Hiện nay, ngày càng có nhiều người tìm đến học và thực hành Tứ Niệm Xứ, một phương pháp tu tập mà chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khám phá và truyền dạy lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ, chính xác và thấu đáo về pháp tu đặc biệt, có một không hai này. Hiểu đúng là yếu tố tiên quyết, tối quan trọng để đưa đến thực hành đúng, từ đó mới gặt hái được kết quả, thành tựu mục đích của sự tu học là chấm dứt khổ đau, phiền não, kinh nghiệm được an lạc, tự do, giải thoát.
Dưới đây là bài viết giới thiệu khái quát về pháp tu Tứ Niệm Xứ giúp bạn đọc bước đầu hiểu đúng, đủ và thực hành được theo lời dạy gốc của Đức Phật.
1. Tứ Niệm Xứ là gì?
Tứ Niệm Xứ được nhiều người biết đến là một trong những pháp môn tu tập của Phật giáo, do chính Đức Phật khám phá và truyền dạy. Hiện nay, có hai cách hiểu phổ biến nhất về khái niệm này:
- Theo Phật giáo đại thừa: Tứ là bốn, Niệm là hằng nhớ nghĩ, Xứ là nơi chốn. Vậy Tứ Niệm Xứ được hiểu là 4 nền tảng cốt lõi của Đạo Đế mà những người học Phật cần phải chú ý coi trọng, để tâm và ghi nhớ, quan sát, đó là: Quán thân bất tịnh; Quán Thọ thị khổ; Quán Tâm vô thường; Quán Pháp vô ngã. (Nguồn: https://anvientv.com.vn/tu-niem-xu-la-gi)
- Theo Phật giáo Nguyên thủy: Tứ Niệm Xứ là một thuật ngữ Phật giáo quan trọng, có nghĩa là sự thiết lập, xây dựng chánh niệm tỉnh giác hay chánh niệm hiện tiền, hoặc cũng có thể hiểu là các nền tảng của chánh niệm. Phương pháp này nhằm giúp cho hành giả đạt đến sự giác ngộ viên mãn và tâm tỉnh thức. Việc thực hành tập trung 4 đối tượng: Thân hay còn hiểu là cơ thể, Thọ hay còn hiểu là cảm giác, Tâm và Pháp tức là các nguyên tắc hay phạm trù chính trong giáo lý của Đức Phật (Nguồn: Wikipedia).
Ngoài ra, có rất nhiều người đồng nhất khái niệm Tứ Niệm Xứ với Thiền Tứ Niệm Xứ. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng các khái niệm này?
Trước hết, cần làm rõ khái niệm “Thiền”. Khi nói đến Thiền, nhiều người liền hoang mang vì có cả rừng Thiền như: Thiền Chánh niệm, Thiền rải tâm từ, Thiền năng lượng, Thiền luân xa, Thiền Yoga, Thiền Vipassana… Tuy nhiên, khi đề cập đến Thiền do Đức Phật truyền dạy, hay nói gọn là Thiền Phật Giáo thì chúng ta cần hiểu rõ: Từ “Thiền” là nói tắt của Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, là các cấp độ của Chánh Định trong Bát Chánh Đạo. Nếu thực hành Thiền mà không đạt được Chánh Định, không đạt được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền thì sự thực hành đó không đúng theo nguyên nghĩa của từ “Thiền”. Nói Thiền Tứ Niệm Xứ là để thực hành, để kinh nghiệm được chi phần Chánh định trong Bát Chánh Đạo với 4 tầng thiền là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.
