PHÁP HÀNH TỨ NIỆM XỨ
V,Nghiệp nhân và nghiệp quả
1./ Quả của nghiệp:
Cuộc sống của mỗi một người nếu chưa giải thoát là kết quả của các nghiệp đã tạo tác trong quá khứ. Kết quả ấy có quả khổ, quả vui, quả không khổ không vui. Quả khổ, quả vui hoặc quả không khổ không vui phát sinh khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần theo lộ trình tâm bát tà đạo.
Xúc – cảm giác – tưởng – tà niệm – tà tư duy – tà kiến – tham, sân, si.
Khi có một cảm thọ khởi lên đưa đến cái biết ý thức nhị nguyên (tà kiến) xác định đối tượng đó là dễ chịu (lạc thọ) thì thích thú. Đây là thọ lãnh quả vui. Đối tượng đó là khó chịu (khổ thọ) thì chán ghét. Đây chính là thọ lãnh quả khổ. Đối tượng đó là trung tính (bất khổ bất lạc thọ) thì không yêu thích cũng không chán ghét. Đây chính là thọ lãnh quả không khổ không vui.
Nói một cách nôm na: khi nhìn thấy sắc đẹp là quả vui, sắc xấu là quả khổ, sắc không đẹp không xấu là quả không khổ không vui. Khi nghe âm thanh hay là quả vui, âm thanh dở là quả khổ, âm thanh không hay không dở là quả không khổ không vui. Khi mũi ngửi mùi thơm là vui, thối là khổ, và không thơm không thối là quả không khổ không vui. Khi lưỡi nếm vị ngon là vui, dở là khổ, không ngon không dở là không khổ không vui. Thân xúc chạm với xúc trần dễ chịu là vui khó chịu là khổ, không dễ chịu không khó chịu là không khổ không vui. Khi ý tiếp xúc với pháp, thích tư tưởng đó là vui, ghét tư tưởng đó là khổ và khi không thích không ghét là quả không khổ không vui. Kể cả lúc ngủ mơ cũng có quả vui quả khổ và quả không khổ không vui tương tự như vậy.
Như vậy quả của nghiệp có thể có ba loại: khổ, vui, và không khổ không vui. Có thể có cách xếp loại khác là quả thiện, quả ác và quả không thiện không ác (vô ký) nhưng hiểu được quả theo cách phân loại này rất khó khăn, chưa có một thuyết minh rõ ràng hợp lý để phân biệt được ba loại quả thiện, ác, vô ký. Trong hai cách phân loại quả của nghiệp này không được đồng hóa quả vui với quả thiện, quả khổ với quả ác, vì rằng quả vui chưa chắc đã là quả thiện và quả thiện chưa chắc là quả vui. Ví như tên trộm vui mừng khi thấy đồ mình ăn trộm được thì đó là vui nhưng không thiện, hoặc một người cứu người khác mà bị gãy tay là khổ nhưng không ác.
2./ Nghiệp nhân:
Nếu một người trước đây họ thích thú ăn mắm tôm thì trong kho chứa của họ có những thông tin về mùi, vị mắm tôm với hiểu biết là nó ngon lành thơm tho hấp dẫn. Khi lưỡi người đó tiếp xúc với mắm tôm, cảm giác vị và thiệt thức khởi lên, sau đó Niệm kích hoạt thông tin này cho Tư duy đối chiếu với thông tin về cảm giác vị vừa phát sinh và khởi lên ý thức: vị này rất ngon và người này đang thọ lãnh quả vui. Nếu một người đã từng rất ghét khi ăn mắm tôm thì trong kho chứa của họ lưu giữ thông tin vị mắm tôm thật kinh tởm. Nếu lưỡi người này tiếp xúc với mắm tôm, lộ trình tâm khởi lên tương tự và đưa đến ý thức: vị này thật ghê tởm và người này đang thọ lãnh quả khổ. Chính lượng thông tin về vị của mắm tôm trong kho chứa của mỗi người là nhân đưa đến quả khổ quả vui của họ.
Có hai thanh niên cùng nhìn một cô gái nhưng có hai thái độ khác nhau, một người thích thú là thọ lãnh quả vui, một người chán ghét là thọ lãnh quả khổ. Sự khác nhau này là do sự khác nhau về lượng thông tin trong kho chứa: quan niệm về cái đẹp của phụ nữ của họ trái ngược nhau, vì vậy tuy nhãn thức thấy cảm giác hình ảnh của hai người này khá giống nhau nhưng cái biết ý thức nơi họ khác nhau vì niệm và tư duy kích hoạt và sử dụng hai loại thông tin khác nhau.
Vậy cái gì là nghiệp nhân làm phát sinh nghiệp quả? Nghiệp nhân chính là lượng thông tin chứa trong kho chứa bao gồm: vô minh, Ta của ta, tri thức, kinh nghiệm, thói quen v.v… Lượng thông tin này được lưu giữ ở trong cấu trúc ADN của tế bào. Sau mỗi lộ trình tâm nó cũng tăng lên, giảm đi tùy theo sự vận hành. Lượng thông tin này chính là nghiệp chủ yếu do hành động về thân (thân nghiệp) do lời nói (khẩu nghiệp) và do tâm ý (ý nghiệp) lưu vào.
3./ Sự vận hành từ nghiệp nhân đến nghiệp quả
Nghiệp chính là lượng thông tin được lưu giữ trong cấu trúc ADN của mỗi tế bào trong cơ thể, một mình nó không thể phát sinh ra quả vì không thể có một nhân sinh quả mà phải có hai nhân tiếp xúc với nhau (tương tác với nhau) mới phát sinh ra quả. Vì vậy khi có căn trần tiếp xúc phát sinh cảm giác và cái biết trực tiếp (Tưởng), lượng thông tin này sẽ được truyền dẫn vào tế bào thần kinh não bộ và tại đây sẽ phát sinh sự tiếp xúc hay tương tác giữa hai lượng thông tin đưa đến phát sinh niệm, tư duy, ý thức, tức phát sinh nghiệp quả. Vậy nghiệp chính là một nhân trong hai nhân phát sinh ra quả theo lộ trình tâm Bát tà đạo.
Ngoài trường hợp căn trần tiếp xúc, lượng thông tin được truyền dẫn theo dây thần kinh dẫn truyền vào kho chứa có một số trường hợp đặc biệt, phi nhân hoặc người có tha tâm thông có thể phát đi thông tin và truyền dẫn “không dây” vào kho chứa thông tin của người đó, làm phát sinh sự tương tác giữa hai loại thông tin và cũng làm phát sinh nghiệp quả. Nghiệp nhân là lượng thông tin lưu giữ trong kho chứa, nếu một mình nó sẽ không cho quả, phải có thêm nhân khác và đủ duyên (tương tác được với nhau) mới cho quả, vì vậy có những nghiệp nhân cho quả ở lộ trình tâm sau đó, nhưng cũng có nghiệp nhân phải một thời gian dài hoặc thậm chí nhiều đời sau mới trổ quả. Có những nghiệp nhân chỉ trổ quả chỉ một lần, có những nghiệp nhân trổ quả nhiều lần.
— Một người có cảm giác khát nước thì lộ trình tâm khởi lên lưu thông tin khát nước vào kho chứa và nó là một nghiệp nhân. Khi người đó uống nước, phát sinh một cảm giác mát mẻ, lộ trình tâm này phát sinh quả vui và thông tin này được lưu vào kho chứa và xóa đi thông tin về khát nước. Như vậy nghiệp nhân này chỉ trổ quả có một lần rồi diệt.
