Khi xuất hiện một đối tượng thực tại thì cũng xuất hiện hai loại Tâm biết, có phận sự biết về đối tượng đó.
Một là Tâm biết trực tiếp giác quan ( gọi tắt là Trực giác ) có phận sự GHI NHẬN đối tượng mà triết học và tâm lý học gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng. Tâm biết trực giác này không có tri thức, khái niệm, ngôn từ , phân biệt ( vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt), ghi nhận trung thực đối tượng, không thêm bớt, không bóp méo đối tượng bởi tri thức khái niệm, bởi yêu ghét.
Tâm biết trực giác không phát sinh tham sân si, không phát sinh khổ vui với đối tượng, bao gồm : Nhãn thức ghi nhận đối tượng hình ảnh, Nhĩ thức ghi nhận đối tượng âm thanh, Tỷ thức ghi nhận đối tượng mùi, Thiệt thức ghi nhận đối tượng vị, Thân thức ghi nhận đối tượng xúc chạm và Tưởng thức ghi nhận đối tượng pháp trần. Các tâm biết này chỉ có phận sự Thấy, Nghe, Cảm nhận đối tượng.
Hai là Tâm biết ý thức có phận sự biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Tâm biết ý thức khởi lên theo lộ trình : Niệm – Tư duy – Ý thức do quá trình học hỏi mà có và nhờ Trí nhớ ( Niệm ) nhớ được những điều đã học, được lưu giữ trong bộ nhớ tâm thức dưới dạng các thông tin pháp trần được mã hoá. Tâm biết ý thức được triết học và tâm lý học gọi là Nhận thức lý tính đối tượng. Tâm biết ý thức trên lộ trình tâm Tám Tà ( Bát tà đạo ), biết đối tượng không đúng sự thật, gọi là vô minh tà kiến nên sẽ phát sinh tham sân si, phát sinh ràng buộc, phát sinh khổ vui với đối tượng.
Trong cuộc sống hàng ngày, tại một thời điểm có rất nhiều đối tượng xuất hiện sinh diệt nhanh chóng đan xen nhau nhưng bao giờ tại thời điểm đó cũng có một ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI nhất sinh lên rồi diệt đi và tiếp nối lại có một ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI khác sinh lên rồi diệt đi. Đối với các đối tượng không nổi trội, lộ trình tâm sẽ DỪNG LẠI tâm biết trực giác không có thái độ, lời nói hành động, không có khổ vui với các đối tượng này.
Còn ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI thì tâm biết ý thức khởi lên xác định đối tượng đó là cái gì, đẹp hay xấu, thơm hay thúi, trắng hay đen, đúng hay sai, thiện hay ác … Do tâm biết ý thức như vậy mà sẽ có thái độ thích hay ghét, sẽ có lời nói, hành động phản ứng, và sẽ có khổ vui với đối tượng.
Nếu đối với các ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI này mà Trí nhớ, Nhớ đến chú tâm GHI NHẬN các đối tượng NỔI TRỘI khởi lên thì lộ trình tâm sẽ DỪNG LẠI GHI NHẬN từ đối tượng nổi trội này sang đối tượng nổi trội khác. Và như vậy TOÀN BỘ CÁC ĐỐI TƯỢNG kể cả các đối tượng nổi trội hay không nổi trội sẽ chỉ có tâm biết trực giác ghi nhận đối tượng mà tâm biết ý thức vô minh, tà kiến không khởi lên.
Trạng thái tâm chỉ có tâm biết trực giác như vậy gọi là TĨNH GIÁC. Với trạng thái Tĩnh Giác này sẽ không có tham sân si, không có ràng buộc, không có phiền não với bất kỳ đối tượng này. Tuệ tri trạng thái tâm Tĩnh Giác như vậy còn gọi là Tuệ tri Khổ Diệt hay Tuệ tri Niết Bàn, còn gọi là tuệ tri Tâm Giải Thoát hay tuệ tri Không tánh giải thoát.
Trước đến nay khi thực hành Chánh niệm về thân là Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận các Cảm giác trên thân, cụ thể là nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận các cảm giác trên thân theo 4 giải đoạn của hơi thở. Bây giờ hãy thực hành Chánh niệm là Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận mọi đối tượng nổi trội.
Hãy xiết chặt răng lưỡi và để tự nhiên, không hướng đến bất kỳ đối tượng nào. Khi xuất hiện một ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI thì lập tức có sự chú tâm vào đối tượng nổi trội đó một cách tự động. Lúc đó nhớ đến GHI NHẬN thì lập tức hai từ GHI NHẬN khởi lên với đối tượng và lộ trình tâm sẽ dừng lại tâm biết trực giác ghi nhận đối tượng, không có gì diễn tiến tiếp theo ( không có thích ghét, khổ vui ). An trú Tĩnh giác trên mọi đối tượng như vậy gọi là An trú với tâm không hạn chế ( đối tượng ), an trú với tâm vô lượng.
– Khi tọa thiền : Lúc này chủ yếu có 3 loại đối tượng: Cảm giác trên thân, Cảm giác âm thanh, Cảm giác pháp trần ( Cảm giác hình ảnh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị không có ). Xiết chặt răng lưỡi để hoàn toàn tự nhiên, hễ có đối tượng nổi trội nào thì có sự chú tâm vào đối tượng một cách tự động thì lập tức khởi lên GHI NHẬN.