(Có thể tham khảo một bài viết chi tiết về Thiền ở đây: https://batchanhdao.vn/thien-la-gi/)
Đức Phật giảng dạy về Tứ Thánh Đế, là hiểu biết đúng sự thật về Khổ, Tập (Nguyên nhân khổ), Diệt (Khổ diệt, Niết Bàn), Đạo (Con đường chấm dứt khổ), trong đó Đạo đế là Bát Chánh Đạo. Như vậy, sự tu tập không chỉ là tu tập riêng rẽ mỗi chi phần Chánh Định (Thiền), mà phải là tu tập toàn bộ Bát Chánh Đạo với 8 chi phần: Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định, Chánh Tư Duy, Chánh Tri Kiến, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Đức Phật giảng dạy sự tu tập là Tứ Niệm Xứ, tức là thực hành bốn loại Chánh Niệm (Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp). Tại sao chỉ cần thực hành Chánh Niệm? Là vì khi thực hành Chánh Niệm (Tứ Niệm Xứ) thì toàn bộ Bát Chánh Đạo sẽ tự động, tuần tự khởi lên theo định luật duyên khởi. Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, người tu sẽ kinh nghiệm và an trú Bát Chánh Đạo, kinh nghiệm và an trú Khổ diệt (Niết Bàn).
Như vậy, phải hiểu chính xác: Tứ Niệm Xứ là pháp hành (phương pháp thực hành Giáo Pháp) do Đức Phật khám phá và truyền dạy, bao gồm sự thực hành bốn loại Chánh Niệm (Trí nhớ Chánh):
- Chánh niệm thứ nhất là quán thân nơi thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nói tắt là Quán Thân, hay Niệm Thân.
- Chánh niệm thứ hai là quán thọ nơi thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nói tắt là Quán Thọ, hay Niệm Thọ.
- Chánh niệm thứ ba là quán tâm nơi tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nói tắt là Quán Tâm, hay Niệm Tâm.
- Chánh niệm thứ tư là quán pháp nơi pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nói tắt là Quán Pháp, hay Niệm Pháp.
Một điểm đặc biệt cần lưu ý:
Để có thể thực hành Tứ Niệm Xứ đúng và đủ thì cần phải tuân thủ theo lộ trình VĂN – TƯ – TU, là lộ trình TU CHỨNG DUY NHẤT mà Đức Phật đã dày công thiết lập nên. Trong đó:
VĂN: là nghe giảng để có được HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT về tất cả các sự vật hiện tượng (Thuật ngữ Phật học gọi là tất cả pháp), trong đó có hiểu biết đúng sự thật về Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, về Tứ Thánh Đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế). Những hiểu biết đúng sự thật này còn gọi là MINH, TRÍ TUỆ, CHÁNH TRI KIẾN do Nghe mà có, gọi là VĂN TUỆ.
TƯ: là tư duy về các vấn đề VĂN TUỆ đã tiếp thu, làm cho HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT về các pháp được sâu sắc và lớn rộng hơn Văn tuệ. Trí tuệ do tư duy mà đạt được, gọi là TƯ TUỆ.
TU: là thực hành Bát Chánh Đạo bao gồm 8 chi phần: Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Pháp tu này thực hành cả 8 CHI PHẦN trong mối quan hệ Duyên khởi lên các chi phần, với phương pháp thực hành là Tứ Niệm Xứ. Trí tuệ do thực hành đạt được gọi là TU TUỆ.
VĂN và TƯ (học và tư duy về Pháp học) là BƯỚC CHUẨN BỊ KHÔNG THỂ THIẾU để khởi lên TU (thực hành Tứ Niệm Xứ). Như vậy, Pháp hành (Tứ Niệm Xứ) là tiếp nối và phù hợp, nhất quán với Pháp Học (Tứ Thánh Đế) để kinh nghiệm được Pháp thành (Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát). Không có phương pháp, cách thức tu tập nào khác có thể Giác Ngộ mà không tuân thủ lộ trình này.
2. Những lợi ích khi thực hành Tứ niệm xứ
“Này các tỷ kheo, đây là CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Này các tỷ kheo, ở đây tỷ kheo sống trú quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời; sống trú quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời, sống trú quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời; sống trú quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.”
