Tuệ tri là một thuật ngữ Phật học Hán Việt nghĩa là Biết với Trí tuệ mà nói thuần tuý tiếng Việt là Hiểu biết đúng sự thật. Vậy tuệ tri hạnh phúc là hiểu biết đúng sự thật về Hạnh phúc.
Trong các bộ kinh Nikaya, đặc biệt là Trung bộ kinh, bộ kinh bàn về Chánh tri kiến chủ yếu bàn về Hiểu biết đúng sự thật Khổ, Nguyên nhân khổ, Chấm dứt Khổ và Con đường chấm dứt khổ tức là Bốn sự thật mà bậc thánh đã giác ngộ mà Phật học gọi là Tứ Thánh Đế. Trong các bộ kinh đó rất ít bàn về Hạnh phúc nên nhiều người cho rằng Phật Giáo bi quan, vì Phật giáo cho rằng cuộc đời là bể khổ, cuộc đời không có một chút vui thú nào. Đây là một sự hiểu lầm rất lớn.
Tuy Đức Phật giác ngộ và truyền dạy về bốn khía cạnh của Khổ gồm: Sự thật khổ, Sự thật nguyên nhân khổ, Sự thật chấm dứt khổ, Sự thật Con đường chấm dứt khổ nhưng để giác ngộ được về khổ như vậy, trước tiên Ngài phải giác ngộ về Hạnh phúc mà thuật ngữ Phật học gọi là Vị ngọt. Điều này thể hiện trong lời tuyên bố về giác ngộ của Ngài được nhắc đi nhắc lại cả đến gần trăm lần trong bản kinh Phạm Võng thuộc Trường bộ kinh : “ Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của Thọ, VỊ NGỌT, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ”.
Để Liễu tri Hạnh phúc, hiểu biết đầy đủ, đúng sự thật về Vị ngọt, về Hạnh phúc phải Tuệ tri bốn khía cạnh của Hạnh phúc.
1- Một là Tuệ tri Hạnh phúc, là hiểu biết đúng sự thật hạnh phúc.
2- Hai là Tuệ tri tập khởi hạnh phúc, là hiểu biết đúng sự thật về Nguyên nhân phát sinh hạnh phúc.
3- Ba là Tuệ tri hạnh phúc đoạn diệt, là hiểu biết đúng sự thật về hạnh phúc đoạn diệt.
4- Bốn là Tuệ tri Con đường hạnh phúc đoạn diệt là hiểu biết đúng sự thật về con đường hạnh phúc đoạn diệt.
A- Tuệ tri Hạnh phúc :
Khi có hạnh phúc thì bất kể già trẻ gái trai ngu trí, ai ai cũng cảm nhận được hạnh phúc, cảm nhận được trạng thái Vui và Thoải mái mà thuật ngữ Phật học Hán Việt gọi là Hỷ và Lạc. Nhưng hiểu biết về Hạnh phúc thì có hai loại hiểu biết : Hiểu biết sai, hiểu biết không đúng sự thật gọi là vô minh, tà kiến, vọng tưởng về hạnh phúc. Hai là hiểu biết đúng sự thật về hạnh phúc gọi là minh, trí tuệ, chánh kiến. Tuệ tri hạnh phúc là hiểu biết đúng sự thật cả hai loại hiểu biết này, phân biệt rõ ràng hai loại hiểu biết vô minh và minh này.
a – Hiểu biết không đúng sự thật về hạnh phúc :
đó là hiểu biết của nhân loại, hạnh phúc sẵn có, luôn luôn có, thường hằng thường trú trong các đối tượng thực tại là thế giới vật chất. Như vậy hạnh phúc sẵn có trong sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái… Người nào nắm giữ, làm chủ, sở hữu được những thứ vật chất đó, người đó có hạnh phúc. Và như vậy hạnh phúc không những là thường hằng thường trú trong thế giới vật chất mà có thể nắm giữ, làm chủ, sở hữu được hạnh phúc.
