TĨNH GIÁC VÀ TÁNH KHÔNG
Tĩnh Giác là một từ được nhắc đến rất nhiều trong các bộ kinh Nikaya nhưng không có một lời mô tả, giải thích để người học hiểu được, hình dung được Tĩnh Giác là cái gì. Ví như, trong Kinh thường mô tả : Vị Tỷ kheo khi đi tới, khi đi lui đều tĩnh giác, khi nhìn tới, nhìn lui đều tĩnh giác, khi mang bát, đắp y đều tĩnh giác, khi đại tiện, tiểu tiện đều tĩnh giác, khi đi đứng ngồi nằm, nói năng, im lặng đều tĩnh giác. Cặp đôi Chánh Niệm – Tĩnh Giác là những pháp rất vi tế, sâu kín, khó thấy, khó biết thuộc về Siêu thế chỉ dành cho bậc trí đã thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế thuần thục tự mình giác hiểu. Vì thế trong các bộ luận, các chú giải, các luận sư đã không đề cập, không giải thích được Tĩnh Giác là cái gì. Vì không hiểu biết như thật về Tĩnh Giác, có một số người đã dùng từ Tĩnh Thức thay cho Tĩnh Giác, do không hiểu được Tĩnh Thức là chỉ cho trạng thái đầu óc tĩnh táo, không hôn trầm, không ngủ gục nơi mọi người kể cả Phàm phu, còn Tĩnh Giác chỉ có nơi một bậc Thánh hữu học hay vô học đang sống với lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế. Đa phần người tu học Phật cả Nam và Bắc tông đều cho Tĩnh Giác là Trí Tuệ. Vậy Tĩnh Giác là gì ?
Đối với loài người khi có một đối tượng xuất hiện thì cũng đồng thời xuất hiện Tâm biết đối tượng đó, nhưng Tâm biết đối tượng lại có hai loại Tâm biết chứ không phải chỉ có một loại tâm biết chung chung. Cụ thể như sau :
– Một là : Tâm biết trực tiếp giác quan ( Tàu dịch trong các bộ A Hàm là Biết Trực giác ) có phận sự Ghi Nhận hay Nhận Biết đối tượng, nhưng chưa biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao, nên khoa Tâm lý học đặt tên là NHẬN THỨC CẢM TÍNH đối tượng. Đó chính là Nhãn thức thấy đối tượng hình ảnh, Nhĩ thức nghe đối tượng âm thanh, Tỷ thức cảm nhận đối tượng mùi, Thiệt thức cảm nhận đối tượng vị, Thân thức cảm nhận đối tượng xúc chạm và Tưởng thức ghi nhận đối tượng pháp trần. Các tâm biết trực tiếp giác quan này được gọi với tên chung là Tưởng hay Tưởng uẩn, do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ), vô niệm ( không có khái niệm ), vô ngôn ( không có ngôn từ ), vô phân biệt ( không có phân biệt cái này với cái kia ) mà già trẻ, Thánh Phàm, con người và các loài động vật đều có như nhau. Hãy hình dung Tâm biết trực tiếp giác quan nơi một đứa trẻ vừa đẻ ra, khi sáu Căn của nó tiếp xúc sáu Trần thì nó vẫn Thấy, Nghe, Cảm Nhận các đối tượng, nhưng nó KHÔNG BIẾT đối tượng đó là cái gì, tính chất đối tượng đó ra sao. Các loại tâm biết trực tiếp giác quan này gọi tắt là THẤY ( gồm thấy, nghe, cảm nhận đối tượng ).
– Hai là : Tâm biết Ý thức khởi lên tiếp theo, có phận sự BIẾT đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên khoa Tâm lý học đặt tên là NHẬN THỨC LÝ TÍNH đối tượng. Tâm biết Ý thức do Niệm, Tư duy mà khởi lên theo lộ trình Niệm – Tư duy – Ý thức, nên nó phụ thuộc vào những tri thức, kinh nghiệm đã học hỏi, đã tích luỹ trong quá khứ được lưu giữ trong kho chứa tâm thức. Tánh chất của nó cũng vô thường, vô ngã, có khái niệm, có ngôn từ, có phân biệt.Nó còn được gọi là Thức uẩn.Tâm biết Ý thức biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao của Thánh Phàm, người và động vật, già trẻ đều khác nhau. Tâm biết Ý thức của Phàm phu là Tà Tri Kiến, là Vô minh, là hiểu biết sai sự thật đối tượng, là Không Liễu tri đối tượng. Tâm biết Ý thức của bậc Thánh là Chánh Tri Kiến, là Minh, là Trí Tuệ, là hiểu biết đúng sự thật đối tượng, là Liễu tri đối tượng. Tâm biết Ý thức gọi tắt là BIẾT.
