Một thời Thế Tôn trú ở Saketa, tại khu vườn Kalaka. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
– Này các Tỷ kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :
– Này các Tỷ kheo, cái gì trong toàn thế giới này được quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người thấy, nghe, cảm nhận … tư sát, tất cả Ta đều biết. Này các Tỷ kheo, cái gì trong toàn thế giới này được chư thiên và loài người thấy, nghe … tư sát, Ta đã được biết rõ như sau: “Tất cả đều được Như Lai biết đến, Như Lai không có dựng đứng lên”. Này các Tỷ kheo, nếu Ta nói rằng : “Ta biết tất cả những gì trong toàn thế giới này”. Như vậy là có nói láo trong Ta. Nếu Ta nói rằng : “Ta cả hai biết và không biết”. Như vậy là có nói láo trong Ta. Nếu Ta nói như sau : “Ta không biết và cũng không phải biết”. Như vậy là có nói láo trong Ta. Như vậy là có lỗi trong Ta.
– Như vậy, này các Tỷ kheo, Như Lai là vị đã thấy những gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng về điều được thấy, không có tưởng tượng về những gì không được thấy, không có tưởng tượng về những gì cần phải thấy, không có tưởng tưởng về người thấy. Đã nghe những gì cần nghe nhưng không có tưởng tượng về những gì được nghe, không có tưởng tượng về những gì cần nghe, không có tưởng tượng về người nghe. Đã cảm nhận những gì cần cảm nhận nhưng không có tưởng tưởng về những gì cảm nhận, không có tưởng tượng những gì cần cảm nhận, không có tưởng tượng về người cảm nhận. Đã nhận thức những gì cần nhận thức nhưng không có tưởng tượng về những gì được nhận thức, không có tưởng tưởng về những gì không được nhận thức, không có tưởng tượng về những gì cần phải nhận thức, không có tưởng tượng về người nhận thức. Như vậy, này các Tỷ kheo, Như Lai đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức, đều đã biết rõ, nên vị ấy là như vậy. Lại nữa, hơn người như vậy, không có ai tối thượng hơn và thù thắng hơn. Ta tuyên bố như vậy.
Những gì được thấy, nghe.
Được cảm nhận ( rồi ) chấp trước.
Được nghĩ là chân thực.
Giữa những người thấy vậy.
Ta không phải như vậy.
Những điều chúng tuyên bố.
Dầu là thật hay láo.
Ta không xem tối hậu.
Ta trong thời đã qua.
Thấy được mũi tên này.
Loài người bị câu móc.
Ta thấy và Ta biết.
Các Đức Phật Như Lai.
Không tham đắm như vậy.
( Bài kinh này trong Tăng Chi Bô Kinh )
Bàn luận : Nếu theo hiểu biết vô minh của thế gian sẽ thấy câu đầu ” Tất cả đều được Như Lai biết đến, Như Lai không có dựng đứng lên” và 3 câu sau “Nếu Ta nói rằng Ta biết tất cả trong toàn thế giới này là có nói láo trong Ta” vv… mâu thuẩn nhau. Và như vậy lời tuyên bố của Đức Phật có sự mâu thuẩn. Nhưng Đức Phật là bậc Đại Trí Tuệ, lời nói Ngài không thể tiền hậu bất nhất, không thể mâu thuẩn nhau. Hãy bằng Văn Tư Tu để thấy ra ý nghĩa thật sự của các câu đó và thấy 3 câu sau không hề mâu thuẩn với câu đầu mà 3 câu sau còn làm rõ hơn nghĩa lý của câu đầu.