HỎI
Thưa sư cho con hỏi, khi mà chưa học pháp, con có đọc các cuốn sách nói về việc sống biết đủ, ví dụ như mình có cái nhà dù không to rộng nhưng thấy vẫn may mắn hơn nhiều người không có nhà.
Con thấy việc đó vẫn có thể đưa đến hạnh phúc nội tâm, vậy lộ trình tâm đó có nằm trên Bát chánh đạo hay Bát tà đạo ạ?
Mong sư khai thị giúp con.
Con thành kính tri ân thiền sư ạ.
ĐÁP (Thiền Sư Nguyên Tuệ)
Đó không phải là Hạnh phúc nội tâm, mà đó là Hạnh phúc phát sinh do Thích thú cái nhà thuộc về thế giới ngoại cảnh, trong Phật giáo gọi là Dục lạc. Hạnh phúc đó thuộc về Bát tà đạo.
Bát tà đạo bản chất là vô minh, chấp ngã, luôn luôn so sánh Ta với Đối tượng để kết luận : Ta hơn, Ta kém hoặc Ta bằng đối tượng đó. Trong trường hợp cụ thể cái nhà thì đã có tư tưởng chấp ngã : Ta là cái nhà, cái nhà là của Ta và khi so sánh với những người không có nhà, những cái nhà lụp xụp, xấu xí … thì kết luận Ta hơn.
Do vậy, thích thú cái ý nghĩ Ta hơn đó. Do thích thú với ý nghĩ Ta hơn, cái nhà của Ta hơn nên phát sinh tâm trạng Vui – Thoải mái. Đó chính là Hạnh phúc, một thứ Dục lạc do tham ái phát sinh.
Nhưng Hạnh phúc hay Dục lạc này là vô thường, sinh lên trong giây lát rồi diệt, không thể kéo dài. Vì sao ? Vì cái ý nghĩ Ta hơn làm phát sinh Hạnh phúc cũng chỉ tồn tại trong giây lát, không thể kéo dài nó trong 10 phút chứ nói gì đến 1 ngày, vì những ý nghĩ khác liên tục khởi lên từ chuyện này đến chuyện khác.
Lại nữa, ý nghĩ Ta hơn, nhà của Ta hơn không phải là DUY NHẤT mà khi thấy các căn nhà khác nữa thì ý nghĩ so sánh sẽ TỰ ĐỘNG khởi lên làm phát sinh tư tưởng Ta bằng, Ta kém, căn nhà CỦA TA bằng, kém thì bực bội, ghen tỵ, đau khổ sẽ có mặt.
Nếu con người làm chủ, điều khiển được ý nghĩ, tư tưởng Ta hơn, hoặc biết đủ từ căn nhà cho đến mọi thứ khác suốt ngày, suốt đời thì chắc chắn người đó sẽ Hạnh phúc suốt ngày, suốt đời, không còn đau khổ nữa. Nhưng sự thật xẩy ra đã chứng minh rằng: TẤT CẢ ĐỀU VÔ CHỦ VÔ SỞ HỮU không thể làm chủ, điều khiển nó theo ý muốn vô minh, tà kiến trên Bát tà đạo.
Chừng nào mà không còn tư tưởng chấp ngã, tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu thì không còn cái Ta, của Ta để so sánh với đối tượng, không còn Ta hơn, Ta kém, Ta bằng thì sống thích nghi mọi đối tượng, không còn khái niệm BIẾT ĐỦ của thế gian. Chỉ có an trú Tứ niệm xứ, an trú Bát chánh đạo với TỈNH GIÁC và CHÁNH KIẾN thì sẽ kinh nghiệm được điều đó và kinh nghiệm được một thứ Hạnh phúc nội tâm kỳ diệu, một tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái do Chánh định phát sinh.