Nhân loại mặc định rằng chỉ có thứ hạnh phúc duy nhất từ thế giới ngoại cảnh này, không có một thứ hạnh phúc nào khác và chỉ khi nào nắm giữ được, làm chủ, sở hữu được hạnh phúc này, lúc đó mới chấm dứt được khổ. Chính vì nhận thức về hạnh phúc là cái duy hất chấm dứt được khổ nên nhân loại từng giây phút một, từng tháng năm, suốt cả cuộc đời từ khi sinh ra đến khi chết, luôn khao khát, mong mỏi tìm cầu niềm vui, hạnh phúc để chấm dứt khổ bằng cách thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi thế giới vật chất ngoại cảnh. Hiểu biết về hạnh phúc như thế này trong Phật học gọi là vô minh, tà kiến, vọng tưởng còn gọi là thường kiến và ngã kiến.
b – Hiểu biết đúng sự thật về hạnh phúc :
Hạnh phúc và cả Khổ đau là các Cảm giác, nó là tâm chứ không phải là vật chất, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu. Hãy quan sát điều này ngay thực tại cuộc sống hàng ngày. Ví như có anh chồng cưới được cô vợ xinh như hoa hậu hoàn vũ. Trong một năm đầu anh ta thích thú khi nhìn thấy hay nghĩ tới hình ảnh xinh đẹp đó và lúc đó anh ta cảm nhận cảm giác vui, cảm giác hạnh phúc.
Nhưng đến năm thứ 2 người vợ xinh như hoa hậu hoàn vũ đó ngoại tình công khai nên khi nhìn thấy hay nghĩ tới hình ảnh xinh đẹp đó anh ta tức giận điên người và lúc đó anh ta cảm nhận cảm giác đau khổ. Vậy thì hạnh phúc và khổ đau không có trong đối tượng thực tại là hình ảnh xinh đẹp mà anh ta nhìn thấy, không có trong người đàn bà xinh đẹp, mà hạnh phúc và khổ đau phát sinh nơi tâm anh ta, cụ thể là thích đối tượng đó thì cảm nhận hạnh phúc, ghét đối tượng đó thì cảm nhận đau khổ.
Nói một cách nôm na dễ hiểu là hạnh phúc và khổ đau không có trong các đối tượng thực tại mà nó phát sinh nơi tâm của người đang thấy, nghe, cảm nhận đối tượng thực tại. Nếu thích đối tượng thì hạnh phúc, hễ ghét đối tượng thì đau khổ. Cùng một đối tượng hình ảnh người đàn bà xinh đẹp như cô hoa hậu hoàn vũ người chồng nhìn thấy rồi ghét thì sẽ đau khổ với đối tượng còn tình nhân thấy rồi thích thì sẽ hạnh phúc với đối tượng. Mọi đối tượng khác cũng đều y như vậy, thích đối tượng thì hạnh phúc, ghét đối tượng thì đau khổ.
Hạnh phúc và Khổ đau phát sinh nơi nội tâm người thấy chứ không có nơi đối tượng được thấy, không có trong thế giới ngoại cảnh. Vì vậy, hạnh phúc là cảm giác mà thuật ngữ Phật học gọi là Cảm thọ, nó phát sinh nơi nội tâm, nó là tâm chứ không phải vật chất, nó sinh diệt, vô thường, không thường hằng, không thường trú đâu cả , nó vô chủ vô sở hữu, nghĩa là không thể nắm giữ, không thể làm chủ, không thể sở hữu, không thể điều khiển được nó.
c – Phân biệt hai loại hạnh phúc :
* Loại hạnh phúc thứ nhất do tham ái hay thích thú đối tượng như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm vị ngon, xúc chạm êm ái từ thế giới ngoại cảnh khởi lên mà nhân loại ai ai cũng kinh nghiệm được. Loại hạnh phúc này phát sinh trên lộ trình tâm Bát tà đạo do vô minh và tham ái khởi lên. Bản chất của loại hạnh phúc này là vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn.
Vì sao vậy ? Vì để có được hạnh phúc này phải lao tâm khổ trí nên khổ khởi lên, vì để có hạnh phúc này phải đánh đổi bằng đau khổ. Hạnh phúc này bản chất là nắm giữ, ràng buộc nghĩa là muốn nó tồn tại vĩnh viễn, muốn nó là của mình vĩnh viễn ( thường kiến, ngã kiến ) nên khi nó vô thường, biến hoại, biến diệt, mất đi đau khổ sẽ khởi lên. Vì vậy, đi đôi với hạnh phúc này là đau khổ.
