KHI TÔI LÀ PHẬT TỬ

Khi tôi là phật tử

Bài viết giải đáp 3 cấp độ tuệ mà con của Phật cần có

Như thế nào được gọi là Phật tử ?

Kinh Pháp môn căn bản thuộc Trung bộ kinh đã định nghĩa Phật tử thông qua định nghĩa về kẻ Phàm phu. Phàm phu là người không được nghe Pháp bậc Thánh, không thuần thục Pháp bậc Thánh, không tu tập Pháp bậc Thánh. Nghĩa là Phàm phu không có Văn tuệ ( không được nghe ), không có Tư tuệ ( không thuần thục ), không có Tu tuệ ( không tu tập ) và theo chiều ngược lại thì Phật tử là con của Phật, là người có TRÍ TUỆ, là người HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT do nghe Pháp bậc Thánh ( Văn tuệ ), do tư duy Pháp bậc Thánh ( Tư tuệ ), do tu tập Pháp bậc Thánh ( Tu tuệ ).

Vậy thì khi tôi nói : Tôi là Phật tử thì tôi phải có Văn tuệ, có Tư tuệ, có Tu tuệ. Và tuỳ mỗi người, trong ba cấp độ Tuệ này, có thể có một, hai hoặc cả ba cấp độ.

1- Cấp độ một, cấp độ có Văn tuệ và Tư tuệ chưa có Tu tuệ :

Khi tôi là Phật tử, tôi phải có HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT về 5 tính chất của Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng, hiểu biết đúng sự thật về Thực tại cảm thọ, về Duyên khởi, về Vô thường, Vô chủ vô sở hữu ( Vô ngã ), về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Khổ diệt, Con đường Khổ diệt, về Con đường hai ngã Bát tà đạo và Bát chánh đạo

Không những tôi có hiểu biết đúng sự thật về những điều trên mà tôi còn có hiểu biết đúng sự thật về Vô minh Chấp ngã, là những Hiểu biết sai sự thật của thế gian về những vấn đề trên. Đó là Hiểu sai về Giáo Pháp của Đức Phật, hiểu sai về thực tại, hiểu sai Duyên khởi, hiểu sai Vô thường, Vô ngã, hiểu sai Khổ Tập Diệt Đạo, hiểu sai Con đường hai ngã.

Văn tuệ và Tư tuệ đã giúp tôi chấm dứt mọi nghi ngờ do dự, phân vân lưỡng lự và phát sinh một niềm tin bất thối chuyển về Giáo Pháp, đặc biệt về Khổ diệt và Con đường Khổ diệt ( chính là Tín trong Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ ).

Văn tuệ và Tư tuệ không những làm phát sinh Chánh tín không lay chuyển mà còn làm phát sinh Tham Muốn tu tập Tứ niệm xứ mãnh liệt trong tôi. Đó chính là Dục như ý túc trong Tứ như ý túc ( Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Định như ý túc, Tuệ như ý túc ). Do Chánh tín và Dục như ý túc mà phát sinh tâm hành Tích cực ( Tinh tấn ) để khởi lên hành vi tu tập Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo.

2- Cấp độ hai, cấp độ có cả Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ :

Khi đã có Văn tuệ và Tư tuệ tôi đi đến tu tập Tứ niệm xứ tức Rèn luyện TRÍ NHỚ CHÁNH : Nhớ đến Tích cực chú tâm quán sát Thân nơi thân, Thọ nơi thọ, Tâm nơi tâm, Pháp nơi pháp tôi an trú :

Niệm thân: tôi thân chứng được chỉ có Tâm Ghi Nhận thuần tuý ( gọi là Tỉnh Giác ) ghi nhận từ đối tượng này sang đối tượng khác không hề có suy nghĩ, tư tưởng nào khởi lên, nên Thấy chỉ là thấy, Nghe chỉ là nghe, Cảm nhận chỉ là Cảm nhận. Thân chứng được với tâm Tỉnh giác, không có Thích Ghét, Tìm kiếm ( tham sân si ), không có Khổ Vui với bất kỳ đối tượng nào. Đây chính là Khổ diệt ( Niết bàn ) nhưng vẫn cảm nhận được tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái do chú tâm liên tục ( Chánh định ) phát sinh. Thân chứng Vô ngã, không có tư tưởng chấp ngã nên không có chủ thể đối tượng để khởi lên tư tưởng Tôi hơn, Tôi kém, Tôi bằng.

Khi cần Tuệ tri về vấn đề gì tôi sẽ hướng đến vấn đề đó và chánh tư duy trong trạng thái Chánh định chứ hoàn toàn không có suy nghĩ, tư tưởng nào khác khởi lên, không khởi lên tư tưởng phải làm thế này hay phải làm thế kia, phải biết ơn Phật, phải yêu thương tất cả chúng sanh … tuyệt nhiên không có các suy nghĩ đó khi lộ trình tâm là Bát chánh đạo.

Niệm Thọ: tôi thân chứng được sau khi Ghi nhân đối tượng thì Ý thức Chánh kiến khởi lên, BIẾT ( nhận thức) đối tượng đó là Cảm giác ( Cảm thọ ) do Duyên khởi, nó là Tâm chứ không phải cảnh vật, nó Vô thường Vô chủ sở hữu. Lúc đó thân chứng được chỉ có một ý nghĩ, một tư tưởng duy nhất, biết từ đối tượng nổi trội này sang đối tượng nổi trội khác là Cảm giác, tuyệt nhiên không có ý nghĩ, tư tưởng nào khác khởi lên. Khi cần thì Tuệ tri Khổ diệt, Tuệ tri Tuệ giải thoát, Tuệ tri Vô ngã. Ngoài trí tuệ đó ra, không có ý nghĩ, tư tưởng nào khác khởi lên.

Niệm Tâm : cũng thân chứng chỉ có ý nghĩ, chỉ có tư tưởng chánh kiến tuệ tri về các loại tâm khi chúng có mặt, không có ý nghĩ, tư tưởng nào khác khởi lên. Khi cần thì chánh tư duy để tuệ tri Vô ngã, tuệ tri Khổ diệt, tuệ tri Tuệ giải thoát

Niệm Pháp : thân chứng được khi có đối tượng nổi trội xuất hiện thì tự động suy nghĩ chánh rồi tư tưởng chánh kiến khởi lên biết Duyên khởi, vô thường, vô chủ sở hữu của đối tượng, nếu là Lạc thọ thì tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly, hoặc là thấy một sự kiện thuộc Bát tà đạo thì tuệ tri khổ đế và tập đế, hoặc khi an trú Bát chánh đạo thì tuệ tri diệt đế và đạo đế… Chỉ có một loại tư tưởng chánh kiến về Tứ thánh đế hoặc liên quan Tứ thánh đế chứ không hề có suy nghĩ, tư tưởng gì khác nữa.

Đức Phật là người tự mình tìm ra và sống với Trí Tuệ, không thầy chỉ dạy và do vậy mà sống với sự đoạn tận khổ đau. Vậy thì Phật tử, con của Phật phải là người Văn – Tư – Tu cái Trí Tuệ mà Phật đã khám phá và truyền dạy để chứng đạt và sống với Trí Tuệ đó, để đoạn tận khổ đau như Ngài.

Thiền Sư Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận