Trong kinh Đại Không thuộc Trung Bộ Kinh có đề cập tới: tác ý nội không, tác ý ngoại không, tác ý nội ngoại không. Vậy nội không là cái gì, ngoại không là cái gì và như thế nào là tác ý nội không, như thế nào là tác ý ngoại không, như thế nào là tác ý nội ngoại không ? Đây là lĩnh vực rất tế nhị, khó thấy, khó biết, khó chứng, bởi vì nó thuộc về lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, lộ trình tâm bậc Thánh. Những ai chưa có Pháp học đầy đủ và chính xác về Duyên Khởi lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu, Duyên Khởi lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh, chưa biết rõ về Tứ Thánh Đế thì cho dù có giảng nói thế nào, họ cũng không có thể biết được nội không là cái gì, ngoại không là cái gì. Một người có Pháp học đầy đủ và chính xác nhưng chưa có tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế ,có thể lĩnh hội được phần nào, chỉ có người có Pháp học đầy đủ, chính xác và có tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế, sẽ hiểu rõ và kinh nghiệm được ngoại không và nội không.Để có thể hiểu được khái niệm ngoại không và nội không thì phải hiểu rõ tâm là một phạm trù bao gồm rất nhiều Danh pháp, trong đó có Cái Biết. Cái Biết trong thuật ngữ Phật học gọi là thức bao gồm : Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức và Ý thức. Cái Biết được phân chia thành hai cấp độ : Cái Biết trực tiếp giác quan và Cái Biết Ý thức. Cái Biết trực tiếp giác quan ( trong các kinh A Hàm thuộc Hán Tạng dịch là Trực giác ) khoa Tâm Lý học gọi là Nhận thức cảm tính bao gồm : Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức do Căn Trần tiếp xúc ( hay tương tác ) phát sinh ra. Cái Biết Ý thức do Niệm và Tư Duy mà phát sinh, Tâm Lý học gọi là Nhận thức lý tính.- Cái Biết trực tiếp giác quan trong thuật ngữ Phật học còn được gọi là Tưởng, phát sinh khi Sáu Căn tương tác ( Xúc ) với Sáu Trần có phận sự nhận biết đối tượng. Đây là Cái Biết không do học hỏi mà có, nên nó không có tri thức, khái niệm, ngôn từ, phân biệt ( Vô ngôn, Vô niệm, Vô phân biệt ) mà già trẻ, gái trai, ngu trí , loài người hay các loài động vật, thậm chí các loài thực vật cũng có. Cái Biết trực tiếp giác quan là Vô ngôn, Vô niệm, Vô phân biệt nên không có Vô Minh cũng không có Minh. Hãy hình dung ra Cái Biết trực tiếp giác quan của loài người cũng tương tự cái biết của một đứa trẻ vừa đẻ ra, khi sáu Căn của nó tiếp xúc sáu Trần, nó vẫn thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng nhưng vì Ý thức của nó hầu như chưa khởi lên, nên không biết đối tượng đó là cái gì, dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Ví như đưa một bông hoa lên trước mắt đứa bé thì nó vẫn thấy ( hình ảnh đó ) nhưng nó không biết đó là bông hoa, không biết nó đẹp hay xấu, đỏ hay vàng, vuông hay tròn, nhơ hay sạch, đắt hay rẻ … Cái thấy này là cái thấy thuần tuý nhãn thức, Vô ngôn, Vô niệm, Vô phân biệt. Nếu chỉ có Cái Biết trực tiếp giác quan này thì sẽ không phát sinh thái độ thích hay ghét ( tham hay sân ), không phát sinh lời nới hay hành động để thể hiện thái độ đối với đối tượng. Cái biết trực tiếp giác quan này Thánh hay Phàm đều như nhau, ở Thánh thì gọi là Tĩnh Giác hay Thắng tri, ở Phàm thì gọi là Tưởng tri.