Loại hạnh phúc này và đau khổ là hai mặt của thực tại như hai mặt của đồng tiền không thể tách rời nhau, không thể chỉ có mặt này mà không có mặt kia. Có hạnh phúc loại này thì sẽ có đau khổ, tuy nó không cùng tồn tại mà chúng sinh diệt đắp đổi nhau rất nhanh chóng. Nếu một người trong đời này hưởng thụ rất nhiều hạnh phúc loại này thì họ cũng thọ hưởng rất nhiều đau khổ và đặc biệt khi chết, hết kiếp sống này tiếp nối kiếp sống hoá sanh thì đau khổ mới kinh khiếp. Loại hạnh phúc này trong Phật học gọi là Dục lạc và Đức Phật gọi nó là Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc.
* Loại hạnh phúc thứ hai cũng là Cảm giác, cũng vô thường, vô chủ vô sở hữu phát sinh nơi nội tâm trên lộ trình tâm Bát chánh đạo. Trên lộ trình tâm Bát chánh đạo không có tham sân, không có thương ghét với bất kỳ đối tượng thực tại nào nên không có Hạnh phúc cũng không có Khổ đau với bất kỳ đối tượng thực tại nào. Bát chánh đạo vắng mặt cả đau khổ lẫn hạnh phúc, loại hạnh phúc mà ai ai cũng đã kinh nghiệm trên lộ trình tâm Bát tà đạo. Trạng thái vắng mặt cả khổ đau, vắng mặt cả hạnh phúc với mọi đối tượng thực tại Phật học gọi là Khổ diệt hay Diệt đế hay Niết bàn.
Tuy rằng Bát chánh đạo không còn tồn tại loại hạnh phúc thứ nhất, loại hạnh phúc gắn liền với đau khổ, loại hạnh phúc vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn nhưng lại có mặt một loại hạnh phúc khác. Đó là Bát chánh đạo gồm : XÚC – [ Thọ – Tưởng ]- Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – ( Tỉnh giác )- Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Như lý tác ý – { Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng}.
Nhờ Chánh niệm – Chánh tinh tấn mà phát sinh Chánh định với mức độ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hay tứ thiền. Các trạng thái định này có trạng thái Vui và Thoải mái mà thuật ngữ Phật học gọi là Hỷ và Lạc cũng là một thứ hạnh phúc được cảm nhận gồm hỷ lạc của sơ thiền, hỷ lạc của nhị thiền, lạc của tam thiền, thanh tịnh của tứ thiền. Đây là một thứ Hạnh phúc không đưa đến ràng buộc nắm giữ, không còn vui ít khổ nhiều, không phải do lao tâm khổ trí, không phải do cạnh tranh, đấu tranh mà có, không do sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái, không do yêu thương mà có mà nó do Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định thuộc về nội tâm phát sinh ra.
Loại hạnh phúc thứ hai này không đi kèm với đau khổ mà nó đi kèm với Khổ diệt, Niết bàn nên nó là thứ hạnh phúc kỳ diệu, thanh tịnh nên Đức Phật gọi nó là Thánh lạc, Chánh giác lạc, an tịnh lạc. Ai đã kinh nghiệm an trú được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hoặc tứ thiền thì sẽ kinh nghiệm được loại Hạnh phúc này. Lúc đó sẽ không còn tham ái, không còn tìm kiếm loại hạnh phúc thứ nhất gọi là Dục lạc, Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc nữa.
B – Tuệ tri tập khởi hay Nguyên nhân hạnh phúc :
1 – Tập khởi hay Nguyên nhân phát sinh loại Hạnh phúc thứ nhất, loại hạnh phúc gắn liền với đau khổ là DO THAM VÀ SÂN HAY THƯƠNG VÀ GHÉT trên lộ trình tâm Bát tà đạo.
XÚC ( Căn Trần )- [Thọ – Tưởng]- Tà niệm – Tà tư duy – Tà tri kiến – {THAM SÂN SI} – Tà định – Dục – Tà tinh tấn – Phi như lý tác ý – {Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng } – VUI KHỔ.
2 – Tập khởi hay Nguyên nhân phát sinh loại Hạnh phúc thứ hai, loại hạnh phúc gắn liền với Khổ diệt, Niết bàn là do CHÁNH NIỆM – CHÁNH TINH TẤN – CHÁNH ĐỊNH trên lộ trình tâm Bát chánh đạo.
XÚC ( Căn Trần )- [Thọ – Tưởng]- CHÁNH NIỆM – CHÁNH TINH TẤN – CHÁNH ĐỊNH – ( Tỉnh giác )- Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Như lý tác ý – {Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng }.
C- Tuệ tri Hạnh phúc đoạn diệt :
1- Loại hạnh phúc thứ nhất gắn liền với đau khổ đoạn diệt là khi lộ trình tâm Bát chánh đạo khởi lên, lộ trình tâm Bát tà đạo đoạn diệt thì Tham Sân, Thương ghét đoạn diệt nên cả Hạnh phúc và Khổ đau loại này đoạn diệt.
2- Loại hạnh phúc thứ hai gắn liền với khổ diệt hữu dư hay Niết bàn hữu dư đoạn diệt là thời điểm nhập diệt của một vị giác ngộ, một vị Ala hán. Lúc đó lộ trình tâm Bát chánh đạo đoạn tận, Hạnh phúc này cũng đoạn tận, Phật học gọi là Khổ diệt vô dư hay Niết bàn vô dư nghĩa là Khổ được đoạn tận không còn dư sót, không còn dư tàn.
D- Con đường Hạnh phúc đoạn diệt cả hai loại hạnh phúc đều là Bát Chánh đạo.
Bát chánh đạo đoạn diệt Hạnh phúc loại thứ nhất nhưng Bát Chánh đạo là con đường CHẤM DỨT LUÂN HỒI SINH TỬ, CHẤM DỨT SỰ HIỆN HỮU, không còn hiện hữu bất kỳ ở đâu, bất kỳ hình thức nào nên loại hạnh phúc thứ hai cũng đoạn tận khi nhập diệt hay gọi là Vô dư Niết bàn.
Để kinh nghiệm được loại hạnh phúc thứ hai, hạnh phúc không gắn liền với đau khổ mà gắn liền với Khổ diệt, Niết bàn hãy tham dự các khoá học online 6 buổi hoặc 13 buổi bắt đầu từ buổi tối ngày 1 và 15 hàng tháng hay các khoá học trực tiếp 2 ngày, 4 ngày, 9 ngày của Gosinga với nội dung học và ràn luyện Kỹ năng chú tâm liên tục, Kỹ năng sống thích nghi, Kỹ năng chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây. Nếu học và hành tích cực thì kết quả đó sẽ mở rộng ra toàn bộ cuộc sống, trở thành một LỐI SỐNG từ khi thức dậy cho đến khi lên giường đi ngủ với mọi tư thế đi đứng nằm ngồi, với mọi công việc lau nhà rửa bát, cuốc vườn hay giao dịch buôn bán. Lúc đó sẽ sống với thứ hạnh phúc nội tâm, không có có khổ đau do Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định ( chú tâm liên tục ) khởi lên, lúc đó sẽ không cần đến, không tham đắm, không tìm cầu thứ hạnh phúc do tài sản, của cải, danh tiếng, yêu thương, cái thứ hành phúc do sắc đẹp tiếng hay, vị ngon, xúc chạm êm ái từ thế giới ngoại cảnh khởi lên. Nhiều người sẽ băn khoăn, thắc mắc, phản biện là như vậy sẽ bỏ bê công việc làm ăn, lấy gì mà sống, mà nuôi con…
Hãy trải nghiệm lối sống Tứ niệm xứ thì tự mình giải toả được các thắc mắc đó. Với lối sống Chánh niệm về thân thọ tâm pháp tức là luôn luôn NHỚ ĐẾN TÍCH CỰC CHÚ TÂM QUÁN SÁT THÂN THỌ TÂM PHÁP lúc đó sẽ có Chánh tinh tấn – Chánh định thì sẽ kinh kinh nghiệm được trạng thái Tích cực- Vui – Thoải mái, là thứ hạnh phúc nội tâm gắn liền với Khổ diệt thì làm bất cứ việc gì cho dù nặng nhọc, vất vả hay nhẹ nhàng, dù là trí óc hay chân tay thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn nhiều, sẽ không còn nhác nhớn, lười biếng, lẩn tránh công việc, không còn gắt gỏng, cáu bẳn khi đối xử với nhân viên, đối tác, không còn bị thích ghét làm hiểu biết sai lệch sự việc khi quyết định đầu tư. Với trạng thái Tích cực – Vui – Thoải mái thì làm việc gì, kinh doanh gì cũng đưa đến hiệu quả cao hơn nhiều, thu nhận được tài sản nhiều hơn nhưng không còn ràng buộc với kết quả, với tài sản thu hoạch được, không còn bị được mất chi phối. Hãy đến để mà thấy thứ hạnh phúc vi diệu này.
Thiền sư Nguyên Tuệ (29.5.2021)
Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC