Vui và Khổ

VUI VÀ KHỔ

Trong kinh điển có nói đến việc Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện khác nhau để thuyết giảng cho đệ tử thấu suốt: Các Dục vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Ngài đã ví Dục như khúc xương không, như bó đuốc rơm đi ngược gió, như cây sai trái, như miếng thịt sống, như hố than hừng, như mũi tên nhọn, như đầu rắn hổ mang … Mục đích của sự thuyết giảng này là chỉ rõ SỰ THẬT về các Dục, từ đó chỉ rõ sự Nguy hiểm nếu Tham ái các Dục và mục đích là để ly tham, để chấm dứt tham ái, ràng buộc với Dục. Dục ở đây là nói tắt của Dục Lạc, là Niềm vui, Hạnh phúc thế gian do sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái khởi lên mà gọi tắt là VUI đối lập với KHỔ.

*Vì không tuệ tri mục đích thuyết giảng của Đức Phật là tuệ tri bản chất của Vui để ly tham Vui, nên một số người sa vào tranh luận, cuộc đời này Vui nhiều hơn hay Khổ nhiều hơn. Họ dựa vào thấy biết một chiều của mình nên thấy có người vui nhiều khổ ít, có người vui ít khổ nhiều, có thời điểm vui nhiều khổ ít, có thời điểm vui ít khổ nhiều. Chính vì so sánh Khổ và Vui nhiều hay ít như vậy mà họ băn khoăn, nghi ngờ do dự về câu: Vui thì ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn.

*Một số trường phái trong Phật giáo cũng hiểu được mục đích của tu học Phật giáo là Ly Tham nhưng họ bỏ qua lời dạy của Phật về Các Dục vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm lại nhiều hơn. Mà họ chủ trương rằng, cuộc đời chỉ có một thứ duy nhất là khổ, rằng tất cả các pháp là khổ, năm uẩn là khổ, sắc thọ tưởng hành thức là khổ. Vì sao họ lại không chấp nhận cuộc đời có cả khổ lẫn vui như Đức Phật đã thuyết giảng. Là tại vì họ nghĩ rằng: nếu như con người thấy biết được cuộc đời chỉ toàn là khổ, tất cả pháp là khổ, năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức là khổ thì con người sẽ ly tham, không còn tham ái cuộc đời và lúc đó sẽ chấm dứt khổ. Nhưng tại sao, tuy bị nhồi sọ như vậy mà con người vẫn không ly tham mà vẫn cứ tham đắm cuộc đời. Là bởi vì, sự thật cuộc đời có Dục lạc, có Vui nên mới tham đắm niềm vui cuộc đời chứ không phải cuộc đời chỉ có một thứ duy nhất là khổ.

*Một số trường phái Phật giáo khác cũng hiểu được mục đích tu học Phật giáo là Ly Tham nhưng họ bỏ qua lời dạy của Phật về Các Dục vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Họ chủ trương rằng các Pháp do Duyên khởi nên các pháp là giả là không có thật, vì họ nghĩ rằng không ai tham ái cái giả cả. Và lúc đó sẽ Ly tham, sẽ chấm dứt khổ, vì không ai tham ái cái đồ giả cả. Nhưng tuy các trường phái nhồi sọ tín đồ kiểu đó nhưng con người vẫn cứ tham đắm cuộc đời vì những thứ đó vẫn là thật đối với họ, vì họ vẫn ăn, vẫn uống, vẫn nhờ những thứ đó họ mới hiện hữu, mới sống được, chứ không phải những cái đó là đồ giả như chủ trương của các trường phái đó.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (21.10.2021)

Trả lời