…
Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
(Kinh Niệm Xứ, Trung Bộ Kinh, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch việt)
Trong bài Kinh Niệm Xứ (hay còn gọi là Kinh Tứ Niệm Xứ), Đức Phật đã đề cập đến những lợi ích to lớn của Pháp hành Tứ Niệm Xứ:
- Vị tỷ kheo sống trú quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp với nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác để NHIẾP PHỤC THAM ƯU. Tham là tham ái, nói tắt của Tham Sân Si;, Ưu là ưu phiền, là sầu, bi, khổ, ưu, não, sinh, già, bệnh, chết. Như vậy, sự thực hành Tứ Niệm Xứ sẽ giúp người tu nhiếp phục được tham sân si, nhiếp phục khổ đau, phiền não.
- Lợi ích rốt ráo, viên mãn nhất của sự thực hành Tứ niệm xứ là sự đoạn tận tham sân si, đoạn tận khổ đau, đoạn tận luân hồi sinh tử, đạt đến giải thoát vô thượng như Đức Phật đã nói rõ: Ai tu pháp này trong 7 năm, 6 năm, 5 năm, 4 năm, 3 năm, 1 năm hoặc trong 7 tháng, 6 tháng, 5 tháng… 1 tháng, nửa tháng và tối thiểu 7 ngày thì sự chờ đợi người đó là Chánh trí trong hiện tại và nếu còn dư sót là quả Bất hoàn. Nghĩa là ai tu Bát Chánh Đạo bằng cách thực hành Tứ Niệm Xứ trong thời gian từ 7 ngày cho đến 7 năm thì sẽ đạt quả A La Hán ngay trong hiện tại và nếu không được thì sẽ là quả Bất Hoàn (nghĩa là sau khi chết thì thành hoá sanh và tại đấy nhập diệt, không trở lại cuộc đời này nữa).
Cho nên, Đức Phật mới khẳng định: Tứ Niệm Xứ là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn.
Ngày nay, khi thực hành pháp tu Tứ Niệm Xứ mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng thì nhiều người đã tự mình trải nghiệm, thân chứng được những lợi ích thiết thực hiện tại như:
- Kinh nghiệm và an trú Tỉnh giác, sống với tâm giải thoát – đầu óc trống rỗng trống không, thoải mái bình an. Có thể giảm thiểu, chấm dứt đến 80% những suy nghĩ linh tinh không cần thiết đưa đến căng thẳng, phiền não, chỉ còn khoảng 20% các suy nghĩ cần thiết để làm những việc có ích trong hiện tại. Do não bộ được nghỉ ngơi triệt để và chỉ làm việc những khi cần thiết nên làm gia tăng hiệu quả và chất lượng công việc; cải thiện chất lượng các mối quan hệ; nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Kinh nghiệm lối sống Bát chánh đạo luôn có tâm trạng tích cực, vui, thoải mái phát sinh nhờ Chánh định – sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân. Đây là thứ hạnh phúc nội tâm kỳ diệu, không phải tìm cầu, không phải lao tâm khổ trí, không bị chi phối bởi ngoại cảnh và có thể kéo dài liên tục từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác, suốt cả cuộc đời.
- Kinh nghiệm và an trú Chánh kiến, sống với tuệ giải thoát, đưa đến thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi công việc, mọi đối tượng,… đưa đến sự chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây. Không còn bị áp lực cuộc sống, gia đình, công việc, xã hội… chi phối. Có thể tự mình giải quyết tất cả mọi vấn đề rắc rối, phiền não trong đời sống.
Tóm lại, sự thực hành Tứ Niệm Xứ giúp con người sống với tâm trạng luôn có tích cực, vui, thoải mái; tăng khả năng sống thích nghi với mọi hoàn cảnh; đưa đến chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây. Nếu thực hành viên mãn, rốt ráo thì sẽ đưa đến sự đoạn tận khổ đau phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt đến sự giải thoát hoàn toàn ngay trong kiếp sống hiện tại.
3. Cách Thực hành Tứ Niệm Xứ
Cốt lõi của sự thực hành Tứ Niệm Xứ là rèn luyện Chánh niệm, rèn luyện kỹ năng CHÚ TÂM LIÊN TỤC CẢM GIÁC TOÀN THÂN. Vì vậy, có thể thực hành trong mọi tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi…, trong tất cả mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày: ăn uống, vệ sinh, dọn dẹp… và trong khi làm việc.
Trong đó, thiền ngồi (toạ thiền) là sự thực hành quan trọng nhất. Việc tọa thiền sẽ giúp rèn luyện, hình thành trí nhớ chú tâm liên tục cảm giác toàn thân được nhanh và hoàn chỉnh, từ đó có thể phát triển thói quen chú tâm này ra toàn bộ sinh hoạt đời sống.
Bài viết này sẽ giới thiệu cách thức thực hành Tứ Niệm Xứ một cách cơ bản, trong nhiều tư thế như: tọa thiền, thiền đứng, thiền hành, thiền nằm, khi tu tập tự do và cách ứng dụng vào thực tế đời sống.
Thực hành Tứ Niệm Xứ bao gồm:
- Niệm Thân (Quán Thân nơi Thân)
- Niệm Thọ (Quán Thọ nơi Thọ)
- Niệm Tâm (Quán Tâm nơi Tâm)
- Niệm Pháp (Quán Pháp nơi Pháp)
Để được hướng dẫn chi tiết từ Thiền Sư Nguyên Tuệ mời bạn xem bài viết: Hướng dẫn Thực hành Tứ Niệm Xứ
4. Những lưu ý khi thực hành Tứ niệm xứ
Khi tọa thiền, tùy theo từng đề mục, tùy lúc mà có thể THỰC HÀNH ĐAN XEN: Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp. Khi Niệm Thọ, Tâm, Pháp thì Chánh tư duy, suy nghĩ khởi lên liên tục nên đầu óc căng hơn. Vậy khi Niệm Thọ, Tâm, Pháp vừa đủ thì trở lại an trú chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân theo nhịp thở – an trú Tâm ghi nhận, Tâm biết Tỉnh giác, kinh nghiệm đầu óc trống rỗng trống không.
Trong mọi sinh hoạt đời sống, với mọi tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc… cần liên tục nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi. Khi đó bắt gặp đối tượng nổi trội nào thì:
- Có thể khởi lên ”THẤY, THẤY” (hoặc “GHI NHẬN, GHI NHẬN”) (Niệm Thân)
- Có thể nhớ được đó là ”CẢM GIÁC, CẢM GIÁC” thì khởi lên là ”CẢM GIÁC, CẢM GIÁC”. (Niệm Thọ)
- Nếu như lúc đó nhớ đến là tâm, thì khởi lên là nhãn thức ghi nhận cảm giác hình ảnh, hay nhĩ thức ghi nhận cảm giác âm thanh… (Niệm Tâm)
- Hoặc khởi lên: tuệ tri nguy hiểm, thích thú đối tượng đó là nguy hiểm… (Niệm Pháp)
Thực hành một cách tự nhiên, khởi lên là Niệm Thọ, Niệm Tâm, hay Niệm Pháp đều được.
Sự thực hành Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp cần đều đặn, liên tục để tạo lập, hình thành và phát triển một thói quen mới là Chánh niệm và cũng để xóa bỏ, đoạn tận thói quen tà niệm từ vô thủy đến nay. Chỉ khi nào thói quen Chánh niệm (Tứ Niệm Xứ) được tu tập liên tục, được phát triển vững chắc thì mới có thể xóa bỏ, đoạn diệt thói quen tà niệm. Sự thực hành như vậy mới đem lại lợi ích lớn, mới có thể làm cho Bát chánh đạo khởi lên liên tục, mới nhiếp phục và đi đến đoạn tận Bát tà đạo, con đường của luân hồi khổ não.
5. Phân biệt Tứ Niệm Xứ và các phương pháp tu tập Thiền Định khác
Hiện nay, có nhiều người chủ trương chia sự tu tập Phật giáo ra làm 2 phần riêng biệt là Thiền Định và Thiền Quán. Trong đó:
- Thiền Định (còn gọi là Thiền Chỉ): chủ trương thực hành là buộc tâm vào một đối tượng để tâm không phóng dật, chỉ nhất tâm trên một đối tượng đó (tâm nhất cảnh).
