Đại Đức Nguyên Tuệ
CHỈ VÀ QUÁN
Chỉ và Quán là hai pháp hành trong Bát Chánh Đạo
1 – CHỈ là Đình Chỉ, là Dừng Lại, nhưng Dừng Lại cái gì ? Trong lộ trình tâm khởi lên cái biết đối tượng, tuần tự xuất hiện hai Cái biết : Cái biết Trực Tiếp Giác Quan có phận sự Nhận Biết đối tượng ( bao gồm Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức ) và tiếp theo Cái biết Ý Thức khởi lên có phận sự xác định đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Đối với tất cả nhân loại và các loài động vật thì các biết Trực Tiếp Giác Quan đều giống nhau, đều Vô ngôn, Vô niệm, Vô phân biệt. Cái biết này không phát sinh Thái độ ( thích, ghét hay không thích không ghét), không phát sinh Lời nói, Hành đông và do vậy không có Kết quả Khổ hay Vui. Cái biết Ý thức của nhân loại ( ngoại trừ bậc Thánh ) sẽ hiểu biết đối tượng đó là cái gì, dễ chịu, khó chịu hay trung tính, kèm theo những Kiến thức sai sự thật gọi là Vô minh về đối tượng. Do Ý Thức là Vô Minh như vậy mà sẽ phát sinh Thái độ Tham Sân Si, và do Tham Sân Si mà phát sinh Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng và do Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng mà phát sinh Khổ hay Vui. Ví như một đứa bé trai vừa đẻ ra và một thanh niên 25 tuổi cùng nhìn thấy một cô hoa hậu sexy bốc lửa. Nhãn thức thấy Hình ảnh nơi đứa trẻ và anh thanh niên đều giống nhau nhưng đứa trẻ chỉ có Nhãn thức thuần tuý, Ý thức không khởi lên, không biết đối tượng đó là cái gì nên không có Thái độ, không có Phản ứng còn anh thanh niên kia cũng Thấy như đứa trẻ nhưng Ý Thức khởi lên Biết đối tượng là cô gái rất đẹp, hấp dẫn mê hồn … Do Ý thức biết về đối tượng như vậy nên Thái độ thích thú ( Tham ) khởi lên và bị cuốn hút vào đó … Nếu anh thanh niên Dừng Lại cái Thấy, không cho cái Biết ( Ý thức ) khởi lên thì sẽ không có Tham đắm, không bị cuốn hút vào đối tượng và sẽ không có Khổ Vui vì đối tượng đó như đứa bé kia. Cũng y như vậy tu tập CHỈ là làm cho lộ trình tâm DỪNG LẠI cái biết trực tiếp giác quan Vô niệm, Vô ngôn, Vô phân biệt, không cho Ý thức khởi lên. Đó là khi thực hành Niệm Thân trong Tứ Niệm Xứ : Nhớ Đến quán sát thân nơi thân với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục Tham ưu. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo đó có các chi phần sau :
XÚC – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác )
Cái biết trực tiếp giác quan Nhận Biết đối tượng được gọi là Tưởng ( Tưởng tri ) nhờ có Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định nên Ý thức không khởi lên, và do đó mà Thấy Rõ, Nghe Rõ, Cảm Nhận Rõ đối tượng. Vì vậy Cái biết trực tiếp giác quan không gọi là Tưởng Tri nữa, mà bây giờ được gọi là TĨNH GIÁC hay là Thắng tri. An trú TĨNH GIÁC như vậy, không có Ý thức khởi lên, sẽ kinh nghiệm được không có Vô Minh, không có Tham Sân Si, không có Phiền não. Giải thoát do Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Tĩnh Giác mà có được như vậy gọi là TÂM GIẢI THOÁT hay KHÔNG GIẢI THOÁT.
2 – QUÁN : Là thực hành Niệm Tâm và Niệm Pháp để khởi lên CHÁNH TRI KIẾN với lộ trình tâm Bát Chánh Đạo như sau :
XÚC – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến
Trong lộ trình này Chánh Niệm sẽ tìm kiếm kích hoạt các thông tin đã được Văn Tuệ và Tư Tuệ lưu vào kho chứa. Đó là những hiểu biết Đúng Như Thật về Lý Duyên Khởi, về Vô thường, Vô ngã, về Khổ Tập Diệt Đạo gọi là MINH mà không kích hoạt VÔ MINH. Do vậy Chánh Tư Duy sẽ đối chiếu, so sánh thông tin về đối tượng vừa Nhận Biết với thông tin MINH và làm phát sinh Ý thức Chánh Tri Kiến, Biết đúng như thực đối tượng là CẢM THỌ, nó Vô thường, Vô ngã, nó có Vị ngọt, sự Nguy hiểm và sự Xuất ly. Do Ý Thức Chánh Tri Kiến là MINH nên lộ trình tâm này không có Vô Minh, không có Tham Sân Si, không có Phiền não. Giải thoát do Chánh Tri Kiến mà có được như vậy gọi là TUỆ GIẢI THOÁT hay VÔ TƯỚNG GIẢI THOÁT.
Mục đích của QUÁN là để thay thế Ý Thức Tà Tri Kiến là Vô Minh, là Không Liễu Tri các pháp sang Ý Thức Chánh Tri Kiến là Minh, là Liễu Tri các pháp.
3 – KẾT LUẬN : Quá trình nhận thức đối tượng bao gồm Cái biết trực tiếp giác quan Nhận Biết đối tượng và Ý thức hiểu biết nội dung đối tượng, Phật học gọi là Tưởng tri đối tượng và Thức tri đối tượng, Triết học gọi là Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính đối tượng gọi tắt là THẤY và BIẾT.
– Tu tập CHỈ là Dừng Lại THẤY để chỉ là THẤY mà không cho BIẾT khởi lên. THẤY đó ở Phàm phu gọi là Tưởng Tri còn bậc Thánh tu tập CHỈ thì gọi là Tĩnh Giác hay Thắng Tri. Với tu tập CHỈ sẽ chứng ngộ và an trú TÂM GIẢI THOÁT hay KHÔNG GIẢI THOÁT.
– Tu tập QUÁN để thay đổi BIẾT từ Vô Minh, Không Liễu Tri của Phàm phu sang Minh , Liễu Tri của bậc Thánh. Với tu tập QUÁN sẽ chứng ngộ và an trú TUỆ GIẢI THOÁT hay VÔ TƯỚNG GIẢI THOÁT.
– Đây là Yếu Chỉ của sự tu tập Phật Giáo đã được Đức Phật giảng dạy trong Kinh Pháp Môn Căn Bản. Đó là tu tập CHỈ và Quán để Thấy Biết như thật :
a – TÂM BIẾT của Phàm phu bao gồm : THẤY là Tưởng tri đối tượng và BIẾT là Vô Minh, Không Liễu Tri đối tượng. Do THẤY và BIẾT như vậy mà có Dục hỷ là Căn Bản Khổ ( KHỔ ĐẾ và TẬP ĐẾ )
b – TÂM BIẾT của bậc Thánh bao gồm : THẤY là Thắng tri đối tượng và BIẾT là Minh, Liễu Tri đối tượng. Do THẤY và BIẾT như vậy mà chấm dứt Dục hỷ, chấm dứt Căn Bản Khổ ( DIỆT ĐẾ và ĐẠO ĐẾ )