- Cái Biết Ý thức phải do học hỏi, tích luỹ kinh nhiệm mà có ,nên mỗi mỗi người đều khác nhau. Khi mới đẻ ra đứa trẻ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng phần lớn với Cái biết trực tiếp giác quan, nó chưa biết các khái niệm to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, mặn ngọt, nhơ sạch, tăng giảm … Các tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm được học hỏi, được tích luỹ sau này và được lưu vào một “bộ nhớ” hay một “kho chứa”. Cái Biết Ý thức do Niệm và Tư Duy mà phát sinh, nghĩa là Niệm kích hoạt ( hay dò tìm ) các thông tin trong kho chứa và Tư Duy sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu, phán đoán thông tin về đối tượng vừa được nhận biết ( do cái biết trực tiếp nhận biết ) và thông tin trong kho chứa được Niệm dò tìm. Hành vi tư duy đó sẽ phát sinh kết luận. Chính kết luận này là Ý thức hiểu biết về đối tượng vừa được nhận biết. Ý thức là hiểu biết đối tượng, nội dung của nó tuỳ thuộc vào các thông tin trong kho chứa, tuỳ thuộc vào những tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm đã tích luỹ trong quá khứ và tuỳ thuộc vào Niệm kích hoạt hay dò tìm được thông tin nào. Trong thuật ngữ Phật học cái biết Ý thức còn được gọi là Thức tri, là cái biết có Ngôn từ, có Khái niệm, có Phân biệt. Cái Biết Ý thức của con người mỗi mỗi khác nhau nhưng có thể phân biệt thành hai loại : Tà Tri Kiến của Phàm phu có nội dung Vô Minh và Chánh Tri Kiến của bậc Thánh có nội dung Minh.+ Cái Biết Ý thức Tà Tri Kiến của Phàm phu khởi lên theo lộ trình:Xúc ( Căn Trần ) – Thọ – Tưởng – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Tri KiếnTà Niệm sẽ kích hoạt thông tin Vô Minh, Ta, của Ta trong kho chứa thông tin nên Ý thức Tà Tri Kiến sẽ mang nội dung Vô Minh, nghĩa là có một cái Ta là chủ nhân, chủ sở hữu của cái biết ( Bản ngã ) và đối tượng được biết là Thế giới ( Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp ). Đây là Ý thức nhị nguyên Tâm Vật hay Tâm Cảnh mang nội dung Thường Kiến và Ngã Kiến. Với hiểu biết này thì Khổ, Nguyên nhân Khổ, Sự chấm dứt Khổ đều ở nơi Ngoại cảnh ( Thế giới ) và Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi ngoại cảnh.+ Cái Biết Ý thức Chánh Tri Kiến của bậc Thánh khởi lên theo lộ trình:Xúc ( Căn Trần ) – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – … – Chánh Tư Duy – Chánh Tri KiếnChánh Niệm sẽ không kích hoạt Vô Minh, Ta, của Ta trong kho chứa thông tin mà kích hoạt Minh, những thông tin do học về Duyên Khởi, về Tứ Thánh Đế , đã được lưu vào kho chứa. Vì vậy Ý thức Chánh Tri Kiến mang nội dung Minh là hiểu biết đúng sự thật các pháp, đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo không còn Thường Kiến, Ngã Kiến. Nghĩa là Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về Nội Tâm chứ không phải nơi Ngoại Cảnh.1 – Thế nào là Ngoại Không ?Trước tiên phải hiểu về chữ Không. Ngôn ngữ là phương tiện truyền thông, là pháp chế định, là quy ước với nhau về ngôn từ đó ám chỉ hay chỉ bày một sự vật, một hiện tượng nào. Tất cả các loại ngôn ngữ của loài người