ĐỨC PHẬT VÀ KHOA HỌC
( Đây là phần 7 trong bài viết dài Sự khủng hoảng của vật lý )
7- Đức Phật và Khoa học : Khoa học và Đức Phật đều có cùng một mục đích, một mong muốn duy nhất là CHẤM DỨT KHỔ. Nhưng khoa học với hiểu biết theo nguyên lý TÂM BIẾT CẢNH nên đã MẶC ĐỊNH thực tại là thế giới vật chất, nên bị chi phối bởi hiểu biết về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ và Con đường Chấm dứt Khổ ( Khổ Tập Diệt Đạo ) thuộc về thế giới ngoại cảnh. Cụ thể Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Chấm dứt Khổ phụ thuộc vào thế giới, phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và đương nhiên Con đường Chấm dứt Khổ là thay đổi thế giới, thay đổi hoàn cảnh sống. Chính vì hiểu biết đó mà Khoa học nỗ lực khám phá thế giới vật chất để thay đổi thế giới, thay đổi hoàn cảnh sống, để con người hết Khổ. Ngược lại Đức Phật nhờ quan sát và tư duy sự tương tác giữa 6 căn và 6 trần mà giác ngộ ra thực tại là Cảm thọ, là Tâm chứ không phải Cảnh, theo nguyên lý TÂM BIẾT TÂM chứ không phải TÂM BIẾT CẢNH và do vậy Ngài đã giác ngộ về Tâm chứ không phải giác ngộ về Thế Giới, về Vũ Trụ. Ngài giác ngộ Tứ Thánh Đế là giác ngộ Sự thật Khổ, Sự thật Nguyên nhân Khổ, Sự thật Chấm dứt Khổ, Sự thật Con đường Chấm dứt Khổ ( Khổ Tập Diệt Đạo ) thuộc về Tâm chứ không phải thuộc về Cảnh, về Thế Giới, nên Con đường Chấm dứt Khổ là thay đổi Tâm chứ không phải thay đổi Thế giới, như hiểu biết của Khoa học. Chính vì vậy, Giáo Pháp mà Đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng là KHÁM PHÁ TÂM, THAY ĐỔI TÂM chứ không phải KHÁM PHÁ THẾ GIỚI, THAY ĐỔI THẾ GIỚI như Khoa học.
Đối với một người đã giác ngộ, sau khi hiểu đúng và thực hành đúng Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng, đã chấm dứt khổ, đã đoạn tận khổ thì mọi việc cần làm đã làm xong, không có gì phải làm nữa, có chăng là việc chia sẽ điều mình đã chứng ngộ với những người có duyên, nhưng đấy không phải là công việc bắt buộc phải làm. Đối với vị đó Thế giới vũ trụ có vuông hay tròn, dài hay ngắn, vô thường hay thường, hữu biên hay vô biên, nguồn gốc con người và thế giới từ đâu mà có … không còn làm vị đó quan tâm tìm hiểu nữa.
Vì vậy, Đức Phật và Khoa học không thể đồng hành, không cùng một hướng đi. Các tông phái Phật giáo phát triển về sau không hiểu được sự giác ngộ của Đức Phật là giác ngộ về Tâm chứ không phải giác ngộ về Thế giới, và do hiểu biết vô minh theo nguyên lý Tâm biết Cảnh, nên họ gán cho Đức Phật giác ngộ về Thế giới về Vũ trụ. Vì vậy, các chú giải, luận giải, các bản kinh họ nói ra theo tư tưởng đó, chủ yếu bàn về Thế giới tương đối hay tuyệt đối nhưng họ lại gán cho Đức Phật nói. Nhiều người, thậm chí là đa số phật tử không hiểu được sự giác ngộ về Tâm của Đức Phật nên ngộ nhận là những thành tựu của Khoa học ngày càng chứng minh cho sự giác ngộ về thế giới, biết về thế giới “trước cả” khoa học của Đức Phật. Chính vì những ngộ nhận và những kinh, luận của các tông phái như vậy mà thậm chí Anh stanh cũng ngộ nhận, tôn giáo của tương lai phải là Phật giáo vì nó đáp ứng được các tiêu chí của Khoa học hiện đại.
Đại Đức Nguyên Tuệ