Sách Bát Chánh Đạo / Chương 3: Mười Hai Duyên Khởi
I./ Tổng quan
Thế Tôn nói như sau: “Đa phần nhân loại cho các pháp là có (thường kiến) hoặc các pháp là không có (đoạn kiến), còn Như Lai thì ly hai cực đoan đó mà thuyết pháp Trung đạo, có nghĩa là cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh; cái này không có vì cái kia không có, cái này diệt vì cái kia diệt
— Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức(tái sinh); thức (tái sinh) duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Quán sát lộ trình duyên khởi này là quán sát lộ trình sinh diệt của mười hai chi phần, mỗi một chi phần là quả ở lộ trình nhân quả này lại là nhân cho lộ trình nhân quả sau. Mục đích của sự quán sát lộ trình mười hai duyên khởi là để thấy như thật lộ trình phát sinh toàn bộ khối đau khổ (khổ uẩn), để biết sự thật về khổ, về nguyên nhân của khổ, hai chân lý đầu trong bốn chân lý mà bậc Thánh đã giác ngộ (Tứ Thánh Đế). Vì mục đích là tìm kiếm một lộ trình phát sinh ra toàn bộ khổ uẩn nên sự quán sát ở đây cũng có thể là thô hoặc tế, có thể quán sát một cách đầy đủ một số quá trình nhân quả là hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh quả, cũng có thể quán sát đơn giản chỉ từ một nhân diệt mà phát sinh quả. Tuy có thể không quán sát hết tất cả các nhân nhưng đều có thể thấy như thật lộ trình và các danh pháp này là vô thường và vô ngã.
Mười hai duyên khởi này phải quán sát thành hai phần:
Từ Vô Minh → Hành → Thức → Danh Sắc, là quán sát thô để hiểu được nguyên lý của luân hồi sinh tử.
Từ Sáu Xứ → Xúc → Thọ → Ái → Thủ → Hữu → Già Chết sầu bi khổ ưu não là quán sát tế hơn và là sự thật đang xảy ra trong hiện tại nơi mỗi chúng sanh.
Từ Vô Minh → Hành → Thức → Danh Sắc, để thấy như thật do Vô Minh có mặt mà Hành có mặt, phải thấy Vô Minh là gì? Và Hành là gì?
II./ Quán sát thô về Thập nhị nhân duyên
1./Do Vô Minh có mặt mà Hành có mặt
Vô Minh là một từ ngữ được đặt ra, được quy ước, nó không phải là một thực thể, một sự vật cụ thể nào mà chỉ là phương tiện truyền thông nhằm ám chỉ một sự việc cụ thể. Sự việc cụ thể đó là gì? Sự việc cụ thể đó được biết thông qua định nghĩa của khái niệm Vô Minh. Trong kinh điển có định nghĩa: “Vô Minh là không thấy biết như thật về Khổ, không thấy biết như thật về nguyên nhân của Khổ, không thấy biết như thật về Khổ diệt, không thấy biết như thật về con đường đi đến Khổ diệt.”
Một cách tóm tắt: “Vô Minh là thấy biết không như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Ngược lại Minh là thấy biết như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo tức Tứ Thánh Đế là thấy biết của bậc Thánh. Định nghĩa Vô Minh này có tính phủ định,nó đúng nhưng chưa đủ vì qua định nghĩa này chưa biết rõ nội dung của Vô Minh.
Vậy để biết như thật Vô Minh là gì phải quán sát nơi sự thật. Kẻ phàm phu chưa từng biết về Tứ Thánh Đế, họ nhận thức về Khổ, Tập, Diệt, Đạo như thế nào thì nhận thức đó chính là Vô Minh.
Một người chưa học Tứ Thánh Đế họ cho rằng Khổ và nguyên nhân của Khổ là nghèo đói, thiếu tiện nghi, cuộc sống lạc hậu, bệnh tật, áp bức, bất công v.v.. chung quy họ hiểu rằng Khổ và nguyên nhân của Khổ ở nơi hoàn cảnh sống (sáu trần cảnh).Hoàn cảnh sống có thể có nhiều loại khác nhau, nhưng nếu phân loại theo đặc tính thì có ba loại: dễ chịu, khó chịu, và không khó chịu không dễ chịu hay trung tính.
a./ Nhận thức Vô minh
Người phàm phu cho rằng:
- Hoàn cảnh khó chịu là khổ và là nguyên nhân của khổ.
- Hoàn cảnh không khó chịu, không dễ chịu cũng là khổ và là nguyên nhân của khổ. Nếu quán sát nơi sự thật thì khi ở trong hoàn cảnh trung tính con người không muốn an trú ở đó mà đi tìm một hoàn cảnh dễ chịu để thay thế.
- Hoàn cảnh dễ chịu thì cho rằng đây là niềm vui, hạnh phúc, lạc thú và đây là sự hết khổ (khổ diệt).
