RÀNG BUỘC HAY GIẢI THOÁT ĐỀU LÀ TƯ TƯỞNG

RÀNG BUỘC HAY GIẢI THOÁT ĐỀU LÀ TƯ TƯỞNG

RÀNG BUỘC HAY GIẢI THOÁT ĐỀU LÀ TƯ TƯỞNG
Khát vọng của nhân loại là ĐỘC LẬP TỰ DO cho mỗi một con người, mỗi một gia đình, mỗi một đất nước. Điều này được thể hiện trong Hiến Chương Liên Hợp Quốc là để hiện thực hoá : Quyền Sống, QUYỀN TỰ DO và Quyền Mưu Cầu Hạnh phúc của mỗi một con người. Nhưng cho dù nhân loại có “vùng vẩy” kiểu nào đi nữa thì ĐỘC LẬP TỰ DO hay GIẢI THOÁT cũng chỉ là Khát Vọng, không bao giờ là Hiện Thực, ngoài trừ một số bậc Thánh đã Giác Ngộ, rất ít ỏi. Vì sao vậy ? Vì nhân loại không hiểu được RÀNG BUỘC NÔ LỆ hay TỰ DO GIẢI THOÁT đều do TƯ TƯỞNG.
Vậy tư tưởng là cái gì ? Tư Tưởng theo nguyên nghĩa của từ Hán Việt này là sản phẩm của Tưởng và Tư. Nghĩa là tư tưởng phát sinh do Tư duy ( phân tích so sánh đối chiếu ) những thông tin do Tưởng cũng cấp ( Tưởng là tâm biết trực tiếp giác quan có phận sự ghi nhận đối tượng mà Triết học và Tâm lý học gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng ) với những thông tin tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm đã học hỏi từ quá khứ. Tư tưởng chính là nội dung của tâm biết Ý thức, hiểu biết về các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức. Tuỳ thuộc vào tư tưởng ( hiểu biết đối tượng ) mà sẽ phát sinh Thái độ đối với đối tượng. Nếu Thái Độ có Tham, có Sân, có Si thì sẽ Ràng buộc với đối tượng. Nếu Thái Độ khôngTham, không Sân, không Si thì sẽ Giải Thoát khỏi đối tượng.
1 – TƯ TƯỞNG ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT : là những hiểu biết đúng sự thật tính chất các pháp, đúng sự thật về thực tánh các pháp như tánh chất Duyên khởi, tánh chất Vô thường, tánh chất Vô chủ, Vô sở hữu hay Vô ngã. Đặc biệt một thực tánh khó thấy, khó biết là VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU của các pháp, nghĩa là không có bất kỳ một cái gì là Chủ nhân, Chủ sở hữu các pháp. Điều này cũng có nghĩa là không có một cái TA hay BẢN NGÃ là chủ nhân, chủ sở hữu của các pháp, nghĩa là VÔ NGÃ. Bậc Thánh giác ngộ thực tánh nên khi đối diện với bất kỳ một đối tượng nào ( được thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức ) đều sống với TƯ TƯỞNG VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU ( VÔ NGÃ ), và vì vậy mà không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ luỵ với bất kỳ đối tượng nào. Vì vậy, sống với tư tưởng Vô chủ, Vô sở hữu ( Vô ngã ) là sống với ĐỘC LẬP TỰ DO, sống với GIẢI THOÁT.
2 – TƯ TƯỞNG ĐƯA ĐẾN RÀNG BUỘC : là những hiểu biết SAI SỰ THẬT về thực tánh các pháp, gọi là Vô minh mà đặc biệt là Tư tưởng CHỦ NHÂN, CHỦ SỞ HỮU ( Tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu ). Nhân loại hiểu biết quy luật nhân quả theo định thức Một Nhân Sinh Quả hay Nhân chính biến đổi thành Quả có các Nhân phụ ( hay Duyên ) trợ giúp nên các pháp LỆ THUỘC LẪN NHAU, quan hệ với nhau theo tính chất CHỦ NHÂN, CHỦ SỞ HỮU và vì vậy giữa các pháp luôn luôn tồn tại chữ CỦA. Ngọt của đường, mặn của muối, ngon dở của thức ăn, nóng của lửa, lạnh của nước đá, mẹ của con … Trong tư tưởng Chủ nhân, Chủ Sở Hữu xuất hiện một cái Ta, hay một Bản Ngã là chủ nhân, chủ sở hữu của các pháp. Thân của Ta, Tâm của Ta, nhà của Ta, xe của Ta, vợ của Ta, đất nước của Ta, vũ trụ của Ta, Đạo của Ta vv … Tư tưởng Chủ nhân, Chủ sở hữu chi phối đời sống nhân loại nên dù là một cá nhân, một gia đình, một giai cấp, một đất nước, hay toàn thể nhân loại, ai ai cũng đang nỗ lực phấn đấu để xác lập, củng cố, bảo vệ quyền làm chủ, quyền sở hữu. Kẽ Phàm phu khi đối diện với các đối tượng, thì sống với TƯ TƯỞNG CHỦ NHÂN, CHỦ SỞ HỮU, “Cái này là của Ta, là Ta, là Bản ngã của Ta”, vì vậy mà RÀNG BUỘC NÔ LỆ vào đối tượng. Ví như đôi trai gái chưa yêu nhau, chưa cưới nhau thì Không Ràng Buộc nhau nhưng khi yêu nhau cưới nhau, lập tức xuất hiện tư tưởng : “Cô này là của Ta, là vợ Ta” thì Ràng Buộc nhau, lệ thuộc nhau. Từ cổ chí kim loài người đã sáng tạo ra biết bao nhiêu hệ tư tưởng, biết bao tôn giáo với các tư tưởng khác nhau, làm cách mạng để thay đổi ý thức hệ nhưng rốt cuộc cái ràng buộc, CÁI TRÓI CHẶT CON NGƯỜI LẠI LÀ TƯ TƯỞNG DO CHÍNH CON NGƯỜI SÁNG TẠO RA. Vì sao vậy ? Vì các tư tưởng ấy, các ý thức hệ ấy đều là Vô Minh, đều là tư tưởng Chủ nhân, Chủ sở hữu ( Chấp ngã ). Lịch sử nhân loại đã ghi lại biết bao nhiêu cuộc cách mạng giai cấp, biết bao nhiêu cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nhằm đưa lại tự do, giải thoát cho con người khỏi kiếp nô lệ giai cấp, nô lệ thiên nhiên, nô lệ môi trường sống nhưng kết quả đạt được chỉ là thay cái ách nô lệ này bằng ách nô lệ khác mà thôi. Vì sao vậy ? Vì con người sống bởi tư tưởng Vô minh chấp ngã và vì thế con người mãi mãi là nô lệ của THAM ÁI do chính tư tưởng Vô minh chấp ngã của mình tạo nên.
3 – Kẻ Phàm Phu ít nghe, không gặp các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh ( không có Văn Tư Tu ) nên sống bởi tư tưởng Vô Minh, CHỦ NHÂN, CHỦ SỞ HỮU, tư tưởng “Cái này là của Ta, là Ta, là Tự ngã của Ta”, mà không biết đó là Vô Minh, nên cũng tu học Đạo của Đức Phật nhưng với mục đích LÀM CHỦ. Làm chủ Hạnh phúc, làm chủ tương lai, làm chủ Nghiệp, làm chủ Nhân Quả, làm chủ Thân Khẩu Ý, làm chủ Lời nói, Hành động, LÀM CHỦ SINH GIÀ BỆNH CHẾT vv… Nếu không thấy được tư tưởng Chủ nhân, Chủ sở hữu là Vô Minh, Tà Kiến thì vẫn tu học với tư tưởng đó, thì cho dù giữ giới đến đâu, tinh tấn đến đâu, đè nén tâm đến đâu đi nữa thì vẫn đang đi rất xa, ra khỏi lời dạy của Đức Phật. Chỉ khi nào nhờ Văn Tư Tu đúng cách, Thấy Biết Như Thật thực tánh Duyên khởi, thực tánh Vô thường, thực tánh Vô chủ, Vô sở hữu ( Vô ngã ) thì lúc đó mới Nhận Mặt, mới Điểm Chỉ được Vô Minh như khi Phật thành đạo : “Vô Minh, Ta đã thấy rõ ngươi rồi. Từ nay, ngươi sẽ không làm nhà cho Như Lai được nữa, tất cả sườn nhà đã bị gãy, cây đòn dông ngươi dựng cũng đã bị phá tan”. Chỉ khi đó tư tưởng Vô minh, tư tưởng Chủ nhân, Chủ sở hữu mới bị đoạn diệt và thay thế bởi tư tưởng Minh, tư tưởng Vô chủ, Vô sở hữu ( Vô ngã ). Vì vậy, mục đích tu học là THAY ĐỔI NHẬN THỨC từ tư tưởng Vô Minh, Tà Kiến, Không Liễu Tri sang tư tưởng Minh, Chánh Kiến, Liễu Tri các pháp như Kinh Pháp Môn Căn Bản thuộc Trung Bô Kinh đã thuyết minh.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời