Có ba sự việc mà Tăng Chi Bộ Kinh đã đề cập mà người Phật tử phải nghiêm túc suy ngẫm, đó là than khóc trong giới luật bậc Thánh, điên loạn trong giới luật bậc Thánh và trẻ con trong giới luật bậc Thánh.
– Thế nào là than khóc trong giới luật bậc Thánh? Đó chính là: ca hát ngâm vịnh. Một người đệ tử của bậc Thánh hoặc tự nhận mình là đệ tử của bậc Thánh mà lại ca hát ngâm vịnh, tìm cầu ca hát ngâm vịnh, thích thú ca hát ngâm vịnh, sáng tác để cho người khác ca hát ngâm vịnh thì kẻ đó đang than khóc trong giới luật bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì khi làm như vậy kẻ đó tham đắm và tìm cầu niềm vui, hạnh phúc của ca hát ngâm vịnh. Đích thị đó là Tham Dục dẫu cho đó là niềm vui hạnh phúc tinh thần thanh cao hơn niềm vui hạnh phúc vật chất.
– Thế nào là điên loạn trong giới luật bậc Thánh? Đó là nhảy múa. Đệ tử bậc Thánh mà nhảy múa, tìm cầu nhảy múa, thích thú nhảy múa, sáng tác để người khác nhảy múa là điên loạn trong giới luật bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì đó là Tham Dục, tham đắm và tìm cầu niềm vui, hạnh phúc trong nhảy múa. Dẫu cho luyện tập võ nghệ, cung kiếm hay bất kỳ một hình thức tu tập nào sử dụng nhảy múa mà đạt được nhất tâm, đạt được định thì nhất tâm ấy là nhất tâm do Tà Niệm, định ấy là Tà Định vì nhất tâm và định ấy do Tham Dục mà khởi lên.
– Thế nào là trẻ con trong giới luật bậc Thánh? Đó là cười hô hố, cười ha hả, cười để lộ cả hàm răng. Trẻ con được nói trong ngữ cảnh này chỉ cho sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm trong sự tu tập giới luật của bậc Thánh. Và tại sao cười hô hố, cười ha hả, cười để lộ cả hàm răng là trẻ con trong giới luật bậc Thánh? Vì rằng đó là Tham Dục, là tham đắm mãnh liệt niềm vui, hạnh phúc khi giao tiếp, khi trò chuyện.
Giáo pháp mà Đức Thế Tôn thuyết giảng trong bốn mươi lăm năm cốt lõi chỉ nói về Tham Dục và sự đoạn trừ Tham Dục. Đức Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện để thuyết giảng các Dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn để các đệ tử viễn ly, ly tham các Dục. Ngài đã ví Dục như khúc xương không, như miếng thịt sống, như cây sai trái, như bó đuốc rơm đi ngược gió, như đầu rắn hổ mang, như hố than hừng, như mũi tên nhọn, như ung nhọt, như món nợ… Trong Kinh Pháp Môn Căn Bản, bài kinh mở đầu và quan trọng nhất của Trung Bộ Kinh, Ngài đã khẳng định Dục hỷ là căn nguyên của Khổ. Dục hỷ là tham đắm và tìm cầu niềm vui, hạnh phúc. Dục hỷ những gì? Đó là Dục hỷ Dục lạc, Dục hỷ Hữu và Dục hỷ Niết bàn, nghĩa là tham đắm và tìm cầu niềm vui hạnh phúc ở cuộc sống vật chất và tinh thần (Dục hỷ Dục lạc), tham đắm và tìm cầu niềm vui hạnh phúc ở sự sống, sự hiện hữu (Dục hỷ Hữu), tham đắm và tìm cầu niềm vui hạnh phúc tuyệt đối của các cảnh giới giải thoát (Duc hỷ Niết bàn). Như vậy Tham Dục (Dục hỷ) có ba lãnh vực: Dục hỷ Dục lạc, Dục hỷ Hữu, Dục hỷ Niết bàn. Sự chấp thủ, sự ràng buộc vào ba lĩnh vực đó cũng có cường độ khác nhau. Sự ràng buộc vào Dục lạc ở cấp độ thấp nhất, cấp độ thứ hai là Dục hỷ Hữu và kinh khủng nhất là ràng buộc vào Dục hỷ Niết bàn. Ở cấp độ thấp nhất, trong sự ràng buộc vào Dục lạc thì ràng buộc vào hạnh phúc vật chất nó không có thấm tháp gì so với sự ràng buộc vào tinh thần. Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã diễn tả điều này rất súc tích trong nhân vật Nhạc Bất Quần. Nhạc Bất Quần đã tự thiến mình để có thể luyện một thứ võ công với mục đích giành ngôi bá chủ giang hồ. Tự thiến mình là hy sinh, là từ bỏ hạnh phúc vật chất với mục đích bá chủ giang hồ chính là tìm cầu hạnh phúc tinh thần. Trong cuộc sống thường ngày của nhân loại, tương quan với các phương tiện vật chất, tương quan với môi trường, tương quan với các loài động vật không gây ra nhiều rắc rối, nhiều bức xúc, nhiều phiền não mà chính tương quan giữa con người với con người mới có nhiều rắc rối, nhiều bức xúc, nhiều phiền não gấp bội. Một người nếu có được một môi trường sống lý tưởng, muốn gì có nấy nhưng nếu chỉ có một mình thì họ cũng không thể nào sống nổi. Đối với loài thú có lẽ hạnh phúc vật chất là quan trọng, nhưng đối với loài người thì hạnh phúc tinh thần quan trọng hơn nhiều và chính vì vậy mà tham đắm và tìm cầu hạnh phúc tinh thần, ràng buộc vào hạnh phúc tinh thần mãnh liệt hơn rất nhiều so với hạnh phúc vật chất, và đau khổ do ràng buộc vào hạnh phúc tinh thần cũng nhiều nhất và tệ hại nhất so với đau khổ do ràng buộc với hạnh phúc vật chất.
