Một số Câu hỏi thường gặp về Tứ niệm xứ

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TỨ NIỆM XỨ

Dưới đây là Câu hỏi thường gặp về Tứ niệm xứ được hỏi bởi các thiền sinh học khóa thiền tứ niệm xứ do Thiền sư Nguyên Tuệ hướng dẫn

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TỨ NIỆM XỨ

HỎI: QUÁN TÂM THAM, SÂN

Khi thực hành quán tâm nơi tâm thì trong bài kinh Tứ niệm xứ, nhiều người trích dẫn rằng: “Khi tâm có tham thì biết tâm có tham, khi tâm có sân thì biết tâm có sân. Khi tâm không có tham thì biết tâm không có tham, khi tâm không có sân thì biết tâm không có sân”. Nên hiểu như thế nào về đoạn kinh đó?

Sư Nguyên Tuệ trả lời:

Nếu quý vị đọc kỹ bài kinh Tứ niệm xứ thì Hòa Thượng Minh Châu không dịch như vậy mà dịch là “Khi tâm có tham TUỆ TRI tâm có tham, khi tâm có sân TUỆ TRI tâm có sân. Khi tâm không có tham TUỆ TRI tâm không có tham, khi tâm không có sân TUỆ TRI tâm không có sân”.

Nó khác nhau ở chữ “biết” và chữ “tuệ tri”. Ít người để ý đến chữ “tuệ tri”. Cảm nhận, nhận biết tâm hành tham và sân thì ai cũng nhận biết được cả nhưng hiểu biết về tham và sân thì có hai loại hiểu biết: một là hiểu biết đúng như thật về tham sân gọi là tuệ tri tham sân, còn hiểu biết không đúng như thật về tham sân thì gọi là tà kiến về tham sân và đó là cái biết của phàm phu. Nếu dùng từ “Khi tâm có tham thì biết tâm có tham, khi tâm có sân thì biết tâm có sân” thì đó là ám chỉ cho cái biết của con người bình thường chứ không phải cái biết chánh kiến của bậc thánh về tham sân. Đa phần bây giờ người học Phật nói rằng: bây giờ chỉ cần có tham biết tâm có tham, có sân biết tâm có sân như vậy là được rồi, tu như vậy là xong. Như vậy có phải họ chủ trương sống với tham sân không? Kẻ phàm phu khi tâm có tham vẫn biết tâm có tham, khi tâm có sân vẫn biết tâm có sân, khi tâm có si vẫn biết tâm có si nhưng biết tham sân si theo kiểu phàm phu như vậy thì tham sân si tăng trưởng chứ không chấm dứt.

Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, thực hành bốn Chánh Niệm về Thân Thọ Tâm Pháp trong 5 phút, 10 phút, một giờ, một ngày, một tháng… nếu Chánh Niệm khởi lên liên tục thì Tà Niệm được nhiếp phục. Vì vậy, Bát Tà Đạo, Thực tại Thế gian được nhiếp phục, và trong khoảng thời gian đó, Bát Chánh Đạo, Thực tại Xuất Thế Gian có mặt và người tu sẽ an trú Thực Tại Xuất Thế gian không có Tham Sân Si. Trong khoảng thời gian đó không hề tồn tại Tham Sân Si, nên không thể có sự kiện dùng Chánh Niệm để quan sát Tham Sân Si. Chỉ cần thực hành Chánh Niệm, lúc đó Bát Chánh Đạo khởi lên và Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ Tuệ tri không có tham, không có sân, không có si và đó cũng là TUỆ TRI KHỔ DIỆT, TUỆ TRI NIẾT BÀN.

Phải hiểu “tuệ tri” Tham Sân Si là tâm biết ý thức Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo có nội dung, biết như thật Tham Sân Si là Nguy hiểm, Tham Sân Si là Nhân sanh Khổ. Điều này phải xảy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo vào thời điểm đã kết thúc lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Tham Sân Si trước đó. Ví như trong khoảng thời gian 3 phút, Bát Tà Đạo có mặt với Tham Sân Si, nhưng hết 3 phút thì một lộ trình tâm có Chánh Niệm, tức Bát Chánh Đạo khởi lên, lúc đó Ý thức Chánh Tri Kiến biết có Tham, hoặc biết có Sân, hoặc biết có Si của lộ trình Bát Tà Đạo TRƯỚC ĐÓ VÀ ĐÃ DIỆT. Chánh Tri Kiến biết như thật (nhưng là biết về lộ trình Bát Tà Đạo đã diệt), Tham Sân Si là nguy hiểm, Tham Sân Si là nhân sanh khổ thì Tham Sân Si không thể tiếp tục khởi lên. Đây gọi là Tuệ tri Tham, Tuệ tri Sân, Tuệ tri Si.

