TUỆ TRI THAM SÂN SI
TUỆ TRI THAM SÂN SI
Tham Sân Si là ba tâm hành rất quan trọng, nhưng sự hiểu
biết về ba tâm hành này được phân chia làm hai loại. Một loại hiểu biết không
đúng sự thật về Tham Sân Si được gọi là Vô Minh, là Vọng tưởng, là Không liễu
tri thuộc về Phàm phu. Một hiểu biết đúng sự thật về Tham Sân Si được gọi là
Minh, là Trí tuệ, là Liễu tri hay Tuệ tri thuộc về bậc Thánh.
1 – Hiểu biết Vô Minh về Tham Sân Si của Phàm
phu : Hiểu biết Vô minh là Ý thức nhị nguyên Tâm Cảnh, nghĩa là cái biết là Tâm
và đối tượng được biết là Cảnh, là Thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp. Với Vô
minh như vậy thì Khổ Tập Diệt Đạo đều ở nơi ngoại cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc
Pháp chứ không phải là Tâm. Kẽ phàm phu hiểu Khổ, Nguyên nhân Khổ là những hoàn
cảnh Khó Chịu và Trung Tính. Sự chấm dứt Khổ là Hạnh phúc, là những hoàn cảnh Dễ
Chịu. Và như vậy đương nhiên Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi hoàn cảnh sống,
thay hoàn cảnh Khó Chịu và Trung Tính bằng hoàn cảnh Dễ Chịu. Khi Căn Trần tiếp
xúc nhận biết đối tượng bằng cái biết trực tiếp giác quan xong thì Ý thức Vô
Minh sẽ khởi lên xác định đối tượng đó là Dễ chịu, Khó chịu hay Trung tính và
Vô Minh về Khổ Tập Diệt Đạo cũng đồng thời khởi lên:
– Đối tượng Dễ chịu thì Thích thú hay Tham khởi
lên vì Vô minh cho rằng đối tượng này mang đến Hạnh phúc, mang đến Chấm dứt Khổ.
– Đối tượng Khó chịu thì Chán ghét hay Sân khởi
lên vì Vô Minh cho rằng đối tượng này sẽ mang đến Khổ.
– Đối tượng Trung tính thì không Thích, không
Ghét nhưng nó không an trú trên đối tượng đó mà Tìm kiếm một đối tượng Dễ chịu
để thay thế đối tượng Trung tính này bởi Vô Minh cho rằng đối tượng Trung tính
cũng mang đến Khổ, chỉ có đối tượng Dễ chịu mới là Hạnh phúc, mới chấm dứt Khổ.
Hành vi Tìm kiếm này gọi là Si.
Hành vi Tham đối với đối tượng Dễ chịu, Sân đối
với đối tượng Khó chịu rất dễ nhận biết nhưng Si đối với đối tượng Trung tính
là rất vi tế, rất khó nhận biết. Si khởi lên sẽ đưa đến tác ý hướng đến một đối
tượng khác, tác ý khởi lên một lộ trình tâm tư duy, tìm cầu một đối tượng khác.
Trong đời sống của Phàm phu, thời gian khởi lên Tham và Sân chiếm chỉ khoảng
30% còn Si chiếm đến 70% còn lại. Nhận biết Tham Sân Si thì Thánh hay Phàm đều
nhận biết được nhưng hiểu biết về Tham Sân Si thì Thánh Phàm lại khác nhau.
Phàm phu hiểu biết về Tham Sân Si như sau :
a – Tham ái gồm ba lĩnh vực là: Dục ái, Hữu ái
và Phi Hữu ái.
– Dục ái: Phàm phu hiểu Thích thú một đối tượng
Dễ chịu, Thích thú Hạnh phúc là bản chất tốt đẹp của con người. Ai không thích
thú Hạnh phúc, không thích thú Sắc đẹp, Tiếng hay, Vị ngon, Hương thơm, Xúc chạm
êm ái là kẽ điên. Nếu không có Tham ái Hạnh phúc thì không có động lực, không
có nỗ lực phấn đấu để đạt được giàu có, tiện nghi, sắc đẹp, danh tiếng, tình
yêu … không thể nào có được những giá trị cuộc đời mà nhân loại tôn xưng.
Chính Dục ái, sự Tham ái Hạnh phúc vật chất và tinh thần được cuộc đời ca ngợi,
tôn vinh. Mọi phương tiện truyền thông, mọi lĩnh vực như âm nhạc, thi ca, văn học
nghệ thuật, triết học, chính trị … đều nhằm khích lệ, cỗ vũ, kích động con
người Tham ái Dục lạc. Nếu không có Tham ái Dục lạc, thì làm sao có tình yêu và
nếu không có tình yêu thì cuộc đời trở nên vô nghĩa, không có tình yêu thì làm
sao mà thi ca, âm nhạc, nghệ thuật, những thứ không thể thiếu trong đời sông
nhân loại ra đời được? nhân loại làm sao sống nổi? Nếu không có Tham ái thì làm
sao mà có tình yêu mẹ con, anh em, chồng vợ, tình yêu quê hương, đất nước tổ quốc,
đồng bào?
– Hữu ái : là tham ái sự hiện hữu, sự sống. Nhân
loại cho rằng sự sống là cao cả, sự sống là mầu nhiệm, sự sống mang đến Hạnh
phúc cho nhân loại, còn chết là đau khổ, là rơi vào một cái gì bí hiểm, không
biết được, vô định, đầy bất trắc, sợ hãi và đau khổ. Chính vì vậy mà nhân loại
tham ái sự sống, khao khát sống, mong cho được trường tồn mãi mãi. Đây là bản
năng của con người và nhờ bản năng đó mà con người mới tồn tại. Nếu không có
tham ái sự sống loài người sẽ không còn tồn tại, sẽ không vượt qua được mọi nỗi
truân chuyên cay đắng của cuộc đời. Hữu ái tuy rằng vi tế khó thấy, khó biết
hơn Dục ái nhưng mãnh liệt hơn rất nhiều so với Dục ái. Một người giàu ,có một
ngàn tỉ đồng, nếu bị phá sản sẽ vô cùng đau khổ, nhưng nếu bị bệnh nan y không
thể nào chữa khỏi, sẽ phải chết thì anh ta sẵn sàng đánh đổi một ngàn tỉ đó để
có được mạng sống.
– Phi Hữu ái là tham ái Hạnh phúc tuyệt đối của
Niết bàn hay phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn của các cảnh giới giải thoát
khi không còn thân xác, không còn hiện hữu của thân xác. Các cảnh giới giải
thoát của các tôn giáo khác nhau thì khác nhau dựa vào chủ trương và đức tin của
từng tôn giáo nhưng nếu như không có Phi Hữu ái, nếu không có tham ái Hạnh phúc
giải thoát tuyệt đối ,thì tôn giáo không thể tồn tại và nếu tôn giáo không tồn
tại thì đời sống của đa số nhân loại sẽ bế tắc bởi tôn giáo là cái phần quan trọng
không thể thiếu của đời sống nhân loại. Nếu không có Phi Hữu ái thì những người
tu hành của các tôn giáo sẽ không có động lực vượt qua gian khổ để tu hành.
b – Sân là chán ghét, tức tối, giận dữ một đối
tượng khó chịu. Nhân loại hiểu Sân là thái độ thích hợp đối với đối tượng khó
chịu, do có nó mà phát sinh hành động thích hợp để bảo vệ những lợi ích bị xâm
hại, bị xúc phạm, để giành được những lợi ích cho mình. Sân là cách thể hiện
thái độ tốt nhất đối với bạo lực, với những điều xấu ác, những bất công, những
xúc phạm nhân phẩm. Nếu không có Sân thì không thể có lòng căm thù để đấu tranh
lật đổ những bất công, không có lòng căm thù đẻ bảo vệ quê hương, đất nước,
không báo thù ,không chiến thắng được kẽ đã hãm hại mình. Không có Sân thì
không thể có sức mạnh để chiến thắng những áp bức, bất công, bạo tàn, không bảo
vệ được những giá trị cao cả của nhân loại đã tốn bao công sức tạo dựng.
c – Si là hành vi tìm kiếm một đối tượng Dễ chịu
để thay thế một đối tượng trung tính hay nói cách khác là tìm kiếm Hạnh phúc (hỷ
lạc) chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái. Nhờ có Si mà loại người mới
phát minh được từ cái này đến cái khác, từ ô tô, tàu hoả, máy bay, máy vi tính,
các phương tiện nghe nhìn, các loại thuốc chữa bệnh …vv. Nếu không có Si thì
thế gian này không thể ra khỏi bóng tối, đói nghèo, lạc hậu, ngu dốt của thời kỳ
nguyên thuỷ, không thể có khoa học, không thể có tiện nghi hiện đại, không thể
có cuộc sống vất chất và tinh thần như hiện nay, không thể có phát triển… Si
không phải là Ngu si mà là động lực phát sinh trí thông minh của con người, là
hành vi tìm kiếm hạnh phúc chỗ này chỗ kia là đông lực phát triển của cuộc sống,
là động lực của phát minh và sáng tạo.
Nhân loại hiểu Tham Sân Si mang đến tốt đẹp cho
đời sống là như vậy. Hiểu biết này đã được tích luỹ, đã được lưu giữ nơi
“kho chứa tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm” của mỗi người nên khi lộ
trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu khởi lên, Tà Niệm sẽ kích hoạt các thông tin
đó và Tà Tư Duy sẽ phân tích đối chiếu với các thông tin đó và sẽ khởi lên cái
biết Ý thức nhị nguyên mang nội dung hiểu biết về Tham Sân Si như vậy. Nhân loại
đang sống với hiểu biết về Tham Sân Si như vậy và Thế gian này, cuộc đời này sẽ
vận hành bởi Tham Sân Si là như vậy. Đối với Phàm phu, khi tâm có Tham vẫn biết
là Tâm có Tham, khi tâm có Sân vẫn biết là tâm có Sân, khi tâm có Si vẫn biết
là Tâm có Si chứ không phải là không biết, nhưng là biết không đúng sự thật, biết
sai lạc rằng Tham Sân Si là tốt đẹp, là hợp lý đưa đến Hạnh phúc, đưa đến hết
Khổ. Khi biết Tham, biết Sân, biết Si như vậy thì Tham Sân Si tăng trưởng chứ
không chấm dứt.
2 – Hiểu biết đúng như thật hay Minh về Tham Sân
Si của bậc Thánh.
Nhân loại hiểu biết Tham Sân Si là tốt đẹp, Tham
Sân Si sẽ mang đến hạnh phúc, sẽ mang đến chấm dứt khổ nhưng sự thật không phải
như vậy. Tham Sân Si có thể mang đến hạnh phúc và hạnh phúc đó có thể chấm dứt
được cái khổ này nhưng nó lại làm phát sinh một cái khổ khác thậm chí còn nghiêm
trọng hơn rất nhiều cái khổ cũ. Tham Sân Si chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ
khác chứ không chấm dứt được khổ, không đưa đến Mục Đích Tối Hậu là Chấm Dứt Khổ.