đều quy ước : Có là có một pháp nào đó và Không là không có một pháp nào đó. Có cũng có nghĩa là sự hiện hữu, là sự có mặt của một pháp hữu vi ( pháp vận hành theo nhân quả ), Không là sự phủ định, là sự không có mặt, sự vắng mặt, không có pháp hữu vi đó nên không cũng ám chỉ pháp vô vi. Các trường phái có đặt ra một nghĩa Không bí mật nào đó thì cũng xuất phát từ sự tư duy trên nghĩa Có Không thông thường này và như vậy cũng không thể vượt qua nghĩa Có Không này. Trong các bộ kinh Nikaya chỉ dùng Có Không theo nghĩa có không thông thường này chứ không có nghĩa Không bí mật nào khác. Trong kinh Tiểu Không có nói: “Và những gì không có mặt ở đây vị ấy xem là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: “cái này có, cái kia có”. Như vậy, này A nan cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh”.Khi thực hành Tứ Niệm Xứ vị ấy tác ý tới Niệm Thân ( hoặc Niệm Thọ ) tức nhớ đến chú tâm quán sát các cảm giác nơi thân với nhiệt tâm, tĩnh giác, chánh niệm, thì khi có một cảm giác khởi lên theo lộ trình: Xúc – Thọ – Tưởng, tiếp đến Chánh Niệm ( nhớ đến chú tâm quán sát cảm giác với nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm ) khởi lên. Do Chánh Niệm như vậy mà Chánh Tinh Tấn ( nhiệt tâm ) khởi lên và làm phát sinh sự chú tâm vào cảm giác. Sự chú tâm này gọi là Chánh Định. Do có sự chú tâm vào cảm giác mà lộ trình tâm dừng lại đây và lộ trình như vậy sẽ lặp lại trên đối tượng nhiều lần bởi mỗi một lộ trình như vậy chỉ nháy lên và tồn tại chỉ khoảng phần trăm hay phần nghìn của giây mà thôi. Lộ trình đó xẩy ra như sau : Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tỉnh Giác )Do lộ trình được lặp đi, lặp lại nhiều lần như vậy nên cái biết trực tiếp Tưởng được kéo dài ra và sẽ biết Cảm giác ( Thọ ) một cách rõ ràng, minh bạch. Lộ trình tâm này nhờ Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định nên chỉ có Cái Biết trực tiếp giác quan ( Tưởng ) mà không có Ý thức khởi lên, nên giờ đây không gọi là Tưởng tri mà gọi là Tỉnh Giác. Nếu Chánh Niệm liên tục khởi lên trong 10 phút, 30 phút, 60 phút … thì trong khoảng thời gian ấy, các cảm giác trên thân khởi lên đều được chú tâm và đều biết các cảm giác đó với cái biết trực tiếp giác quan cụ thể là Thân thức ,bây giờ gọi là Tỉnh Giác. Khi toạ thiền Hành giả sẽ có lộ trình tâm này chiếm khoảng 90% các lộ trình tâm, sẽ kinh nghiệm và an trú cái biết Tỉnh Giác. Nhờ kinh nghiệm và an trú cái biết Tỉnh Giác, vị ấy tuệ tri được cái biết này KHÔNG CÓ các tri thức khái niệm, không có ngôn từ, không có phân biệt, không có khái niệm to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, trước sau, không có khái niệm mặn ngọt chua cay, xanh vàng đỏ trắng, không có sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm, không có khái niệm mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp, không có khái niệm sắc thọ tưởng hành thức, không có khái niệm nhãn giới cho đến ý thức giới, không có Minh cũng như Vô Minh …Đây là cái biết Tỉnh Giác Vô niệm, Vô ngôn, Vô phân biệt còn được gọi là Không Tánh. Trong cái biết Tỉnh Giác này CÓ các cảm giác, là thực có, không điên đảo nhưng cái