“Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ, sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm.” (Tương Ưng Bộ kinh)
Lời kinh trên là lời tóm tắt về nỗi Khổ của nhân loại nói chung. Thực tại mà con người thấy, nghe, cảm nhận chỉ là 6 loại cảm thọ do 6 căn tiếp xúc 6 trần mà phát sinh:
– Nhãn căn tiếp xúc với Sắc trần phát sinh Cảm giác Hình ảnh (Thọ do Nhãn xúc sanh)
– Nhĩ căn tiếp xúc với Thanh trần phát sinh Cảm giác Âm thanh (Thọ do Nhĩ xúc sanh)
– Tỉ căn tiếp xúc với Hương trần phát sinh Cảm giác mùi (Thọ do Tỉ xúc sanh)
– Thiệt căn tiếp xúc với Vị trần phát sinh Cảm giác vị (Thọ do Thiệt xúc sanh)
– Thân căn tiếp xúc với Xúc trần phát sinh Cảm giác xúc chạm (Thọ do Thân xúc sanh)
– Ý căn tiếp xúc với Phát trần phát sinh Cảm giác pháp trần (Thọ do Ý xúc sanh)
Căn cứ theo tính chất của Thọ, mà mỗi loại cảm thọ trên lại được xếp thành 1 trong 3 loại Thọ là:
– Cảm giác dễ chịu tức Lạc thọ
– Cảm giác khó chịu tức Khổ thọ
– Cảm giác trung tính tức Bất khổ bất lạc thọ
Đối với lộ trình tâm chung của nhân loại, mỗi loại Cảm thọ trên đều phát sinh 1 cái Khổ ở nơi nội tâm:
– Lạc thọ ➡ Thích ➡ Nắm giữ ➡ Biến hoại ➡ Hoại Khổ
– Khổ thọ ➡ Ghét ➡ Xua đuổi ➡ Khổ Khổ
– Bất khổ bất lạc thọ ➡ Không thích không ghét ➡ Tìm kiếm ➡ Hành Khổ
Như vậy, tổng nỗi Khổ đối với nhân loại nói chung (chỉ trừ các bậc giác ngộ) gồm 6 loại thọ nhân với 3 loại Khổ bằng 18 cái Khổ nơi nội Tâm do Thích Ghét (Tham Sân Si) và 1 cái Khổ nơi Thân là 19 cái Khổ.
Nếu như một người đã đoạn tận Tham Sân Si (bậc A la hán) thì 18 cái Khổ nơi Tâm cũng không còn và chỉ còn duy nhất 1 cái Khổ thọ nơi thân, ví như khi chân dẫm phải gai, hay khi bị bệnh, hay khi đi dưới thời tiết quá nắng nóng…
Và trong kinh Đức Phật cũng nói về một bậc giác ngộ như sau:
“Và này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ thời không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đấm ngực, không có đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm thọ cảm giác một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn một mũi tên. Họ không bắn tiếp người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ của một mũi tên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ; vị ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác chỉ một cảm thọ, cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Vị ấy không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy. Do không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ không có tồn tại. Cảm xúc bởi khổ thọ, vị ấy không hoan hỷ dục lạc. Vì sao? Vì bậc Ða văn Thánh đệ tử có tuệ tri một sự xuất ly khác đối với khổ thọ, ngoài dục lạc. Vì vị ấy không hoan hỷ dục lạc, tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại. Vị ấy NHƯ THẬT TUỆ TRI SỰ TẬP KHỞI, SỰ ĐOẠN DIỆT, VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM VÀ SỰ XUẤT LY của những cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, đối với bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên không có tồn tại. Nếu vị ấy cảm thọ lạc thọ, vị ấy cảm thọ lạc thọ như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, ão. Ta nói rằng vị ấy không bị trói buộc bởi đau khổ.”
(Trích Tương Ưng Bộ kinh, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)
Như vậy, nỗi Khổ của nhân loại nói chung có đến khoảng 90% – 95% là Khổ nơi Tâm do Thích hoặc Ghét mà phát sinh. Giả sử nhân loại này hiểu được đúng Sự thật về Khổ như trên (Khổ Đế) thì họ sẽ tìm cách thay đổi Tâm chứ không phải thay đổi Thế giới như từ xưa đến nay.
Sakya Sông Lam