Ví như một cô gái khổ vì cô đơn, vì chưa có người yêu tâm đồng ý hợp, nhưng khi
cô có người yêu tâm đồng ý hợp và cưới làm chồng thì cô chấm dứt được khổ vì cô
đơn nhưng chính cái đời sống hạnh phúc gia đình đó lại phát sinh ra muôn vàn nỗi
khổ khác còn nghiêm trọng hơn nỗi khổ cô đơn. Một tác giả trong một đoản văn với
tựa đề: Tôi muốn được trở về làm sáu tuổi đã lặp đi lặp lạitrong suốt bài văn:
Tôi muốn được trở về làm sáu tuổi. Muốn được trở về với thơ ngây, với hồn nhiên
với niềm vui giản đơn, với cái biết chưa chất đầy tri thức kinh nghiệm của cuộc
đời. Nay đã là người luống tuổi, đã trưởng thành, đã thành đạt, đã trải nghiệm
biết bao hạnh phúc vật chất, tinh thần, đã có gia đình chồng vợ, con cái, đã nắm
giữ tài sản và đặc biệt đã hiểu biết rất nhiều, hiểu biết về khoa học, về thế
giới, về con người, về cuộc sống, về tình yêu, về thù hận, cả về Chân Thiện Mỹ
… nhưng nay đem so sánh cuộc đời trong hiện tại với khi còn sáu tuổi thì phải
thốt lên: Tôi muốn được trở về làm sáu tuổi. Qua ví dụ này người trí sẽ hình
dung ra sự phát triển tân tiến, hiện đại sẽ đưa con người về đâu, có phải nó sẽ
đưa con người đi xa khỏi cái mục đích tối hậu của con người là Chấm Dứt Khổ.
Nhân loại cho rằng nếu không có Tham Sân Si thì
Thế giới sẽ ở trong tăm tối, trong lạc hâu, đói nghèo, sẽ không phát triển.
Nhưng phát triển để làm gì, tối tân, giàu có để làm gì nếu nó không đưa con người
đến mục đích tối hậu là Chấm Dứt Khổ. Hàng ngàn thậm chí là hàng chục ngàn năm
trước Thế giới ở trong đói nghèo, tối tăm, lạc hậu và con người lúc đó ở trong
Khổ, nhưng ngày nay Thế giới đã phát triển ở đỉnh cao, đã sang trọng, đã tân tiến
nhưng con người đâu đã thoát khổ, mà những vấn nạn, những nỗi khổ của loài người
còn trầm trọng hơn. Cho dù Thế giới này có phát triển đến đâu đi nữa thì con
người vẫn phải gánh chịu nỗi khổ của Sinh Già Bệnh Chết, nỗi khổ của Cầu mong
mà không được, nỗi khổ của thương yêu nhau mà phải chia lìa, nỗi khổ của oán
ghét mà phải gặp nhau, nỗi khổ của Sầu Bi Ưu Não. Nghĩa là còn chấp thủ Năm Uẩn,
còn Năm Thủ Uẩn thì con người còn Khổ, chứ không phải Thế giới phát triển, hiện
đại, giàu có là con người hết khổ.
Con người nhờ Tham Sân Si mà đạt đến Hạnh phúc vật
chất và tinh thần đến bao nhiêu đi nữa cũng không bao giờ chấm dứt được khổ. Điển
hình như ông vua nhạc rốc Envic Pretly cho dù đã đạt đến đỉnh cao của giàu có
và thành đạt và dưới cái nhìn của nhân loại ông ta ở trên đỉnh cao của Hạnh
phúc nhưng Pretly đã nói gì trước khi chết? Đó là: Sao thất vọng cứ đến khi ta
mãi đi tìm. Đó là cái điệp khúc mà ông cứ láy đi láy lại mãi trong bài hát cuối
cùng, cái điệp khúc đã làm cho rất nhiều người rơi nước mắt và cũng là lời thú
nhận của ông: suốt đời mãi đi tìm Hạnh phúc nhưng đau khổ vẫn cứ tồn tại.