- Với nhận thức về khổ, nguyên nhân của khổ và sự chấm dứt khổ ở nơi hoàn cảnh sống thì đương nhiên con đường đưa đến sự chấm dứt khổ là thay đổi hoàn cảnh sống, cụ thể là chấm dứt hoàn cảnh khó chịu hay trung tính và đạt được hoàn cảnh dễ chịu.
Con người cho dù là cá nhân, già hay trẻ, nam hay nữ, giàu hay nghèo, ngu hay trí,, một tập thể, một đất nước hay cả nhân loại cũng chỉ xoay quanh vấn đề hạnh phúc và đau khổ, cũng chỉ nỗ lực cố gắng để chấm dứt đau khổ và có được hạnh phúc bằng cách thay đổi hoàn cảnh sống. Các tôn giáo cũng tìm cách thoát khổ bằng cách thay đổi hoàn cảnh sống, thay hoàn cảnh đau khổ ở thế gian bằng thiên đường cực lạc ở đời sau.
Con người ngày càng có nhiều tiện nghi sang trọng, hiện đại, họ đã thay thế được một số hoàn cảnh khó chịu bằng hoàn cảnh dễ chịu và hy vọng một ngày mai nào đó họ sẽ chấm dứt tất cả hoàn cảnh khó chịu và trung tính và đạt được hoàn cảnh dễ chịu vĩnh viễn. Ảo tưởng này phát sinh từ cái thấy thường kiến hướng đến sự ổn định, hướng đến sự bền vững lâu dài, an cư lạc nghiệp. Cho dù con người có đạt được những hoàn cảnh dễ chịu nhưng vì hoàn cảnh vô thường biến diệt nên đối với bất kỳ người nào dù giàu hay nghèo, thành đạt hay thất bại thì ba loại hoàn cảnh dễ chịu, khó chịu và trung tính vẫn y nguyên.
b./ Kết quả của nhận thức vô minh
* Nhận thức về khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ nơi hoàn cảnh, nơi sáu trần cảnh nơi một thế giới bên ngoài gọi là Vô Minh. Nhận thức này chi phối cuộc sống toàn thể nhân loại. Và nhân loại chỉ hướng ngoại tìm cầu, vì vậy do Vô Minh có mặt mà hành vi hướng ngoại có mặt.
* Với nhận thức Vô Minh, một hoàn cảnh hay một đối tượng dễ chịu là hạnh phúc, là sự chấm dứt khổ nên khi gặp đối tượng dễ chịu sẽ phát sinh yêu thích, hoan hỷ, thích thú đối tượng dễ chịu. Hành vi này theo thuật ngữ Phật học gọi là Tham, vì thế có thể kết luận do Vô Minh có mặt nên Tham có mặt.
* Với nhận thức Vô Minh, một đối tượng khó chịu là khổ và là nguyên nhân của khổ, nên khi đối diện đối tượng khó chịu sẽ phát sinh hành vi ghét bỏ, tức tối, chán ghét, giận dữ. Hành vi này gọi là Sân, như vậy do Vô Minh có mặt mà Sân có mặt.
* Với nhận thức là Vô Minh, một đối tượng trung tính (không dễ chịu, không khó chịu) cũng là khổ và nguyên nhân của khổ (không phát sinh Tham cũng không phát sinh Sân) mà phát sinh hành vi tìm kiếm một đối tượng dễ chịu để thay thế đối tượng trung tính. Hành vi này gọi là Si. Thí dụ khi ở một mình không có gì để làm thì đó là một hoàn cảnh trung tính, con người sẽ không chịu đựng được sự trung tính đó nên tìm kiếm một việc gì khác để thay thế như xem truyền hình, gọi điện thoại hoặc đi dạo v.v… hoặc khi đi làm cả ngày về nhà mệt nhọc ngồi nghỉ trên ghế nệm rất êm ái dễ chịu, nhưng chỉ được một thời gian ngắn trạng thái êm ái dễ chịu biến mất và phát sinh trạng thái trung tính nên mới đứng dậy tìm kiếm một đối tượng dễ chịu khác.
Con người liên tục không ngừng nghỉ (trừ khi ngủ say) đối diện với các đối tượng dễ chịu hoặc khó chịu hay trung tính và liên tục phát sinh hoặc Tham, hoặc Sân hay Si.Trong ba hành vi này Tham và Sân chỉ chiếm khoảng 20% còn Si chiếm 80% còn lại.
Hành vi Si được diễn tả trong kinh điển là: tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia như Dục (ái), Hữu (ái) và Phi Hữu (ái).
Tìm kiếm ở Dục là tìm kiếm hỷ lạc (niềm vui, hạnh phúc, lạc thú) trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức sáu trần cảnh.
Tìm kiếm ở Hữu là tìm kiếm hỷ lạc trong sự sống còn, trong sự hiện hữu.
