TỨ NHƯ Ý TÚC

NHƯ Ý TÚC là đầy đủ, viên mãn sự vừa ý, sự hài lòng, sự thoả mãn không cần thêm một cái gì nữa. Đức Phật dạy có bốn cái cần phải học tập và thực hành để đạt được NHƯ Ý TÚC. Đó là Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Định như ý túc và Tuệ như ý túc.

1- Thế nào là DỤC NHƯ Ý TÚC:

Dục là từ Hán Việt có nhiều nghĩa theo các ngữ cảnh khác nhau nhưng chữ Dục trong ngữ cảnh này là Thích và Muốn nghĩa là thích đối tượng dễ chịu thì sẽ muốn có được nó, trong kinh điển gọi là Tham dục, nôm na là ham muốn. Dục phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu. Phàm phu có đủ thứ Dục về vật chất và tinh thần nhưng đều cùng một mục đích duy nhất là muốn Chấm dứt Khổ.

Một kẻ Phàm phu khi được nghe giảng về Tứ Thánh Đế hiểu rõ được vấn đề nên phát sinh niềm tin, niềm tin phát sinh như vậy gọi là Chánh Tín và do Chánh Tín mà phát sinh một ham muốn mãnh liệt : Tu tập Bát Chánh Đạo. Ham muốn mãnh liệt này sẽ đưa đến tu tập Bát Chánh Đạo để Chấm dứt Khổ vì vậy đây là Dục có thể thay thế cho mọi Dục khác của thế gian, chỉ cần một Dục duy nhất này là đủ làm hài lòng, thoả mãn người trí, nên gọi là DỤC NHƯ Ý TÚC.

Nếu một kẻ Phàm phu mà phát sinh được Dục như ý túc thì sẽ dẹp trừ được những ham muốn khác, mới có thể NHẤT HƯỚNG tu tập Bát Chánh Đạo. Nếu không có ham muốn tu tập Bát Chánh Đạo để thoát khổ theo Chánh Tín này thì không có tu tập Bát Chánh Đạo, nếu ham muốn này chưa trở thành Dục như ý túc thì cũng đang giao động, chưa nhất hướng tu tập Bát Chánh Đạo.

DỤC NHƯ Ý TÚC vẫn thuộc Phàm phu nên nó thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế ( thế gian ) do VĂN và TƯ mà có. Dục như ý túc là chuẩn bị, là nhân duyên để khởi lên Bát Chánh Đạo siêu thế và khi Bát Chánh Đạo siêu thế đã khởi lên thì không còn DỤC kể cả DỤC NHƯ Ý TÚC.

Có ngoại đạo cho rằng, đây là dùng Dục trị Dục, dùng một Dục này để thay thế một Dục khác thì vẫn tồn tại Dục. Ngài A Nan đã trả lời : nếu ông muốn đến một khu vườn thì ông phải có Ý Muốn đến ( Dục ) khu vườn rồi khởi lên tinh tấn để đến khu vườn đó nhưng khi đã đến khu vườn thì Muốn đến và tinh tấn cũng không còn nữa. Cũng y như vậy, phải có Dục như ý túc, tham muốn tu tập Bát Chánh Đạo thì mới đi đến tu tập và khi đã tu tập, Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên, lúc đó Dục như ý túc không còn nữa.

2 – Thế nào là TINH TẤN NHƯ Ý TÚC :

Là tinh tấn làm hài lòng, thỏa mãn, đầy đủ không cần đến một tinh tấn nào khác. Tinh Tấn như ý túc có bốn tính chất : Một là ngăn ngừa các ác pháp chưa sanh, Hai là đoạn trừ các ác pháp đã sanh, Ba là khởi lên các thiện pháp chưa khởi, Bốn là viên mãn các thiện pháp đã khởi. Tinh tấn như ý túc có hai loại : Một thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế và Một thuộc Bát Chánh Đạo siêu thế.