— Hai vợ chồng đang cãi nhau căng thẳng thì những thông tin đó được lưu vào kho chứa và là nghiệp nhân. Ngay lúc đó người con trai họ đi làm xa đã nhiều năm trở về, mang một va li đầy tiền. Lúc này lộ trình tâm phát sinh quả vui lưu vào kho chứa đồng thời xóa luôn thông tin cãi nhau, nghiệp nhân vừa được lưu vào trước đó.
— Một đôi vợ chồng cãi nhau kịch liệt và những thông tin đó lưu vào kho chứa là nghiệp nhân cho quả khổ phát sinh. Người chồng sau đó tiếp tục giận dữ, đau khổ nên bỏ nhà đi chơi. Suốt ngày đó, suốt đêm đó anh ta tìm tới bạn bè ăn nhậu, chơi bời. Tuy các lộ trình tâm về ăn nhậu và chơi bời là chính nhưng cũng có rất nhiều lộ trình tâm có sự “tiếp xúc” với nghiệp nhân kia nên quả khổ vẫn tiếp tục khởi lên. Hôm sau anh ta vẫn không về nhà vì lộ trình tâm khởi lên quả khổ do cãi nhau với vợ vẫn còn, nhưng nó ít hơn ngày hôm trước. Tối ngày thứ hai anh ta mệt mỏi trở về nhà và ngủ một giấc rất ngon sau hai ngày lang bạt. Sáng ngày thứ ba tỉnh dậy không còn buồn khổ nữa, anh ta làm lành với vợ. Như vậy nghiệp nhân này trổ quả hai ngày liên tục mới “cạn kiệt” đi.
4./ Lộ trình Bát chánh đạo vô hiệu hóa nghiệp Nhân:
Nghiệp nhân phát sinh nghiệp quả được vận hành trên lộ trình tâm Bát tà đạo cho quả khổ, quả vui, quả không khổ không vui. Trên lộ trình tâm bát chánh đạo nhờ Chánh niệm kích hoạt Minh cho Chánh tư duy phân tích so sánh đối chiếu nên đưa đến cái biết Chánh kiến. Chánh kiến này làm cho người tu an trú được Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát nên vị ấy hoàn toàn bình thản không còn quả khổ, quả vui, quả không khổ không vui nữa. Đối với vị hữu học khi vị ấy an trú bốn niệm xứ, lộ trình tâm Bát chánh đạo có Chánh niệm, Chánh tư duy vẫn sử dụng những tri thức kinh nghiệm nhưng vì vô minh ta, của ta đã được nhiếp phục nên những tri thức kinh nghiệm này đã được thanh lọc nên không còn phát sinh quả khổ, quả vui, quả không khổ không vui. Đối với vị vô học, Vô minh Ta, của Ta đã bị đoạn diệt hoàn toàn nên các tri thức kinh nghiệm trong kho chứa đã được thanh lọc hoàn toàn nên không còn trổ quả khổ, quả vui hay quả không khổ không vui nữa.
Ví như người thứ nhất ăn mắm tôm thọ lãnh quả vui, người thứ hai thọ lãnh quả khổ, người thứ ba nếu có tu tập Tứ niệm xứ, thì sau khi lưỡi tiếp xúc với mắm tôm phát sinh cảm giác vị và cái biết trực tiếp thiệt thức, Chánh niệm sẽ khởi lên làm phát sinh chánh tinh tấn, làm phát sinh Chánh định. Do có sự chú tâm (Chánh định) mà lộ trình tâm xảy ra là:
Xúc → Cản giác vị – Thiệt thức → Chánh niệm → Chánh tinh tấn → Chánh định → Tỉnh giác.
Lộ trình tâm chỉ dừng lại cái biết trực tiếp gọi là tỉnh giác, một cái biết không ngôn từ, tri thức, khái niệm do căn trần tiếp xúc mà phát sinh, không liên quan gì đến kho chứa thông tin. Lúc này người này an trú cái biết Tỉnh giác hay an trú Tâm giải thoát và như vậy không có quả khổ, quả vui ở đây. Vì vậy việc tu tập đi đến giải thoát không phải là trả hết nghiệp trong quá khứ hay chuyển nghiệp mà là thanh lọc lượng thông tin gọi là nghiệp đó khỏi “vô minh, ta, của ta”.