- Thiền Quán (còn gọi là Thiền Minh Sát, Vipassana): chủ trương thực hành là quan sát các đối tượng, từ đối tượng này sang đối tượng khác để thấy các đối tượng đó vô thường, khổ, vô ngã.
Vậy có gì khác nhau giữa Thiền định, Thiền Vipassana với Tứ Niệm Xứ? Mời bạn xem bài viết: Phân biệt Tứ Niệm Xứ với Vipassana và các phương pháp tu tập Thiền Định khác
Các câu hỏi thường gặp về Tứ niệm xứ
- HỎI: QUÁN TÂM THAM, SÂN
- NỘI DUNG CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ
- CÓ PHẢI HÀNH THIỀN ĐỂ THẤY CÁC PHÁP LÀ KHỔ?
Xem phần trả lời từ Thiền Sư Nguyên Tuệ cho các câu hỏi thường gặp về Tứ Niệm Xứ tại đây.
KẾT LUẬN
Tu tập Tứ Niệm Xứ là thực hành Chánh Niệm, luyện tập Trí Nhớ về Thân, Thọ, Tâm, Pháp, nói gọn là Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp (hay Quán Thân, Quán Thọ, Quán Tâm, Quán Pháp) để thấy biết như thật về Thân, Thọ, Tâm, Pháp, thấy biết như thật về Giáo pháp mà Đức Phật đã giác ngộ và thuyết giảng. Trong đó:
- Tu tập Niệm Thân với mục đích chứng ngộ và an trú tâm biết trực tiếp Tỉnh Giác, chứng ngộ và an trú Tâm Giải Thoát. Nhưng Niệm Thân chỉ NHIẾP PHỤC Tham Sân Si chứ không ĐOẠN TẬN được Tham Sân Si.
- Tu tập Niệm Thọ, Niệm Tâm và Niệm Pháp là tu tập để chứng ngộ và an trú Chánh Tri Kiến, chứng ngộ và an trú cả Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát. Khi Chánh Tri Kiến là Trí Tuệ được tu tập viên mãn mới xoá bỏ được thông tin Vô minh Chấp ngã trong kho chứa, lúc đó mới ĐOẠN TẬN VÔ MINH, ĐOẠN TẬN THAM SÂN SI, ĐOẠN TẬN PHIỀN NÃO.
Khi đã có Văn Tuệ và Tư Tuệ chính xác, đầy đủ thì việc tu hành chỉ là LUYỆN TẬP TRÍ NHỚ, tuy có chia ra nhiều đề mục riêng rẽ để luyện tập cho dễ dàng và hiệu quả nhưng thành quả cuối cùng viên mãn là Khi Thấy, Nghe, Cảm nhận đối tượng thì không cần niệm thầm nhắc nhở mà TRÍ NHỚ CHÁNH sẽ TỰ ĐỘNG khởi lên, đưa đến BIẾT NHƯ THẬT đối tượng đó là Cảm Thọ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sanh, nó Vô thường, vô chủ (Vô ngã), nó có vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly. Đó chính là chứng ngộ và an trú TRÍ TUỆ MÀ ĐỨC PHẬT ĐÃ GIÁC NGỘ. Chính vì vậy mà Đức Phật đã tuyên bố: “Đây là con đường độc nhất cho chúng sanh diệt trừ phiền não, chấm dứt khổ ưu, thành tựu Chánh trí chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.”
Đặc biệt, tu tập Tứ Niệm Xứ để khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế không chỉ đơn thuần là một phương pháp tu tập, mà hơn nữa, nó là một lối sống, lối sống với Chánh niệm về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Lối sống này là lối sống thích nghi, là lối sống chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây, lối sống luôn có hạnh phúc nội tâm kỳ diệu, có tâm giải thoát và tuệ giải thoát, giúp con người kinh nghiệm được sự tự do tự tại, bình thản an nhiên mọi lúc, mọi nơi.