Tinh tấn như ý túc thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế : Phàm phu khi có VĂN và TƯ đã phát sinh DỤC NHƯ Ý TÚC và do Dục như ý túc làm nhân mà sẽ phát sinh nỗ lực cố gắng tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế. Có cố gắng nỗ lực để tu tập Bát Chánh Đạo thì Bát Chánh Đạo siêu thế mới khởi lên. Tinh Tấn này có thể thay thế mọi tinh tấn khác trong đời, chỉ cần một tinh tấn này là đủ để đưa con người tới mục đích tối hậu là Chấm dứt Khổ, nên tinh tấn đưa đến tu tập Bát Chánh Đạo gọi là TINH TẤN NHƯ Ý TÚC. Tinh tấn này làm khởi lên Bát Chánh Đạo siêu thế và nhiếp phục, không cho khởi lên Bát Tà Đạo và khi Bát Tà Đạo được nhiếp phục thì các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, các ác bất thiện pháp chưa sanh được ngăn ngừa không sinh khởi.

– Tinh tấn như ý túc thuộc Bát Chánh Đạo siêu thế : Là chi phần Chánh Tinh Tấn thuộc Bát Chánh Đạo siêu thế, đứng ngay sau Chánh Niệm và do Chánh Niệm làm nhân mà phát sinh.

  • XÚC – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – CHÁNH TINH TẤN – CHÁNH ĐỊNH – ( Tỉnh Giác ) – Chánh Tư Duy – CHÁNH TRI KIẾN – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng

Chánh Tinh Tấn này là TINH TẤN NHƯ Ý TÚC, nó làm khởi lên các thiện pháp chưa sanh, làm viên mãn các thiện pháp đã sanh khởi

Tinh tấn như ý túc là tinh tấn không thụ động, cho dù thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế hay siêu thế đều xoá bỏ được trạng thái lờ đờ, uể oải, hôn trầm, thụ động. Người có Tinh tấn như ý túc cho dù hiệp thế hay siêu thế thì bắt đầu từ lúc thức dậy đã tràn đầy phấn chấn. TINH TẤN NHƯ Ý TÚC cũng chính là TỨ CHÁNH CẦN.

3 – Thế nào là ĐỊNH NHƯ Ý TÚC:

Là chi phần Chánh Định trong Bát Chánh Đạo siêu thế. Đó là sự CHÚ TÂM liên tục từ Cảm thọ này sang Cảm thọ khác cho dù là Lạc thọ, Khổ thọ hay Bất khổ bất lạc thọ theo thứ tự sinh diệt của chúng. Sự chú tâm liên tục, khít khao sẽ phát sinh các trạng thái định : Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.

Các trạng thái định Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền được tu tập, được làm cho viên mãn, khiến có thể tuỳ theo ý muốn có thể trú bất cứ thiền nào, trong thời gian lâu bao lâu tuỳ ý thì định đó là ĐỊNH NHƯ Ý TÚC. Có Định này thì hoàn toàn hài lòng, thoả mãn không cần một loại Định nào khác nữa, nó sẽ đưa đến Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát.

4 – Thế nào là TUỆ NHƯ Ý TÚC :

Là Ý thức CHÁNH TRI KIẾN trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế. Đó chính là hiểu biết như thật hay Tuệ tri Lý Duyên Khởi, Tuệ tri Vô thường, Vô chủ ( Vô ngã ), Tuệ tri Vị ngọt, Sự nguy hiểm, Sự xuất ly, Tuệ tri Khổ Tập Diệt Đạo. Trí tuệ này được tu tập được làm cho viên mãn dưa đến xoá bỏ Vô Minh, đưa đến Giác Ngộ Tứ Thánh Đế, đoạn tận sinh già bệnh chết, đoạn tận khổ. Khi đã viên mãn trí tuệ này thì đó mới là TUỆ NHƯ Ý TÚC, lúc đó là vị VÔ HỌC, không cần bất kỳ một Tuệ nào khác nữa , chấm dứt việc học, không còn như thế gian là : Học, Học nữa, Học mãi.

KẾT LUẬN :

Tứ Như Ý Túc thuộc về cả Bát Chánh Đạo hiệp thế và siêu thế. Trong đó Dục Như Ý Túc và Tinh Tấn Như ý Túc thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế do VĂN và TƯ khởi lên, là BƯỚC CHUẨN BỊ, là tạo nhân duyên cho Bát chánh Đạo siêu thế khởi lên. Còn Tinh Tấn Như Ý Túc, Định Như Ý Túc, Tuệ Như Ý Túc thuộc Bát Chánh Đao siêu thế do TU mà khởi lên. Có những chổ gọi tắt Tứ như ý túc là DỤC CẦN TÂM THẨM theo tiếng Tàu.

Đai Đức Nguyên Tuệ

17 Tháng 6 2016

 

Trả lời