì cũng không thể xóa được Tà kiến ấy chứ nói gì đến một hóa sanh chỉ nghe “khơi khơi” như vậy.

Cũng như trong kinh đã mô tả: Một cái cây được chặt xuống, tất cả các gốc rễ được đào lên, chẻ nhỏ ra, phơi khô, đốt cháy thành tro, rồi rải tro đó trước gió hoặc nhấn chìm trong dòng nước. Cái cây ấy có thể tái sinh trong tương lai được nữa hay không? Ngay từ bây giờ, khi đang sống trên đời này, tất cả mọi sanh y, mọi hữu ái phải được chặt xuống, đào lên tất cả gốc rễ, chẻ nhỏ ra, phơi khô đốt thành tro rồi rải tro bay theo gió hoặc dìm xuống dòng nước thì các khổ cảnh kia sẽ được tiêu diệt không có dư tàn.

 

– Sư Nguyên Tuệ

(trích sách Bát Chánh Đạo – Con đường vắng mặt khổ đau)

 

Để lại một bình luận