Chân nghĩa Phật dạy

CHÂN NGHĨA PHẬT DẠY

Bốn mươi lăm năm thuyết giảng Đức Phật chỉ xoay quanh hai vấn đề: Khổ và Chấm dứt Khổ. Mọi lời thuyết giảng của Phật, chỉ để làm sáng tỏ hai vấn đề này, ngoài hai vấn đề này Ngài không đề cập đến vấn đề nào khác.

* Một là: Ngài xác nhận thế gian là khổ, cụ thể là vui ít khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Và Ngài thuyết giảng cái HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT Khổ đó và cả sự thật Nguyên nhân Khổ đó. Nhưng Ngài thuyết giảng Sự thật Khổ và Nguyên nhân Khổ ( Khổ đế và Tập đế ) không phải với mục đích làm cho người nghe bi quan, chán nản, chán ghét khổ, chán ghét thế gian đến nỗi phải tự sát, cũng không phải với mục đích để người nghe chấp nhận khổ, cam chịu khổ, sống tỉnh thức trọn vẹn với hiện tại khổ, an nhiên tự tại với khổ.

* Hai là: Không chỉ thuyết giảng Khổ của thực tại thế gian, Ngài còn thuyết giảng có một thực tại khác, là thực tại xuất thế gian, không có khổ hay Khổ diệt. Nhưng thực tại không có khổ đó, không phải thuộc về một miền đất hứa xa xôi nào nó, vào một tương lai xa xôi nào đó, mà thực tại Khổ diệt đó, Khổ chấm dứt đó, là ngay bây giờ và tại đây. Không những Ngài chỉ rõ có một thực tại xuất thế gian khác với thực tại thế gian, không có khổ ngay bây giờ và tại đây mà Ngài còn thuyết giảng chỉ rõ cách thức hay Con đường đạt được thực tại không có khổ đó ngay bây giờ và tại đây (Diệt đế và Đạo đế).

Vì vậy, Giáo pháp mà Ngài thuyết giảng đưa đến mục đích tối hậu là Diệt đế, là sự đoạn tận khổ đau, chấm dứt luân hồi sinh tử (thuật ngữ Phật học gọi là Niết bàn ) ngay bây giờ và tại đây, chứ không phải để cam chịu khổ, sống tỉnh thức trọn ven với khổ, an nhiên tự tại với khổ. Giáo pháp đó cũng không phải để tìm kiếm, để đạt đến hạnh phúc tối thượng, yêu thương tối thượng hay thần thông tối thượng. Tu hành để tìm kiếm hạnh phúc, để có được yêu thương, gán cho Đức Phật yêu thương tất thảy muôn vật muôn loài không có trong Giáo pháp, không phải mục đích của tu học Phật giáo vì những cái đó là Nguyên nhân phát sinh khổ.

Vậy những gì không liên quan đến Khổ và Chấm dứt Khổ hay rộng ra là không liên quan đến Sự thật Khổ, Sự thật Nguyên nhân Khổ, Sự thật Chấm dứt Khổ, Sự thật Con đường chấm dứt Khổ thì do người đời sau kết tập vào kinh điển chứ không phải chân nghĩa lời dạy của Phật.

P/s : Có một số thiền sinh thắc mắc: Con đang thực hành Bát chánh đạo, an trú được các tầng thiền, an trú Tỉnh giác, Chánh kiến, thân chứng được Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát con hạnh phúc vô cùng, sao Sư nói tu không phải để được hạnh phúc?

Phải phân biệt kỹ Cảm nhận được hạnh phúc như vậy khi thực hành xong, khi ra khỏi Bát chánh đạo, lúc đó Bát tà đạo khởi lên, sẽ thích thú Bát chánh đạo đã qua mà phát sinh Hạnh phúc tuyệt vời đó. Nhưng hạnh phúc này do tham (thích thú) trạng thái tâm Bát chánh đạo mà phát sinh vẫn thuộc về Bát tà đạo, nhưng do Tham ái Bát chánh đạo này, mà sẽ phát sinh tinh tấn tu tập Bát chánh đạo. Tham này, hạnh phúc này khác biệt với mọi tham ái, mọi hạnh phúc khác. Tham ái này, hạnh phúc này không đưa đến các công việc thế gian, không đưa đến ràng buộc, không đưa đến khổ mà đưa đến tu tập Bát chánh đạo, đưa đến chấm dứt khổ. Vì vậy, Đức Phật khuyến khích tham muốn duy nhất thuộc về Dục này và gọi nó là Dục như ý túc (là một trong Tứ như ý túc), phải phát triển nó đầy đủ, viên mãn. Nếu Dục như ý túc đầy đủ viên mãn không những đưa đến tinh tấn tu tập Bát chánh đạo mà nó còn trực tiếp làm giảm thiểu các Dục, các tham muốn khác. Khi tu tập, Bát chánh đạo khởi lên thì Dục như ý túc này cũng không còn nữa.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (11.9.2021)

Trả lời