Không như hiểu biết Vô Minh của nhân loại cho rằng
Khổ và Nguyên nhân Khổ nằm nơi ngoại cảnh, ở nơi Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần,
bậc Thánh hiểu biết như thật: Khổ phát sinh nơi nội tâm, Nguyên nhân Khổ phát
sinh nơi nội tâm và nó chính là Tham Sân Si.
a – Tham là Nguyên nhân Khổ: Khi có một đối tượng
Dễ chịu mà thực chất là một Cảm giác dễ chịu hay Lạc thọ kẽ Phàm phu bị Vô Minh
chi phối nên Tham ái Lạc thọ. Do Tham ái Lạc thọ nên nắm giữ và ràng buộc với Lạc
thọ. Do Lạc thọ vô thường nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi Sầu Bi Khổ Ưu
Não sẽ khởi lên nơi kẽ phàm phu đó. Sầu Bi Khổ Ưu Não khởi lên khi mất Lạc thọ,
thuật ngữ Phật học đặt tên là Hoại Khổ.
– Đối tượng dễ chịu (Lạc thọ) – Tham – Ràng buộc
– Hoại Khổ.
Nếu có một Lạc thọ mà không Tham ái nó, thì sẽ
không nắm giữ, không ràng buộc với nó nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi
thì Sầu Bi Khổ Ưu Não không thể khởi lên. Vì vậy Tham ái Lạc thọ là Nguyên nhân
Khổ. Khi Tham ái một đối tượng dễ chịu sẽ muốn có nó, để có được nó phải lao
tâm khổ trí nên Khổ sẽ khởi lên, lao tâm khổ trí nhưng không có được nó Khổ sẽ
khởi lên, có được nó nhưng lại sợ mất nó nên Khổ khởi lên, có được nó nhưng khi
mất nó Khổ sẽ khởi lên. Phải quán sát nơi cuộc sống hàng ngày để biết như thật
Tham ái lạc thọ (hạnh phúc) là Nguyên nhân Khổ. Vì Tham ái lạc thọ mà có sát
sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uông rượi. Vì Tham ái lạc thọ mà cha con tranh
đoạt nhau, vợ chồng tranh đoạt nhau, dòng họ, giai cấp, đất nước tranh đoạt
nhau. Vì Tham ái lạc thọ mà có biết bao lừa đảo, phá sản, giết chóc, tàn sát,
tàn hại lẫn nhau. Vì Tham ái lạc thọ mà người ta sản xuất, buôn bán ma tuý để
tàn hại nhau, người ta chế tạo vũ khí hiện đai, chế tạo bom hạt nhân, chế tạo
vũ khí hoá học để tàn sát nhau. Vì Tham ái lạc thọ mà rất nhiều hoa hậu bán
dâm, có cả con trai giao cấu với mệ đẻ, có ông bố hiếp dâm con gái mới sáu tuổi.
Vì Tham ái lạc thọ mà phát sinh biết bao tội ác, biết bao nỗi khổ đau cùng tận
trên thế gian này … Đó là Dục ái, tham ái Dục lạc. Hữu ái là tham ái sự sống,
sự hiên hữu là nhân đưa đến phát sinh Thức tái sinh chịu cái khổ Sinh Già Bệnh
Chết trong sinh tử luân hồi. Phi Hữu ái là tham ái cảnh giới giải thoát, thiên
đường cực lạc đưa đến nỗi khổ của biết bao nhiêu cách tu hành khổ hạnh kỳ quái
của các tôn giáo trên thế giới. Đánh bom liều chết của kẻ cực đoan để sau khi
chết được lên thiên đường với bảy mươi hai bà vợ là tiên nữ trinh nguyên cũng
là biểu hiện của Phi Hữu ái.
b – Sân là Nguyên nhân Khổ: Khi có một đối tượng
khó chịu mà thực chất là một cảm giác khó chịu hay Khổ thọ kẽ Phàm phu bị Vô
Minh chi phối nên Chán ghét Khổ thọ, gọi là Sân. Do Sân đối với Khổ thọ nên
cũng sẽ ràng buộc với đối tượng đó. Do sự ràng buộc mà Sầu Bi Khổ Ưu Não khởi
lên. Khổ này thuật ngữ Phật học gọi là Khổ Khổ.