5./ Thức tái sinh
Con người (ngoại trừ các bậc Thánh A la hán) lúc sinh thời khao khát sống, mong muốn sống, bám víu lấy sự sống vì nhận thức cuộc sống là tươi đẹp, tràn đầy niềm vui và hy vọng, còn chết là đau khổ, là mất tất cả. Lượng thông tin ấy lưu vào kho chứa là nghiệp nhân, nên khi ốm đau hoặc sắp chết, Niệm kích hoạt các thông tin đó đưa đến cái biết ý thức và phát sinh thái độ cũng như phản ứng đối với cái chết là hoảng sợ, kinh hãi, bám víu lấy cuộc sống, tìm kiếm một sự sống còn. Chính đây là nhân làm phát sinh thức tái sinh. Khi hơi thở ra cuối cùng chấm dứt trong ADN của tế bào não xảy ra một sự đột biến. Giống như hai cực của một máy hàn đang có điện tương tác với nhau, lập tức phát sinh một tia lửa điện (hồ quang). Sự đột biến trong ADN đưa đến phát sinh ra một loại vật chất đặc biệt vi tế có tính lượng tử (sóng và hạt). Lượng vật chất đặc biệt vi tế này có một số tính chất của tế bào thần kinh não bộ (của hạt) nhưng tính chất sóng của nó có thể mang tải lượng thông tin về tâm được lưu giữ trong cấu trúc ADN của người chết. Giống như khi viết một tin nhắn trên điện thoại và bấm gửi đi, thì lập tức chiếc điện thoại đó phát ra một loại sóng điện từ mang tải lượng thông tin của tin nhắn ấy. Cũng y như vậy loại vật chất vi tế đặc biệt mang trong nó lượng thông tin về tâm của người chết, phát sinh lúc tế bào não chết gọi là thức tái sinh.
Thức tái sinh có hai phần: phần vật chất đặc biệt vi tế ấy gọi là Sắc, phần thông tin về tâm của người chết gọi là Danh. Như vậy thức tái sinh bao gồm Danh và Sắc chứ không phải chỉ là Tâm, thực chất nó là một Hóa sanh. Do Sắc này mang một số tính chất của tế bào thần kinh não bộ mà có tiếp xúc (Xúc) giữa các loại thông tin ngay trong bản thân nó giống như ý tiếp xúc với pháp trần của một người, tức nội xúc này xảy ra ngay bên trong mỗi tế bào thần kinh não bộ. Do có nội xúc này mà hóa sanh cũng có lộ trình tâm khởi lên giống như lộ trình tâm, ý tiếp xúc với pháp của con người, và vì vậy hóa sanh có cái biết trực tiếp là tưởng thức và cái biết ý thức. Với một người thường lúc mơ ngủ năm giác quan ngưng hoạt động, lúc đó tế bào não ở trạng thái lơ mơ, lúc đó tế bào thần kinh não bộ không còn phải tiếp nhận các thông tin do năm căn tiếp xúc với năm trần phát sinh, mà chỉ còn ý tiếp xúc với pháp trần nên những gì được thấy được biết là do lượng thông tin trong kho chứa tự tiếp xúc với nhau mà phát sinh chứ không phải là bên ngoài. Cũng y như vậy, thấy và biết của hóa sanh là do lượng thông tin trong kho chứa tiếp xúc mà phát sinh chứ không phải là thế giới bên ngoài.
Thức tái sinh thực chất là một Hóa Sanh, cũng là một chúng sanh được phân biệt với Thai sanh hoặc Trứng sanh. Hóa sanh này cũng đam mê tham đắm, cũng vui mừng buồn giận, cũng thọ lãnh quả khổ, quả vui giống như một con người đang sống trong các giấc mơ của mình vậy. Những quả báo khổ, vui mà hóa sanh cảm nhận xảy ra do các lượng thông tin (nghiệp) trong kho chứa tiếp xúc với nhau vì vậy nó là các quả báo, các nghiệp nhân thiện ác mà trong đời người đó đã tạo tác và được lưu giữ trong kho chứa.