KHÔNG ở đây là không có tri thức khái niệm, ngôn từ, phân biệt. Cái KHÔNG này được gọi là Không Tánh ,còn được gọi là NGOẠI KHÔNG bởi đây là tánh chất của cái biết trực tiếp xẩy ra nơi các giác quan còn Nội Không là cái KHÔNG ở nội tâm khi Ý tiếp xúc với Pháp trần.Khi an trú cái biết Tỉnh Giác hay Không Tánh này, Hành Giả cũng tuệ tri được : thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảm nhận chỉ là cảm nhận không có gì thêm vào nữa, không có suy nghĩ, không có thái độ thích hay ghét, không có lời nói hay hành động đối với đối tượng đó. Hành Giả cũng tuệ tri được giải thoát do an trú Tỉnh Giác hay Không Tánh này, là do có Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định nên giải thoát này gọi là Tâm Giải Thoát hay Không Giải Thoát, nghĩa là giải thoát do Định, chứ không phải giải thoát do Minh, do Trí Tuệ. Tuy Không Giải Thoát không đưa đến và không phải là giải thoát tối hậu, chỉ có Tuệ Giải Thoát do Minh, do Trí Tuệ mới đưa đến giải thoát tối hậu, mới đưa đến Chánh Trí nhưng các bậc đã Giác Ngộ xong như Phật và các vị A La Hán chủ yếu an trú vào Không Giải Thoát này, trừ những khi phải giảng dạy, hướng dẫn người khác. Bản kinh Tiểu Không trong Kinh Trung Bộ tuy trình bày với cách thức thời xưa và vì là phiên dịch nên có vẻ rất khó hiểu nhưng thực chất là nói về cái Không này , tức Không Tánh hay Ngoại Không.Một số trường phái khi thực hành thiền định họ cũng cảm nhận một phần Cái biết Không tánh hay Ngoại Không này nhưng vì không tuệ tri Không Tánh, họ đã có những chủ trương sai lạc về Không Tánh. Họ cho rằng đây chính là Tánh Thấy, Tánh Nghe hay là Tánh Biết không sinh không diệt sẵn có nơi mỗi chúng sinh, là Trí Tuệ Bát Nhã, là Vô Sư Trí. Trở về với Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết sẵn có nơi mỗi chúng sanh ( đẻ ra là đã sẵn có, không cần học hỏi nên thấy, nghe, cảm nhận đối tượng liền ) gọi là Trí Tuệ Bát Nhã hay Vô Sư Trí đó ,là thấy các pháp như chúng đang là, là giải thoát tối hậu rồi. Cái Biết này không liên quan tới Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, đâu cần phải học hỏi Tứ Thánh Đế, phải tu Bát Chánh Đạo. Thực chất cái biết Không Tánh này mà nhiều trường phái chủ trương là Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết, là Trí Tuệ Bát Nhã hay Vô Sư Trí chính là cái biết trực tiếp giác quan mà cụ thể là : Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức do sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh ra, nó Vô Thường, Vô Chủ ( hay Vô Ngã ). Cái biết trực tiếp giác quan này Thánh hay Phàm đều giống nhau, trong nó không có Vô Minh nhưng cũng không có Minh, không làm nên sự khác biệt giữa Thánh và Phàm, mà sự khác biêt giữa Thánh và Phàm là ở cái biết Ý thức, có Minh và Vô Minh. Cái được quan niệm là Tánh Thấy chính là Nhãn thức, Tánh Nghe chính là Nhĩ thức hay Tánh Biết chính là sáu thức, đều là pháp Duyên khởi nên nó sinh diệt , vô thường chứ không phải là thường hằng ,không sinh không diệt như một số trường phái chủ trương. Thời Phật còn tại thế cũng đã tồn tại những chủ trương này thể hiện trong bản kinh Đại Kinh Đoạn Tận Ái thuộc Trung Bộ Kinh. Trong bản kinh