Người tu nếu không nhận thức đúng về Dục hỷ, về Tham Dục, họ có thể viễn ly, ly tham được hạnh phúc vật chất, họ có thể sống được với phương tiện vật chất tối thiểu, kham khổ chịu đựng, bằng lòng với cuộc sống vật chất ấy nhưng lại tìm kiếm một hạnh phúc tinh thần thanh cao nơi trời xanh mây trắng, gió hát thông reo, hạnh phúc nơi một lý tưởng cao siêu, nơi cứu nhân độ thế, nơi những điều kỳ diệu, màu nhiệm… họ cũng có được sự giải thoát đối với cuộc sống vật chất, nhưng lại ràng buộc vào cuộc sống tinh thần còn mãnh liệt hơn. Đó là Tà Giải Thoát chứ không phải Chánh Giải Thoát. Các đạo sĩ lõa thể đã từ bỏ cuộc sống vật chất và một số giá trị hạnh phúc thế gian nhưng họ không giải thoát vì họ đang đi tìm cầu một thứ hạnh phúc tuyệt đối khi rời bỏ thân xác, khi hòa nhập vào một Đại Ngã, một Thượng đế toàn năng. Đây cũng gọi là Dục hỷ Niết bàn, tham ái và tìm cầu một loại hạnh phúc tinh thần tuyệt đối.
Đức Phật đã chứng ngộ và giảng giải Tham Dục là tham ái và tìm cầu hạnh phúc cho dù là hạnh phúc vật chất hay tinh thần, tương đối hay tuyệt đối đều là nguyên nhân phát sinh Khổ. Điều này hoàn toàn trái ngược với hiểu biết của nhân loại, đi ngược lại các giá trị hạnh phúc của nhân loại nên con đường tới cái đích ấy cũng ngược đường với cuộc đời. Một vị đệ tử Phật cho dù được nghe như vậy, cho dù biết rõ các Dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn, cho dù là một bậc thánh Nhập lưu đi nữa nhưng sự tu tập Bát Chánh Đạo của vị đó chưa chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hoặc tứ thiền thì vị đó vẫn bị Dục lạc cuộc đời lôi cuốn và ràng buộc, vẫn than khóc trong giới luật bậc Thánh, vẫn điên loạn trong giới luật bậc Thánh, vẫn trẻ con trong giới luật bậc Thánh. Khi chứng ngộ và an trú sơ thiền hay nhị thiền, hay tam thiền, hay tứ thiền vị đó sẽ kinh nghiệm và an trú được hỷ lạc của sơ thiền, hỷ lạc của nhị thiền, lạc của tam thiền và xả niệm thanh tịnh của tứ thiền, vị đó mới tuệ tri được một loại lạc do Chánh Định phát sanh, một loại lạc không phải như Dục lạc, không phải vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn, một loại lạc vô hại, mới biết như thật đây là Thánh lạc, Chánh giác lạc, an tịnh lạc. Khi chứng ngộ và an trú Chánh Định, có được Thánh lạc như vậy vị đó mới có chất liệu để so sánh với Dục lạc và mới tuệ tri được Dục lạc là Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc. Khi đã tuệ tri được Dục lạc là Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc, vị ấy mới có thể viễn ly, ly tham Dục lạc, mới không còn bị chi phối bởi Dục lạc, mới không còn than khóc, điên loạn, trẻ con trong giới luật bậc Thánh.
Một đệ tử Phật khi tu tập Bát Chánh Đạo phải hiểu rõ ba trụ cột của lộ trình tâm Bát Chánh Đạo bao gồm: Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến hay nói tắt là: Niệm – Định – Tuệ. Chánh Định không những đưa đến hiện tại lạc trú và nhờ hiện tại lạc trú mà có viễn ly, ly tham Dục lạc mà còn nhờ có Chánh Định mới khởi lên Chánh Tư Duy và do Chánh Tư Duy mới phát sinh Chánh Kiến đưa đến giác ngộ Tứ Thánh Đế. Nếu sự tu tập mà không chứng ngộ và an trú được Chánh Định bao gồm: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo chưa khởi lên, chưa có thể kinh nghiệm Bát Chánh Đạo. Chỉ khi nào vị ấy chứng ngộ và an trú được cho dù chỉ sơ thiền thì khi đó mới kinh nghiệm được lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Chính vì vậy chứng ngộ và an trú Chánh Định, chứng ngộ và an trú sơ thiền trở lên là bước khởi đầu chứng ngộ và an trú lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế.
(Tỷ Kheo Nguyên Tuệ – Trích trong cuốn Minh và Vô Minh, Nxb Hồng Đức – 2016, từ trang 136 đến trang 141)