Hóa sanh này tồn tại kể từ khi người đó chết cho đến khi nào mà nghiệp thiện và nghiệp ác vận hành cho quả báo khổ vui đã cạn kiệt hoàn toàn. Lúc đó hóa sanh này sẽ vào Thai sanh hoặc Trứng sanh.
Cái biết Tưởng thức và Ý thức của Hóa sanh giống như cái biết của một người đang mơ khi ngủ (đây là cảnh ảo) nhưng Hóa sanh còn có một cái biết khác là khả năng tha tâm thông, biết qua kho chứa của người khác. Do có sắc pháp đặc biệt vi tế như vậy nên Hóa sanh có thể thâm nhập kho chứa thông tin của một người khác. Khi sáu căn người đó tiếp xúc với sáu trần, phát sinh thấy và biết, các thông tin ấy được lưu vào kho chứa và Hóa sanh biết được những gì đang xảy ra nhờ vào thông tin trong kho chứa của người đó. Nhưng khác với người sống biết các cảnh “thực” còn Hóa sanh biết cảnh “ảo” giống như thấy nơi “màn hình” vậy.
a.- Một người thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, như một đồ tể chẳng hạn, khi hấp hối đến giai đoạn năm giác quan ngưng hoạt động, người này không còn biết gì về thế giới bên ngoài mà chỉ còn lộ trình tâm thứ sáu do ý tiếp xúc với pháp trần mà phát sinh. Lúc này mọi hình ảnh khủng khiếp, những nghiệp ác được lưu giữ sẽ phát sinh. Điều này tương tự như một giấc mơ kinh hoàng, khủng khiếp đầy kinh sợ cũng do ý tiếp xúc với pháp trần mà phát sinh. (Khi mơ năm giác quan cũng ngưng hoạt động, chỉ có ý tiếp xúc với pháp trần, nhưng thần kinh não bộ không tỉnh táo mà chỉ trong trạng thái lơ mơ). Khi người này chết phát sinh một Hóa Sanh thì Hóa Sanh này lại tiếp tục cái thấy đó, một thế giới khủng khiếp, dữ dội, đầy kinh sợ, chất chồng sợ hãi và đau khổ, do nghiệp ác và tà kiến lưu giữ trong “kho chứa” tạo thành. Trạng thái này liên tục kéo dài không ngưng nghỉ và hành hạ họ cho đến khi các ác nghiệt cạn kiệt, lúc các ác nghiệp cạn kiệt họ mới có thể vào thai sinh hoặc trứng sinh theo định luật ‘tương hợp’ của nghiệp. Cảnh giới này chính là cảnh giới địa ngục.
b.- Hạng người ít tham dục, ít mê đắm cuộc sống vật chất, xu hướng chính của họ là cuộc sống tinh thần thanh cao hoặc những người ưa thích thiền định, xu hướng chính trong đời là thiền định, khi giai đoạn cuối lúc hấp hối chỉ còn ý tiếp xúc với pháp, họ an trú trong những cảnh giới tốt đẹp, không sợ hãi đối với những gì được thấy mà còn có hỷ lạc. khi Hóa Sanh phát sinh ‘họ’ an trú trong trạng thái này, an hưởng hỷ lạc cho đến khi nghiệp lực cùng tận, lúc đó họ mới tiếp tục vào thai hay trứng sanh theo định luật của nghiệp. Cảnh giới này chính là cảnh giới chư Thiên
Những người đã trú được sơ thiền, nhị, tam, hoặc tứ thiền trong pháp tu Bát chánh đạo và pháp học Tứ Thánh Đế của họ vững chắc, nhưng họ vẫn còn ái luyến đối với hỷ lạc của các bậc thiền ấy, thì khi chết Hóa Sanh của họ an trú trong hỷ lạc ấy cho đến khi nghiệp lực ấy tận. Khi nghiệp lực ấy tận, họ không còn vào trứng sanh hoặc thai sanh mà trở thành Bất lai và nhập Niết bàn tại đấy.
c.- Đa phần con người với tâm khát khao mong mỏi tìm cầu hạnh phúc, lạc thú ở đời, ràng buộc, chấp giữ hạnh phúc lạc thú vật chất và tinh thần nên khi chết Hóa Sanh của họ tiếp tục chịu sự chi phối của các thông tin (nghiệp lực) này trong “kho chứa”. Cái thấy của các Hóa Sanh này đan xen giữa những cảnh ảo trong chính “kho chứa” của họ, với những cảnh ảo trong ‘kho chứa” của những người mà tha tâm thông của Hóa Sanh thâm nhập. Những gì được thấy đều không minh bạch mà lộn xộn, khó hiểu, xuất hiện một cách vô lối như một giấc mơ. Hóa Sanh như bị lạc vào một mê cung xen lẫn với những cảnh quen và la, không có một nơi chốn cố định. Họ cố sức tìm đường trở về nhà nhưng vô vọng. Hoang mang, tuyệt vọng, đau khổ tột độ, thậm chí họ cũng không biết là mình đã chết. Đôi lúc họ thâm nhập được “kho chứa” một số người đã chết mà họ quen biết. Có những lúc họ thâm nhập được “kho chứa” của những người thân, họ lại trở về nhà của họ. Họ thấy bà con thân quyến đang than khóc trên thân xác của mình. Họ cố gắng an ủi người thân đang đau khổ nhưng không ai trả lời họ. Họ chứng kiến được tất cả mọi chuyện đang xảy ra.Tương tự như trong một giấc mơ cả năm giác quan đều ngưng hoạt động, chỉ còn thần kinh não bộ hoạt động lơ mơ, nhưng con người vẫn khát khao, vẫn thèm muốn những gì được thấy trong mơ. Các Hóa Sanh này vẫn khát khao, thèm muốn hưởng hạnh phúc, lạc thú của họ. Họ vẫn cồn cào khi thấy các món ăn, vẫn thèm khát đối với tình dục, vẫn thích thú những thứ họ đã sử dụng trong đời v.v… Nhưng đối với họ thật là tuyệt vọng, thật là đau khổ. Họ không thể làm được những điều họ muốn vì tất cả chỉ là cảnh ảo. Hãy hình dung ra những nỗi khổ đau tuyệt vọng của một Hóa Sanh nếu sinh thời người này đam mê, đắm say, tận hưởng hạnh phúc, lạc thú ở nhà cửa, xe cộ, tiện nghi sang trọng, thức ăn thượng hạng, người tình lý tưởng, quyền lực vô song v.v… bỗng nhiên tất cả đều mất sạch, đều sang tay người khác sử dụng và họ đang phá nát những thứ đó của mình. Một mặt khả năng tha tâm thông làm cho Hóa Sanh thấy được thế giới này qua cảnh ảo, nhưng nó cũng làm cho Hóa Sanh hết sức đau khổ. Hóa Sanh phát hiện ra rất nhiều sự thật đau lòng mà khi còn sống y không biết. Nhờ tha tâm thông mà y biết được một người bạn chí cốt đã bao nhiêu năm phản bội, hãm hại mình; người vợ mà mình tin tưởng đã bao lần ngoại tình; một người mình đã hãm hại chỉ vì lúc đó mình hiểu nhầm người đó v.v… Y cũng sẽ điên tiết lên khi thấy người vợ mà y đã đam mê và cũng đã đam mê y trong bấy nhiêu năm, bây giờ đang đam mê và giao cấu với người đàn ông khác.