– Đối tượng khó chịu (Khổ thọ) – Sân – Ràng buộc
– Khổ Khổ.
Hãy quán sát điều này trong cuộc sống để tuệ tri
nó.
c – Si là Nguyên nhân Khổ : Khi có một đối tượng
trung tính mà thực chất là một cảm giác trung tính hay bất khổ bất lạc thọ kẽ
phàm phu bị Vô minh chi phối nên Si khởi lên, đi tìm một đối tượng Dễ chịu để
thay thế đối tượng trung tính. Do có Si mà sẽ ràng buộc với đối tượng tìm kiếm
và do có sự ràng buộc mà Sầu Bi Khổ Ưu Não khởi lên. Khổ này thuật ngữ Phật học
gọi là Hành Khổ.
– Đối tượng trung tính (Bất khổ bất lạc thọ) –
Si – Ràng buộc – Hành Khổ
Sự tìm kiếm một đối tượng dễ chịu để thay thế đối
tượng trung tính (Si) sẽ bắt gặp đối tượng dễ chịu thì phát sinh Hoại Khổ, bắt
gặp đối tượng Khó chịu sẽ phát sinh Khổ Khổ, bắt gặp đối tượng trung tính lại
phát sinh Hành Khổ như trên. Tâm Si này sẽ truy tìm hạnh phúc trong quá khứ, ước
vọng những hạnh phúc trong tương lai, sẽ vui buồn với quá khứ và tương lai,
loanh quanh trong những suy nghĩ về quá khứ và tương lai nên phát sinh Hành Khổ.
Một người nếu phải ở một mình nơi vắng vẻ, không có bất kỳ một việc gì để làm,
không ti vi, không có bất kỳ một phương tiên nghe nhìn nào, sẽ suy nghĩ liên tục
để thoát ra khỏi hoàn cảnh trung tính đó, và sẽ rất khổ sở khi phải đối diện với
trung tính đó dù chỉ 10 phút. Trong giờ phút hấp hối tâm Si tìm kiếm một sự hiện
hữu nên làm phát sinh Thức tái sinh, tiếp tục vòng luân hồi sinh tử, chịu khổ
đau của Sinh Già Bệnh Chết.
Trong thế gian này bất kỳ một ai, già trẻ, gái
trai, giàu nghèo, ngu trí, dân tộc, tôn giáo nào, chỉ ngoại trừ các bậc Thánh
đã Giác ngộ hễ:
Đối diện một đối tượng dễ chịu thì Tham khởi lên
và cảm nhận Hoại Khổ
Đối diên một đối tượng khó chịu thì Sân khởi lên
và cảm nhận Khổ Khổ
Đối diện một đối tượng trung tính thì Si khởi
lên và cảm nhận Hành Khổ
Đây là sự thật phổ quát, là Chân Lý, là Sự Thật
về Khổ. Hoại Khổ, Khổ Khổ, Hành Khổ phát sinh nơi nội tâm chứ không tồn tại nơi
ngoại cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp. Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si phát
sinh nơi nội tâm chứ không từ ngoại cảnh mà đến với con người. Cho dù hoàn cảnh
là toại nguyện hay bất toại nguyên, nếu có Tham Sân Si thì đều phát sinh Khổ.
Đây cũng là Sự Thật phổ quát, là Chân Lý, là Sự Thật Nguyên nhân Khổ.