này Tỷ kheo Sati đã công khai tà kiến: Thức này rong ruổi, luân chuyển chổ này chổ kia nhưng không đổi khác. Nghĩa là các thức không sinh không diệt, nó chỉ di chuyển từ thân xác này qua thân xác khác mà thôi. Đức Phật đã qưở trách vị Tỷkheo đó: – Này kẻ mê mờ kia, vì ai mà ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy. Này kẻ mê mờ kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều phương tiện nói thức do duyên khởi, không có duyên thì thức không hiện khởi ? Và này kẻ mê mờ kia, không những Ông đã xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông còn phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ mê mờ kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông. Và Đức Phật giảng tiếp : Này các Tỷ kheo, do duyên mà thức sanh, và thức ấy có tên tuỳ theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và tiếng, thức sanh, thức ấy có tên là nhĩ thức… Lời giảng này phải được hiểu là: mắt là một yếu tố, là một nhân, sắc là một yếu tố, là nhân thứ hai. Có hai nhân này mà không có tiếp xúc với nhau, chưa duyên nhau thì lúc đó không có nhãn thức, hay nhãn thức không sanh khởi. Duyên mắt và sắc, tức mắt tiếp xúc với sắc thì lúc đó nhãn thức mới sanh khởi. Chữ duyên phải được hiểu là hai nhân tiếp xúc nhau, hai nhân duyên nhau. Xúc sanh nhãn thức sanh, Xúc diệt nhãn thức diệt ,nên nhãn thức sinh lên rồi diệt đi ,nó không thường hằng, không thường trú ở đâu cả. Nhãn thức không phải là không sinh không diệt vì nếu nó không sinh không diệt thì không cần đến duyên ( Xúc ) ,vì nó đã thường xuyên có, không cần nhân duyên gì sinh ra nó cả.Thời Phật còn tại thế, trong đệ tử đã tồn tại những quan điểm về các thức không sanh không diệt như vậy ,bởi họ không thấu đạt, không tuệ tri Lý Duyên Khởi , không từ bỏ được Vô minh Thường kiến nên đã xuyên tạc lời dạy của Phật ,nhưng ít có người công khai quan điểm của mình như Sati. Khi Phật diệt độ khoảng 100 năm thì các bộ phái mới bắt đầu tranh cãi và nhiều bộ phái trương cờ Thường Kiến, Ngã Kiến của mình lên với những ngôn từ hoa mỹ, hấp dẫn và nhiều bộ kinh Tà Kiến kiểu đó đã ra đời nhưng lại gắn cho Phật nói. Họ đã xiển dương cho Tánh Thấy, Tánh Nghe, Bổn Tâm, Bổn Tánh không sanh không diệt nhưng đó là tư duy suy diễn, là lý luận suông, không đối chiếu với sự thật đang xẩy ra hàng ngày, xẩy ra nơi sáu Căn duyên với sáu Trần, nơi Thực Tại đang sanh đang diệt này. Ví như khi kẽ Phàm phu nhìn quả quýt chín vàng liền khởi lên hiểu biết: quả quýt này ngọt, nghĩa là vị ngọt có nơi quả quýt, luôn luôn có, thường xuyên có, thường hằng, thường trú nơi quả quýt, vị ngọt đó không có nhân duyên nào được sinh ra. Đây là Vô minh Thường kiến và chính cái hiểu biết Thường kiến này đã ngăn che, không cho quán sát sự thật Duyên khởi lên vị ngọt. Nếu đặt Thường kiến xuống và quan sát sự thật thì thấy ngay rằng: lưỡi là một nhân, quýt là nhân thứ hai, nếu hai nhân đó chưa tiếp xúc thì chưa có vị ngọt ở đâu cả, chưa cảm nhận được vị ngọt ở đâu cả. Khi lưỡi ( của một người đang khoẻ mạnh ) tiếp xúc với quýt thì lập tức phát sinh Cảm giác vị ngọt. Đây mới là vị ngọt thật mà Thánh hay Phàm đều cảm nhận được. Xúc sinh