Khát khao hạnh phúc lạc thú cùng với đau khổ tuyệt vọng, Hóa sinh này bị trôi dạt từ cảnh ảo này đến ảo cảnh khác. Một số ít Hóa Sanh có sự “tương hợp” cao đối với một số người họ thâm nhập, nên họ điều khiển được những người này: nói lên hay hành động theo ý muốn của họ. Các Hóa Sanh này vì đau khổ tuyệt vọng muốn tận hưởng các lạc thú để chấm dứt những đau khổ này nên họ chỉ muốn sử dụng thân xác người khác để tận hưởng những khát khao của họ. Cái chung nhất cho các trường hợp này là khi được hỏi họ đều nói lên những nỗi thống khổ mà họ đang trải qua, ví dụ như đói khát, lạnh, không biết đi về đâu v.v… Họ muốn người ta cúng giỗ cho họ, bởi những gì họ thấy không phải là của họ, họ không chạm tới nó được, vậy nếu người ta cúng nhân danh họ thì họ có thể sở hữu được.Đây là tà kiến của họ, tà kiến này nằm sẵn nơi ‘kho chứa” từ khi họ còn sống.
Tuy một số ít Hóa Sanh có thể xâm nhập và điều khiển một người với mục đích thỏa mãn khao khát của họ, để họ có thể thoát khỏi nỗi thống khổ, nhưng kết quả không như họ mong muốn. Vì vậy, họ vẫn xuất, nhập nhiều lần bởi không thể tìm được một nơi trú ẩn an toàn, nơi thể xác một con người mà họ thâm nhập.
Thời gian Hóa Sanh này tồn tại là bao nhiêu? Không có một thời gian nào là cố định. Có thể là vài ba ngày, vài ba tháng, vài năm, vài ba trăm năm, vài ngàn năm v.v… Hóa Sanh sẽ tồn tại như vậy cho đến lúc nào nghiệp lực cạn kiệt. Lúc đó họ mới có thể vào thai sanh hoặc trứng sanh, mới kết thúc được cảnh khổ này. Thí dụ đối với một người bệnh tật nằm liệt giường lâu ngày họ không còn ham muốn hạnh phúc lạc thú ở đời, họ không muốn sống thêm nữa thì khi chết Hóa Sanh của họ sẽ tồn tại trong một thời gian ngắn. Ngược lại một người chết khi còn trẻ, nhiều ham muốn nhất là luyến ái vợ hoặc chồng thì thời gian tồn tại của Hóa Sanh sẽ kéo dài. Một người đang theo đuổi một vụ kiện với sự hận thù, hoặc một người bị người khác hãm hại giết chết, vì tai nạn đột ngột, chết vì chiến tranh v.v…, những Hóa Sanh này sẽ tồn tại rất lâu.
Sự tạo tác các nghiệp thiện, ác ở thân khẩu ý trong đời này được lưu vào kho chứa thông tin trong ADN và trổ quả khổ, vui trong đời này và cả sau khi chết trở thành hóa sanh và đặc biệt mãnh liệt đối với hóa sanh. Những nghiệp thiện, ác này phải trổ quả cho đến cạn kiệt mới có thể nhập vào thai sanh hoặc trứng sanh.
Một số rất ít người mà nghiệp đã tạo tác thiên về thiện sau khi chết trở thành hóa sanh với cảnh giới chư Thiên. Đa phần nhân loại sau khi chết hóa sanh ở cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ hoặc trung gian. Hãy ghi nhớ rằng nỗi khốn khổ khi phải trải qua các hóa sanh không thể nào đo lường được. Hãy hình dung những nỗi thống khổ mà một người đã trải qua cộng với những nỗi thống khổ trong cuộc đời mà người đó biết qua các phương tiện thông tin chẳng thấm tháp gì so với nỗi khổ của hóa sanh.
Sanh y là khổ là như vậy, còn sanh ra còn khổ là như vậy. Hãy tinh tấn nỗ lực để trở thành vô sanh y ngay trong kiếp sống này.