1 – Đối với Phàm phu khi xuất hiện một đối tượng thì THẤY đối tượng, rồi BIẾT đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao khởi lên nối tiếp nhau, không gián đoạn. Do vậy THẤY và BIẾT đi liền nhau, không tách rời nhau và Kinh Pháp Môn Căn Bản thuộc Trung Bộ Kinh gọi THẤY như vậy là Tưởng tri đối tượng, BIẾT như vậy là Không liễu tri đối tượng. Do BIẾT, là Tà Tri Kiến, không liễu tri đối tượng mà sẽ phát sinh DỤC HỶ đối tượng. Và do DỤC HỶ là Căn Bản của khổ nên sầu bi khổ ưu não, sinh già bệnh chết không thể kể xiết khởi lên.
2 – Đối với bậc Thánh khi thực hành Niệm Thân nhờ có Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định, lộ trình tâm sẽ DỪNG LẠI THẤY MÀ BIẾT KHÔNG KHỞI LÊN. Lúc này chỉ có thuần tuý Tâm biết trực tiếp giác quan Ghi nhận đối tượng, không có Tâm biết Ý thức vô minh chấp ngã xen vào.Sự Ghi nhận đối tượng thuần tuý với với Tâm biết trực tiếp giác quan như vậy gọi là TĨNH GIÁC, mà trong kinh Pháp Môn Căn Bản gọi là Thắng tri đối tượng. Lúc đó chỉ có Nhãn thức thấy, Nhĩ thức nghe, Tỷ thức cảm nhận, Thiệt thức cảm nhận, Thân thức cảm nhận, Tưởng thức ghi nhận đối tượng, mà Ý thức không khởi lên, không biết đối tượng đó là cái gì, nên không phát sinh thái độ tham sân si, không quan tâm để ý đến đối tượng, không dính mắc ràng buộc với đối tượng. Ví như, một cô hoa hậu sexy bốc lửa xuất hiện trước mặt một nam thanh niên 25 tuổi và một đứa bé trai vừa sinh ra. Lúc đó, Nhãn thức THẤY đối tượng hình ảnh của anh thanh niên và đứa trẻ trai mới đẻ hoàn toàn giống nhau nhưng Ý thức anh thanh niên khởi lên, BIẾT đó là cô hoa hậu rất đẹp, rất hấp dẫn. Và do THẤY như vậy, BIẾT như vậy mà anh ta thích thú ( tham ) và bị cuốn hút vào đối tượng. Còn đứa trẻ chỉ THẤY thôi, KHÔNG BIẾT đối tượng đó là cái gì vì chưa có tri thức kinh nghiệm nên Ý thức chưa khởi lên, vì vậy nó sẽ không thích ghét, không quan tâm để ý đến đối tượng, không dính mắc vào đối tượng như anh thanh niên kia. Cũng y như vậy khi có Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định thì lộ trình tâm chỉ có tâm biết trực tiếp giác quan nên thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảm nhận chỉ là cảm nhận không thêm bớt và khi chỉ có tâm biết trực tiếp giác quan thuần tuý ghi nhận đối tượng như vậy gọi là TĨNH GIÁC. Lúc đó sẽ không có Tham Sân Si, không có Phiền não. Giải thoát khi an trú Tĩnh Giác như vậy gọi là Tâm Giải Thoát.
3 – Tánh Không :
– Tâm biết Tĩnh Giác chính là tâm biết trực tiếp giác quan có tánh chất vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt ( còn gọi là Tâm Vô Phân Biệt ) nên trong Tĩnh Giác không có khái niệm to nhỏ, vuông tròn dài ngắn, xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn, không có sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm, không có khái niệm sắc thọ tưởng hành thức, không có khái niệm mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có khái niệm sắc thanh hương vị xúc pháp, không có khái niệm nhãn giới cho đến ý thức giới, không có khái niệm vô minh cũng như minh, không có khái niệm khổ tập diệt đạo, không có khái niệm chứng đắc… Những khái niệm, ngôn từ, phân biệt đó là tánh chất của tâm biết Ý thức, không có trong tâm biết Tĩnh Giác, vì vậy nên tánh chất của tâm biết Tĩnh Giác là KHÔNG TÁNH. An trú Tĩnh Giác cũng là an trú Không Tánh và giải thoát do an trú Không Tánh gọi là Không Tánh Giải Thoát hay còn gọi tắt là Không Giải Thoát, là một trong ba giải thoát gồm Không Giải Thoát, Vô Tướng Giải Thoát và Vô Tác Giải Thoát.
– Sự Giác Ngộ của Đức Phật là giác ngộ về Tâm chứ không phải giác ngộ về Thế giới vũ trụ. Vì vậy trong kinh điển Ngài đã giảng dạy về Tánh Không, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, thuộc về siêu thế và Tánh Không đó thuộc về tâm Bát Chánh Đạo siêu thế của bậc Thánh. Đó chính là Không, Vô Tướng, Vô Tác hay nói theo Tiếng Việt cho sát nghĩa không là Không Tánh, Không Tướng, Không Tác. Không Tánh là tánh chất của Tâm biết Tĩnh Giác, Không Tướng là tánh chất của Tâm biết Ý thức Chánh Tri Kiến, Không Tác là tánh chất của lời nói, hành động ( không tạo tác nghiệp ) trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế của bậc Thánh. Các Tánh Không này không có trong tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu. Sau khi Đức Phật nhập diệt, trải qua 100 năm sau, khi mà các bậc Thánh Tăng phần nhiều đã vắng bóng, những nghĩa lý sâu xa về Không Tánh, Không Tướng, Không Tác dần dà bị mai một, lúc đó các Luận sư không có tu chứng, không có chứng ngộ xuất hiện nở rộ như nấm mùa xuân, đã dùng tư duy lý luận suông của mình để giải thích về Không Tánh, Không Tướng, Không Tác. Dựa trên hiểu biết vô minh của nhân loại với Tâm Biết Cảnh, nghĩa là đối tượng được biết là Cảnh, là Vũ trụ, là Thế giới, Phật Giáo Phát Triển chảy theo LỐI MÒN của tư duy nhân loại ấy, nên họ không thể hiểu được Đức Phật giác ngộ về Tâm, họ vẫn đinh ninh chắc mẩm Đức Phật giác ngộ về Thế giới vũ trụ. Và vì vậy, họ lấy hiểu biết vô minh, sai lạc của mình GÁN CHO ĐỨC PHẬT giác ngộ về Vũ trụ, về Thế giới, nên họ đã giải thích Không Tánh và Không Tướng là BẢN CHẤT CỦA THẾ GIỚI VŨ TRỤ. Tuy có rất nhiều trường phái Tánh Không khác nhau, có chủ trương khác nhau, giải thích về Tánh Không khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn, cãi lộn nhau, chung quy đều nói về Tánh Không rất mơ hồ khó hiểu, thiên về nguỵ biện trườn uốn như lươn nhưng thống nhất là đều nói về TÁNH KHÔNG CỦA THẾ GIỚI VŨ TRỤ chứ không phải nói về TÁNH KHÔNG CUẢ TÂM BÁT CHÁNH ĐẠO như Chân Nghĩa mà Đức Phật đã chứng ngộ và tuyên thuyết. Đỉnh cao tinh hoa các quan điểm của Phật giáo phát triển là Tâm Kinh Bát Nhã nói về Thế giới bản thể : Tánh Không hay Chân Không . Nội dung của Tâm Kinh Bát Nhã y chang như nội dung Không Tánh của tâm biết Tĩnh Giác đã mô tả ở phần trước. Vì hiểu biết sai lạc do tư duy lý luận suông theo LỐI MÒN VÔ MINH như vậy nên Phật giáo phát triển đã diễn giải sai lạc về Tánh Không và vì vậy, chỉ có tụng đọc nó, xem nó như một thần chú mà không hề có một cách thức tu tập nào để chứng ngộ và thể nhập nội dung của bài kinh nói về Không Tánh. Trong lúc đó Phật Giáo Nguyên Thuỷ thực hành Chánh Niệm Về Thân là có thể chứng ngộ và thể nhập Không Tánh, đó chính là chứng ngộ và thể nhập Tĩnh Giác, còn gọi là chứng ngộ và thể nhập Tâm Giải Thoát. Nhưng khác với hiểu biết của Phật Giáo Phát Triển cho rằng chứng ngộ Không Tánh theo Bát Nhã Tâm Kinh là Giác Ngộ tột cùng, là thành Phật, Phật Giáo Nguyên Thuỷ hiểu biết rằng, chứng ngộ và thể nhập Không Tánh như Bát Nhã Tâm Kinh, mới chỉ là NHIẾP PHỤC tham sân si, phiền não chứ không thể ĐOẠN TẬN tham sân si, phiền não. Muốn Giác Ngộ tột cùng còn phải tu Quán bằng Chánh Niệm về Thọ, về Tâm và về Pháp để chứng ngộ và thể nhập Không Tướng ( Vô Tướng ), chính là thể nhập Trí Tuệ Giác Ngộ Tứ Thánh Đế. Đó chính là tánh chất của Tâm biết Ý thức Chánh Tri Kiến còn gọi là chứng ngộ và thể nhập Tuệ Giải Thoát. Chính Tuệ Giải Thoát đó mới ĐOẠN TẬN VÔ MINH, ĐOẠN TẬN THAM SÂN SI, ĐOẠN TẬN PHIỀN NÃO. Và để thành tựu điều đó phải tu tập Tứ Niệm Xứ, gồm tu tập Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp mà Đức Phật đã dày công thuyết giảng.
Đại Đức Nguyên Tuệ