Cảm giác vị ngọt sinh, Xúc diệt Cảm giác vị ngọt diệt vì vậy Cảm giác vị ngọt sinh lên rồi diệt đi nên nó Vô thường, không thường hằng, không thường trú nơi quýt. Nghe đến đây một số người lập tức phản bác: vị ngọt là của quả quýt, nó thường trú trong quả quýt vì rằng cái biết Thiệt thức là của lưỡi, thường trú nơi lưỡi nên khi lưỡi chưa tiếp xúc với quýt thì cái biết của lưỡi là Thiệt thức chưa biết vị ngọt của quýt nên chưa có vị ngọt, chỉ khi tiếp xúc, lưỡi mới biết vị ngọt của quả quýt. Phản bác này xuất phát từ Thường Kiến sâu dày nơi hiểu biết của nhân loại: thiệt thức thường trú nơi lưỡi, vị ngọt thường trú nơi quả quýt. Thường Kiến này ngăn che không cho nhân loại quán sát sự thật để thấy vị ngọt không có, không thường hằng, không thường trú nơi quả quýt. Nếu sự thật vị ngọt có trong quả quýt, thường hằng, thường trú trong quả quýt thì cũng chính người đó khi đã bệnh nặng bảy tám ngày, không ăn không uống được, lúc đó lưỡi tiếp xúc quýt thì cái biết Thiệt thức của lưỡi cũng vẫn phải cảm nhận được vị ngọt của quýt vì vị ngọt nằm trong quả quýt. Nhưng sự thật thì chỉ cảm nhận Cảm giác đắng, và nếu vậy thì trong quả quýt có cả vị ngọt và vị đắng chăng ? Tương tự như vậy vì không thấy biết như thật, không liễu tri các thức do duyên khởi, không liễu tri các thức ( tâm biết ) vô thường, vô ngã nên họ chủ trương Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết là Bổn Tâm, Bổn Tánh không sinh không diệt nơi mỗi người, họ không đối chiếu với sự thật để kiểm tra chủ trương đó có phù hợp với sự thật không. Nếu Tánh Nghe là Nhĩ thức không sinh không diệt thì nhân loại sẽ nghe được mọi âm thanh khi thức cũng như khi ngủ, không bỏ sót một âm thanh nào. Nhưng sự thực thì người không ngủ vẫn nghe được âm thanh đang xẩy ra còn người ngủ say bên cạnh thì đâu có nghe được các âm thanh đó. Nếu có cái Tánh Nghe không sinh không diệt, thường hằng thì người ngủ say đó phải nghe được các âm thanh đó chứ. Thật là mâu thuẩn khi hàng ngày tụng đọc: quán tâm vô thường trong lúc đó lại chủ trương Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết chính là tâm lại không sinh không diệt.2 – Thế nào là Nội Không ?Khi thực hành Tứ Niệm Xứ ( Niệm Tâm và Niệm Pháp ) nếu tác ý nhớ đến chú tâm quán sát các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là các Cảm giác, là tâm thì Chánh Niệm có nội dung như vậy sẽ khởi lên. Do Chánh Niệm như vậy sẽ phát sinh Chánh Tinh Tấn, do có Chánh Tinh Tấn sẽ phát sinh Chánh Định nghĩa là chú tâm vào đối tượng và nhờ Chánh Định sẽ nhận biết đối tượng với Tỉnh Giác, tiếp đến Chánh Tư Duy sẽ khởi lên. Chánh Tư Duy sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu thông tin về đối tượng được Tỉnh Giác cung cấp với thông tin mà Chánh Niệm đã kích hoạt ( Minh ) đưa đến kết luận là Ý thức Chánh Tri Kiến ,biết đúng như thật đối tượng đó là Cảm giác ( Thọ ), là Tâm. Lộ trình được diễn tả như sau : Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tỉnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến.Ý thức Chánh Tri Kiến không những biết như thật đối tượng đó là Cảm giác, là Tâm mà cũng biết như thật đối tượng đó là Cảm giác thuộc phạm trù tâm chứ không phải là Cảnh, không phải là Sắc pháp nên nó Vô Tướng. Các tướng trạng to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn … không phải là tướng trạng của đối tượng mà đó là các ngôn từ, là phương tiện truyền thông để ám chỉ các cảm giác, để phân biệt cảm giác này với cảm giác khác. Tuệ Tri các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là Vô Tướng ( Không Tướng ) xẩy ra nơi Ý thức Chánh Tri Kiến thuộc về nội tâm nên Vô Tướng là Nội Không.Khi tác ý nhớ đến chú tâm quán sát các đối tượng Vô thường thì lộ trình cũng diễn tiến tương tự và Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ tuệ tri các đối tượng Vô thường. Vô thường cũng thuộc Nội Không.Khi tác ý nhớ đến chú tâm quán sát các đối tượng Vô chủ ( Vô ngã ) , lộ trình cũng xẩy ra tương tự và Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ tuệ tri đối tượng Vô chủ. Vô chủ hay Vô ngã cũng thuộc Nội Không.Khi tác ý nhớ đến chú tâm quán sát đối tượng được ly tham … Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ tuệ tri được nội tâm Không tham, Không sân, Không si với bất kỳ đối tượng nào. Không này cũng là Nội Không.Khi tác ý nhớ đến chú tâm quán sát buông xả các đối tượng … Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ tuệ tri Không dính mắc, Không ràng buộc, Không phiền não, Không khổ đau với bất kỳ một đối tượng nào. Không này cũng thuộc Nội Không.+ Thế nào là tác ý Nội Ngoại không ? Khi tác ý nhớ đến chú tâm quán sát nội tâm thì Chánh Niệm ( nhớ đến ) chú tâm quán sát nội tâm sẽ khởi lên thì lộ trình cũng diễn tiến tương tự nhưng Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ vừa tuệ tri được cái biết Tĩnh Giác tức tuệ tri được Không Tánh thuộc Ngoại Không nhưng cũng vừa tuệ tri được nội tâm vắng lặng ,Không tham, Không sân, Không si, Không dính mắc, Không ràng buộc, Không khổ đau, Không phiền não nghĩa là tuệ tri Nội Không.+ Khi Ý thức Chánh Tri Kiến tuệ tri Nội Không như vậy cũng đồng thời tuệ tri sự vắng mặt của Khổ cũng có nghĩa tuệ tri Khổ Diệt hay tuệ tri Niết Bàn.+ Khi thực hành Tứ Niệm Xứ Hành Giả tác ý tới Niệm Tâm hoặc Niệm Pháp, Ý thức Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ tuệ tri được Vô Tướng, Vô Thường, Vô Ngã, Không Tham, Không Sân, Không Si, Không Ràng Buộc ( Thủ ), Không Khổ ( Khổ Diệt, Niết Bàn ). Hành Giả an trú Ý thức Chánh Tri Kiến là an trú những KHÔNG này và đó là là an trú Nội Không. Trong kinh Đại Không thuộc Trung Bộ kinh có nói : “Nhưng sự an trú này, này A Nan, Như Lai đã hoàn toàn giác ngộ, nghĩa là sau khi không tác ý với tất cả tướng, chứng đắc và an trú Nội Không”. Không tác ý với tất cả tướng được hiểu là không tác ý sắc thanh hương vị xúc pháp, là các tướng ở ngoại cảnh. Kinh Đại Không chủ yếu nói về Nội không, còn kinh Tiểu Không chủ yếu thuyết minh Ngoại Không tức Không Tánh.Khi Hành Giả thực hành Niệm Tâm và Niệm Pháp, an trú Nội Không sẽ tuệ tri và an trú được Giải Thoát. Giải Thoát do an trú Nội Không này có tên gọi là Vô Tướng Giải Thoát. Giải thoát này do Ý thức Chánh Tri Kiến mà có được, hay do Trí Tuệ, do Minh mà có nên còn được gọi là Tuệ Giải Thoát. Chánh Tri Kiến hay