NGÃ MẠN

NGÃ MẠN

Tư tưởng CHẤP NGÃ, cho rằng có một cái TA (mà tiếng tàu gọi là NGÃ) không sinh không diệt là chủ nhân, chủ sở hữu của Sắc Thọ Tưởng Hành Thức gồm có ba nội dung hay ba phương diện:

  • Cho rằng đối tượng đó LÀ TA
  • Cho rằng đối tượng đó là CỦA TA
  • So sánh với đối tượng và cho rằng TA HƠN, TA KÉM, TA BẰNG đối tượng.

llt ngã mạnKinh thường nói đến ba nội dung này với tiếng Hán là: Ngã kiến, Ngã sở kiến, Ngã mạn tuỳ miên. NGÃ MẠN chính là tư tưởng: TA HƠN, TA KÉM, TA BẰNG. Khi đối diện với một người nào đó, Nhãn thức khởi lên thấy trực tiếp đối tượng rồi tư duy khởi lên so sánh, đối chiếu TA với ĐỐI TƯỢNG và do tư duy như vậy mà phát sinh tư tưởng TA hơn, TA kém, hay TA bằng đối tượng và do tư tưởng NGÃ MẠN đó mà phát sinh cách cư xử với đối tượng, TA hơn sẽ cư xử khác, TA kém cư xử khác, TA bằng sẽ cư xử khác. Ý thức khởi lên là tư tưởng NGÃ MẠN khởi lên và nó là nguyên nhân phát sinh tư tưởng Hơn Thua, Phải Quấy chi phối đời sống nhân loại. Không những tư tưởng NGÃ MẠN xuất hiện khi đối diện với người khác mà nó đều xuất hiện khi đối diện với mọi đối tượng, chính vì vậy mà nhân loại mới có Ngã Mạn, loài người là tối thắng trong muôn vật, muôn loài.

Ba nội dung hay ba phương diện của tư tưởng CHẤP NGÃ là Vô Minh cần phải thấu suốt để khi nó xuất hiện thì Tuệ Tri nó và lúc đó nó sẽ bị đoạn diệt, còn nếu không Tuệ Tri Vô Minh CHẤP NGÃ cả ba phương diện đặc biệt là NGÃ MẠN thì sẽ bị nó chi phối. Trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, tư tưởng CHẤP NGÃ không có mặt, không còn tư tưởng “TA, của TA, TA hơn, kém, bằng” nên lời nói và hành động cư xử với đối tượng là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng do Trí Tuệ VÔ NGÃ mà phát sinh KHÔNG VÌ MÌNH, KHÔNG VÌ NGƯỜI nên nó không còn tạo tác và được gọi là VÔ TÁC GIẢI THOÁT.

Vì không Tuệ Tri Vô Minh, không Tuệ Tri tư tưởng CHẤP NGÃ đặc biệt là NGÃ MẠN nên xuất hiện chủ trương phải sống VÔ NGÃ VỊ THA, nghĩa là “Không Vì Mình mà Vì Người”. Đây vẫn là so sánh BẢN NGÃ với đối tượng và thực chất là “Biến Thái” của tư tưởng NGÃ MẠN, từ cực đoan “Vì Mình không Vì Người” sang một cực đoan khác là “Vì Người không Vì Mình”. Nếu tu hành với mục đích TRỞ THÀNH thì việc trau dồi phẩm hạnh, nỗ lực cố gắng để đạt được tri kiến siêu việt, những năng lực siêu phàm, để trở thành một người siêu việt, chói sáng giữa nhân thiên, đạt được lý tưởng “thành tựu để cứu khổ muôn loài”, hay lý tưởng vĩ đại nhất, không có lý tưởng nào cao đẹp hơn, “còn một chúng sinh chưa thành Phật thì TA chưa thành Phật”, TA phải thành Phật Chánh Đẳng Giác chứ không thành A La Hán, thì đó vẫn là đang vun bồi NGÃ MẠN, vun bồi một BẢN NGÃ ảo tưởng vĩ đại mà thôi, chưa thấy Vô Ngã là như thế nào.

– Sư Nguyên Tuệ

Trả lời