**

NỘI DUNG CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ

Thưa sư, con đọc kinh điển cụ thể là kinh Niệm xứ: Kinh có ghi chép cách tu tập Quán Thọ Tâm Pháp rất khác so với lời dạy của sư. Ví dụ: Trong kinh ghi Tỷ-kheo khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ”; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ”; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ”.

Nhưng Sư thì lại dạy thấy nghe cảm nhận điều gì thì nhắc thầm Thọ Thọ mà Sư không dạy phải khởi lên đó là Lạc Thọ, Khổ Thọ, Bất Khổ Bất Lạc Thọ.

Trong Quán Tâm, Quán Pháp cũng vậy. Mong Sư giải thích cho con hiểu với ạ.

Sư Nguyên Tuệ trả lời:

Đối với kinh điển không nên MẶC ĐỊNH đó là lời dạy của Phật, mà phải Khoan vội tin, Khoan vội bác bỏ, phải Tư duy và Thực hành để tự mình kết luận: Đó có phải là sự thật không. Lúc đó nếu đúng sự thật thì chấp nhận đây là lời Phật dạy, nếu không đúng sự thật thì bác bỏ đây không phải lời Phật dạy, lời của người sau suy diễn sai lạc lời dạy của Phật.

Mục đích của Quán Thân Thọ Tâm Pháp là để THẤY BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT Thân Thọ Tâm Pháp. Đương nhiên để THẤY BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT Thân Thọ Tâm Pháp khi thực hành Tứ niệm xứ tức chứng đạt TU TUỆ thì phải có VĂN TUỆ và TƯ TUỆ làm công việc chuẩn bị cho TU TUỆ. Vì vậy Pháp Hành là tiếp nối và phù hợp, nhất quán với Pháp Học.

Quán Thọ với mục đích đạt được HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT VỀ THỌ gồm Thực tại là 6 loại Cảm thọ do 6 căn tiếp xúc 6 trần mà phát sinh (duyên khởi), nó là tâm chứ không phải vật chất, nó vô thường, vô chủ sở hữu (vô ngã). Khi thấy nghe, cảm nhận đối tượng nào thì nhắc thầm thọ thọ… hay cảm giác, cảm giác… là để chánh niệm – Chánh tư duy khởi lên Ý thức chánh kiến BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT đối tượng được ghi nhận đó là Cảm thọ (thọ). Không chỉ quán đối tượng đó là Thọ mà còn Quán phân biệt 6 loại thọ, duyên khởi các loại thọ, Quán thọ vô thường, Thọ vô chủ vô sở hữu, Quán vô ngã khi quán thọ, quán Khổ diệt khi quán thọ… Quán thọ với các đề mục như vậy thì Tuệ tri được Khổ diệt (Niết bàn), Tuệ tri Tuệ giải thoát.

Pháp này là đến để mà thấy nên phải Văn và Tư rồi mới thực hành để tự mình kinh nghiệm Diệt đế, Niết bàn và khi tự mình thực hành, tự mình thân chứng khi thực hành thì lúc đó sẽ tự mình khẳng định lời kinh đó đúng hay sai sự thật, của Phật hay không phải của Phật. Nếu không có Pháp học đưa đến Văn tuệ và Tư tuệ thì không thể thực hành đúng và chỉ là TƯ DUY LÝ LUẬN SUÔNG, không thể vượt qua được nghi ngờ do dự.

Quán Thọ cũng là Quán Tâm vì Thọ là một trong 4 loại tâm gồm: Thọ, Tưởng, Hành, Thức, cũng là Quán Pháp, quán duyên khởi… trong khoá tu với thời gian có hạn nên chỉ triển khai các đề mục chính.