Trí Tuệ, hay Minh được tu tập, được làm cho viên mãn không những làm cho an trú Nội Không, an trú Tuệ Giải Thoát viên mãn mà Trí Tuệ, Minh này sẽ xoá bỏ thông tin Vô Minh đã được cài đặt trong “kho chứa thông tin tri thức hiểu biết, kinh nghiệm” đưa đến Chánh Trí của vị A La Hán: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui đời này nữa”Sự khác biệt giữa Thánh và Phàm không phải ở cái biết trực tiếp giác quan( hay Nhận thức cảm tính )mà ở cái biết Ý thức (hay Nhận thức lý tính ).Ý thức của bậc Thánh là Chánh Tri Kiến, là Trí Tuệ, là Minh có tính chất Liễu tri tất cả pháp, tức hiểu biết đúng như thật tất cả pháp. Ý thức của Phàm phu là Tà Tri Kiến, là Vô Minh, là Vọng Tưởng, có tính chất Không Liễu tri tất cả pháp, tức không hiểu biết đúng như thật tất cả pháp. Tất cả Pháp học, Pháp hành mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng là nhằm thay đổi Ý thức từ Tà Tri Kiến thành Chánh Tri Kiến. Đó còn gọi là chuyển Mê khai Ngộ. Sự giải thoát tối hậu chỉ xẩy ra khi Chánh Tri Kiến được tu tập, được làm cho viên mãn đưa đến đoạn diệt không có dư tàn Tà Tri Kiến. Nhưng Chánh Tri Kiến hay Trí Tuê hay Minh không sẵn có, không tự có, không vốn có nơi mỗi chúng sanh mà muốn đạt được nó phải thực hành đúng theo lộ trình mà Đức Phật đã giảng dạy. Đó là : Văn – Tư – Tu. Văn là nghe giảng hoặc nghiên cứu lời dạy của Phật về Lý Duyên Khởi về Tứ Thánh Đế. Đây là những điều chưa từng được nghe, chưa từng được biết, không phải những sự thật, những chân lý này sẵn có nơi mỗi chúng sanh mà phải do Phật khai thị. Những hiểu biết đúng sự thật này cũng không sẳn có, không tự có nơi Đức Phật, mà Ngài đã tự minh quán sát và tư duy nơi sự thật đang diễn ra rồi tự mình chứng ngộ và tuyên thuyết. Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân Ngài đã tự thán: Sự thật về Khổ ( Khổ Thánh Đế ) là điều mà Ta chưa bao giờ được nghe, nay đã khởi lên nơi Ta… Nghĩa là cái hiểu biết đúng như thật về Khổ không có nơi Ngài trước đây, không sẵn có nơi kho chứa tâm thức Ngài trước thời điểm này. Tư là tư duy về những điều đã được nghe, chấp nhận điều đã được nghe, làm cho lớn rộng và sâu sắc điều đã được nghe. Tu là thực hành Bát Chánh Đạo để kinh nghiệm, Thực Chứng và An Trú được Những Điều Đã Được Nghe. Chính vì vậy Văn là bước đầu tiên, nếu không có Văn thì không thể có Tư và Tu đúng pháp. Nội dung của Văn là hiểu biết đúng như thật về Lý Duyên Khởi và hiểu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo. Trong hai đề mục này thì Lý Duyên Khởi cực kỳ quan trọng vì chỉ có Lý Duyên Khởi mới có thể soi sáng, mới có thể đưa đến hiểu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo. Đức Phật đã khẳng định: Ai thấy ( đúng như thật ) Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai. Trí Tuệ này không có, không sẵn có nơi hiểu biết của Phàm phu mà hiểu biết của Phàm phu chỉ có Tà Tri Kiến, chỉ có Vô minh về Lý Duyên Khởi , Vô minh về Khổ Tập Diệt Đạo. Hãy từ bỏ tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu có Vô minh, Tà kiến. Hãy học hỏi , tu tập, chứng ngộ và an trú tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh có Minh , Chánh Kiến.