Tìm kiếm ở Phi Hữu là tìm kiếm hỷ lạc ở sự không còn hiện hữu, không còn trong vòng luân hồi tái sanh như trong kinh Pháp Môn Căn Bản của Trung Bộ Kinh mô tả là Dục hỷ Niết bàn.
Hành vi Si không phải là ngu si mà chính là động lực để con người phát minh các tiện nghi vật chất ngày càng hiện đại, các phương tiện nghe nhìn, truyền tải, giao thông liên lạc, phát minh ra các loại thuốc mới, máy móc tiên tiến để chữa bệnh v.v… sáng tạo ra nhiều tôn giáo, vô vàn cách thức tu hành, vô số cách thức thiền định v.v…
* Với nhận thức là Vô Minh mà phát sinh khát ái tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái và Phi Hữu ái nên đã phát sinh những hành vi: sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu v.v… Một số hành vi khác (ngoài các ác bất thiện pháp này) kể cả một số hành vi như bố thí, cúng dường với mục đích hướng đến thay đổi hoàn cảnh sống để được sức khỏe, giàu sang, thành đạt đều do duyên Vô Minh mà có mặt.
c./ Kết luận
Tóm lại do Vô Minh có mặt mà hướng ngoại, Tham, Sân, Si có mặt và các hành vi bất thiện có mặt. Như vậy Hành ở đây chỉ cho các hành vi thuộc Thân, Khẩu, Ý của chúng sanh.
Do Vô Minh có mặt mà Hành có mặt, đây chính là sự thật: “Hiểu biết như thế nào thì sống như thế ấy.”
2./ Do Hành có mặt mà Thức tái sinh có mặt.
Tại thời điểm hấp hối, đa số người sắp chết đều tham sống sợ chết, khát khao mong muốn và bám víu cuộc sống, đó là biểu hiện tâm Si ở Hữu ái đi lên đến cực điểm. Tại thời điểm chết với tâm Si như vậy sẽ có một “Đột biến” và làm phát sinh một loại vật chất đặc biệt, một loại vật chất lượng tử (có lưỡng tính sóng và hạt) có khả năng truyền tải toàn bộ lượng thông tin của người chết.Lượng thông tin này chính là thân hành, khẩu hành, và ý hành được mã hóa và lưu giữ trong một “kho chứa”, tương tự như lượng thông tin được lưu giữ trong thẻ nhớ của máy vi tính.
Sự phát sinh ra một loại vật chất lượng tử truyền tải toàn bộ thông tin về tâm của người chết được gọi là thức tái sinh. Thức tái sinh di chuyển đi đâu tùy thuộc vào nội dung lượng thông tin trong “kho chứa” của người đã chết. Nếu một người lúc sống mà tâm có khuynh hướng thú vật thì thức tái sinh sẽ đi đến nơi thú vật tương ứng đang giao hợp, nếu tâm người chết là cao thượng nó sẽ di chuyển đến chỗ hai người đang giao hợp có xu hướng tâm tương ứng.
3./ Do Thức tái sinh có mặt mà Danh, Sắc có mặt:
khi Thức tái sinh tiếp xúc với trứng và tinh trùng đang gặp nhau, ba nhân này tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt và phát sinh ra sự thụ thai.Trong trứng đã thụ thai này (tế bào gốc) có hai phần: Sắc pháp chính là phần vật chất của trứng và tinh trùng, Danh pháp là phần thông tin bao gồm những thông tin di truyền của trứng và tinh trùng và phần thông tin của người đã chết. Tế bào gốc này tiếp xúc với những dưỡng chất do thân thể người mẹ cung cấp mà phát triển thành thai nhi. Sự phát triển của thai nhi không những phụ thuộc vào dưỡng chất mà còn phụ thuộc vào hai lượng thông tin là thông tin di truyền và thông tin về tâm. Đây là nguyên lý phát sinh một chúng sinh bao gồm hai phần Danh và Sắc.
Thức tái sinh không thể tiếp xúc một cách ngẫu nhiên với trứng và tinh trùng đang gặp nhau mà phải có sự tương hợp, nghĩa là thông tin về tâm của người chết phải tương hợp với thông tin về tâm của người đang giao hợp, giống như một máy điện thoại A đang gọi máy điện thoại B, lúc đó có sự tương thích trong thẻ nhớ của máy A với thẻ nhớ của máy B. Do có sự tương hợp này nên cho dù máy B đặt bên cạnh máy A hoặc hai máy cách nhau cả nửa vòng trái đất cũng chỉ đến với nhau mà không đến một máy nào khác.
Tóm lại việc quán sát thô bốn chi phần: Vô Minh → Hành → Thức tái sinh → Danh Sắc, chứ không phải tế nhằm chỉ rõ nguyên lý còn Vô Minh là còn tái sinh, còn luân hồi sinh tử. Chấm dứt Vô Minh là chấm dứt luân hồi sinh tử.
Đại Đức Nguyên Tuệ