Quán Thọ với các đề mục chính trên THEO TUẦN TỰ để hình thành lập trình Bát chánh đạo. Khi đối tượng đó kéo dài thì Ý thức chánh kiến vẫn có thể khởi lên đối tượng đó là Lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ… nhưng nhờ nội dung Chánh kiến trước đó mà sẽ không có tham đối với lạc thọ, không có sân đối với khổ thọ, không có si đối với bất khổ bất lạc thọ…

Nếu khởi đầu Quán thọ mà quán đối tượng đó là Lạc thọ, khổ thọ hay Bất khổ bất lạc thọ thì lúc đó nó sẽ KÍCH HOẠT NGAY LẬP TRÌNH BÁT TÀ ĐẠO có tham với lạc thọ, có sân đối với khổ thọ, có si đối với bất khổ bất lạc thọ ngay vì LẬP TRÌNH này vận hành liện tục từ vô thuỷ, rất mạnh, rất nổi trội nên chạm đến nó là tham sân si khởi lên liền.

**

CÓ PHẢI HÀNH THIỀN ĐỂ THẤY CÁC PHÁP LÀ KHỔ?

Nhiều người hiện nay chủ trương thực hành thiền quán để thấy được 3 đặc tính của tất cả các pháp là: vô thường, khổ, vô ngã. Điều này đúng hay sai?

Sư Nguyên Tuệ trả lời:

Tính chất, tự tánh, thực tánh các pháp là VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ là Sự Thật, là Chân Lý đã được Đức Phật thuyết giảng nhất quán, xuyên suốt toàn bộ kinh điển nên không có gì phải bàn. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng hành thiền minh sát để thấy tất cả các pháp là khổ và các pháp là khổ do các pháp vô thường, điều này không đúng sự thật.

Người tu học Phật trước tiên phải được nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển để có hiểu biết đúng sự thật và phân biệt được hai loại hiểu biết Vô minh và Minh về Khổ Tập Diệt Đạo. Trí tuệ đạt được do nghe như vậy gọi là Văn Tuệ và Trí tuệ phân biệt giữa Vô minh và Minh như vậy gọi là Trạch Pháp và chính là Trạch pháp giác chi, một trong bảy yếu tố giác ngộ (Thất giác chi).

Sau khi có Văn Tuệ phải tư duy, nghiền ngẫm để Văn Tuệ sâu sắc và toàn diện hơn. Và Trí tuệ đạt được do tư duy như vậy gọi là Tư Tuệ. Sau khi có Văn Tuệ và Tư Tuệ sẽ tu tập Bát Chánh Đạo với bốn loại Chánh niệm (Tứ Niệm Xứ) để TỰ MÌNH KIỂM CHỨNG, TỰ MÌNH THÂN CHỨNG Văn Tuệ và Tư Tuệ đã học, đã tư duy. Cụ thể là thân chứng Khổ diệt và Con đường Khổ diệt tức thân chứng Diệt đế và Đạo đế.

Vì vậy, khi tu tập Bát Chánh Đạo (chứ không phải Hành thiền vì thiền chỉ là một chi phần Chánh định trong tám chi phần Bát Chánh Đạo) thì thân chứng Khổ diệt, Niết bàn, lúc đó còn đâu khổ để mà thấy các pháp là khổ nữa. Các chú giải, luận giải sau này, đang quanh quẩn nơi Bát Tà Đạo có Tham sân si, có Khổ, chưa có hiểu biết về Bát Chánh Đạo, con đường vắng mặt Tham sân si, vắng mặt Khổ, cho nên không thể thuyết minh, tu để thấy Hết khổ.

Xem thêm các Video Hỏi – Đáp về Tứ Niệm Xứ

  1. Hỏi & đáp tại Khóa Thiền Tứ Niệm Xứ Online 6 & 13 ngày
  1. Hỏi & đáp tại Khóa Thiền Tứ Niệm Xứ Online 23 ngày
  1. Hỏi & đáp tại Khóa Thiền Tứ Niệm Xứ Miên mật 9 ngày
  1. Hỏi đáp về thực hành thiền

Video: Một số câu hỏi – đáp liên quan

Quán Thân không có tâm ý thức thì sao phản ứng với xung quanh?

Có phương pháp gì để quan sát riêng tâm si không?

Khi quán Thọ, Tâm, Pháp có trạng thái tỉnh giác không?

Quán Tâm, chánh tư duy trong tầng thiền nào là tốt nhất?

Cách quán cảm giác pháp trần hàng ngày

Quán Thân Thọ Tâm Pháp cùng một đối tượng

 

Đinh Hương biên tập và tổng hợp từ các bài viết, video của Thiền sư Nguyên Tuệ

Trả lời