(Tổng hợp từ các bài giảng về Bát Chánh Đạo và Tứ Niệm Xứ của Thiền Sư Nguyên Tuệ)
Một số lưu ý với bạn đọc
- Trên đây là những nội dung được tổng hợp và đúc kết từ các bài Pháp giảng về Giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni theo sự hướng dẫn của Thiền Sư Nguyên Tuệ, với nội dung trọng tâm là Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo và Tứ Niệm Xứ.
Trong quá trình biên soạn, người viết đã cố gắng dùng các từ vựng thông dụng đơn giản, dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng như mọi môn học khác, Phật học có những thuật ngữ riêng nên khó tránh được việc phải dùng các từ ngữ chuyên môn, nhiều từ ngữ Hán Việt, có thể sẽ gây khó hiểu với những người mới bắt đầu tìm hiểu về chủ đề này. Ngoài ra, đây chỉ là những dòng tổng hợp, đúc kết cho một khối lượng kiến thức Phật học khá lớn (bao gồm trong một khóa tu 9 ngày miên mật).
Vì vậy, bạn đọc nếu muốn tìm hiểu sâu hơn thì tốt nhất nên tham dự một khóa tu học đầy đủ do Sư Nguyên Tuệ hướng dẫn để có thể tiếp cận chi tiết và đầy đủ toàn bộ Pháp học Tứ Thánh Đế và Pháp hành Tứ Niệm Xứ. Quá trình học Phật là lộ trình Văn – Tư – Tu không thể thiếu bước nào, nên sự đầu tư thời gian, công sức, nỗ lực để học hỏi, tìm hiểu kỹ càng và thực hành rốt ráo là thật sự cần thiết.
- Một trong những Phật ngôn quan trọng có nội dung là: khoan vội tin, khoan vội bác bỏ, mà hãy suy xét, quan sát kỹ càng xem đó có phải là sự thật không. Nếu nó đúng sự thật thì chấp nhận còn không đúng sự thật thì không chấp nhận điều đó. Khi tiếp nhận các thông tin này, theo như tinh thần Đức Phật giảng dạy, hãy tạm thời bỏ sang một bên các kiến thức và cách thực hành cũ, học và thực hành các kiến thức mới rồi tự mình trải nghiệm xem pháp tu này có đúng sự thật không, có thực sự lợi ích không, có đưa đến kết quả giác ngộ, giải thoát không. Từ đó bạn có thể tự mình khẳng định, kết luận và có sự lựa chọn pháp tu phù hợp nhất.
- Bạn đọc có thể tham khảo thêm về chủ đề này từ các nguồn sau:
-
- Trang web: gosinga.vn – cập nhật thông tin các khóa tu học Tứ Niệm Xứ theo sự hướng dẫn của Thiền Sư Nguyên Tuệ
- Trang web: batchanhdao.vn – thư viện tổng hợp các bài Pháp về Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, chia sẻ trải nghiệm thực hành Tứ Niệm Xứ,…
- Kênh Youtube Gosinga: https://www.youtube.com/@Gosinga – Đăng tải video các bài Pháp và Pháp đàm của Sư Nguyên Tuệ
- Kênh Spotify Sư Nguyên Tuệ: https://open.spotify.com/show/584aMAaxPZZmM1u2Qc4GUq – Đăng tải audio các bài Pháp của Sư Nguyên Tuệ
- Kênh Facebook Sư Nguyên Tuệ: https://www.facebook.com/thiensunguyentue – Theo dõi các bài viết mới nhất từ Thiền Sư
- Các sách đã xuất bản của Thiền Sư Nguyên Tuệ https://batchanhdao.vn/sachsunguyentue/
Xem thêm: Các bài viết liên quan:
- Con đường độc nhất – Bốn Niệm Xứ
- Niệm hơi thở vô, hơi thở ra
- Thân hành niệm
- Chỉ và quán
- Ba trụ cột của Pháp hành
- Tuệ tri khi hành Tứ Niệm Xứ
- Rèn luyện trí nhớ chánh