Đang ghi nhận, ghi nhận đối tượng đó mà xuất hiện một đối tượng nổi trội hơn thì lập tức khởi lên ghi nhận đối tượng nổi trội mới. Sự chú tâm ghi nhận sẽ xẩy ra liên tục từ đối tượng nổi trội này sang đối tượng nổi trội khác một cách liên tục, dễ dàng và tự nhiên. Nếu mới bắt đầu thực hành có thể xiết chặt răng lưỡi rồi hướng đến từng loại đối tượng. Khởi đầu hướng đến cảm giác trên thân và ở đâu xuất hiện cảm giác nổi trội thì khởi lên ghi nhận, ghi nhân cảm giác nổi trội đó và rồi sự ghi nhận sẽ tự động xẩy ra từ cảm giác nổi trội này sang cảm giác nổi trội khác. Tiếp đến, hướng đến đối tượng âm thanh và ghi nhận các đối tượng âm thanh nổi trội. Tiếp đến, hướng đến cảm giác pháp trần tức những hình ảnh, âm thanh … được lưu giữ trong bộ nhớ được “tưởng ra”, được tái hiện lại và nhớ đến ghi nhận thì sự ghi nhận sẽ xẩy ra từ đối tượng nổi trội này sang đối tượng nổi trội khác. Xong thì buông ra, không hướng đến đối tượng nào, để tự nhiên như nhiên và nhớ đến ghi nhận các đối tượng nổi trội.
– Khi thiền hành : Lúc này có 3 đối tượng chủ yếu là : Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh và Cảm giác trên thân. Xiết chặt răng lưỡi để tự nhiên và hễ đối tượng nào nổi trội thì lập tức và tự động có sự chú tâm vào đối tượng đó, lúc đó khởi lên hai từ GHI NHẬN, GHI NHẬN … Sự ghi nhận sẽ xẩy ra liên tiếp từ đối tượng nổi trội này sang đối tượng nổi trội khác một cách liên tục khít khao, không gián đoạn.
– Mọi tư thế đi đứng nằm ngồi, ăn uống, làm việc phải rèn luyện trí nhớ ghi nhận các đối tượng nổi trội. Hễ thấy, hễ nghe, hễ cảm nhận cái gì nổi trội, lập tức có sự chú tâm vào đó thì nhớ khởi lên GHI NHẬN đối tượng đó. Việc này phải luyện tập để trở thành một thói quen, một lối sống hàng ngày, lối sống Chánh niệm – Tĩnh giác.
* Luyện tập Trí nhớ Chánh ( Chánh niệm ), Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận các đối tượng nổi trội phải thường xuyên, liên tục, không gián đoạn. Muốn vậy chỉ cần luôn luôn nhắc thầm hay niệm thầm GHI NHẬN, GHI NHẬN thì trí nhớ về ghi nhận đối tượng nổi trội sẽ khởi lên và khi xuất hiện đối tượng nổi trội thì sự ghi nhận sẽ tự động xẩy ra. Nếu đang đi hoặc làm việc có nhịp thì nhắc thầm theo nhịp, nếu không có nhịp thì lên tục nhắc thầm ghi nhận, ghi nhận … theo cách sao cho tự nhiên và thoải mái.
* Khi có Chánh niệm, Nhớ đến ghi nhận đối tượng nổi trội thì sẽ có sự chú tâm liên tục, khít khao từ đối tượng nổi trội này sang đối tượng nổi trội khác và đó là chú tâm không tầm không tứ sẽ làm phát sinh trạng thái Định không tầm không tứ ( nhị thiền trở lên ). Lúc này sẽ kinh nghiệm trạng thái tâm Chánh Định có Tích cực ( tinh tấn ), có Vui ( hỷ ), có Thoải mái ( lạc ) của nhị thiền cho dù đang đi thiền hành.
* An trú Chánh niệm ghi nhận đối tượng nổi trội được liên tục sẽ an trú Tĩnh giác, lúc đó sẽ kinh nghiệm trạng thái tâm trống rỗng, trống không, vắng lặng mọi tư tưởng, mọi ý niệm ( vô niệm ) đặc biệt là ý niệm thời gian. Vì không có khái niệm thời gian nên không có quá khứ, không có tương lai, không có đời này, không có đời sau, không có khoảng giữa hai đời.
Đó là Tâm giải thoát hay Không tánh giải thoát. Đương nhiên Tâm giải thoát này chỉ nhiếp phục ( đè nó xuống ) chứ không thể đoạn tận tham sân si, chỉ có Tuệ giải thoát khi Niệm thọ, Niệm tâm, Niệm pháp mới đoạn tận tham sân si, mới đưa đến giải thoát tối hậu. Tuy nhiên khi đã thuần thục Chánh niệm ghi nhận đối tượng nổi trội thì thực hành Chánh niệm về thọ, về tâm, về pháp trên các đối tượng nổi trội sẽ rất dễ dàng thành tựu. An trú Tỉnh giác với Chánh niệm ghi nhận đối tượng nổi trội sẽ thấy các sự vật luôn luôn “tươi mới” như lần đầu tiên thấy vậy, không cũ mòn, không nhàm chán như xưa, và sẽ nhiếp phục được 80 đến 90% nỗi khổ trong đời do tham sân si khởi lên.
FB Tỳ kheo Nguyên Tuệ, ngày 23/02/2020
Nghe bản ghi âm