TÂM HÀNH TINH TẤN HAY TÂM HÀNH TÍCH CỰC

TÂM HÀNH TINH TẤN HAY TÂM HÀNH TÍCH CỰC
Tinh tấn là một tâm hành và trong bốn tâm uẩn thì nó thuộc về Hành uẩn. Tinh Tấn là thuật ngữ Phật học Hán Việt, được đa phần người học Phật hiểu là nỗ lực, cố gắng.Hiểu tinh tấn là nỗ lực cố gắng, là thiên về nghĩa nỗ lực cố gắng để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn là cách hiểu hạn hẹp chưa đầy đủ về tâm hành này. Có hai từ thuần Việt có thể diễn tả đầy đủ nội dung của tâm hành tinh tấn này là TÍCH CỰC.
Tâm hành Tích Cực xuất hiện không những trong những hoàn cảnh khó khăn mà cả trong những hoàn cảnh thuận lợi. Và cho dù Thánh hay Phàm, khi tâm hành Tích cực có mặt, thì ai ai cũng cảm nhận được nó. Trạng thái tâm khi có tâm hành tích cực khác hẳn, đối lập với trạng thái tâm không có tâm hành tích cực.Đó là khi không có tâm hành tích cực thì trạng thái tâm đó uể oải, dã dượi, chán ngán, lười nhác.Bản chất và tác dụng của tâm hành tích cực của Phàm và Thánh đều giống nhau và biểu hiện ra bên ngoài bằng lối sống tích cực. Tâm hành tích cực phát sinh do tương tác giữa hai lượng thông tin nơi bộ nhớ tâm thức trong tế bào thần kinh não bộ làm phát sinh lượng thông tin tâm hành tích cực. Lượng thông tin tâm hành tích cực được truyền dẫn đến hầu hết các tế bào trong thân thể và tại đấy sẽ có tương tác giữa thông tin tâm hành tích cực với thông tin di truyền của tế bào làm phát sinh Cảm giác nơi thân. Cảm nhận tâm hành tích cực là cảm nhận Cảm giác này xuất hiện trên thân và lúc đó cũng biết rõ không còn có dã dượi hôn trầm uể oải chán nản, lười biếng nữa. Chính Cảm giác do tâm hành tích cực sẽ làm chấm dứt Cảm giác mệt mỏi, chán nản, uể oải trên thân, làm hồi phục sức khỏe, hồi phục hệ miễn dịch giúp thân thể vượt qua được rất nhiều bệnh tật. Sự thật cuộc đời là những người có lối sống tích cực thường là những người siêng năng, ít mắc các bệnh tật vặt vãnh, ít mắc các bệnh mãn tính. Nhưng hãy phân biệt rõ, Cảm giác do tâm hành tích cực làm phát sinh gần như ở toàn bộ cơ thể Khác Với Cảm giác Hạnh phúc do tâm hành Tham ái làm phát sinh tại các cơ quan nội tạng ( tim phổi dạ dày gan thận ruột non ruột già … ). Tâm hành tích cực hay tinh tấn cũng được chia làm hai loại : Tà Tích Cực hay Tà Tinh Tấn thuộc về Phàm phu, phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo và Chánh Tích Cực hay Chánh Tinh Tấn thuộc bậc Thánh, phát sinh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo.
1 – Tà Tích Cực hay Tà Tinh Tấn : Lộ trình tâm Bát Tà Đạo thuộc về Phàm phu diễn tiến như sau. XÚC chỉ cho Căn ( Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý ) tiếp xúc với Trần ( Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp ):
XÚC – <Thọ – Tưởng > – Tà niệm – Tà tư duy – Tà tri kiến – Tham sân si – Tà định – Dục – Tà tích cực ( Tà tinh tấn ) – Phi như lý tác ý – Tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng – Khổ hay Vui.
Ví như có một thanh niên đang đi trên đường và mắt tiếp xúc với cô gái trước mặt thì sẽ phát sinh Cảm giác hình ảnh và Nhãn thức ( Xúc : Thọ – Tưởng ). Sau khi Nhản thức thấy Cảm giác hình ảnh, tiếp đến Tà niệm – Tà tư duy khởi lên làm phát sinh Ý thức Tà tri kiến với nội dung : Ta thấy một cô gái đẹp. Do thấy biết như vậy mà sẽ phát sinh tâm hành thích thú ( tham ), do thích thú mà sẽ chú tâm vào đối tượng ( định ), do chú tâm và bị cuốn hút vào đối tượng mà khởi lên Muốn làm quen hay nhìn mặt cô ta ( Dục ). Do Dục mà phát sinh tâm hành tích cực, do tâm hành tích cực mà phát sinh tâm hành tác ý. Do tâm hành tác ý làm phát sinh hành động bước nhanh lên để theo kịp cô gái. Và cuối cùng kết quả nhận được là vui hoặc khổ.
Tâm hành Tích cực phát sinh do “Tham Muốn” có được đối tượng mà mình thích, vì vậy tâm hành Tích cực cũng phát sinh để vượt qua những trở ngại hầu đạt được cái mình tham muốn. Tâm hành tích cực do Tham mà khởi lên như vậy, gọi là Tà Tích cực hay Tà Tinh tấn. Đối với những người có những tham muốn lớn về một lý tưởng, một sự giàu có, một danh tiếng lớn, một sự thành công lớn luôn luôn thôi thúc, thì đời sống của họ luôn có tâm hành tích cực cả trong những lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Ngược lại những người không còn mơ ước tương lai, chán nản mọi việc, không còn tham muốn đối tượng nào như những người trầm cảm chẳng hạn thì tâm hành tích cực không khởi lên và trạng thái tâm của họ uể oải, dã dượi, chán nản. Tuy Phàm phu có Tà Tích cực, có tác dụng làm cho chất lượng sống tốt hơn, ít bệnh tật hơn, nhưng tâm hành Tích cực chỉ phát sinh đối với những đối tượng Dễ chịu, còn các đối tượng Khó chịu và Trung tính thì đa phần phản ứng xa lánh, nên tâm hành Tà tích cực không khởi lên. Trong đời sống nhân loại đối tượng Dễ chịu chỉ chiếm khoảng vài chục phần trăm, đối tượng Trung tính và Khó chịu chiếm phần đa còn lại, nên tâm hành Tà Tích cực khởi lên không nhiều, gián đoạn, không liên tục nên trạng thái uể oải, dã dưới, chán nản, lười nhác vẫn chi phối đời sống nhân loại rất nhiều.