3 – Tuệ tri Tham Sân Si không những phải có được
hiểu biết như thật về Tham Sân Si là nguy hiểm, là nguyên nhân Khổ mà phải có
hiểu biết toàn diện theo công thức Tứ Thánh Đế. Nghĩa là:
a – Tuệ tri Tham Sân Si là Nguyên nhân Khổ, là
nguy hiểm chứ không phải tốt đẹp như mê lầm của Phàm phu.
b – Tuệ Tri sự tập khởi của Tham Sân Si : Tham
Sân Si khởi lên trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu:
Xúc – Thọ – Tưởng – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Tri
Kiến – Tham hoặc Sân hoặc Si – …
Khi Căn Trần tiếp xúc phát sinh Cảm Thọ và cái
biết trực tiếp giác quan (Tưởng) tiếp theo Tà Niệm khởi lên sẽ kích hoạt các
thông tin Vô minh (có cả thông tin vô minh về Tham Sân Si) được lưu giữ trong
“kho chứa tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết” và Tà Tư Duy khởi lên sẽ
phân tích, so sánh, đối chiếu thông tin về Cảm thọ vừa xuất hiện với các thông
tin được Tà Niệm kích hoạt. Do Tà Tư Duy như vậy mà phát sinh cái biết Ý thức
Tà Tri Kiến mang nội dung Vô minh về Khổ Tập Diệt Đạo, về Tham Sân Si. Ý thức
Tà Tri Kiến như vậy là nhân, là duyên cho Tham Sân Si phát sinh.
c – Tuệ Tri sự đoạn diệt Tham Sân Si : đó là khi
lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên theo lộ trình
Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn
– Chánh Định – (Tỉnh Giác) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – …
Trong lộ trình Bát Chánh Đạo, Chánh Niệm sẽ kích
hoạt các thông tin thuộc về Minh đã được nghe giảng (Văn Tuệ) ,đã được lưu vào
kho chứa trong đó có tuệ tri sự nguy hiểm, tuệ tri Tham Sân Si là Nguyên nhân
khổ và Chánh Tư Duy sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu thông tin về Cảm thọ mới
xuất hiện với thông tin đã được Chánh Niệm kích hoạt. Chánh Tư Duy như vậy sẽ
phát sinh Chánh Tri Kiến có nội dung Minh, có nội dung tuệ tri sự nguy hiểm, tuệ
tri Tham Sân Si là Nguyên nhân Khổ. Chánh Tri Kiến như vậy sẽ không còn nhân
duyên cho Tham Sân Si khởi lên. Đây là sự đoạn diệt Tham Sân Si.
d – Con đường đoạn diệt Tham Sân Si chính là Bát
Chánh Đạo. Khi nào Bát Chánh Đạo được tu tập, được làm cho viên mãn thì khi ấy
Chánh Tri Kiến cũng được tu tập, cũng được làm cho viên mãn thì tuệ tri Tham
Sân Si cũng được tu tập, được làm cho viên mãn, chỉ khi đó thông tin Minh mới
xoá bỏ được thông tin Vô Minh về Tham Sân Si trong kho chứa và lúc đó Tham Sân
Si mới bị đoạn diệt không có dư tàn.
Đức Phật đã dạy trong kinh Niệm Xứ mà cố Hoà thượng
Minh Châu đã phiên dịch rất rõ ràng: Khi tâm có Tham “Tuệ tri” tâm có
Tham, khi tâm có Sân “Tuệ tri” tâm có Sân, khi tâm có Si “Tuệ
tri” tâm có Si. Với sự Tuệ tri như vậy Tham Sân Si không còn nhân duyên
sinh khởi. Một số người chưa tuệ tri Tham Sân Si họ hiểu câu kinh sai lạc theo
hiểu biết vô minh nên trích đẫn kinh một cách sai lạc: khi tâm có tham biết tâm
có tham, khi tâm có sân biết tâm có sân, khi tâm có si biết tâm có si. Kẽ phàm
phu khi tâm có tham vẫn biết tâm có tham, khi tâm có sân vẫn biết tâm có sân,
khi tâm có si vẫn biết tâm có si nhưng biết tham sân si theo kiểu phàm phu như
vậy thì tham sân si tăng trưởng chứ không chấm dứt.
Nghe giảng rồi tuệ tri được Tham Sân Si, tuệ tri
sự tập khởi, sự đoạn diệt và con đường đoạn diệt Tham Sân Si không phải là quá
khó, nhưng đây mới chỉ là Văn Tuệ, nó chỉ lưu thông tin Minh vào kho chứa thông
tin “tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm” chứ chưa xoá bỏ được thông tin
Vô Minh trong kho chứa. Chính lượng thông tin Vô Minh về Tham Sân Si đã được
tích luỹ, lưu giữ từ vô thuỷ và mỗi một lộ trình tâm Bát Tà Đạo đều được kích
hoạt và sử dụng nên nó là thông tin nổi trội nhất, vững chắc nhất trong kho chứa
và vì vậy mỗi khi được nghe giảng thì tuệ tri Tham Sân Si rất rõ ràng, minh bạch,
Minh được khởi lên, nhưng nghe xong chỉ cần 5 phút, Minh sẽ bị chìm xuống và Vô
Minh sẽ trồi lên trên và Tham Sân Si lại có đủ nhân duyên để phát sinh. Chính
vì điều khó khăn này mà Đức Phật đã giảng dạy lộ trình Văn – Tư – Tu. Sau khi
nghe giảng phải Tư duy để sự hiểu biết về Minh và Vô Minh về Tham Sân Si được
sâu sắc hơn. Tư duy như vậy rất nhiều lần thì có thể xoá đi một phần nào đó về
Vô Minh nhưng cái chính là kích hoạt thông tin Minh về Tham Sân Si để thông tin
này nổi trội nhất trong kho chứa và đó là nhân duyên cho Chánh Niệm khởi lên khi
tu tập. Tu Tuệ sẽ khởi lên khi tu tập, đó là Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm
Bát Chánh Đạo. Khi có Chánh Niệm tức nhớ đến Tuệ tri sự nguy hiểm hay Tuệ tri
Tham Sân Si thì các thông tin Minh về Tham Sân Si được kích hoạt và Chánh Tư
Duy sẽ so sánh, đối chiếu với Minh đó làm phát sinh Chánh Tri Kiến có nội dung
tuệ tri sự nguy hiểm, tuệ tri Tham Sân Si là nguyên nhân của Khổ. Với Chánh Tri
Kiến như vậy thì Tuệ tri được sự xuất ly của Thọ, nghĩa là không có Tham đối với
Lạc thọ, không có Sân đối với Khổ thọ, không có Si đối với bất khổ bất lạc thọ.
Đây cũng là tuệ tri Tuệ Giải Thoát. Với Niệm Tâm và Niệm Pháp lộ trình tâm Bát
Chánh Đạo mới khởi lên Chánh Tri Kiến với Tuệ Giải Thoát mới có thể khởi lên và
an trú Minh, mới xoá bỏ được Vô Minh, mới thay đổi được nhận thức về Tham Sân
Si. Khi thực hành Niệm Thân, Niệm Thọ lộ trình tâm Bát Chánh đạo dừng lại cái
biết trực tiếp giác quan gọi là Tỉnh Giác cũng kinh nghiêm được không có Tham
Sân Si, kinh nghiệm được Tâm Giải Thoát (Giải Thoát do Định) cũng là điều rất tốt
lành, nhưng nó chưa đụng đến Vô Minh, chưa làm thay đổi được nhận thức về Tham
Sân Si, nó như đá đè cỏ, hết đè ,cỏ lại đứng lên. Nếu không thực hành theo lộ
trình Văn – Tư – Tu thì cho dù một người có chứng đắc bốn bậc thiền, một ngày
có an trú trong định gần suốt thời gian thì khi ra khỏi định Tham Sân Si vẫn
còn y nguyên, thậm chí còn kinh khủng hơn khi chưa đắc thiền vì Ngã mạn tuỳ
miên (Ta hơn, Ta kém, Ta bằng) có nhân duyên để tăng trưởng.
Những ý kiến mới