TT.Thích Nhật Từ thuyết giảng: “Cuộc đời đức Phật Thích Ca” tại Việt Nam Quốc Tự

Bắt đầu tuần lễ tổ chức Đại lễ kỷ niệm lần thứ 2559 năm ngày Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật Đản sanh-Phật lịch 2559 (2639 – 80 = 2559) tại Việt Nam Quốc Tự, tối 8 tháng 4 AL. năm 2015. GHPGVN,TP.HCM long trọng tổ chức ngày đầu tiên của mùa Phật đản 2015. Nhân dịp này TT.Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ pháp thoại với chủ đề”Cuộc đời đức Phật Thích Ca”.

Trước khi đề cập đến cuộc đời đức Phật, TT.Thích Nhật Từ đã điểm qua sự hình thành ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự và tin tưởng rằng năm 2015-2016 GHPGVN,TP.HCM sẽ xây xong mới chánh điện ở tại khuôn viên 7500m2 này. Do vậy, trong tương lai ngắn nơi đây sẽ trở thành trung tâm hành chính Phật giáo TP.HCM.

Đề cập đến cuộc đời đức Phật, Thượng tọa đã lần lượt chia sẻ 8 sự kiện quan trọng của cuộc đời đức Phật mà tất cả các Phật tử cần phải nhớ. Mỗi một giai đoạn lịch sử liên hệ đến cuộc đời của đức Phật, phản ánh rất nhiều những giá trị mà nhân loại cần tham khảo, học hỏi và ứng dụng trong đời sống thực tiễn.

Thượng tọa đã lần lượt nhắc lại chi tiết về tám sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật:

1- Đức Phật Đản sinh: Có hai nguồn văn liệu đề cập đến niên đại Đản sinh của đức Phật Thích Ca. Theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy bằng văn hệ Pali, đức Phật Thích Ca người khai sáng ra đạo Phật sinh vào rằm trăng tròn tháng Veask, năm 624 trước tây lịch. Tháng Veask tương đương với tháng 5 dương lịch và trăng tròn của tháng này tương đương với rằm tháng tư AL theo lịch Trung Quốc và Việt Nam. Theo Phật giáo Đại thừa tại trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và nam bắc Triều Tiên, đức Phật Thích Ca Đản sinh vào ngày 8 tháng 4AL và năm đó cũng là năm 624 trước tây lịch. Đó là niên đại mà phần lớn các nước Phật giáo đều thông nhất, Phật giáo Việt Nam nơi có tới hơn 70% theo Phật giáo Đại thừa, còn lại là trường phái Nguyên thủy đã hài hòa trọn ngày 8/4 AL là ngày bắt đầu cho mùa Phật đản…

Về ngôn ngữ tôn giáo, người Ấn Độ thích mô tả biểu tượng mà bên phải là biểu tượng cho cát tường, an lạc, vì vậy mà đức Phật  đã được mô tả sanh ra bên hông phải, trên thực tế thì khi sanh ra đức Phật cũng ra đời như bao cô cậu bé khác. Con số 7, tượng trưng cho vũ trụ, cho sự đầy đủ, trọn vẹn, ý nói rằng sự ra đời của đức Phật mang lại những giá trị trọng đại nhất của cuộc đời, vì vậy mà người Ấn Độ mô tả đức Phật khi sanh ra đã đi bảy bước, trên thực tế thì không có cô cậu bé nào khi mới sinh ra có thể đứng dậy đi được, đó chỉ là biểu tượng triết lý…

2- Đức Phật kết hôn: Có hai nguồn sử liệu, trong văn học Phật giáo đại thừa của Trung Quốc, đức Phật được mô tả đức Phật đến năm 19 tuổi xuân và lấy công chúa Da-Du-Đà-La, có 5 năm tầm đạo, sáu năm tu khổ hạnh và giác ngộ ở tuổi 30. Đó là sự mô tả hoàn toàn không có cơ sở chính xác. Theo văn hệ Pali, trên thực tế, đức Phật đã sống độc thân đến năm 29 tuổi Ngài mới kết hôn trước sức ép của Đức vua để có con nối dõi mới bắt đầu lên xe hoa và chính thức kết lễ hôn phối với công chúa Da-Du-Đà-La, đẹp như hoa hậu, nhân từ, thông minh, đạo đức, phẩm hạnh, bà là người hiều biết, thấu đáo, cảm thông và là người hy sinh hạnh phúc của mình để giúp cho thái tử Tất-Đạt-Đa hoàn thành chí nguyện xuất trần…

3- Thái tử Tất-Đạt-Đa xuất gia: cả hai nền văn học Pali và Đại thừa đều mô tả thái tử Tất-Đạt-Đa thấy rất rõ rằng hạnh phúc mà Ngài mưu cầu không phải là hạnh phúc gia đình, Ngài sanh ra trong cuộc đời này không phải là chỉ để phục vụ cho một người, cho một gia đình, cho một quốc gia. Từ đó Ngài đã phải đánh đổi những hạnh phúc mà Ngài có rất là xứng đáng: vợ đẹp, con xinh, ngai vàng, tất cả các quyền lực thế sự để tìm kiếm con đường chân lý. Khi ra đi vào ngày mồng 8/2 theo lịch âm, Ngài đã có một sự hy sinh và sắp xếp rất có giá trị của công chúa Da-Du-Đà-La, dĩ nhiên là ngày yến tiệc có các quan và lính trong triều đình đã say khướt. Da-Du-Đà-La đã sắp xếp yên cương và một số hành trang cho Tất-Đạt-Đa lên đường và có một người giữ ngựa, đạo diễn Da-Du-Đà-La đã không nói với chồng mình là bà đã giả vờ ngủ như bao người khác. Thái tử Tất-Đạt-Đa đã vào tạ từ lần một, lần hai, lần ba để vẫy tay chào với sự biết ơn người vợ hiền đã hy sinh tận tụy không chỉ ở kiếp này mà còn nhiều kiếp về trước nữa và giả vờ ngủ về đêm mà Thái tử Tất-Đạt-Đa đã ra đi một cách nhẹ nhàng và thành công.

4- Đức Phật tầm sư học đạo: Từ kinh thành ca-Tỳ-Na-Vệ, đức Phật đã đi tầm sư học đạo với hai vị đạo sư rất nổi tiếng, sở trường và phương pháp tu tập của hai vị đạo sư này là: Vô sở hữu sứ và Phi tưởng phi phi tưởng sứ, nhưng Đức Phật đã nhận chân rất rõ, đây không phải là phương pháp đúng…

5- Từ bỏ khổ hạnh: Sau sáu năm tu khổ hạnh, Đức Phật đã nhận chân rất rõ, Ngài đã đánh giá lại tất cả những phương pháp của Bà-la-môn giáo và thừa nhận những yếu kém trong phương pháp này, không phải là giải pháp giải quyết khổ đau của kiếp người, cho nên đã giã từ. Đức Phật hướng về Bồ Đề đạo tràng, trên đường đi thì bị ngã lăn vì sức đã kiệt, tinh thần đã bị mệt mỏi. Rất may được Sujata, một thôn nữ ở làng Sujata dâng bát cháo sữa, sau khi tiếp nhận xong sức khỏe của Đức Phật dần dần được phục hồi và hướng về dưới cội Bồ Đề…

6-Đức Phật đi con đường Trung đạo: Sau 49 ngày thiền định miên mật Ngài đã chứng được sơ thiền bằng sự chuyển hóa toàn bộ năng lượng tính dục, sau đó chứng được nhị thiền chuyển hóa tâm thức để tìm an lạc tĩnh tại, niềm vui sâu lắng, vượt lên trên các niềm vui có điều kiện, chứng đắc được tứ thiền chuyển tất cả tâm về tuệ giác và trở thành bậc Giác ngộ đầu tiên trong lịch sử nhân loại…

7- Đức Phật chuyển Pháp luân: sau khi giác ngộ, đức Phật đã nghĩ tưởng đến hai vị thầy khai tăng và nghĩ đến 5 anh em Kiều Trần Như và ngài đã đi bộ 250 cây số để hóa độ những người đồng tu của mình…và tại đây đức Phật đã cho ra đời học thuyết bốn trọng ân. Tại đây, bài kinh đâu tiên được đức Phật thuyết giảng là:Tứ Thánh Đế; Kinh Vô Ngã Tướng; Kinh Thế Gian Bốc Cháy, rất tiếc cả ba bài kinh này  gần như không mấy khi được nhắc đến tại các cộng đồng Phật giáo Đại thừa, trong đó có Việt Nam…

Trong 45 năm thuyết giảng theo Phật giáo nguyên thủy, nếu mỗi ngày đức Phật giảng 5 bài kinh thì 45 năm có 82 ngàn bài kinh được gọi là pháp uẩn(pháp uẩn có nghĩa đen là chủ đề bài giảng), cộng với 2 ngàn pháp uẩn do đệ tử của đức Phật giảng dạy là có 84 ngàn  pháp uẩn( 84 ngàn chủ đề bài giảng), nhưng Trung Quốc đã dịch là 84 ngàn pháp môn. Thực tế con số 84 ngàn là chỉ là hình dung từ hay số lượng từ đại diện cho số nhiều…

Toàn bộ các bài kinh còn lại đều xoay quanh, hoặc minh họa, hoặc triển khai từ bài kinh Tứ Thánh Đế như kinh Pháp Hoa; kinh Hoa Nhgiêm…Do đó là người tu học Phật chúng ta phải hiểu đựơc Cốt lõi của Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo…

8- Đức Phật nhập niết bàn: Sau 45 năm hoằng hóa, đức Phật đã dừng lại ở Tỳ-xá-ly. Hàng ngàn người khi hay tin được đức Phật sẽ nhập niết bàn, họ đã theo chân Ngài hy vọng sẽ được nghe trực tiếp Ngài giảng pháp là không còn nhiều…Bài Kinh Di Giáo, bài kinh cuối cùng trước khi đức Phật nhập vô dư Niết-bàn, tại rừng Sa-la, dưới cây song thọ. Nhân đó, đức Phật đã nói lại cốt lõi chánh pháp, những điều mà Ngài thật sự quan tâm và muốn tất cả các vị đệ tử xuất gia lẫn tại gia cần phải thực tập, thực hành, truyền bá, phổ biến đúng với tinh thần Ngài dạy…

Sau khi nhắc lại 8 sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật, Thượng tọa đã nhấn mạnh và kêu gọi các Phật tử:”là các Phật tử chúng ta hãy nên treo cờ Phật giáo tại các tư gia, làm mô hình đức Phật Đản sinh. Là Phật tử mà chúng ta không quan tâm đến, không dành được mấy tiếng đến chùa để tham dự lễ kỷ niệm ngày sinh của vị Bổn sư của mình, người khai sáng ra đạo Phật là một thiếu sót lớn, quá thờ ơ, quá ích kỷ, thiếu tránh nhiệm. Là các Phật tử hãy xin phép nghỉ ngày rằm tháng tư, kể cả con em của mình cũng xin nghỉ học để đến chùa tham dự. Ngày rằm tháng tư sắp tới, tại khuôn viên 7500m2 của Việt Nam Quốc Tự có sức chứa 10 ngàn người. Do đó, các Phật tử hãy phát nguyện dẫn đến khuôn viên Quốc Tự khoảng trật kín 10 ngàn người, tràn ngập đường 3/2 và tràn ngập đường Lê Hồng Phong càng tốt. Chúng ta hãy làm cho đại lễ Phật đản trở thành một lễ hội văn hóa mà đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra quyết định và  công bố vào ngày 15/ 12/ 1999…”

Buổi chia sẻ pháp thoại đã kết thúc trong niềm hoan hỷ dạng người trên khuôn mặt của những người có mặt tại đây.

Nguồn: http://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/17548-tt-thich-nhat-tu-thuyet-giang-cuoc-doi-duc-phat-thich-ca-tai-viet-nam-quoc-tu.html?fbclid=IwAR0VuzoXy1Vhlr3pg1VFJTc7VoSj4etCOR-7byKo33_scqJkl6TljekB7ug

Trả lời