2 – Chánh Tích cực hay Chánh Tinh tấn : là tâm hành Tích cực phát sinh trên Bát Chánh Đạo đưa đến đoạn trừ Tham sân si nên gọi là Chánh tích cực hay Chánh tinh tấn. Nhưng Bát Chánh Đạo lại được chia làm hai : Bát Chánh Đạo hiệp thế và Bát Chánh Đạo siêu thế.
a – Chánh Tích cực hay Chánh Tinh tấn trên Bát Chánh Đạo hiệp thế : Đó là khi nghe giảng và tư duy về Giáo Pháp mà có được Văn tuệ và Tư tuệ, tức có được hiểu biết đúng như thật về Tứ Thánh Đế, về Bát Chánh Đạo, nhưng lộ trình tâm lúc đó vẫn là Bát Tà Đạo, nên gọi đó là Bát Chánh Đạo hiệp thế. Do có Văn tuệ và Tư tuệ mà sẽ phát sinh “Tham muốn” học hỏi, tư duy và tu tập Bát Chánh Đạo. Do “Tham muốn” như vậy ( Tham muốn đó còn gọi là Dục Như Ý Túc ) mà sẽ phát sinh tâm hành Tích cực để đạt được tham muốn ấy. Chánh Tích cực hay Chánh Tinh tấn này được nói đến trong Ngũ Căn, chính là yếu tố Tấn trong lộ trình : Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ.
b – Chánh Tích cực trên Bát Chánh Đạo siêu thế được diển tả theo lộ trình :
XÚC – <Thọ – Tưởng > – Chánh niệm – Chánh tích cực ( Chánh tinh tấn ) – Chánh định – [Tĩnh Giác] – Chánh tư duy – Chánh kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Tâm hành Chánh tích cực do tâm hành Chánh niệm mà phát sanh có nội dung tích cực chú tâm các đối tượng thuộc Thân Thọ Tâm Pháp. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế sẽ có sự chú tâm liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác, làm phát sinh trạng thái Chánh định, nên tâm hành Chánh tích cực sẽ phát sinh liên tục chứ không gián đoạn như Tà tích cực. Do vậy, người tu khi có Chánh niệm và Chánh định thì trong khoảng thời gian đó sẽ cảm nhận được sự hiện hữu liên tục của Chánh tích cực cho dù là Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm hay Niệm Pháp. Người tu phải hiểu rõ và thân chứng được, vì phải tích cực chú tâm mọi đối tượng cho dù Dễ chịu, Khó chịu hay Trung tính nên tâm hành Chánh tích cực khởi lên liên tục chứ không gián đoạn như Tà tích cực chỉ phát sinh với đối tượng yêu thích. Người nào đã thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế thì trong thời gian đó, kinh nghiệm trạng thái tâm có tâm hành tích cực khởi lên liên tục, kinh nghiệm được không còn trạng thái uể oải, lười nhác, chán chường trước đây. Những người bị trầm cảm, kể cả trầm cảm sau sinh nếu luyện tập được trí nhớ để luôn luôn nhớ đến chú tâm các cảm giác trên thân ( Chánh niệm về thân ) sẽ kinh nghiệm được trạng thái tâm có tâm hành tích cực xuất hiện, sẽ trải nghiệm được ngay đó chấm dứt được trạng thái uể oải, chán chường, thất vọng do trầm cảm gây ra.
Chánh tích cực thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế có hai tác dụng : Một là làm cho các ác, bất thiện pháp chưa sinh sẽ không sinh khởi. Hai là làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh bị trừ diệt. Chánh tích cực thuộc Bát Chánh Đạo siêu thế có hai tác dụng : Một là làm cho các thiện pháp phát sanh. Hai là làm cho các thiện pháp đã sanh phát triển viên mãn. Vì vậy, Tứ Chánh Cần trong 37 phẩm Đạo Đế chính là mô tả hai loại Chánh tích cực thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế và Bát Chánh Đạo siêu thế này.
Trong Bảy yếu tố giác ngộ gồm : Niệm – Trạch pháp – Tích cực – Hỷ – Kinh an – Định – Xã có hai nghĩa : một là tu tập chứng ngộ 7 yếu tố này viên mãn sẽ đưa đến giác ngộ; hai là đời sống của một vị giác ngộ có đầy đủ 7 yếu tố này. Vì vậy, đối với một người đã giác ngộ tâm hành Chánh tích cực sẽ khởi lên liên tục không gián đoạn từ khi thức dậy cho đến khi đi vào giác ngủ.Vì vậy, những trạng thái tâm uể oải, hôn trầm, chán ngán, lười biếng đã đoạn tận nơi vị ấy.

 

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *